Khai mạc vào ngày 09.11 tại phòng tranh tư nhân Wiking Salon, triển lãm tranh Những địa hạt phù du của 2 họa sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa đã mang đến một góc nhìn mới mẻ và đầy triết lý về những vật thể tưởng chừng vô tri vô giác.
Từ những tảng đá, bộ xương đến các khối bê tông và hóa thạch, những thực thể tạiNhững địa hạt phù du hiện lên không chỉ là vật chất thô kệch mà là những chứng nhân âm thầm của thời gian. Được hình thành qua hàng triệu năm dưới sự tác động của các yếu tố tự nhiên hay quá trình nhân tạo, chúng mang trong mình dấu ấn của những biến đổi sâu sắc của vũ trụ.
Họa sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa đã khéo léo tái tạo lại hình ảnh và ý nghĩa của những khối vật chất này. Các tác phẩm trong triển lãm gợi lên một hành trình cảm nhận sâu sắc về sự kết nối giữa con người và những yếu tố tưởng chừng không có ý thức, từ đó khơi gợi suy tư về nhịp sống khác biệt – một nhịp sống lặng lẽ và bền bỉ tồn tại vượt ngoài khả năng nhận thức và trải nghiệm ngắn ngủi của đời người.
Sự khác biệt trong cách thể hiện nhưng cùng chí hướng của 2 hoạ sĩ
Trong triển lãmNhững địa hạt phù du, họa sĩ Mifa mang đến một cách nhìn sâu sắc về sự kết nối giữa thiên nhiên và cảm xúc ẩn giấu trong những gì ta thường cho là tĩnh lặng và bất biến.
Tác phẩm của cô khai thác những biểu tượng như đá, nấm, địa y, và các yếu tố thiên nhiên khác để tạo nên một hành trình cảm nhận về thời gian và tồn tại. Sử dụng kỹ thuật thủy mặc cùng các phương pháp như in đất sét, mạ vàng, và thư pháp, Mifa tạo ra những tác phẩm đầy chi tiết và trầm lắng, gợi lên sự kết nối của vật thể với cảm xúc và ký ức.
Quá trình sáng tác không có phác thảo trước của Mifa là một điểm nhấn, thể hiện sự tự do và ngẫu hứng trong việc vẽ, từ đó mở ra những tương tác bất ngờ giữa bút cọ và giấy. Những “vật chứa đựng” trong tranh, như đá hay thơ ca, mang lại cảm giác về sự chịu đựng và lưu trữ cảm xúc, cho thấy sự gắn bó với quá trình tự nhiên.
Các tác phẩm được lấy cảm hứng từ thơ cổ điển Nhật Bản như của Kobayashi Issa và Yosa Buson thể hiện sự cô độc một cách thâm trầm, làm nổi bật mối quan hệ mật thiết giữa con người, thiên nhiên và sự tĩnh lặng.
Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Việt Anh chọn cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt khi khám phá sự biến đổi và sáng tạo trong kiến trúc và hình thái.
Từ các công trình mang phong cách Xô Viết và kiến trúc hiện đại, anh bắt đầu với việc quan sát và ghi nhận bằng mắt thường những rung động từ các không gian quen thuộc. Những cấu trúc này được tái hiện trên toan bằng cách tạo ra các tổ hợp mới từ những mảnh ghép rời rạc, vượt qua những quy chuẩn vật lý thông thường và biến các chi tiết thành một không gian độc lập đầy sáng tạo.
Nguyễn Việt Anh khai thác sự giao thoa giữa thực và hư, giữa cái cụ thể và mộng mơ. Các đường nét sắc lạnh, mạnh mẽ hòa quyện với những yếu tố mềm mại tạo nên những tác phẩm tổng thể đa chiều. Qua đó, anh mời gọi người xem bước vào một thế giới mà những chi tiết tưởng chừng vô tri trở nên sống động và có ý nghĩa riêng biệt.
Thế nhưng, cả Mifa và Nguyễn Việt Anh đều có một điểm chung quan trọng trongNhững địa hạt phù du – đó là khơi gợi và tạo dựng một không gian nghệ thuật mà những vật thể phi nhân trở thành trung tâm.
Qua các tác phẩm của mình, họ đặt câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại và nhịp sống vượt ngoài tầm hiểu của con người, đồng thời mời gọi người xem tìm hiểu và suy ngẫm về sự đa dạng, phức tạp, và vẻ đẹp tiềm ẩn của những thứ tưởng chừng như tĩnh lặng, bất biến.
