Với mỗi người, mùa thu Hà Nội năm nay đều đặc biệt hơn cả!
Hà Nội những ngày gần đây đã xuất hiện không khí lạnh tràn về báo hiệu một mùa thu sắp qua đi. Thế nhưng, để nhắc về mùa thu Hà Nội năm nay thì ai ai cũng có vô vàn kỷ niệm. Làm sao có thể quên khoảnh khắc nhẹ nhàng bên gia đình dạo quanh các con phố, với chị em được làm “nàng thơ” tạo dáng xuyên thời gian ở đường Phan Đình Phùng, Thanh Niên. Hay những buổi ngồi trà chanh, nhâm nhi gói cốm thơm ngắm phố phường.
Tuy nhiên, có một điều mà chắc không mấy ai nhận ra rằng mùa thu là dịp để những người bán hàng rong như xe hoa, quà vặt hay những gánh cốm thơm lừng,… được đắt khách hơn. Đồng nghĩa với việc đã có rất nhiều người và gia đình gia tăng thu nhập, tạo thêm rất nhiều hạnh phúc cho các gia đình nhỏ nhờ hết cả vào mùa thu của Hà Nội.
Cô bán hàng hoa đã có tiền đóng học phí cho con
Cô Thi là người làng Tây Tựu, từng có hơn 15 năm đạp xe đi bán hoa. Những năm gần đây, buôn bán bấp bênh, cô theo người làng đi làm tạp vụ trong khu công nghiệp. Chỉ ngày rằm, mùng 1 cô mới cắt hoa bán. “Từ đầu năm đến nay, việc ít nên công ty cũng không cần nhân viên tăng ca, chỉ làm một ca từ 13 giờ đến 8 giờ tối là về, được cái là sẽ có lương cố định hàng tháng. Thời gian ở nhà tôi trồng cây, tưới hoa để bán cho các mối buôn”.
“Tháng 8, khi rầm rộ lên chụp ảnh với xe hoa, cũng có nhiều người về làng nhập hoa. Tôi nhớ nghề và được con gái hỗ trợ nên quyết định lại đạp xe lên phố. Khoảng 3 giờ sáng, mẹ cắt hoa trong vườn, con gái đèo mẹ ra chợ bán buôn và mua thêm các loại hoa khác. Về tới nhà 2 mẹ con xếp hoa lên xe, con gái đi làm thêm, mẹ cũng chở gánh hoa đi” – cô Thi chia sẻ. Có hôm chỉ mới 10 giờ sáng mà xe hoa đã trống trơn, cô Thi đạp xe về nhà nấu cơm, nghỉ ngơi rồi chiều lại đi làm. Hôm nào công ty có việc gì đó cho nghỉ làm thì cô con gái lại chở thêm hoa lên và mang cơm để mẹ ở trên đây cả ngày.
Đến nay đã 3 tháng mẹ con cô Thi trở lại với gánh hàng hoa. Vất vả, mệt nhọc chắc chắn có, nhưng họ nói rằng vốn đã quen với công việc chân tay lẫn buôn bán. “Bây giờ không làm ra tiền mới lo hơn. Lúc tháng 8 là con gái cô vừa nhận tin đỗ vào Trường Đại học Ngoại Ngữ. Con bé đã đi làm từ khi mới thi xong và nói rằng sẽ dùng tiền lương để đóng học phí, mẹ không cần lo lắng nhiều. Nhưng nhìn con đi làm mẹ cũng xót lắm. Nhờ có mọi người ủng hộ mà gánh hoa thu về được một số tiền kha khá trong 3 tháng qua, tôi dùng một phần để cho con đóng học phí kỳ 1, còn lại gửi một sổ tiết kiệm nho nhỏ để dành kỳ sau cho con”. Đã sang mùa cúc họa mi, mẹ con cô Thi lại gói thêm những bó hoa trắng muốt. Chủ nhân của gánh hàng hoa cũng cho biết sẽ tiếp tục chở hoa lên phố, tranh thủ lúc còn khỏe để kiếm thêm một khoản tiết kiệm, để con gái có thể yên tâm theo đuổi ước mơ.
“Đông khách thì làm thêm 100 cái chủ nhật vẫn vui”
Mọi người tới đường Phan Đình Phùng chụp ảnh với xe hoa, những gánh cốm hay xe bán đồ ăn vặt cũng có thêm một lượng khách lớn.
Thông thường, cô Nga chỉ bán hàng ăn vặt phục vụ cho các em học sinh ở cổng trường cấp 3. Do đó, cô chỉ bán đến sáng thứ 7 là nghỉ ở nhà. Nhưng mùa thu, mọi người tới đông nên cô cũng thử bán thêm cả chủ nhật.
Không chia sẻ quá nhiều nhưng cô cũng tiết lộ vài điều: “Ngày thường thì túc tắc mấy đứa học sinh cấp 3 chỉ ăn vào lúc giờ trưa hay chiều tan học. Còn những ngày con phố đông đúc, chưa lúc nào ngơi tay, chủ nhật mọi người cũng vây kín từ sáng đến chiều. Nếu để tổng kết, lúc mà đông khách nhất thì bán hai ngày cuối tuần bằng cả 5 ngày kia cộng lại. Có hôm đứng rã cả chân, cô phải gọi chồng ra thay ca. Nhưng đông khách thì có làm thêm 100 cái chủ nhật nữa, cô cũng chịu được”.
Thay vì gánh cốm đi khắp các con phố thì có người đã dừng lại trên đường Phan Đình Phùng: “Mỗi ngày cô chỉ có 2 gánh cốm, là khoảng 8kg như này, với một ít để bán cho khách quen. Bởi nhà không còn theo nghề nên không làm được nhiều. Mỗi người mua ủng hộ 2 lạng, nửa cân thì cũng sớm hết. Năm nào cũng bán nhưng đúng là năm nay bán chạy hơn bao giờ hết. Thấy không chỉ người già, người Hà Nội mà nhiều bạn trẻ thích cốm và yêu mùa cốm như vậy chính là động lực để cô giữ gìn nghề gia truyền”.