Cuộc trò chuyện đầy ngắn ngủi này sẽ quyết định liệu bạn có thể nổi bật giữa hàng trăm ứng viên hay không đấy.
Phỏng vấn sàng lọc là bước đầu tiên trên hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của mỗi người. Dù thoạt nhìn có vẻ đơn giản, chúng ta đều hiểu tầm quan trọng của những cuộc gọi ngắn ngủi này. Bởi lẽ, nếu không vượt qua vòng phỏng vấn sàng lọc, ta sẽ không thể tiến được đến vòng tiếp theo (hoặc vòng cuối cùng của quy trình phỏng vấn ở nhiều công ty lớn).
Cuộc trò chuyện ngắn này sẽ quyết định liệu bạn có thể nổi bật giữa hàng trăm ứng viên và lọt vào nhóm nhỏ hơn, có thể chỉ từ 5 đến 10 ứng viên, hay không. Cho nên, dưới đây là 6 điều cần lưu ý khi bắt đầu quá trình ứng tuyển và chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn sàng lọc hiệu quả.
1. Nên đọc kỹ mô tả công việc
Trước tiên, bạn hãy đọc kỹ mô tả công việc và tuân thủ mọi yêu cầu được đưa ra từ phía nhà tuyển dụng. Nhiều ứng viên hay bị loại ngay từ “vòng gửi xe” chỉ vì bỏ qua các yêu cầu đã được ghi rõ. Ví dụ, tin tuyển dụng có thể yêu cầu bạn gửi kèm theo thư ứng tuyển (cover letter), nhưng một số ứng viên lại không hề cung cấp. Hoặc có thể bạn được yêu cầu hoàn thành một bài kiểm tra liên quan đến chuyên môn được gửi qua mail, nhưng lại quên kiểm tra hộp thư để thực hiện.
Một số ứng viên thậm chí còn không đọc được tin tuyển dụng. Họ sẽ hay để các nền tảng tuyển dụng tự động gửi hồ sơ của mình đến nhà tuyển dụng. Do đó, ứng viên không nắm được các yêu cầu cụ thể và hồ sơ của họ luôn bị loại ngay từ đầu.
2. Việc nào, hồ sơ ứng tuyển nấy
Để có thể vượt qua thành công buổi phỏng vấn sàng lọc, ta nên cân nhắc tinh chỉnh hồ sơ của mình theo vị trí mà đang ứng tuyển.
Thư xin việc nên tập trung vào vị trí cụ thể mà bạn đang ứng tuyển. Bạn sẽ khá ngạc nhiên khi biết được số phần trăm ứng viên mà nhiều nhà tuyển dụng gặp chỉ gửi những bức thư hoặc bản CV với nội dung chỉ chung chung thôi. Những hồ sơ như vậy sẽ dễ dàng bị loại vì không phù hợp với yêu cầu cụ thể của công việc.
Một điều nữa mà chúng tôi cũng cần phải nói với bạn, đừng phạm sai lầm khi mặc định người nhận là nam giới (Một số nữ nhân viên tuyển dụng đã nhận được thư bắt đầu bằng “Kính gửi ông…” và cũng như ngược lại). Hãy cố gắng tìm hiểu xem ai là người phụ trách tuyển dụng và gửi thư trực tiếp cho họ. Ngoài ra, lỗi chính tả cũng là một yếu tố khiến hồ sơ bị loại, vì vậy hãy kiểm tra kỹ trước khi gửi nhé.
Cuối cùng, hãy cẩn thận khi sử dụng AI để viết nội dung. Những văn bản do các phần mềm như ChatGPT tạo ra thường sẽ có lời văn máy móc, thiếu sức sống, và rập khuông; những yếu tố mà có thể khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ khi đọc.
3. Tìm hiểu kỹ về công ty ứng tuyển
Tiếp theo, hãy chắc chắn rằng bạn đã tìm hiểu kỹ về công ty và sử dụng thông tin đó để thể hiện sự hào hứng của mình với công việc.
Trong thị trường lao động đầy cạnh tranh như hiện nay, việc gây ấn tượng với nhà tuyển dụng là điều hết sức quan trọng. Bạn nên ghé thăm website của công ty để tìm hiểu những điều bạn yêu thích về tổ chức này. Trong buồi sàng lọc, hãy nói những câu theo hướng như: “Tôi thực sự ấn tượng với những gì công ty đang làm,” hoặc “Tôi hiểu được tầm quan trọng của công việc mà công ty đang thực hiện,” hay “Tôi đánh giá cao các chương trình mà công ty triển khai.” Càng cụ thể thì càng tốt.
Kiến thức và sự nhiệt tình của bạn sẽ giúp bạn tiến xa hơn đến các vòng phỏng vấn tiếp theo.
