#WorkHoursLove là series các câu chuyện thú vị về mọi ngành nghề, thể hiện tinh thần tích cực, tiến bộ của người Việt Nam do The Millennials Life hợp tác sản xuất nội dung với cộng đồng Digikigai
Khi trưởng thành, hầu hết chúng ta vô tình bị kéo theo guồng quay cuộc sống và dần tách rời khỏi những giá trị cốt lõi của chính mình.
Không khó nhận ra rằng có rất nhiều người trẻ đang mất phương hướng trên hành trình khám phá cuộc sống. Họ chán ghét công việc mình đang làm, nhưng không đủ dứt khoát để thay đổi. Mâu thuẫn nội tại là hệ quả của việc bị tác động bởi giá trị vật chất bên ngoài và quên mất chính mình cũng có những nhu cầu riêng cần được đáp ứng.
Nếu bạn đang cảm thấy lạc lõng trên hành trình phát triển bản thân, thì Fireside Chat: Inner-Self Work for Outer-World Success chính là “dấu hiệu” vũ trụ gửi đến cho bạn.
Khách mời của Fireside Chat lần này là chị Zoey Nguyễn, co-founder và COO của Chopp. Với 10 năm kinh nghiệm về sale operation ở nhiều quốc gia, tham gia xây dựng một số sản phẩm tech cho thị trường Singapore, Malaysia, Việt Nam, và hiện đang điều hành một startup thuộc lĩnh vực e-commerce, những chia sẻ từ khách mời Zoey Nguyễn hứa hẹn sẽ đem đến góc nhìn thiết thực xoay quanh câu chuyện dung hòa cuộc sống và công việc.
Bài viết được The Millennials Life biên tập từ
nội dung podcast Inner-Self Work for Outer-World Success
Trước khi vào phần phỏng vấn, Zoey có thể giới thiệu qua về bản thân và Chopp không?
Tên thật của mình là Duyên, nhưng vì đã làm việc qua nhiều quốc gia nên cái tên Zoey đã gắn với mình hơn 10 năm nay.
Năm 2015, mình đồng sáng lập và hiện tại đang là COO của Chopp – dịch vụ đi chợ hộ online, có mặt cả trên ứng dụng và website. Sứ mệnh của Chopp là đem đến nguồn thực phẩm an toàn và lành mạnh cho mọi người thông qua việc sử dụng nền tảng công nghệ.
Song song đó, Zoey còn là thành viên của Isha Foundation – tổ chức dịch vụ cộng đồng phi lợi nhuận gần như lớn nhất thế giới, có tư cách ở 20 quốc gia. Isha là đơn vị tổ chức flagship program Inner Engineering (Kiến tạo bản thân) với 5.000–6.000 học viên toàn cầu từ Mỹ, Châu Âu, Châu Á-Thái Bình Dương… tham gia khóa học này mỗi tháng. Hiện tại, Isha là tham vấn đặc biệt cho Hội đồng kinh tế và xã hội của Liên Hợp Quốc. Trong năm 2022, Isha đang thực hiện một dự án về sinh thái học có thể xem là lớn nhất toàn cầu, mang tên Hành Tinh Tỉnh Thức, nhằm làm thay đổi nhận thức của mọi người về vấn đề cứu lấy nguồn đất và chống biến đổi khí hậu.
Công việc ở Isha rất ý nghĩa, còn Chopp đã trở thành một phần rất lớn của Zoey từ 2015 rồi. Đây đều là những việc mà Zoey cảm thấy vô cùng hứng thú trong cuộc sống hiện tại của mình.
Đi kèm với quá trình phát triển sự nghiệp và bản thân, chúng ta không thể tránh khỏi những quãng thời gian bị kiệt sức (burnout) với khối lượng công việc và những áp lực khác nhau của cuộc sống. Zoey đã đối mặt thế nào với tình trạng này và hướng giải quyết bạn đưa ra trong thời điểm đó là gì?
Khi bạn dành thời gian và công sức của mình cho bất cứ chuyện gì, đặc biệt là với những người hay tham công tiếc việc, hoặc những người đang trong giai đoạn khởi nghiệp, thì quá tải là chuyện không thể tránh được.
Người ta thường nói thế này, nếu làm startup mà chưa từng burnout, tức là bạn đang làm quá ít. Trong 3 năm đầu làm Chopp, mỗi ngày làm việc của Zoey kéo dài ít nhất 14-16 tiếng. Trừ thời gian ngủ ra, mình không hề có khái niệm cuối tuần hay ngày nghỉ gì cả – không một giây phút nào Zoey không lo nghĩ về công việc, về khách hàng, đối tác, các nhà đầu tư của mình. Cứ như vậy trong suốt 3 năm trời.