Cuộc đối thoại về một số tác phẩm của nhau từ Nguyễn Việt Anh và Mifa tạiNhững địa hạt phù du
Trước khi diễn ra sự kiện trưng bày tác phẩm, cả 2 hoạ sĩ đã trò chuyện với nhau về những bức tranh của người kia; cho ta thấy rõ hơn về cách nhìn nhận cũng như sự suy diễn của từng tác giả về những “đứa con tinh thần” của mình.
Mở đầu với bức Ký ức mùa lễ hội của Mifa, hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh nhận xét rằng từ chất liệu giấy, mực và dát vàng; đến lối bố cục ước lệ và tạo hình có hơi hướng thư pháp, tất cả đều mang lại cảm giác Á Đông và thiên về thiên nhiên.
Anh nhận thấy sự gần gũi và hơi mơ màng của thế giới trong tranh. Đồng thời, anh đề cao kỹ thuật phong phú của tác phẩm, đặc biệt là sự kết hợp giữa các vết bút đậm, mạnh mẽ và các nét mảnh mai tạo ra sự gợi mở hình thái. Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh khen ngợi bố cục khéo léo của bức tranh, với sự phân bố đặc rỗng, thoáng chặt nhưng vẫn giữ được sự tự do đầy ấn tượng.
Chị Vân, người giám tuyển củaNhững địa hạt phù du, phân tích thêm về chiều sâu của bức tranh, nhấn mạnh cách bức tranh tạo ra cảm giác về thời gian qua các vết mực đen như một con đường dẫn dắt từ trung cảnh đến tiền cảnh. Chị cũng tò mò về bố cục ở phía bên phải của tranh và tự hỏi về sự tương tác của nó với con đường đã được mô tả.
Ngoài ra, người giám tuyển cũng cảm nhận sự hiện diện của yếu tố “khói” trong tác phẩm, gợi ý về một chiều không gian khác trong tác phẩm.
Mifa – tác giả của bức tranh, chia sẻ cách cô cảm nhận ký ức qua hình ảnh khói. Cô cho rằng khói trong tranh không chỉ đơn thuần là một hiện tượng vật lý, mà là một biểu tượng ẩn dụ cho ký ức, bao trùm và làm mờ đi hình ảnh thực của quá khứ.
Đối với Mifa, ký ức luôn được phủ bởi một lớp cảm xúc, không bao giờ là sự kiện chính xác mà là cách chúng ta cảm nhận nó. Điều này thể hiện trong sự “khói” tâm trí, lớp màn chủ quan che mờ nhưng cũng gợi mở, cho phép người xem phải lần mò để tìm lại điều mình muốn nhớ.
Chị Vân từ đấy đã hỏi liệu lớp khói ấy có vai trò che giấu ký ức hay là một lớp cần vượt qua để khám phá.
Nữ tác giả nói: “Tôi thấy nó giống với việc mày mò tìm lại những gì ta muốn nhớ. Nhưng dần theo thời gian, ký ức ngày càng phai nhạt, và thứ cuối cùng còn lại trong đầu sẽ chẳng còn giống điều đã thực sự xảy ra nữa. Khói trong tranh chính là ẩn dụ cho điều đó.”
Mifa nói tiếp: “Phần bố cục bên phải tranh mà chị Vân cũng hỏi, thật ra khi vẽ tôi hoàn toàn theo cảm giác. Nhưng sau câu hỏi đó, tôi ngẫm lại thì thấy nó đối lập với con đường lễ hội dài, tạo ra một góc nhìn đơn độc. Có thể là sự đơn độc lúc ngắm nhìn, hoặc ám chỉ cái đơn độc trong ký ức chỉ riêng mình cảm nhận.”
Tiếp tục với những tác phẩm của Nguyễn Việt Anh trongNhững địa hạt phù du, cả 3 người đã thảo luận về loạt tranh mang tên Xương và Vườn của anh.
Mifa mở đầu bằng cách chia sẻ cảm nhận chung về tranh của Nguyễn Việt Anh, cho rằng chúng không mang lại sự êm ả về mặt cảm xúc vì các yếu tố “nhọn” và “đâm xen nhau” được sử dụng nhiều trong các bức tranh. Những yếu tố này khiến tranh gợi nhớ đến kiến trúc Cấu Trúc thời Xô Viết và chủ nghĩa Tương Lai, với cảm giác đe dọa và xung đột ngay cả trong những bức có gam màu nhẹ nhàng. Sau đó, cô đã đặt câu hỏi về chủ đề chính của loạt tác phẩm.
Nguyễn Việt Anh giải thích: “Tôi vẽ tranh với trọng tâm là các kết cấu dạng thể cấu trúc, bao gồm 3 yếu tố chính: Khói, kiến trúc và xương.”