4. Thể hiện sự hứng thú với công việc
Khi trò chuyện với nhà tuyển dụng, hãy cho họ thấy bạn là người phù hợp với công việc này dựa vào năng lực của mình. Hãy mô tả bản thân sao cho phản ánh đúng các mục tiêu và trách nhiệm mà công việc đòi hỏi.
Một cách tiếp cận mà bạn có thể thử là nghiên cứu kỹ mô tả công việc và tìm những từ khóa thể hiện rõ điều mà công ty đang tìm kiếm. Sau đó, khéo léo lồng ghép các từ khóa này vào câu chuyện hoặc phần giới thiệu về bản thân bạn.
Hãy viết ra và luyện tập câu chuyện này trước; để khi vào vòng phỏng vấn sàng lọc, bạn có thể trình bày một cách trôi chảy, tự tin và đầy thuyết phục. Ta nên sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ, tránh các từ đệm như “à,” “ừm,” “thật ra,” hoặc “kiểu như.”
Hãy tìm sự cân bằng giữa tự tin và khiêm tốn. Tránh tỏ ra quá kiêu ngạo, chẳng hạn như: “Tôi có thể hoàn thành X trong thời gian rất ngắn.” Đồng thời, cũng đừng quá dè dặt hay sử dụng những câu như: “Tôi không chắc,” hoặc “Tôi không biết.”
Bạn nên nhớ rằng các buổi phỏng vấn sàng lọc thường khá ngắn, vì vậy, ta cần chuẩn bị một kịch bản súc tích và đi thẳng vào vấn đề. Một nhà tuyển dụng đã từng chia sẻ với chúng tôi về một câu chuyện đáng tiếc như sau: “Có một ứng viên cố gắng trình bày toàn bộ lịch sử làm việc của mình trong vòng 5 phút. Cậu ấy nói nhanh đến mức tôi còn không hiểu nổi. Ngay lúc đấy, tôi nhận ra rằng cậu sẽ không thể làm tốt khi làm việc với khách hàng.”
5. Đặt những câu hỏi trọng tâm trong buổi phỏng vấn sàng lọc
Việc đặt câu hỏi đúng không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của bạn đến vị trí ứng tuyển mà còn giúp bản thân ta hiểu rõ hơn về công việc, từ đó đánh giá xem công việc này có phù hợp với mình hay không. Chúng tôi sẽ gợi ý bạn một số câu hỏi hữu ích như sau:
- Tại sao vị trí này lại được tuyển dụng?
- Một ngày làm việc điển hình của người đảm nhận vai trò này sẽ như thế nào?
- Công ty có áp dụng chế độ làm việc hybrid (làm việc không cố định ở văn phòng) không?
- Mức lương của vị trí này nằm trong khoảng nào?
Đối với mức lương, việc đặt câu hỏi về thu nhập giả định cho ta thấy được rằng công ty sẵn sàng chi trả bao nhiêu để thuê được bạn. Như thế, ta có thể điều chỉnh kỳ vọng của mình để phù hợp với ý định về vị trí tuyển mà công ty đã định sẵn.
6. Luôn giữ vẻ ngoài chuyên nghiệp
Và cuối cùng, nếu buổi phỏng vấn sàng lọc được thực hiện qua Zoom hay bất kỳ nền tảng trực tuyến nào, hãy đảm bảo rằng bạn thể hiện hình ảnh chuyên nghiệp nhất có thể.
Ý ở đây, nghĩa là ta hãy mặc trang phục phù hợp. Nhiều nhà tuyển dụng đã từng gặp không ít ứng viên mặc áo phông, áo ba lỗ hoặc thậm chí đội mũ lưỡi trai ngược khi phỏng vấn. Vì thế, bạn nên trau chuốt để trông gọn gàng, chỉn chu, và đúng phong cách công sở.
Ngoài ra, hãy đảm bảo hình nền của bạn cũng thể hiện được sự chuyên nghiệp. Tránh phông nền là những căn phòng bừa bộn hoặc để thú cưng tự do đi lại trong khung hình nếu có thể. Đặt để ánh sáng cũng là một yếu tố quan trọng, tốt nhất là nên hướng về trước mặt bạn (nếu có thể), còn không thì nên bật đèn nhé.
Trong thời đại mà công việc trực tuyến ngày càng phổ biến, hình ảnh bạn truyền tải và không gian làm việc của bạn trở thành một phần quan trọng trong ấn tượng mà bạn tạo ra tại buổi phỏng vấn sàng lọc đấy.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- 4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê
- Làm thế nào để thể hiện giá trị bản thân mà không bị cho là khoe mẽ?
- 8 tính năng cải thiện hiệu suất trên iPhone mà bạn nên dùng