Đó là quãng thời gian rất “không healthy và balance” của mình. Ăn không ngon, ngủ không yên, Zoey sinh ra dễ lo lắng, dễ cáu gắt. Trên văn phòng, mình toàn “đóng vai ác” thôi. Các bạn làm cùng Zoey thời gian đó sẽ có ấn tượng là mình rất nghiêm, đôi khi khó tính xét nét nữa.
Theo những gì mình tìm hiểu, khi nói đến burnout, cơ bản sẽ có 2 loại: kiệt sức về thể chất và kiệt sức về tinh thần. Tình trạng sau khó phục hồi hơn và gây ảnh hưởng đến nhiều thứ hơn, như năng lượng, các mối quan hệ, và cả cuộc sống của bạn nữa.
Thời điểm đó, Zoey bị kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng mình nghĩ tinh thần nhiều hơn vì áp lực làm startup rất rất lớn. Chuyện kêu gọi đầu tư, tìm kiếm nhà đầu tư thôi đã rất áp lực rồi, chưa kể đến việc làm sao để tạo ra sản phẩm và dịch vụ tốt cho khách hàng, phục vụ được mục tiêu ban đầu đề ra.
Thế nhưng trong lúc ấy, lựa chọn của mình là “vay mượn” sức khỏe bản thân để có thể tập trung cho công việc trước. Mình luôn trong trạng thái vùng vẫy – cố gắng hết sức mỗi ngày, ngày này qua ngày khác, và mình thì biết rõ mình đang bước gần đến một bờ vực sâu.
Đó là lựa chọn của mình, nhưng thực ra có rất nhiều cách giải quyết khác để không giảm hiệu suất làm việc mà vẫn không bị kiệt sức. Nghỉ ngơi cũng là một nghệ thuật mà. Vậy nên giờ nếu được quay lại, Zoey nghĩ sẽ áp dụng một phương pháp khác chứ không “vay mượn” nữa.
Hiện nay có nhiều bạn dễ cảm thấy bị peer pressure (áp lực đồng trang lứa) khi nhìn thấy bạn bè, đồng nghiệp, … đã làm được cái này hay có được cái kia. Những so sánh không ngừng về chức danh, mức lương, tài sản, … dẫn đến việc nhiều bạn quyết tâm “thâu đêm suốt sáng” để chứng tỏ năng lực, để trở nên ngang bằng hoặc cao hơn bạn bè mình. Zoey nghĩ gì về điều này?
Đầu tiên, Zoey đánh giá cao những bạn có tinh thần dấn thân, có thể sẵn sàng “thâu đêm suốt sáng” để tập trung cho công việc, bước đến điểm thăng tiến mới trong công việc của mình. Với Zoey, đây là tín hiệu đáng mừng, vì nó cho thấy các bạn không hề lười.
Nhưng với suy nghĩ so sánh thì đây lại là việc làm không được khôn ngoan và không có tính bền vững, cả cho sự nghiệp lẫn cuộc sống. Bền vững là điều rất quan trọng. Bạn cứ hình dung khi đi làm, dù cho bạn có làm startup hay không, thì tổ chức đó đâu chỉ vận hành vài tháng rồi thôi. Nó được kỳ vọng sẽ tồn tại rất lâu. Khi bạn trở thành một phần của tổ chức, sếp và tập thể cũng có kỳ vọng cho bạn. Họ cần bạn phát triển mạnh mẽ nhưng phải bền vững.
Nhiều người cứ cho rằng cố gắng càng nhiều càng tốt. Nhưng câu hỏi đặt ra là bạn có thể cố gắng đến mức nào và đến khi nào? Ở Chopp, nếu Zoey thấy nhân viên mình có dấu hiệu burnout hoặc thấy các bạn đang cố gắng quá mức cần thiết, mình đều nhắc các bạn chú ý điều tiết công việc và hãy dành thời gian nghỉ ngơi.
Vay mượn thì phải trả, và khi vay mượn sức khỏe, chúng ta phải trả những cái giá mình không lường trước được. Nếu các bạn cứ mãi “Không sao mà em làm được!” thì sau một thời gian, hiệu suất công việc (performance) của các bạn sẽ đi xuống.
Càng làm nhiều, chúng ta càng tích lũy nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Performance của bạn cũng theo đó tăng lên, dù chậm nhưng nó sẽ lên đều. Ngược lại, nếu bạn dùng thời gian và sức khỏe để “đẩy” thì performance có thể tăng vọt trong thời gian ngắn đấy, nhưng nó sẽ giảm sau đó. Đến lúc này, cho dù bạn có lo lắng về peer pressure hay không, có sợ mình thua kém ai đó hay không, chắc chắn một điều là một khi đã đi xuống thì sẽ có người khác thay thế bạn.
