Số 7 thường được coi là con số của sự huyền bí, tâm linh và nghệ thuật, nó là số nguyên tố – nghĩa là không thể có được nó bằng cách nhân hai số nhỏ hơn với nhau. Ta dễ dàng bắt gặp con số 7 trong những điều bình thường nhất từ cuộc sống hằng ngày, cho đến những khía cạnh huyền học vũ trụ và thần linh.
Một tuần có 7 ngày
Điều này được ghi chép đầu tiên bởi người Sumer (4000–2300 TCN) khi họ dựa vào chu kỳ của mặt trăng để xác định một tháng trong việc phát triển nông nghiệp, bắt đầu từ lần đầu tiên nhìn thấy trăng non. Sau đó là văn hóa người Babylon (1800–1500 BCE) chia các nhóm ngày theo tuần trăng và vô tình mỗi lần chuyển đổi như vậy sẽ mất 7 ngày. Sau đó được các nền văn hoá khác nhau sử dụng cách chia này như một tiêu chuẩn lịch sử, ý nghĩa văn hoá và những cân nhắc về thực tế khi cân bằng giữa cuộc sống, nghỉ ngơi.
Tháng 7
Tháng 7 (âm lịch) ở một số nước và Đạo giáo được coi đó là Tháng Cô hồn, trong tháng này người ta cho rằng âm khí tăng mạnh vì vong hồn người mất “mở cửa mả” (từ ngày 2.7 đến đêm 14.7). Đó là khoảng thời gian Diêm Vương mở “Quỷ Môn Quan” để ma quỷ trở về với dương thế rồi “xá tội vong nhân”. Để tránh những điều không may mắn có thể xảy ra bởi các linh hồn tự do nên mọi người trên dương thế cần cúng cháo, gạo,… và cũng tránh các việc cưới hỏi, xây dựng, mua sắm, khởi hành,…
Số 7 trong quan niệm của dân gian:
Theo Đạo giáo quan niệm, Thất Phách (7 vía) của con người bao gồm: Thi Cẩu, Phục Thỉ, Tước Âm, Thôn Tặc, Phi Độc, Trừ Uế và Xú Phế. Người Việt thì có cho rằng: Nam có 7 vía, nữ có 9 vía. Điều này có thể xuất phát từ quan niệm thân thể người nam có thất khiếu (7 lỗ) còn người nữ thì có cửu khiếu (9 lỗ). Thất phách này có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều tiết cơ thể con người. Mỗi phách lại đảm đương một nhiệm vụ khác nhau như: hô hấp, tiêu hóa, sinh sản, nhịp tim…
Sau khi người ta chết, cứ 7 ngày là 1 kỳ tang, mất đi 1 vía. Sau bảy lần cúng kỳ tang thì cúng tuần Chung thất, tức là hết vía (49 ngày). Sau 100 ngày là cúng Tốt khốc (thôi khóc). Theo quan niệm dân gian, sau 100 ngày, hồn vía người ta đã hoàn toàn thoát ly khỏi thân xác thịt, đã chết thực sự. Trong quan niệm của nhà Phật, vong hồn người chết phải qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày rồi mới được siêu thoát.
Người Trung Quốc cho rằng con số 7 là con số của mất mát, tức giận, thậm chí là cái chết. Với sự liên kết văn hóa lâu đời, cả người Việt và người Hoa đều chịu sự chi phối của các tập quán văn hóa sau. Số 7 theo Hán Việt là Thất. Nghĩa là thất bại, thất bát. Chính vì vậy, dân gian quan niệm số 7 là con số đen đủi. Nó còn gắn liền với tang thương, mất mát.
Người Việt cũng không thích số 7, vì đây thường được dùng để chỉ những gì không tốt lành. Ngày xưa ông bà có câu “Ba chìm, bảy nổi” để nói về sự bấp bênh, chìm nổi. Về sự mong manh, ngắn ngủi: “Ba bảy hai mốt ngày”, “chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3” là những câu dân gian được sử dụng để chỉ về ngày xấu.
Cũng có những quan điểm cho rằng: Theo văn hóa Trung Hoa, số 7 được coi là số may mắn bởi khi nó được phát âm bằng tiếng Trung thì giống với hai chữ của tiếng Anh: “hồi sinh” và “cuộc sống”. Nó còn là biểu tượng của sự gắn bó, là dấu hiệu cho một mối quan hệ tốt đẹp.
