#WorkHoursLove là series các câu chuyện thú vị về mọi ngành nghề, thể hiện tinh thần tích cực, tiến bộ của người Việt Nam do The Millennials Life hợp tác sản xuất nội dung với cộng đồng Digikigai
Cách mạng công nghiệp 4.0 – giai đoạn bùng nổ của các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội – tạo điều kiện cho chúng ta tiếp cận thông tin dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đem đến một số mặt trái nhất định. Thông tin đa chiều không chỉ khiến chúng ta – đặc biệt là người trẻ – gặp khó khăn trong việc chắt lọc kiến thức và định hình tư duy, mà nó còn làm cho việc cân bằng đời sống cá nhân, công việc, xã hội của mỗi người thêm nhiều thử thách.
Vậy đâu là “chìa khóa” để có thể vừa làm việc mình giỏi, vừa phát triển bản thân, mà vừa có thể phần nào đóng góp tích cực cho xã hội? Trong buổi Fireside Chat with Experts kỳ này, Creating a Social Impact in a Busy, Tech-driven Life, hãy cùng anh Lê Đình Hiếu (Co-founder & CEO G.A.P Institute) trò chuyện về trải nghiệm “xoay mình 180 độ” qua những ngành nghề khác nhau, từ đó hiểu hơn về sự tác động của công nghệ đến việc lĩnh hội kiến thức trong thời kỳ 4.0 này.
Đôi nét về anh Lê Đình Hiếu:
– Năm 2012, bỏ thế giới Tư vấn & Tài chính để bắt đầu sự nghiệp giáo dục với Everest Education.
– Năm 2015, Đồng sáng lập Tổ hợp giáo dục: Học viện GAP – Tổ chức MAX Education – Quỹ phi lợi nhuận HUN.
– Năm 2016, được vinh danh Forbes Vietnam 30 Under 30.
– Năm 2018, anh trở thành Lãnh đạo trẻ tuổi nhất Đại học VinUni với chức danh Giám đốc Marketing, Truyền thông, và Tuyển sinh.
Bài viết được The Millennials Life biên tập từ
nội dung podcast Creating a Social Impact in a Busy, Tech-driven Life
Trước khi vào phần phỏng vấn, anh Hiếu có thể chia sẻ với độc giả đôi điều về mình?
Chào mọi người, anh là Lê Đình Hiếu. Rất vui khi có cơ hội trò chuyện với các bạn trên nền tảng OnMic thú vị này.
Để nói về bản thân, anh sẽ dùng chữ may mắn. Lý do vì xuyên suốt hành trình sự nghiệp, anh đã có rất nhiều “điểm chạm” làm thay đổi cuộc đời. Cứ mỗi khi băn khoăn điều gì, anh lại có cơ duyên được ai đó khai sáng, giúp anh tìm ra con đường mới để đi.
Khi còn ở độ tuổi trung học, anh được gặp gỡ những anh chị từng là du học sinh. Họ có một phong thái vô cùng tự tin. Nhìn người ta đi đứng, ăn mặc, nói chuyện, tự nhiên thấy sang ơi là sang vậy đó. Thế là anh bắt đầu nuôi ý định đi du học.
Bố mẹ anh không phản đối, chỉ nói nếu kiếm được học bổng thì cho đi. Cuối cùng, anh cũng đạt được ước mơ đó với sự hỗ trợ không nhỏ từ gia đình trong khoản chi phí ăn ở. Sau một thời gian rất ngắn ở NUS (National University of Singapore – Đại học Quốc gia Singapore), anh chuyển tiếp qua ngôi trường đã làm thay đổi cuộc đời mình, UCLA (University of California, Los Angeles – Đại học California, Los Angeles).
UCLA là một trong những trường lớn của Mỹ, thường xuyên đứng top 3 và top 5 trong nhóm trường Đại học công lập. Sang UCLA, anh theo học ngành Toán Kinh tế, trở thành người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp thủ khoa ngành này và được đại diện toàn bộ sinh viên đọc diễn văn cảm ơn trong buổi lễ tốt nghiệp. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời với anh.
