Biên tập viên (BTV) Dương Ngọc Trinh là một trong những nhà báo có tiếng tại Việt Nam. Khán giả có thể biết đến chị là người dẫn của các chương trình về kinh doanh và đầu tư, như: Bản tin kinh tế, Chuyển động 24h,… hay gần đây nhất là Bí mật đồng tiền. Không chỉ là người dẫn chương trình, Dương Ngọc Trinh còn đóng góp vào việc tổ chức sản xuất và quản lý chiến lược, luôn nỗ lực nghiên cứu để mang đến nhiều giá trị hơn cho khán giả.
Tham gia với podcast Chapter 0 của Rising Vietnam, BTV Dương Ngọc Trinh khác hẳn so với những khách mời mà đã từng xuất hiện trên chương trình. Một phần, có thể là do đặc thù lĩnh vực nghề báo nhưng phần khác chính là sự diễn đạt uyển chuyển nhưng cũng không kém phần thẳng thắn của chị, về những câu chuyện thú vị trên hành trình học hỏi của mình.
Trong tập này của chương trình, BTV Dương Ngọc Trinh đã ngồi lại với host Hoàng Thu Thảo để chia sẻ những kinh nghiệm của mình về cách để “làm giàu” kiến thức kinh doanh và tích lũy kinh nghiệm, cũng như trải nghiệm trong cuộc đời. Từ đó, sẵn sàng bước vào hành trình lập nghiệp, khởi nghiệp thành công.
Nếu được ban cho một năng lực, hãy lựa chọn việc phát triển bản thân vô hạn
“Nếu như chị có thể chọn 1 trong 3 năng lực sau đây, chị sẽ chọn năng lực nào? Thứ nhất, biết được tương lai. Thứ 2, giỏi mọi lĩnh vực và thứ 3 là khả năng kiếm tiền vô hạn.” Đó là câu hỏi mà người host Thu Thảo đặt ra cho BTV Dương Ngọc Trinh ở đầu chương trình. Thế nhưng, thay vì lựa chọn trong những năng lực được đưa ra, chị lại làm người nghe cảm thấy bất ngờ khi không chọn bất cứ cái nào cả.
Một lý do mà nữ nhà báo đưa ra đó chính là viễn cảnh tương lai vô vị khi lựa chọn bất kể năng lực nào. Hoặc khi một người có thể thành thạo ở bất cứ lĩnh vực, thì chí tiến thủ và mục tiêu của họ cũng dần biến mất. Và chị cũng đặc biệt lưu ý đến năng lực thứ 3, đó là khả năng kiếm tiền. Bời vì theo chị, có tiền không phải là tất cả.
“Mình quay lại câu hỏi là: ‘Có nhiều tiền để làm gì?’ Bởi vì những người có lượng tiền giới hạn thì ít ra cái niềm vui của người ta là có thêm tiền. Nhưng mà khi khả năng kiếm nó là vô hạn, thì niềm vui nó đến từ đâu? Nói nôm na để so sánh thì tiền nó như một phương tiện để chở ta đến mục đích hay nhu cầu nào đó, có nhiều quá cũng không biết để làm gì thì ta thà đi bộ còn hơn.”
Nếu ta nhìn qua những tỷ phú trên thế giới, ta có thể nhận ra rằng cách họ sử dụng những tờ giấy nhiều màu đó sẽ khác với cách người thường dùng. BTV Dương Ngọc Trinh nghĩ nó sẽ chỉ như một “phiếu bé ngoan, một tấm bằng mà cả thế giới công nhận” và cách những tỷ phú đó sử dụng những tờ tiền như thế nào mới quan trọng.
Để quay trở lại với câu hỏi trên, nếu được chọn, chị sẽ chọn phát triển bản thân vô hạn. Nhưng phát triển như thế nào lại là một câu chuyện khác, và nhà báo Dương Ngọc Trinh đã nghĩ đến những câu chuyện chữa lành của các bạn Gen-Z khi họ “dấn thân’ vào môi trường công sở để làm tiền đề cho câu trả lời này.
Theo chị, các bạn trẻ hiện nay đang có một tiền đề thuận lợi để phát triển sự nghiệp của mình; nhưng chính điều này cũng đã tạo ra một hiện tượng trong nhóm của các bạn đó là “khủng hoảng cơ hội”.