Zoey rất hay nói với các bạn rằng đừng bao giờ nhìn lên hoặc nhìn xuống, nhìn ngang lại càng không. Nhìn lên trên thấy người ta tốt hơn giỏi hơn, mình thần tượng, kính trọng, nhưng mình cũng áp lực. Nhìn xuống thấy người ta tệ hơn, mình vui vì thấy bản thân tốt hơn nhưng thực chất mình đã giỏi hay chưa? Còn nhìn ngang thì lại so sánh. Vậy nên, tốt nhất là nhìn thẳng phía trước, để xem hôm nay mình đã phát triển được điều gì, làm tốt được cái gì hơn so với ngày hôm qua.
Hành trình phát triển bản thân không tránh khỏi việc thấy cô đơn, lạc lõng. Vì khi phát triển đến một mức nào đó, chúng ta sẽ thay đổi. Một khi đã thay đổi thì những mối quan hệ xung quanh – vốn đã quen với phiên bản trước đây của ta – sẽ dễ rời đi. Làm thế nào để những mối quan hệ trong cuộc sống (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cộng sự, …) có thể cùng đồng hành với chúng ta trên quá trình phát triển đó, cũng như đón nhận sự thay đổi một cách cởi mở và lạc quan nhất?
Chúng ta cần có những mối quan hệ để sống trong xã hội. Nhưng dù cho có nhiều người quanh mình đến đâu, dù là làm gì, trước sau chúng ta vẫn chỉ có một mình thôi. Khi vui, khi buồn, chỉ mình chúng ta cảm nhận rõ ràng nhất cảm giác đó. Người thân, bạn bè, sếp, đồng nghiệp, bạn đồng hành trên con đường sự nghiệp có thể lắng nghe, chia sẻ, tư vấn, nhưng thật sự chẳng ai có thể buồn chung hay vui chung với mình cả.
Zoey thấy càng sớm hiểu được điều đó, chúng ta sẽ có thể nhìn nhận cuộc sống dễ dàng hơn. Mình không bị quá vướng bận với những suy nghĩ về người khác.
Ngoài ra, khi bắt đầu một mối quan hệ bất kỳ, nên tập thói quen đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào đó. Dù là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hay quan hệ yêu đương, thì những mối quan hệ đều dùng để giải quyết một nhu cầu nào đó của bản thân – được chỉ bảo, được giúp đỡ, được yêu thương, được đồng hành, … Và chúng ta cần học cách không đặt niềm vui của mình lên trên mối quan hệ đó, tức không trông đợi người kia sẽ phải là người làm cho mình vui.
Phát triển bản thân không chỉ gói gọn trong phạm vi sự nghiệp. Nó là một hành trình dài để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Đạt được trạng thái đó rồi, lúc ấy bạn cũng như một bông hoa đạt độ “chín” về hương sắc. Khi đó, ong bướm – những mối quan hệ phù hợp – sẽ tự động kéo đến, không cần phải lo sợ chuyện ai đó sẽ bỏ mình mà đi.
Chúng ta nhắc khá nhiều đến phát triển bản thân. Vậy đâu là những kỹ năng quan trọng để phát triển bản thân một cách toàn diện?
Điều đầu tiên, Zoey nghĩ nên hiểu rõ tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng sức mạnh nội tại để tạo được sự bền bỉ ngay từ bên trong. Con người chính là cỗ máy tinh vi nhất trên hành tinh hiện giờ. Chúng ta đang sử dụng cỗ máy này cho một đích đến, cho dù đích đến bạn chọn là thành công, giàu có, hạnh phúc, có một gia đình đầm ấm hay cống hiến sức mình cho cộng đồng.
Nhắc đến những tiêu chí đánh giá có ảnh hưởng mật thiết đến độ thành công và cuộc sống của một người, chúng ta thường nghe nói đến IQ (intelligent quotient – chỉ số thông minh) và EQ (emotional quotient – chỉ số thông minh cảm xúc).
Ở đây, Zoey muốn nhắc tới 2 chỉ số khác quan trọng hơn nhiều, đó là SQ (social quotient – chỉ số thông minh xã hội) và AQ (adversity quotient – chỉ số vượt khó). SQ biểu thị năng lực đối nhân xử thế, khả năng gầy dựng, duy trì các mối quan hệ của bạn. Chỉ số này càng cao đồng nghĩa với việc bạn có thể giữ được các mối quan hệ, giữ được lực lượng cùng đi với mình.
AQ – hay còn gọi là resilience – biểu thị năng lực vực dậy sau vấp ngã. Đây là một trong những yếu tố Zoey tìm kiếm đối với nhân sự của Chopp. Cuộc đời đâu bao giờ bằng phẳng, đã muốn phát triển, chắc chắn phải gặp thử thách. Chỉ số AQ “đo lường” cách chúng ta giải quyết khủng hoảng và đứng dậy sau khủng hoảng đó.