Hai năm sau khi tốt nghiệp ở Mỹ và thời gian đầu khi mới về Việt Nam, anh làm việc trong ngành tài chính và tư vấn quản trị chiến lược. Nhớ lại thời điểm đó, anh là một trong những lứa consultant đầu tiên của BCG khi họ bắt đầu đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Khoảng 5 năm sau, anh có cơ duyên gặp gỡ những người rất xuất sắc trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đều đã nghỉ công việc toàn thời gian để ấp ủ giấc mơ làm giáo dục. Được “rủ rê” làm chung, anh tham gia sáng lập đơn vị giáo dục đầu tiên là Everest Education (E2) và điều hành nó trong 5 năm tiếp theo. Nhưng sau khi E2 gọi vốn Series A thành công, anh rời đi để tiếp tục đi học.
Lần trở lại với trường lớp này, anh theo học một ngành rất thú vị tại Đại học Stanford là Doanh nghiệp Xã hội (social entrepreneurship). Đúng hơn thì đó là một chương trình trao đổi ngắn hạn kết hợp nghiên cứu. Sau đó, anh tiếp tục sang UPenn (University of Pennsylvania – Đại học Pennsylvania) học Thạc sĩ Nghiên cứu Khởi nghiệp Giáo dục.
Tốt nghiệp xong, anh về làm việc tại VinGroup với vị trí Giám đốc Marketing, Truyền thông, và Tuyển sinh tại Đại học VinUni. Song song đó, anh cũng sáng lập Học viện G.A.P (Global Acknowledge Professionals – Học viện Đào tạo Phương pháp Tư duy và Kỹ năng sống G.A.P), một mô hình doanh nghiệp xã hội tập trung vào việc đào tạo kỹ năng và tư duy lãnh đạo cho người trẻ.
Năm ngoái anh vừa trở lại Harvard để thực hiện một nghiệp cứu về Quản trị trường học. Và sắp tới nếu có thời gian, anh có dự định quay lại Mỹ để tiếp tục bậc Tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkins.
Anh có thể chia sẻ thêm với độc giả về quyết định và quá trình chuyển đổi từ lĩnh vực tư vấn quản trị sang giáo dục, 2 lĩnh vực có thể gọi là “khác nhau 180 độ”?
Đầu tiên phải nói thật thế này, làm consultant không có gì để chê cả. Lương tốt, lại thêm cơ hội làm việc, kết nối với các doanh nghiệp rất lớn trên toàn cầu. Nhưng anh vẫn quyết định “chuyển mình” vì một sự kiện mà đến giờ anh vẫn còn nhớ rất rõ.
Khi đó, anh vẫn còn làm việc cho một consulting firm. Lần nọ, tụi anh được phân công hỗ trợ bên khách hàng là một doanh nghiệp sản xuất lớn của Mỹ và vừa vào thị trường Việt Nam được hơn một năm.
“Đề bài” đưa ra là khách hàng cần thay thế 1.500 công nhân đang làm việc cho doanh nghiệp thời điểm đó. Khi doanh nghiệp vào Việt Nam đặt nhà máy, địa phương đã ưu đãi họ về thuế và đất đai. Ngược lại, họ phải ưu tiên tuyển người từ địa phương.
Nhưng sau một năm, khách hàng không hài lòng về chất lượng công việc của 1.500 công nhân được tuyển dụng theo cơ chế đặc biệt này. Họ muốn tụi anh nghiên cứu về chính sách, luật pháp, và tất cả những giấy tờ đã ký với địa phương để xem có cách nào thay thế 1.500 người này không.
Thời điểm đó là cuối năm dương lịch. Khách hàng vô cùng hài lòng với phần tư vấn và giải pháp bên anh đưa ra. Họ bày tỏ mong muốn tụi anh ký hợp đồng thực thi để xúc tiến bước tiếp theo, đó là sa thải ngay 1.500 người này “kịp” trước Tết Nguyên đán để tiết kiệm khoản tiền thưởng lương tháng 13.
Hôm đó về, anh đã suy nghĩ rất nhiều. Nhưng là nhân viên, mình vẫn phải hoàn thành công việc thôi. 1.500 bộ hồ sơ được hoàn tất và trao lại cho khách hàng lúc gần Tết. Mỗi bộ hồ sơ tương ứng với 1 người công nhân bị sa thải.