“Tức là, cho phép mình có quyền và lựa chọn. Nhưng khi mà được chọn thì sẽ chạy theo cảm xúc. ‘Em làm thì phải đam mê’, nhưng trên thực tế thì đam mê thì phải làm không bỏ, khi chán không nản; chứ không phải cứ vui thì mới làm. Đương nhiên những người nào chịu được thử thách bản thân, chịu được những cú va đập để đập vỡ cái tôi và tiếp tục tái sinh, thì họ sẽ trở nên rất là mạnh.”
Nhà báo Dương Ngọc Trinh gọi những người đó là những người có trường năng lượng lớn. Có thể hiểu là, người đấy là những cá nhân đã chịu được rất nhiều cú “va đập” và tự sửa bản thân, tư duy của mình mỗi ngày. Vậy làm sao để trở thành những người như vậy? Có 3 kỹ năng mà người trẻ cần “tu luyện”, đó là: biết chấp nhận, nhẫn nhịn và phải thực tế.
“Tại sao phải chấp nhận? Bởi vì nghịch cảnh đến với ta mỗi ngày, và nếu mình chấp nhận và vui vẻ với nó, và biến nó thành một cái khó của trò chơi thì mình giải quyết nó vui. Cái thứ 2 là phải nhẫn nhịn. Sự nhẫn nhịn ở đây không phải là chịu nhục hay là mình để cho người khác chà đạp mình. Ý ở đây là, khi nhìn thấy một điều bất như ý xảy ra, nếu mình thấu hiểu nó thì mình sẽ học cách để nhẫn nhịn nó.”
Chị chia sẻ thêm về sự nhìn nhận thực tế mà các bạn trẻ cần để tâm như sau: “Các bạn có thể bây giờ thích lắng nghe những người đã thành công. Nhưng mà các bạn ấy phải nhớ rằng là những người ngồi đấy họ bao nhiêu tuổi, người ta đã không còn trẻ nữa thì người ta mới đạt được cái đấy. Chị chỉ muốn nói là đừng nên chỉ nhìn vào cái sự thành công, mà hãy nhìn và tìm hiểu trước những khó khăn của họ. Nếu vẫn cảm thấy thích thú trước những gian truân đó thì hãy bước vào.”
Góc nhìn của BTV Dương Ngọc Trinh về việc học đi đôi với khởi nghiệp
Ta có thể học ở bất cứ nơi đâu: có thể học từ những người lớn hơn mình, học từ những bộ quy trình, giáo án đã được quy chuẩn, hoặc theo lời BTV Dương Ngọc Trinh đó là hay cứ như “những đứa trẻ con”. Nói theo cách khác, không phải một ngày sẽ dành ra bao nhiêu thời gian để đi học; mà là trong 24 giờ đó, khoảnh khắc nào là khoảnh khắc đáng để học hỏi. Chị nói: “Nhiều khi nó đến từ một cái người qua đường mình thấy, và cách người ta vứt một cái rác vào thùng như thế nào.”
Là một nhà báo, chị rất coi trọng việc học từ mọi nguồn, có thể là từ ngoài đời hoặc trên trường lớp. Nhưng khác với những người coi việc học chỉ là kiến thức để phục vụ cho việc đi làm, chị chọn gọi nó là “công cụ” để giúp ích chúng ta tiến xa và nhanh hơn trong sự nghiệp.
Nói ví dụ đến việc khởi nghiệp, nếu trong thâm tâm của một con người đã có máu kinh doanh, thì không sớm thì muộn họ cũng sẽ trở thành một doanh nhân thành đạt. Nhưng nếu như họ có trong tay được một cái công cụ hay một cái phương tiện đã được đúc rút từ trước, họ sẽ đến đó nhanh hơn. Kiến thức khi đó sẽ là phương tiện để giúp ta rút ngắn thời gian.
“Chẳng hạn bây giờ chị đi làm một cái sự kiện. Với một người sống theo bản năng thì chị vẫn làm được. Nhưng nếu để chị có thể làm được 10 sự kiện một lúc, thì khi đó chị không còn dùng bản năng được nữa, mà chị sẽ phải dùng các bộ quy trình để chị vận hành. Đó là sự đúc kết của một quá trình rất dài, của rất nhiều con người, của rất nhiều trải nghiệm, để thành một cái hệ quy chuẩn công thức mà mình có thể áp dụng và nhân bản nó.”
