Là nịnh sếp hả? Đi làm đã phải lo rất nhiều việc, áp lực đủ chuyện rồi, tại sao còn cần phải quan tâm sếp? Rồi quan tâm sếp như thế nào? Hãy thử xem chuyện này như một kpi trong vòng quay công việc, bạn sẽ nhận ra “lợi nhiều hơn hại” và tất cả sẽ được chia sẻ trong loạt series hàng tuần của TML.
Có nhiều kiểu tính cách ở chốn công sở từ đồng nghiệp đến cả sếp. Mỗi màu sắc cá tính riêng hợp lại sẽ tạo nên bản sắc đặc biệt của doanh nghiệp. Nhưng cá tính của người đứng đầu sẽ thực sự quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến văn hoá của doanh nghiệp đó, vì vậy tìm hiểu tính cách của sếp sẽ giúp bạn nhận ra mình có phù hợp, hoặc hòa nhập nhanh hơn cuộc sống công sở.
Có rất nhiều cách để bạn tìm hiểu về tính cách của sếp mình, từ trực tiếp đến gián tiếp. Một số thông tin cơ bản như ngày sinh, độ tuổi, những thông tin truyền miệng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một con người thông qua các nghiên cứu chiêm tinh, thần số học. Ví dụ như sếp thuộc cung Khí/ cung Lửa sẽ thoải mái, hướng ngoại trong giao tiếp hơn các sếp cung Nước, cung Đất; còn theo MBTI bạn có thể rà ra sếp thuộc nhóm phân tích, ngoại giao, quan tâm hay khám phá…
Mặc dù không thể áp dụng cụ thể cho từng cá nhân nào nhất định, nhưng những tổng hợp các tính cách này có thể giúp bạn lọc ra một số mẫu số chung quan trọng được tổng hợp bên dưới. Cộng thêm những thông tin từ thực tế giao tiếp thì bức tranh về sếp của bạn sẽ hoàn thiện rõ ràng hơn. Và điều này sẽ giúp bạn khá nhiều trong các vấn đề liên quan đến giao tiếp, chủ động hơn trong công việc, tiết kiệm thời gian, cũng như khiến guồng quay công việc hoạt động hiệu quả hơn.
I. Sếp là người hướng nội hay hướng ngoại
Trong môi trường công sở, tính cách là một cấu trúc đa diện, phức tạp, vì vậy điểm bắt đầu tốt nhất là xác định xem rằng sếp của bạn là người hướng nội hay hướng ngoại. Đây là phần không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ công sở, đặc biệt là đối với sếp. Những thứ trên góp phần nhiều vào mục đích làm việc hiệu quả chung của cả công ty.
Người sếp hướng nội thường tập trung vào công việc cá nhân, thích làm việc trong không gian yên tĩnh, riêng tư và suy nghĩ sâu sắc trước khi đưa ra quyết định. Ngược lại, người sếp hướng ngoại lại thường xuyên tương tác, giao lưu với các đồng nghiệp cấp dưới. Thích làm việc theo hội nhóm và thể hiện sự năng động, sôi nổi của bản thân mình.
Một khi bạn xác định được sếp của mình là người hướng nội hay hướng ngoại, bạn có thể hiểu rõ hơn về phong cách giao tiếp của họ và thậm chí quan trọng hơn – nguồn năng lượng của họ, nói cách khác là động lực của hành vi của họ. Từ đó bạn có thể điều chỉnh cách làm việc và giao tiếp phù hợp để đạt được hiệu quả cao hơn trong công việc. Giao tiếp tốt và duy trì mức năng lượng tích cực là một nửa cuộc chiến trong bất kỳ mối quan hệ nào giữa nhân viên và sếp.
Các dấu hiệu nhận biết sếp bạn là người hướng ngoại hay hướng nội:
Sếp hướng nội:
- Chia sẻ ít thông tin
- Nghe nhiều hơn nói
- Thường làm việc một mình với cửa đóng
- Cảm giác hơi khép kín và xa cách
- Thích email hơn nói chuyện trực tiếp
- Khó bộc lộ suy nghĩ của bản thân
- Không dành nhiều thời gian cho việc mở rộng mạng lưới
- Thích suy nghĩ trước khi hành động
Sếp Hướng Ngoại:
- Dễ dàng chia sẻ thông tin
- Có thể nói dài dòng
- Cảm giác ấm áp và thân thiện
- Tiết lộ quá trình suy nghĩ của bản thân
- Thích hành động nhanh chóng
- Có mạng lưới rộng lớn
- Dễ nói ra suy nghĩ của bản thân
- Yêu cầu ý kiến
- Thường xuyên làm việc với người khác
II. Sếp là người tình cảm hay lý trí
- Sếp tình cảm
Người sếp tình cảm thường sẽ đặt nặng yếu tố con người trong công việc và có xu hướng đưa ra những quyết định dựa trên cảm xúc và các mối quan hệ. Sếp tình cảm thường mong muốn sự hài hòa trong nhóm, họ quan tâm đến việc tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, hòa nhã. Nơi mà mọi người cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng. Tạo nên bầu không khí công sở trở nên gần gũi như thể là “Gia đình”.