Kết thúc công việc, anh vẫn đau đáu những suy nghĩ về họ. 1.500 người vừa bị sa thải. Rồi sẽ có những người vợ phải rời quê, đến thành phố mưu sinh vì chồng họ mất việc. Rồi sẽ có những đứa trẻ Tết này không có áo mới, sau Tết có khi không bao giờ quay lại trường được nữa vì bố các em không còn làm ra tiền.
Anh quyết định lên gặp sếp. Điều bất ngờ là bác ấy biết trước ý định của anh, và đã đợi anh sẵn từ sáng sớm hôm đó. Anh nói ra trăn trở của mình, rằng với vai trò một người consultant, anh đã giúp khách hàng tìm ra kẽ hở pháp luật, anh đã giúp một công ty nước ngoài sa thải 1.500 công nhân Việt Nam ngay trước Tết. Anh làm vậy là đúng hay sai?
Câu trả lời của bác đến giờ vẫn in đậm trong tâm trí anh. Bác ấy nói anh làm đúng. Nếu anh không làm, thì công ty sẽ cho một người consultant khác phụ trách. Nếu công ty không làm, khách hàng sẽ tìm đến một đơn vị tư vấn khác tại Việt Nam. Nếu không có bất cứ đơn vị nào đồng ý, thì họ tất sẽ rời khỏi Việt Nam. Vì mục đích của họ khi đến Việt Nam là để tối đa hóa lợi nhuận.
“Như vậy, cậu phải hiểu một điều, cậu không khiến cho 1.500 người bị sa thải, mà cậu chỉ chuyển 1.500 công việc từ những người này sang những người khác. Điều quan trọng là cậu vừa giữ lại được 1.500 công việc đó tại Việt Nam.”
Nhưng mà sau đó anh vẫn… ngoan cố cãi tiếp, vì rõ ràng 1.500 gia đình đã mất Tết. Và sếp anh đã trả lời thế này: “Cậu thử nghĩ xem vì sao 1.500 người vừa rồi bị sa thải quá dễ dàng như vậy. Nếu họ là những chuyên gia công nghệ, hay là bác sĩ, kỹ sư, họ có mau chóng bị thay thế không? Vì đâu khách hàng có thể lập tức tìm được 1.500 người khác vào? Cậu cần đặt lại câu hỏi. Chủ thể mà câu hỏi hướng đến nên nằm ở đất nước của cậu, chứ không phải đối tác nước ngoài, càng không phải đơn vị tư vấn của chúng ta.”
Cuộc nói chuyện đó diễn ra ngay những ngày cận Tết. Sau Tết, anh quyết định xin thôi việc. Anh nhận thức rất rõ một điều, rằng mình có thể làm công việc này rất xuất sắc, nhận được mức lương rất tốt với một người trẻ như anh thời điểm đó. 3.000USD/tháng có thể giúp anh mặc áo đẹp, đi chơi vui, nhưng nó không thể cho anh cảm giác hạnh phúc hay mãn nguyện, nó cũng không giúp anh thấy được giá trị mình muốn tạo ra cho xã hội. 30/4 năm đó là ngày cuối cùng anh còn thuộc về thế giới consulting.
Sau đó, cuộc đời anh chính thức sang một trang mới: khởi nghiệp về giáo dục. Công việc đầu tiên là làm giáo viên dạy Toán, đơn giản vì anh yêu Toán và cũng giỏi môn học này. Đi dạy 2 năm mới bắt đầu lên vị trí quản lý, dần dần sau này thì điều hành những công ty về giáo dục khác nhau.
Câu chuyện trên là điểm chạm vô cùng quan trọng trong cuộc đời anh. Anh không nói rằng làm cho doanh nghiệp nước ngoài hay làm ngành tư vấn quản trị chiến lược là sai hay không nên. Đó đơn giản chỉ là những sự lựa chọn. Và mỗi chúng ta đều sẽ đưa ra những lựa chọn khác nhau trong đời.
Có nhiều lĩnh vực khác nhau để tác động và tạo ra những giá trị hướng đến xã hội, vì sao anh lại chọn giáo dục – vốn vẫn được xem là một mảng khó làm. Anh có ngại hay có sợ rằng mình sẽ không thành công?