“Và muốn đạt tới được cái quy trình đó, thì chắc chắn là mình sẽ phải tham khảo không phải của một, hai người, mà phải là bộ não của hàng nghìn con người thành công đã được đúc kết thành công thức. Khi đó thì mình có thể nhân bản và vận dụng được những cái kiến thức người khác để lại, cho cái doanh nghiệp của mình”, chị nói thêm.
Chị rất ủng hộ việc các bạn trẻ đi học thêm thạc sĩ. Khác với hàm ý của nhiều người khác là đi học vì mình không có định hướng, hay thấy việc đi làm quá áp lực nên phải đi học lại; chị cảm thấy việc học cao học, đặc biệt nếu có thời gian làm việc rồi sau đó đi học lại, sẽ giúp ta ngộ nhận ra nhiều thứ trong lý thuyết mà trước đây tưởng chừng là khô khan. Nhà báo Dương Ngọc Trinh tóm gọn lại tầm quan trọng của việc học thêm, đặc biệt là cao học như sau:
“Em bắn một mũi tên nhưng đạt được 3 cái đích. Đích đến đầu tiên là được tiếp cận với rất nhiều bộ óc lớn của nhân loại, rất nhiều trải nghiệm được đúc rút và được nén lại thành một quy trình chuyên nghiệp. Đó chính là các giáo trình giá trị. Mũi tên thứ 2 là các mối quan hệ của em sẽ được rộng mở như thế nào, khi ta có thể học được từ chính các đồng môn hay giảng viên.
ChịDương Ngọc Trinh nói thêm: “Thứ 3, đó là hành trình trải nghiệm của em sau cả một quá trình để có được chứng nhận. Và cái chứng nhận đấy nó thể hiện với xã hội, không phải bằng lời nói của mình nữa. Từ đó, nguồn vốn con người của em đã gia tăng (gọi là human capital).”
Đúng là việc học trước và sau này khi thành lập và điều hành doanh nghiệp là điều tốt, nhưng mọi người sẽ có cách tiếp nhận thông tin khác nhau và nguồn lấy nó từ đâu cũng vậy. Cụm từ “nguồn vốn con người” mà chị đề cập ở trên chính là điều mà mọi người trẻ nên hướng tới.
BTV Dương Ngọc Trinh nhấn mạnh rằng, học có thể đến từ mọi nơi, nhưng quan trọng nhất là cái mục đích mà mình đi học để làm gì. Ta phải cân nhắc thật kỹ chiến lược của mình, vì mục đích lớn nhất của đi học chính là xây dựng nguồn vốn con người. Và khi mà mình đã xây dựng nguồn vốn con người của mình dày và bền vững thì khả năng kiếm tiền mới mênh mông và không giới hạn.
“Khi mà nghĩ đến đỉnh, thì phải chấp nhận đáy”
Là một con người đã đạt được rất nhiều thành công trong sự nghiệp, BTV Dương Ngọc Trinh vẫn cảm thấy mình vẫn còn nhiều thứ phải học. Bởi vì theo chị nói, nếu đến 1 ngày mà không có gì để học thì chị sẽ “cảm thấy buồn lắm, buồn vô cùng“. Thế nên, chị sẽ luôn cố gắng tìm cái mới để tiếp nhận trong mọi hoạt động mà mình có mặt; và luôn thuật lại 3 điều mà chị đã chia sẻ, đó là: “chấp nhận, nhẫn nhịn và kiên trì.”
Lời khuyên cuối cùng mà BTVDương Ngọc Trinh gửi gắm đến các bạn đang mong muốn đạt được giấc mơ trong sự nghiệp, đó là phải luôn thực tế với lựa chọn của mình và đón nhận cả cái tốt và cái xấu trong hoàn cảnh đó:
“Trên đời này không bao giờ chỉ có đỉnh, mà sẽ luôn luôn là đáy và đỉnh. Nó là một cặp đôi hoàn hảo và nó chính là sự cân bằng. Cho nên khi mà nghĩ đến đỉnh thì hãy phải chấp nhận đáy; và khi đang ở dưới đáy, tức là mình đang trong quá trình để bò lên đỉnh. Chị muốn dành điều này cho các bạn và cho cả chính mình, để bản thân cũng phải tự vượt qua những giai đoạn vô cùng khó khăn. Và quan trọng nhất là không bỏ cuộc.”