Những dấu hiệu nhận biết:
- Quan Tâm Đến Cảm Xúc Nhân Viên: Sếp thường xuyên hỏi thăm sức khỏe và tâm trạng của bạn, quan tâm đến cuộc sống cá nhân và luôn sẵn sàng lắng nghe khi bạn gặp khó khăn.
- Tạo Môi Trường Làm Việc Thân Thiện: Sếp luôn cố gắng tạo ra một không gian làm việc ấm áp, thân thiện, khuyến khích sự kết nối và hợp tác giữa các thành viên trong nhóm.
- Quyết Định Dựa Trên Trực Giác: Trong nhiều tình huống, sếp có thể dựa vào trực giác và cảm xúc của mình để đưa ra quyết định, thay vì chỉ dựa trên dữ liệu và số liệu cụ thể.
- Luôn lắng nghe bạn: Sếp tình cảm sẽ luôn lắng nghe ý kiến và ý tưởng của nhân viên. Họ không chỉ quan tâm riêng đến công việc mà họ còn tôn trọng những ý kiến bạn đưa ra. Những tâm sự, góc khuất và khó khăn của nhân viên được sếp lắng nghe và chia sẻ.
- Bạn thấy mình được tôn trọng và tin tưởng: Sự tôn trọng và tin tưởng rất cần thiết trong môi trường công sở và giữa các mối quan hệ. Sếp sẽ luôn cho bạn thấy được sự tin tưởng và tôn trọng mọi công sức bạn bỏ ra trong công việc của mình. Có thể sẽ khuyến khích, trao đổi tạo cơ hội giúp bạn làm việc hiệu quả hơn và cảm thấy hạnh phúc.
- Sếp lý trí
Ngược lại, người sếp lý trí lại thường thiên về việc đưa ra quyết định dựa trên logic, dữ liệu và phân tích thay vi cảm xúc. Họ thường tập trung vào mục tiêu, hiệu quả và năng suất trong công việc, các số liệu cụ thể. Nếu bạn đang làm việc dưới sự quản lý của một người sếp như vậy, việc hiểu rõ tính cách và phong cách làm việc của sếp sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ tốt hơn và cũng để làm việc hiệu quả hơn.
Những dấu hiệu nhận biết:
- Dựa Vào Dữ Liệu và Phân Tích: Sếp thường xuyên yêu cầu các báo cáo chi tiết, phân tích số liệu trước khi đưa ra quyết định. Họ đánh giá cao sự chính xác và minh bạch trong thông tin.
- Lý Luận và Lập Luận Chặt Chẽ: Trong các cuộc họp và thảo luận, sếp luôn đặt ra những câu hỏi nhằm kiểm tra tính logic và khả năng lập luận của bạn. Họ mong muốn các ý tưởng được trình bày một cách rõ ràng và có cơ sở.
- Ít Thể Hiện Cảm Xúc: Sếp lý trí thường giữ cảm xúc của mình trong tầm kiểm soát, hiếm khi biểu lộ cảm xúc mạnh mẽ trong công việc. Họ tập trung vào mục tiêu và kết quả hơn là các yếu tố tình cảm.
- Tập trung vào kết quả: Sếp lý trí thường đặt ra mục tiêu rõ ràng và yêu cầu nhân viên đạt được kết quả cụ thể. Hãy tập trung vào việc hoàn thành công việc đúng hạn được giao và đặt được mục tiêu.
- Đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu: Họ thường yêu cầu báo cáo, số liệu để đưa ra quyết định. Khi trình bày ý tưởng riêng, hãy chuẩn bị đầy đủ số liệu cụ thể và bằng chứng để thuyết phục họ.
- Đề cao sự chính xác: Họ yêu cầu công việc phải được thực hiện một cách chính xác và hiệu quả. Họ thường không có nhiều thời gian, hãy trình bày ý tưởng của bạn một cách rõ ràng và súc tích.
Hiểu rõ tính cách của sếp, dù là người tình cảm hay lý trí, không chỉ giúp bạn điều chỉnh cách làm việc mà còn tạo điều kiện để bạn phát triển trong môi trường công sở. Hãy áp dụng những chiến lược phù hợp để xây dựng mối quan hệ làm việc hiệu quả và đạt được thành công trong sự nghiệp của bạn.
III. Sếp là người thoải mái hay kỷ luật trong công việc
- Sếp kỷ luật
Lãnh đạo có kỷ luật không chỉ đơn thuần là người kiểm soát hay quy tắc. Mà đó còn là về việc tạo ra cấu trúc, trật tự và mục đích trong một nhóm hoặc tổ chức. Kỷ luật bản thân là khả năng kiểm soát hành vi của bạn để làm những gì bạn nên làm.
Trong bối cảnh lãnh đạo, nó liên quan đến việc mang lại sự rõ ràng, quy trình và trọng tâm cho các nhiệm vụ và mục tiêu. Các nhà lãnh đạo kỷ luật sở hữu sự chính xác, thường xuyên và cấu trúc trong cách tiếp cận của họ. Họ chú ý đến từng chi tiết, tuân thủ thời hạn và phát triển mạnh mẽ trong trật tự và kiểm soát.