Anh tin rằng tất cả chúng ta rồi sẽ phải đặt chân lên những con đường mình chưa bao giờ quen thuộc. Đi hoài những con đường quen thì an toàn đấy, nhưng anh nghĩ cuộc đời sẽ rất nhàm chán nếu anh cứ mãi như thế.
Và chắc chắn khi làm điều gì mới, chúng ta luôn phải đối diện với những thứ khiến mình lung lay, làm mình nghi ngờ về khả năng chạm đích cuối cùng. Biết để chuẩn bị tốt hơn, chứ không phải để ngại hay sợ. Đó là tư duy đầu tiên của anh khi quyết định làm giáo dục.
Tư duy tiếp theo cũng đơn giản thôi. Ngay thời điểm đó, điều làm anh khắc khoải nhất chính là giá trị của người Việt Nam trong mắt các công ty nước ngoài nói riêng và người nước ngoài nói chung. So với các quốc gia khác, khả năng cạnh tranh của nhân sự Việt Nam rất kém.
Vì thế, anh đặt ra câu hỏi: Đâu là thứ sẽ giải quyết được gốc rễ vấn đề một cách triệt để nhất? Ở đây, anh sẽ dùng chữ đào tạo. Anh không đi theo hướng chỉ cung cấp kiến thức đơn thuần, mà nó sẽ là những hoạt động mang tính chất ươm mầm cho người Việt.
Anh có thể chia sẻ thêm về Học viện G.A.P cũng như những giá trị xã hội mà các hoạt động về giáo dục của anh đã tạo nên?
Thời điểm thành lập G.A.P, anh đứng trước rất nhiều những sự lựa chọn. Dù không phải dân tech nhưng tụi anh vẫn nhận thức được rằng công nghệ mang đến sự lan tỏa. Nó có thể giúp việc tiếp nhận kiến thức trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt với những bạn không sinh sống tại các thành phố lớn như TP.HCM. Cần chi ở vùng sâu vùng xa, chỉ cần cách TP 2-3 tiếng đi xe thôi, các bạn đã có thể không bao giờ có cơ hội được học với những trainer xuất sắc nhất rồi.
G.A.P ra đời. Tụi anh vẫn mở lớp tại trung tâm quận 1, đào tạo những kỹ năng khác nhau – từ đơn giản như tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, cho đến những thứ cao hơn như tư duy thiết kế (design thinking) hay những chương trình đào tạo về khởi nghiệp. Tuy nhiên, mô hình cần đảm bảo 2 yếu tố.
Thứ nhất là cơ chế cứ 3 học viên đóng tiền thì có 1 bạn được học miễn phí. Danh sách học viên được ưu đãi đó sẽ được liên tục cập nhật trong quá trình tụi anh hợp tác với Thành đoàn và các trường ĐH lớn nhỏ trong thành phố.
Thứ hai, đó là trong mỗi lớp, tụi anh đều đặt máy quay để thu lại toàn bộ chương trình đó. Kết thúc khóa, những video này sẽ được gửi về cho những tỉnh thành xa hơn. Khoảng 1 tháng sau đó, G.A.P sẽ có trainer và chuyên gia đi đến các điểm trường này để giải đáp thắc mắc kết hợp làm rõ những kiến thức nào các bạn còn chưa hiểu. Tụi anh cam kết mỗi năm ít nhất phải có 1.000 bạn trẻ được tiếp cận miễn phí nguồn kiến thức này.
Từ khi thành lập vào 2015 đến khoảng thời gian trước dịch, theo thống kê của tụi anh, có khoảng 25.000 bạn sinh viên đã được học các chương trình của G.A.P.
Vào thời điểm đó, mạng xã hội và các tiện ích công nghệ cũng chỉ mới trong giai đoạn phát triển. Anh có gặp khó khăn gì trong việc đưa kiến thức đến các bạn không?
Thật ra cũng không có gì phức tạp. Hồi xưa tụi anh dùng Dropbox thôi. Nhưng trong suốt quá trình triển khai, có 3 điểm khó khăn anh muốn chia sẻ cùng các bạn.