Số 7 trong quan niệm của người Nhật Bản
Giống nhiều nước trên thế giới, số 7 rất được coi trọng và đây được xem là con số may mắn đối với người Nhật. Theo thần thoại Nhật Bản, miền thượng nguồn của dòng chảy này là huyền thoại “Thất phúc thần” tức 7 vị phúc thần mang đến sự may mắn.
Các vị thần may mắn này là: Thần bảo trợ sự sống (Jurojin); Thần của cải, vui vẻ, hạnh phúc (Hotei); Thần khôn ngoan, may mắn và bất tử (Fukurokuju); Thần bảo hộ ngư dân (Ebisu); Thần của cải và bảo hộ nông dân (Daikoku); Thần của các chiến binh (Bishamonten); nữ Thần may mắn, tình yêu, thông thái và nghệ thuật (Benten).
Con số 7 còn xuất hiện trong các ngày lễ truyền thống của người Nhật Bản như Lễ Thất Tịch Tanabata được diễn ra vào ngày 7 tháng 7 hàng năm. Vào ngày 7.1 hàng năm, người Nhật có thói quen ăn một chén cháo nanakusa-gayu với thành phần gồm 7 loại rau mọc vào mùa xuân. Họ quan niệm 7 loại rau có nhiều chất dinh dưỡng này có thể giúp tránh được tà ma và bệnh tật.
Số 7 trong quan niệm của người Trung Quốc
Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, số 7 đại diện cho sự kết hợp của Yin, Yang (tạm dịch: Âm – Dương) cùng 5 nguyên tố căn bản của tự nhiên Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Sự kết hợp này được coi là một sự hài hòa tuyệt hảo trong tư tưởng của Khổng giáo. Trong khi đó, theo tư tưởng của Lão giáo thì số 7 đại diện cho Tao, có sự liên hệ chặt chẽ với lòng tốt và cái đẹp.
Ý nghĩa trong phong thủy
- Trong ngũ hành
Luận theo ngũ hành, số 7 thuộc hành Kim. Vì thế, nó sẽ là con số tương sinh và hỗ trợ nhiều cho những ai thuộc mệnh này. Đồng thời, Kim sinh Thủy nên số 7 cũng được xem như hợp với người mệnh Thủy.
- Trong kinh dịch
Trong kinh dịch, số 7 được luận quẻ tương ứng với Địa Sơn Khiêm – một quẻ Cát với nhiều ý nghĩa tốt lành, vạn sự hanh thông. Người gặp quẻ này thường sẽ có phúc, có lộc nếu biết khiêm nhường, tinh anh và sáng suốt sẽ giúp công danh, sự nghiệp phát triển, gia đạo an lành và hạnh phúc.
- Theo âm dương
Xét về âm dương, thì những con số chẵn sẽ mang thuộc tính “âm”, còn số lẻ mang thuộc tính “dương”. Áp dụng quy luật này, thì số 7 sẽ là số lẻ, mang thuộc tính dương, con số tượng trưng cho nhiều điều biến động, nhưng cũng hứa hẹn mang đến nhiều triển vọng, thành công và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Số 7 trong các tôn giáo:
- Phật giáo
Trong Phật giáo số 7 là biểu tượng của con đường tu hành. Đức Phật khẳng định ngài đã bước 7 bước “từ phàm phu đến quả vị Phật”. Bảy bước ấy trở thành biểu tượng cho bảy “hạnh lành” của Phật khi nhập vào cuộc đời và cứu độ chúng sinh.
7 bước chân đầu tiên của Đức Phật vào ngày Đản Sinh
Thực tế thì, không phải ngẫu nhiên mà Đức Phật lại chọn bước 7 bước hoa sen, mà vì đó là sự ngụ ý, biểu thị cho sự ung dung, tự tại của một đấng Giác Ngộ. Sau khi vượt qua 6 cõi luân hồi: Cõi trời, Cõi thần (A-tu-la), Cõi người, Cõi súc sinh, Cõi ngạ quỷ (quỷ đói), Cõi địa ngục để giải thoát tâm niệm của tam giới và Đức Phật đã dừng lại ở bước sen thứ 7 như một biểu tượng cho việc thoát ra khỏi đó.