Ngoài ra, Zoey còn muốn nhắc đến yogic culture – khoa học về những yogi cổ xưa hàng nghìn năm. Nếu tìm hiểu về cuộc đời của những CEO lớn trên thế giới, các bạn sẽ thấy rằng hầu hết họ đều là người tìm kiếm tâm linh (spiritual seeker). Với họ, đó là giải pháp tối ưu cho việc phát triển một khi họ đã đạt “đỉnh” thông minh rồi.
Với yogic culture thì cơ thể chúng ta có 5 lớp. Ở đây mình sẽ chỉ nhắc đến 3: physical body (cơ thể vật lý), mental body (suy nghĩ và cảm xúc), energy body (năng lượng). Đây là 3 yếu tố quan trọng để hình thành nên một con người hoàn chỉnh, để họ có thể chạm đến tiềm năng cao nhất của mình. Không cần biết là làm gì, Zoey luôn muốn đạt đến “điểm chạm” cuối cùng này: luôn trong trạng thái hiệu suất hết mức, đầu óc luôn minh mẫn, cảm xúc luôn cân bằng, năng lượng luôn tươi sáng. Những yếu tố này kết hợp sẽ tạo nên một cỗ máy tốt. Tốt rồi thì mới có thể nghĩ đến chuyện khác.
Với startup, thành công thì tốt, nhưng nếu thời điểm này chưa được, chúng ta không tránh khỏi việc nghe phản hồi tiêu cực từ nhiều người – gia đình, bạn bè, người thân quen, … Những câu nói như “Đã bảo mà không nghe!” là áp lực rất lớn cho những người làm startup. Với kinh nghiệm của mình, Zoey có lời khuyên nào cho các bạn đang có ý định khởi nghiệp nhưng phải đối mặt với quá nhiều những áp lực tương tự từ những người xung quanh?
Nếu các bạn tạo ra những sản phẩm như Facebook hoặc Tesla thì đó sẽ là một câu chuyện khác. Nhưng nhìn chung, không có con đường nào trải hoa hồng cả. Đã chọn con đường khởi nghiệp, dù thành công hay thất bại, bạn vẫn có thể gặp phải ý kiến trái chiều và chịu khổ từ rất nhiều hướng.
Đừng chỉ tập trung vào những gì màu hồng của startup. Con đường này nhiều chông gai hơn những gì nó thể hiện ra bên ngoài. Nếu chọn làm startup, Zoey nghĩ bạn nên cho bản thân sự chuẩn bị tốt nhất về kiến thức và thông tin thị trường.
Tiếp theo, hãy suy nghĩ về động cơ. Lý do nào bạn muốn bắt đầu công ty khởi nghiệp? Đừng vì thấy cái này cái kia đang được quan tâm, hoặc dự đoán sẽ thành trào lưu trong tương lai. Nếu động cơ không đủ lớn mạnh, trên đường dù đá lớn hay đá nhỏ cũng sẽ khiến bạn vấp đau và dễ bỏ cuộc. Tìm hiểu những startup nổi tiếng và thành công nhất, bạn sẽ thấy họ đều bắt đầu bằng khao khát giải quyết một vấn đề đang tồn tại trong xã hội / thị trường mà đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có giải pháp nào là tốt nhất. Từ khao khát đầu tiên, họ dùng công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng, kiến thức của mình; tìm người đồng hành, tạo lập đội nhóm, tìm nhà đầu tư đi cùng hướng với mình để có thể giải quyết vấn đề đó.
Khi bắt đầu Chopp, mình nhận thấy rất nhiều người đi làm về không có thời gian đi siêu thị – nào kẹt xe, nào hệ thống giao thông công cộng không thuận tiện – thì chuyện có người đi chợ giúp sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian để chúng ta cân bằng cuộc sống, chăm lo bản thân và gia đình. Đó là vấn đề mà Chopp muốn giải quyết. Dù phải mất bao nhiêu lâu, gặp bất cứ khó khăn gì, thì nó vẫn là chuyện tụi mình khao khát muốn làm, và tụi mình sẽ không dừng lại chừng nào nó vẫn chưa được giải quyết.
Cuối cùng, hãy học cách tận hưởng hành trình đó. Nếu bạn thật sự enjoy chuyện dậy sớm mỗi ngày, lên văn phòng, gặp nhà đầu tư, thuyết phục họ rót vốn, gặp gỡ khách hàng, cải thiện chất lượng sản phẩm của mình thì cho dù có thất bại, bạn cũng đã có cơ hội làm thứ mình thấy thích, vậy thì tại sao lại không?
Cảm ơn chị Zoey Nguyễn vì buổi trò chuyện này!
Theo dõi chị Zoey Nguyễn: Digikigai Thought Leader
Xem lại toàn bộ nội dung Fireside Chat: JobHopin Podcast
Tham gia Digikigai và theo dõi thêm các số sau: Cộng đồng Digikigai
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Thảo luận về bài viết