Đầu tiên, bản thân nhà trường khi tiếp nhận thì họ cũng không biết cách triển khai lại như thế nào. Tụi anh thường gặp trường hợp nhà trường báo là ban đầu khi thông báo, các bạn sinh viên cũng hào hứng nhận tài liệu, download video bài học. Thế nhưng số lượng hoàn thành khóa học (làm bài test cuối khóa và gửi lại) thì tỉ lệ thấp hơn rất nhiều.
Thứ hai, càng làm, tụi anh càng nhận ra sự thật rằng người học video sẽ không hiểu được hết tất cả những gì mà người trainer đứng lớp giảng muốn truyền tải. Những phiên bản đầu tiên của chương trình thực ra rất kém. Tụi anh nghĩ các bạn chỉ hiểu được tầm 10-20% thôi. Vậy nên phải ra sức cải thiện chất lượng bằng cách áp dụng các thủ thuật về thiết kế chương trình học và xây dựng tài liệu sao cho toàn bộ chương trình sẽ được bóc tách thành những điểm kiến thức đủ ngắn và dễ nhớ.
Vấn đề cuối cùng cũng là thứ khiến anh suy nghĩ rất nhiều. Ý định của mình là đi theo hướng phi thương mại để giúp được nhiều người nhất có thể. Nhưng sau này, có rất nhiều nơi khác lấy tài liệu miễn phí của tụi anh để biến thành đồ của họ. Đối tượng sinh viên ở tỉnh xa không phải khách hàng của tụi anh, nên tụi anh sẵn sàng cho đi miễn phí. Thế nhưng sau đó nó lại bị đưa ngược về thành phố, bị lấy đem đi dạy cho các bạn ở thành phố, thành ra tụi anh “tự” cạnh tranh chính mình. Anh thì thấy vừa vui vừa buồn. Vui vì chắc nội dung của mình chất lượng đó nên người ta mới lấy, còn buồn vì thấy nó bị dùng sai mục đích ban đầu.
Nghĩ đi nghĩ lại rất nhiều, nhưng cuối cùng anh vẫn xác định rằng đây là thứ mình give-away cho đời, thế thì mình còn lăn tăn, đắn đo về nó làm gì nữa. Đã cho đi thì đừng mong cầu nhận lại gì cả. Nếu cứ lo nghĩ về nó, đầu óc lúc nào cũng nặng nề, và chắc chắn sẽ rất khó để tiếp tục cho đi trong tương lai.
“Thu phí hay không thu phí?” là trăn trở chung của những ai từng làm cộng đồng hoặc từng tổ chức các khóa học / workshop / webinar. Mình làm với tâm thế chia sẻ. Tuy nhiên nếu để miễn phí sẽ có tình trạng nhiều người đăng ký nhưng độ quan tâm và tương tác không cao, dẫn đến chuyện kiến thức mình đưa cho họ không được sử dụng đúng mức. Quan điểm của anh như thế nào về việc này?
Anh nghĩ mình rất rõ ràng về vấn đề này. Với những gì anh xác định là thứ để kiếm tiền, để đảm bảo tài chính cho cuộc sống, thì anh sẽ làm nó chỉn chu, nghiêm túc. Đổi lại, anh sẽ thu mức phí premium. Ví dụ như khi anh đi đào tạo cho những doanh nghiệp lớn như VinGroup hay Masan, phí một ngày của anh sẽ rơi vào đâu đó 40-50 triệu.
Anh cũng charge mức premium với những chủ đề sốt gần đây như business analytic hay agile innovation (tinh thần đổi mới sáng tạo tinh gọn). Những chương trình này chắc chắn không được ghi hình lại. Nhưng sau phần đào tạo, tụi anh sẽ có những buổi coaching hoặc consulting để doanh nghiệp có thể triển khai được trong thực tiễn của họ.
Ngược lại, những gì đã xác định cho đi, anh sẽ giữ nó ở mức phí rất thấp, có thể thấp đến mức 0 đồng. Những buổi đào tạo hoặc chia sẻ đó lúc nào cũng sẽ được ghi lại, sau đó đem gửi hoặc đăng tải lên các kênh miễn phí cho mọi người.