Số 7 gắn liền với 49 ngày thiền định của Đức Phật dưới gốc cây bồ đề
49 ngày là một cột mốc quan trọng, gắn liền với sự ra đời của đạo Phật thiêng liêng. Tại đây, Đức Phật cũng đã có những lời dạy sâu sắc trong quá trình tu hành, thiền định với lời đại nguyện sâu rộng “Cho dù thịt nát xương tan, nếu ta không thành đạo, quyết không rời khỏi gốc Bồ Đề này”.
Theo đó, 49 cũng là một con số gắn liền với số 7 (7×7 = 49 ngày), ngụ ý của cấp số nhân nhằm nhấn mạnh sự tinh tấn (cố gắng), quyết tâm của Đức Phật. Tinh tấn, càng tinh tấn hơn nữa, thì mới có thể đạt đạo đức hạnh mà ngài mong muốn.
Số 7 gắn liền với 7 ngày tinh tấn, niệm Phật về cõi Tịnh Độ của Đức Phật
Theo Kinh A Di Đà đã dạy “Khi sắp lâm chung, mau thì 1 ngày, chậm thì 7 ngày niệm Phật sẽ được vãng sinh Tịnh Độ”. Như vậy, niệm Phật 7 ngày với tâm bất loạn, điều ngự những dục vọng mà chúng ta đang có, nỗ lực điều chỉnh bản thân cho tâm thanh tịnh, không vướng mắc bất cứ điều gì, thì khi đó, ta sẽ được vãng sanh về thế giới chư Phật, thoát khỏi kiếp luân hồi.
- Hindu giáo
Số 7 xuất hiện rất nhiều trong kinh Hindu với quan niệm trái đất nằm ở giữa gồm 7 hành tinh ở trên ứng với 7 thế giới khác nhau của con người và 7 hành tinh nằm phía dưới là nơi cư ngụ của ma quỷ. Trong huyền thoại Hindu, Surya – vị Thần Mặt trời cưỡi một cỗ xe có 7 con ngựa. Thần lửa Agni được miêu tả với 7 bàn tay và bảy ngọn lửa – tương ứng với những phần của cơ thể người và 7 nguồn năng lượng sẽ thức tỉnh trong quá trình thực hành tâm linh.
Bên cạnh đó, số 7 còn tượng trưng cho Saptarishis hay Bảy Thánh Hiền được giao nhiệm vụ hiện diện trong suốt Bốn thời đại vĩ đại, để hướng dẫn loài người. Bảy thành hiền này đã làm việc chặt chẽ với Adi Yogi hay Shiva để duy trì cân bằng trên Trái đất.
Số 7 ở đây cũng tượng trưng cho 7 Chakra (luân xa) trong mỗi con người. Đây là những trung tâm năng lượng quan trọng trong cơ thể con người, đóng vai trò trong việc kết nối con người với vũ trụ và đạt được sự giác ngộ. Theo quan niệm Hindu giáo, có 7 luân xa chính (Sapta Chakras) nằm dọc theo cột sống, mỗi luân xa đều có màu sắc, âm thanh, biểu tượng và chức năng riêng biệt.
- Kinh Thánh
Trong Kinh Thánh, số 7 được sử dụng như một con số lý tưởng biểu thị sự hoàn thiện hay hoàn hảo về cả linh hồn lẫn thể xác. Đức Chúa Trời đã mất 7 ngày để tạo dựng nên trời đất muôn vật.
Eva cũng được tạo ra từ xương sườn thứ 7 của Adam trong khi đó Adam được “tạo ra” vào ngày 7 tháng 10 (ngày đầu tiên của Tishri – tháng 7 theo lịch Do Thái).
Số 7 được sử dụng 55 lần riêng trong sách Khải Huyền và cũng là con số của sự thay đổi sau một chu kì hay sự đổi mới tích cực.
Bên cạnh đó, ngoài những yếu tố duy tâm liên quan đến con số 7 thì còn những ý nghĩa duy vật như:
- Trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học có 7 chu kỳ.
- Trong thang độ pH, nước trung tính có pH = 7.
- Có 7 màu sắc trong tự nhiên mà 7 sắc cầu vồng là hình ảnh tiêu biểu nhất.
- Có 7 đơn vị đo lường trong thang đo tiêu chuẩn quốc tế SI.
- 7 kỳ quan thế giới