Những dấu hiệu nhận biết:
- Đặt mục tiêu rõ ràng và cụ thể: Sếp kỷ luật luôn đặt ra những mục tiêu rõ ràng, đo lường được cho cả bản thân và đội nhóm. Họ thường xuyên đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên và đưa ra những phản hồi kịp thời.
- Lập kế hoạch chi tiết: Họ có kế hoạch làm việc chi tiết, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên và theo dõi tiến độ công việc sát sao. Vì vậy, họ thường đưa ra quyết định nhanh chóng và dứt khoát, không do dự.
- Tôn trọng thời gian: Sếp kỷ luật luôn đúng giờ và mong muốn nhân viên cũng làm như vậy. Họ tôn trọng thời gian của bản thân và của người khác. Sếp kỷ luật luôn tìm kiếm cơ hội để học hỏi và nâng cao năng lực bản thân.
- Chú trọng đến chi tiết: Họ quan tâm đến từng chi tiết nhỏ trong công việc và yêu cầu nhân viên cũng làm như vậy.
- Tạo môi trường làm việc có kỷ luật: Sếp kỷ luật thường tạo ra một môi trường làm việc có quy tắc rõ ràng, mọi người đều phải tuân thủ. Sếp kỷ luật không bao giờ dung túng cho những sai lầm, họ sẽ chỉ ra lỗi sai và yêu cầu nhân viên khắc phục.
- Sếp thoải mái
Người sếp với phong cách lãnh đạo thoải mái nhất có thể nói đến là lối lãnh đạo trao quyền. Khi ấy, sếp ít can thiệp nhất có thể đến công việc, cho phép nhân viên có nhiều quyền tự chủ nhất có thể. Được thực hiện tốt và trong các ngữ cảnh phù hợp, trường hợp nhất định phong cách lãnh đạo này có thể tạo nên hiệu quả. Nó có thể trao quyền cho những nhân viên tiêu biểu làm việc độc lập và tìm ra kết quả tốt nhất của riêng họ.
Tuy nhiên, cũng có những mặt trái của lối tiếp cận này. Khi một nhà lãnh đạo quá thờ ơ, việc giao tiếp có thể bị ảnh hưởng. Khi ấy, các nhân viên mới hoặc thiếu tự tin có thể cảm thấy mong lung, vô định khi không biết phải làm gì và như thể bạn không muốn chia sẻ cho họ biết.
Nhân viên mong muốn thăng tiến cũng có thể cảm thấy bị bỏ rơi, vì họ không nhận được phản hồi quý giá để cải thiện. Phong cách lãnh đạo này hoạt động tốt nhất trong các nhóm nhỏ, tài năng, có động lực cao, giống như những gì bạn thường thấy ở các công ty khởi nghiệp. Tổ chức càng lớn và càng phức tạp thì cách tiếp cận này càng trở nên kém hiệu quả.
Những dấu hiệu nhận biết:
- Tự chủ và Độc lập: Các nhà lãnh đạo thúc đẩy quyền tự chủ và độc lập cao giữa các thành viên trong nhóm của họ. Đề cao năng lực cá nhân của các thành viên trong công ty. Họ tin tưởng nhân viên của mình đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về công việc của chính họ.
- Môi trường hỗ trợ: Các sếp đảm bảo rằng các thành viên trong nhóm của họ có quyền truy cập vào các nguồn lực, công cụ và thông tin cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của họ một cách hiệu quả đồng thời nuôi dưỡng niềm tin, an toàn tâm lý và sự gắn kết.
- Giám sát trực tiếp có giới hạn: Sếp thoải mái cung cấp sự giám sát hoặc hướng dẫn trực tiếp tối thiểu. Tạo không gian độc lập cho các thành viên trong nhóm của họ thoải mái hoạt động với sự can thiệp tối thiểu.
- Cách tiếp cận: Bằng cách tiếp cận trực tiếp, cho phép các thành viên trong nhóm của họ đặt mục tiêu của riêng họ, xác định phương pháp riêng của họ và tìm ra giải pháp của riêng họ. Họ khuyến khích tự định hướng và tự thúc đẩy.
- Tập trung vào Sáng tạo và Đổi mới: Họ khuyến khích các thành viên trong nhóm của mình suy nghĩ vượt trội, thử nghiệm những ý tưởng mới và khám phá các cách tiếp cận khác nhau để giải quyết vấn đề.
Kết luận
Hiểu rõ về tính cách của sếp không chỉ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc giao tiếp và hợp tác, mà còn giúp tạo ra môi trường làm việc thoải mái và hiệu quả hơn. Từ việc quan sát cách sếp xử lý công việc hàng ngày, phản ứng trong các tình huống căng thẳng, đến việc giao tiếp và đưa ra quyết định, mỗi dấu hiệu nhỏ đều có thể tiết lộ nhiều điều về tính cách của sếp.