Ngày nay, công nghệ đã khiến chúng ta tiếp cận mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều. Vậy cách anh làm các hoạt động tạo giá trị xã hội ở thời điểm hiện tại có gì khác so với giai đoạn trước?
Cách đây 10-15 năm, muốn làm trainer không phải chuyện dễ – phải tìm đủ số người tham gia, có địa điểm tổ chức, ngoài ra còn phải có kỹ năng nói trước công chúng (public speaking) tốt nữa.
Nhưng ngày nay thì khác. Hầu như ai cũng có thể trở thành trainer với sự xuất hiện của rất nhiều những nền tảng công nghệ như hiện tại. Bạn có thể đang sharing với 10, 50 hoặc thậm chí 500 người cùng lúc. Không ai biết mặt mũi bạn thế nào, không biết bạn đang nói ào ào hay phải cầm giấy đọc, không biết bạn tự tin hay đang sợ toát mồ hôi. Tất cả những yếu tố này khiến chuyện chia sẻ kiến thức trở nên bớt áp lực hơn.
Nhưng trong bối cảnh đó, để chia sẻ được kiến thức một cách có giá trị và được mọi người chú ý đến, rõ ràng chúng ta phải biết cách sáng tạo những nội dung mới. Với anh, đây chính là vẻ đẹp lớn nhất của thế giới công nghệ hôm nay. Với hơn chục năm kinh nghiệm giảng dạy, anh vẫn không thể nào sáng tạo bằng 100 bạn khác cùng đứng lên đi dạy với mỗi bạn là một góc nhìn, một lượng kiến thức, một cách truyền đạt khác nhau.
Vì thế, anh muốn gửi tới các bạn trẻ một câu, đó là đừng ngại lên tiếng. Hiện tại, có rất nhiều những nền tảng công nghệ cho phép bạn làm điều đó một cách dễ dàng, thoải mái – không cần quá xuất sắc về thuyết trình, không cần chuẩn bị bài vở phức tạp, không cần thuê mướn địa điểm tốn kém. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể đóng góp vào bể kiến thức của nhân loại bằng cách lên tiếng chia sẻ những gì mình có.
Đứng trên góc độ đơn vị đào tạo cũng có một số điểm thú vị. Ngày trước, muốn có học viên thì tụi anh sẽ phải mời những anh chị nổi tiếng với profile cực khủng thì mới đủ hấp dẫn. Nhưng giờ đây, thay vì lệ thuộc vào những trainer siêu sao với số lượng cực kỳ ít, tụi anh có thể dựa vào một lực lượng trẻ hơn, dễ dàng tìm thấy hơn mà vẫn đảm bảo những góc nhìn thú vị và đa chiều để giúp các bạn trẻ khác phát triển. Đó có thể là những bạn đang tham gia chương trình management trainee tại các công ty FMCG, hoặc cũng có thể đang là middle manager của các công ty khác nhau.
Việc này cũng đưa cho các đơn vị như tụi anh nhiều lựa chọn hơn về người tạo nội dung và cách thức cung cấp nội dung phù hợp, phủ được nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong cộng đồng.
Tóm lại, bài toán đào tạo hôm nay đã thay đổi hoàn toàn. Với sự bùng nổ của công nghệ, bất cứ ai trong chúng ta đều có thể học được một cách rất linh hoạt, và ngược lại cũng có thể tạo ra những giá trị rất tuyệt vời cho xã hội bằng cách chia sẻ chính những kiến thức cho một ai đó trẻ hơn, ít kinh nghiệm hơn.
Bên cạnh những ưu điểm, thì đâu là những thách thức mà công nghệ mang đến? Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự tập trung dễ dàng bị “cướp” đi mất vì quá nhiều những tiện ích, ứng dụng công nghệ khác nhau, làm sao để có thể thu hút người khác và tạo ra giá trị xã hội cho nhóm đối tượng đó?
Chúng ta hay nói rằng ed-tech (công nghệ được sử dụng trong giáo dục) giúp tăng khả năng tiếp cận và giúp rút ngắn khoảng cách giàu nghèo khi giờ đây, những bạn trẻ thuộc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội cũng có thể tiếp cận được những chương trình đào tạo tốt với mức giá vô cùng rẻ, đôi khi miễn phí. Thế nhưng anh muốn chia sẻ với các bạn một câu chuyện về mặt trái không ngờ đến của công nghệ.
