Mình có một cô bạn từ hồi học đại học đã có một ước mơ rất rõ ràng đó là lấy chồng. Tốt nghiệp đại học xong bạn lấy chồng thật. Lấy chồng sau bạn làm công việc văn phòng bình thường, đẻ con và ở nhà chăm con. Gần đây gặp lại bạn và hỏi ước mơ ngắn hạn của bạn là gì, bạn bảo mong đẻ thêm bé nữa. Niềm vui của bạn là gì? Đi làm về nhà đúng giờ chơi với con.
Một cuộc sống yên bình như mô tả ở trên có vẻ là chán với những người phụ nữ mong muốn được phát triển bản thân, phát triển năng lực làm việc, có được mức thu nhập tài chính tốt hay có địa vị nơi chỗ làm. Mình biết rằng có nhiều người xung quanh bạn mình “nhìn thấp” bạn, cho rằng bạn quá an toàn, không có chí tiến thủ. Tuy nhiên bạn lúc nào cũng vui và hài lòng với cuộc sống như vậy. Với mình bạn đã thành công theo cột mốc của riêng bạn.
Xã hội thường đặt ra những quy chuẩn và cột mốc thành công, mỗi thời mỗi khác. Thời cha mẹ chúng ta thành công có thể là có một công việc ổn định, đi làm văn phòng và trung thành với một công ty thật lâu, tích cóp tiền để có được một căn nhà và một chiếc xe, đẻ con và nuôi con thành tài. Thời nay (bài viết này viết vào 2023) định nghĩa thành công với giới trẻ có vẻ hơi khác một chút. Thành công với nhiều bạn trẻ cũng vẫn là kiếm được rất nhiều tiền, nhưng còn đi kèm thêm là công việc tự do, đúng đam mê sở thích, được nhiều người kính nể.
Một vấn đề thường khiến cho nhiều người bị khủng hoảng nghề nghiệp nhất đó là khoảng cách giữa kì vọng của bản thân và tình hình thực tế. Bản thân mình làm những việc giống như người khác, nhưng tại sao lại không có được thành công giống như họ? Mình cũng học đại học, thậm chí còn học giỏi hơn người ta, tại sao bây giờ công việc họ có vẻ thành công hơn? Mình cũng bỏ thời gian xây dựng nội dung, làm Tiktok, đầu tư hình ảnh, nội dung thú vị nhưng tại sao người ta ‘viral’ còn mình cứ bị ‘flop’ hoài?
Câu trả lời là không có một công thức thành công chuẩn giống nhau. Từ những câu chuyện thành công của mọi người xung quanh ở những lĩnh vực khác nhau, mình rút ra một số bài học như thế này:
- Mỗi lĩnh vực ngành nghề đều có những sự đánh đổi. Ví dụ bạn mong muốn làm văn phòng có mức lương cao (vài chục đến vài trăm triệu), thì bạn phải làm những lĩnh vực “hot” như IT hoặc những ngành nghề đặc thù như bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, tài chính hoặc bạn phải phấn đấu lên làm sếp. Khi làm những công việc như vậy, bạn phải chịu áp lực. Thu nhập cao đi cùng áp lực cao. Áp lực cao đòi hỏi bạn cần đánh đổi thời gian cho bản thân, gia đình và đôi khi là cả sức khoẻ.
- Có rất nhiều sự may mắn trên hành trình nghề nghiệp. Không có may mắn của ai giống như ai. Thực tế có những người năng lực rất bình thường, nhưng may mắn gặp đúng thời điểm, có ekip nâng đỡ giúp họ tiến xa. Tuy nhiên không nên dùng từ may mắn mà phủ nhận đi sự cố gắng của người đã thành công. Chẳng có ai thành công hoài mà dựa trên may mắn. Nói vậy để bạn bớt đi cảm giác so sánh vì sao mình và một người khác cùng nỗ lực như nhau mà kết quả là khác nhau. Hãy cứ tập trung vào việc của mình, đừng để tâm đến việc của người khác.
- Thành công / thất bại không phải chuyện một lần, mà lặp đi lặp lại nhiều lần. Và thành công / thất bại thì cũng tuỳ từng khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Có người thành công trong sự nghiệp nhưng thất bại trong tình cảm và ngược lại. Có người những năm 25 – 30 bình thường nhưng đến 35 – 40 sự nghiệp lại nở hoa. Vậy nên nếu hiện tại bạn đang thành công, đừng nghĩ rằng mình thành công mãi mà quên đi sự cố gắng. Nếu bạn đang cảm thấy mình thất bại, sự thất bại này sẽ sớm qua thôi, bạn sẽ sớm có được thành công trở lại.
Chúng ta thường có xu hướng dùng quy chuẩn thành công của mình để áp đặt cho người khác, nếu người khác không theo quy chuẩn như vậy tức là chưa thành công. Thế giới 9 tỉ người là 9 tỉ câu chuyện khác nhau, cuộc sống này thú vị là nhờ sự khác biệt như vậy. Nếu có ai đó đang có một cách sống khác mình, thay vì mỉa mai chê bai, hãy nhìn đó như một sự khác biệt thú vị đáng học hỏi. Nếu ai đó đang thành công hơn mình, hãy mừng cho họ và tiếp tục tập trung cho việc mình cần làm.