Hoạ sĩ tiếp tục nói: “Trong phần kiến trúc, tôi khai thác nhiều yếu tố thô mộc của thời kỳ Xã hội Chủ nghĩa thường thấy quanh Hà Nội. Tôi chú ý đến sự lặp lại của hình dạng và những mảng cắt mà ánh sáng tạo ra trên công trình vào khoảng 3 giờ chiều.”
Khói được miêu tả như một yếu tố bay bổng, ẩn hiện, vừa động vừa tĩnh, giúp giải quyết bài toán không gian. Trong loạt tranh Xương vàVườn, anh tạo nên một thế giới nơi xương và kiến trúc được xem như một phần của vườn, nơi mọi vật hòa quyện và tương tác không thể tách rời.
Mifa hỏi tiếp lý do Nguyễn Việt Anh chọn xương làm chủ đề, và anh chia sẻ rằng việc vẽ tranh về xương bắt nguồn từ một sự kiện cá nhân khi người thân bị gãy xương. Việc vẽ là một cách để anh ghi lại cảm xúc, giống như viết nhật ký nhưng có sự sáng tạo và giải tỏa tâm trạng.
Chi Vân tiếp tục đặt câu hỏi về cách anh chuyển tải hình ảnh gai góc và có phần nguy hiểm như xương sang hình ảnh nhẹ nhàng và yên bình hơn trong loạt tranh Vườn.
Nguyễn Việt Anh trả lời rằng, vườn là bối cảnh mà anh tạo ra, trong đó xương trở thành một phần của tổng thể với vẻ ngoài bình thường nhưng vẫn mang tính khó gần và gợi nhớ đến tổn thương. Tuy nhiên, xương trongVườn lại mang một sự dịu dàng, phản ánh sự diễn tiến của đời sống. Một số bức tranh thể hiện sự căng thẳng, trong khi những bức khác gợi lên sự hỗn loạn của lòng tin.
Anh miêu tả rằng xương được làm dịu bởi các yếu tố như lá cây và kiến trúc, hòa quyện trong không gian và gam màu dịu nhẹ, thể hiện sự hài hòa trong thiên nhiên. Những chi tiết kiến trúc trong tranh được anh liên tưởng như bộ xương cốt thép, với cây lá đóng vai trò như khung xương giúp đón ánh sáng và duy trì sức sống cho vườn.
Đôi nét về 2 tác giả
Nguyễn Việt Anh (sinh năm 1989) là một họa sỹ sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào năm 2014. Mối quan tâm của anh xoay quanh những nơi chốn hay mảng kiến trúc thân thuộc được soi xét qua các yêu tổ thời gian cùng sự phản chiếu ánh sáng. Những công trình kiến trúc hay sự vật được nắng rọi lúc 3 giờ chiều, theo chia sẻ của anh, là những khoảnh khắc gây nhiều rung động nhất.
Mifa (sinh năm 1990) tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc Tp. Hồ Chí Minh năm 2013, là một họa sỹ đang sống và làm việc tại Đà Nẵng. Từ 2015, cô tập trung vào việc nghiên cứu và thể nghiệm sơn acrylic trên chất liệu giấy điệp truyền thống của Việt Nam. Các tác phẩm của cô đào sâu vào sự hòa hợp và xung đột của căn tính phương Đông trong thời điểm toàn cầu hóa, song song với sự khao khát bảo tồn và phát triển tinh thần dân gian được thể hiện qua hình thức hội họa.
Thể nghiệm nghệ thuật của cô là sự tìm hiểu và cố gắng tái hiện các thủ pháp hội họa của các nền văn minh phương Đông cổ xưa như kỹ thuật dát vàng lên giấy, thư pháp, màu nước, in thủ công, bồi giấy.. kết hợp cùng kỹ thuật cá nhân lấy cảm hứng từ bề mặt tranh sơn mài Việt Nam.
Một số thông tin về triển lãm tranh Những địa hạt phù du:
- Địa điểm: Wiking Salon, Toà nhà Centec (Tầng trệt) Số 72, Đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3.
- Thời gian trưng bày: Từ 09.11- 08.12.2024.
- Giờ mở cửa: 09:00 – 18:00 (từ thứ Năm đến Chủ Nhật).
- Vào cửa miễn phí với lịch đặt hẹn trước.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- Triển lãm “Đa Điểm”: Phá vỡ những thiên kiến về các mẫu hình trong cuộc sống
- Ma Quỷ Dân Gian Ký (Phần 2): 5 sinh vật ám ảnh khác
- Nét đẹp của những quán cà phê vỉa hè tại Sài Gòn