Nhận xét của anh hoàn toàn là ý kiến cá nhân, chưa thông qua nghiên cứu nào. Nhưng dựa vào những gì anh quan sát và được trải nghiệm, thì ít nhất khi xét trong bối cảnh xã hội Việt Nam, anh nhận thấy ed-tech làm khoảng cách giàu nghèo tăng lên.
Cụ thể, tụi anh có một chương trình nuôi dạy 300 trẻ câm điếc (dự án Hear.Us.Now). Trong đợt dịch vừa qua, các bạn ấy cũng không thể đến trường và phải chuyển sang học online. Qua khảo sát, có 30% các em không có máy tính hoặc thiết bị có thể kết nối được internet để học. Tiếp đó, biết được 70% sống ở những môi trường không có internet hoặc không đủ điều kiện để học online. Đơn cử trường hợp của một em nhà có 7-8 người nhưng chỉ sống trong không gian vỏn vẹn 8 mét vuông. Giãn cách, cả nhà phải ở nhà, làm sao em có thể học được?
Cùng lúc đó, ở MAX, tụi anh cũng có những chương trình đào tạo khác cho đối tượng học sinh cấp 3, sinh viên Đại học muốn săn học bổng nước ngoài. Cũng trong dịch, số lượng các em đăng ký tăng đột biến. Các em tranh thủ thời gian giãn cách, chương trình chính khóa giảm, tiết kiệm thời gian đi lại để học thêm rất nhiều những kiến thức khác nhau – IELTS, SAT, coding, business, computer science, … Sau đợt dịch, nhiều em đã đỗ vào những trường Đại học top đầu thế giới.
Chuyện gì đang xảy ra? Với những em gia đình đủ tiềm lực thì thời gian dịch bệnh là cơ hội để các em trau dồi, mở mang kiến thức, xây dựng một bộ hồ sơ đẹp, tăng cơ hội vào các trường tốt. Ngược lại, với nhóm nghèo của xã hội, dịch bệnh cướp đi của họ gần như tất cả.
Trước đây, họ có thể gửi con em vào học tại các lớp tổ chức ở mái ấm, chùa, nhà thờ, … Nhưng dịch đến, không thể đi học nữa, cũng không đủ phương tiện học online, nhiều nhà quyết định cho con nghỉ để ở nhà làm việc phụ giúp gia đình, vì họ không biết sẽ phải chờ đến bao giờ. Hơn 2 năm, nghèo quá, đói quá, làm sao chờ tiếp được nữa? Đầu tháng 2, khi tụi anh mở lớp trở lại, có 40% các em đã bỏ học luôn.
Đó là câu chuyện từ trải nghiệm, quan sát của anh, và nó cũng là vấn đề khiến anh suy nghĩ. Một trong những “tác dụng phụ” của công nghệ, đó là nó đào sâu chứ không rút ngắn khoảng cách – người nghèo nhất không thể sử dụng nó để thay đổi cuộc đời, còn người khá giả hơn thì dễ dàng tận dụng nó để tăng tốc phát triển.
Chuyện chúng ta dễ bị xao lãng, dễ bị “chìm” trong bể thông tin cũng là một tác dụng phụ như thế. Có mặt trái, nhưng tất nhiên sẽ không thể giải quyết bằng cách kêu gọi dừng sử dụng công nghệ lại. Chúng ta phải hiểu rằng thế giới công nghệ có vô vàn những điều mình chưa bao giờ ngờ đến. Anh xem đó là thử thách lớn nhất mà những người làm quản lý giáo dục như tụi anh hay những đơn vị về công nghệ như JobHopin cần nhận thức được và liên tục nỗ lực để tìm ra giải pháp cho nó.
Cảm ơn anh Lê Đình Hiếu vì buổi trò chuyện này!
Xem lại toàn bộ nội dung Fireside Chat: JobHopin Podcast
Tham gia Digikigai và theo dõi thêm các số sau: Cộng đồng Digikigai
Thảo luận về bài viết