Có nhiều tranh luận về việc trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế con người, hay sự thay đổi của kinh tế thị trường có những nghề dần biến mất, thay thế bằng những nghề mới. Vậy làm thế nào để không bị đào thải trong thế giới đang có biến chuyển nhanh chóng mặt như thế này?
Ở các tranh luận về việc có hay không về việc thay thế, luận điểm đang giành nhiều phần “thắng thế” đang là: không thể thay thế. Các lý do được liệt kê liên quan đến các điểm hạn chế của trí tuệ nhân tạo như: thiếu trí tuệ cảm xúc, thiếu kỹ năng mềm… cuối cùng con người sẽ vẫn là người tạo ra và làm chủ công nghệ. Nhưng để có thể làm chủ, bạn cần quay lại rèn luyện những điều căn bản xoay quanh 3 từ khoá KỸ NĂNG, KIẾN THỨC và ĐỨC TÍNH.
1. KỸ NĂNG
Có nhiều kỹ năng làm việc chuyên nghiệp mà bạn cần học, càng lên vị trí cao, kỹ năng làm việc với con người lại trở nên quan trọng hơn hết.
Phối hợp làm việc: kỹ năng này chỉ cho bạn cách tổ chức, sắp xếp công việc của chính mình trong một tổ chức hay đội nhóm. bạn cần học cách hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân trong cấu trúc tổ chức và đội nhóm.
Hiểu để làm đúng, để yêu cầu làm đúng, cân nhắc trong việc lên tiếng và trao đổi cách làm việc hiệu quả. Hiểu để tránh những định kiến về phạm vi phụ trách, để hướng tới mục tiêu và tìm cách cải thiện cách làm việc của cá nhân. cá nhân tốt, tổ chức tốt.
Giao tiếp trong công việc: giao tiếp trong công việc ngoài chuyện chủ động, không sợ không ngại, còn là thẳng thắn, rạch ròi và luôn hướng đến việc giải quyết vấn đề một cách trực tiếp, cụ thể.
Tuy nhiên, thẳng thắn không có nghĩa là nghĩ gì nói đó. bạn cần tích lũy thêm kinh nghiệm giao tiếp, học cách tôn-trọng-sự-khác-biệt để có cách giao tiếp phù hợp, chứ đừng chỉ khăng khăng đòi người khác phải tôn trọng sự khác biệt và suy nghĩ của mình. Phải học cách lắng nghe để hiểu người khác, và học cả cách giúp người khác hiểu. Tích lũy thêm kinh nghiệm giao tiếp để cẩn trọng và phù hợp trong mọi tình huống. giao tiếp có kinh nghiệm không phải là thảo mai, linh hoạt mà là khéo léo và đúng đắn.
Hoàn thành công việc: tiếng Mỹ nó gọi là get shit done, khi mọi thứ không/chưa xong (done) thì tức là “get shit”. Chẳng ai muốn get shit vì chúng ta đều ghét shit, vì vậy chúng ta phải học cách phối hợp, tổ chức sắp xếp công việc, hiểu đúng vai trò trách nhiệm của mình và mỗi người trong tổ chức, tìm ra cách giao tiếp phù hợp và đầy sự thấu hiểu, để CÙNG NHAU hoàn thành công việc.
Vấn đề xuất hiện, việc được giao xuống, cần được hiểu và lý giải rõ ràng về nhu cầu, kết quả, sau đó tìm kiếm thống nhất phương án, chia việc và hoàn thành. phải tìm ra được cách hoàn thành, và bằng cách này hay cách khác hoàn thành.
2. KIẾN THỨC
Kiến thức thì mênh mông, chạy theo mải miết mà vẫn không học được hết. vậy nên học gì, theo thứ tự ưu tiên?
Những thứ là kiến thức lõi, sức mạnh lõi của mình: thứ mình có nền tảng, thứ sẽ đem lại tiền cho mình, thứ người ta trả tiền cho mình. 70% thời gian cần dành để học hỏi và nâng cao kiến thức lõi của mình. học để làm, học để có sức ảnh hưởng lớn hơn, học để trở nên đáng tin cậy hơn trong từng nhiệm vụ được giao. Học, rồi học lại. Học, rồi học thêm, học sâu hơn.
Bạn làm creative thì bạn phải học sâu hơn, chắc hơn về creative chứ không phải thấy người ta bảo cái này đang trend lắm em cái bỏ đi học. Phải hiểu lĩnh vực mình làm, mình theo đuổi nó sâu rộng và nhiều thứ để học đến thế nào để kiên trì, đeo đuổi và nâng cao kiến thức chuyên môn, tức sức mạnh lõi của mình. digital cũng thế, social hay gì cũng thế.
Những thứ là kiến thức bổ trợ cho kiến thức lõi của mình: 20% thời lượng hãy dành cho việc mở rộng những mảng kiến thức bổ trợ cho kiến thức lõi. Bởi vì học đúng và mở rộng ra những nhóm liên quan sẽ giúp có thể kết nối những vùng kiến thức đó lại khi cần thiết, Mỹ nó gọi là connecting the dots. Giống như đánh cờ caro, bạn không thể thắng nếu như đang đánh dàn trải khắp cả bàn cờ, có mở rộng quân thì cũng phải gần vùng liên quan.
Một thứ gì đó mới: 10% thời gian và sự tập trung hãy dành cho việc này, hoặc 5% cũng được. Một thứ gì đó mới sẽ giúp bạn vui hơn và có cơ hội nhìn mọi thứ đã, đang làm với góc nhìn khác. hơn hết, làm một thứ mới giúp bạn có được sự thoải mái và ít áp lực.
3. ĐỨC TÍNH & GIÁ TRỊ CÔNG VIỆC
Có nhiều thứ để học như sự trung thực, tính kiên trì, niềm khát khao, ham hiểu biết, hay thích đổi mới. tôi tin đức tính nào cũng tốt cả. Tuy nhiên, bạn hãy bổ sung thêm vào hệ thống thói quen và tư duy làm việc của mình một tính nữa, đó là CAM KẾT.
Cam kết là việc làm tròn phận sự, hoàn thành trách nhiệm và làm đến cùng, làm cho xong, giữ đúng lời-hứa trong một vấn đề, một việc gì đó. Với mình, với đồng đội, với sếp, với tổ chức, với khách hàng, với đối tác.
Giữ được cam kết, sẽ có đủ động lực và quyết liệt để vượt qua sự trì hoãn, loại bỏ định kiến, và luôn hướng tới kết quả. Luôn hướng tới kết quả sẽ giúp bạn có tư duy tìm-cách (problem solving).
Đơn giản vậy.
Tôi tin là dù thế giới có thay đổi thế nào, mọi thứ có vội vã ồn ào đến đâu, dù bạn bao tuổi, thuộc thế hệ nào, những điều trên vẫn luôn đúng. Khi cập nhật những điều mới để có sự dịch chuyển phù hợp, kịp lúc, dù cho có phải thay đổi sức mạnh lõi của mình để sống sót, bạn cũng sẽ có được các đức tính và thói quen tốt trong công việc. Đủ sức làm bất kỳ việc gì.
Năm mới chúc các bạn luôn giỏi và giỏi hơn.
Tác giả: Phan Hải