Bạn đã bao giờ nghe đến cái tên Amancio Ortega chưa? Đây là người đàn ông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đế chế thời trang của Zara.
Với tín đồ thời trang toàn cầu, cái tên này có thể không quá xa lạ. Nhưng với chúng ta, những người chỉ quan tâm thời trang ở một mức độ nhất định, có thể chưa nghe đến bao giờ.
Ông là một trong những người đồng sáng lập Zara – hãng thời trang bán lẻ toàn cầu tới từ Tây Ban Nha – với khối tài sản lên tới hơn 65 tỉ đô la Mỹ và là một trong những người giàu nhất thế giới.
Zara, với gần 50 năm từ ngày đánh dấu sự xuất hiện trên bản đồ thời trang thế giới, vẫn ngày một phát triển khi gây rúng động tới ngành công nghiệp bán lẻ và ghi nhận số lượng người mua sắm trung thành, từ độ tuổi thanh niên cho tới độ tuổi nghỉ hưu. Tại các trung tâm mua sắm, Zara được quan sát là một trong những cửa hàng được ghé thăm nhiều nhất.
Không khó để bắt gặp hình ảnh các anh chàng hay cô nàng kéo nhau vào cửa hàng Zara để thử những bộ cánh của hãng thời trang này. Zara đã xây dựng nên một đế chế thời trang của riêng mình bởi: phong cách thời trang, mẫu mã đa dạng nhưng giá thành vẫn rẻ.
Vậy bí quyết của họ là gì? Liệu họ có vận hành như các cửa hàng bán lẻ nổi tiếng khác? Liệu có gì diễn ra đằng sau những gì họ thể hiện với thế giới?
Sau đây là một vài bí quyết kinh doanh mà chúng ta có thể học được. Bạn có thể vô cùng bất ngờ khi biết rằng Zara vận hành theo hướng hoàn toàn khác biệt với những công ty thời trang khác.
I. Tạo ra thế hệ “cuồng” mua sắm:
Cách hợp lý nhất để miêu tả về thời trang của Zara chính là “nhanh” (đúng rồi đấy, thời trang nhanh).
Các hãng thời trang lớn thế giới thường ra mắt ít nhất 2 bộ sưu tập thời trang trong một năm: một BST Xuân-Hè và một BST Thu-Đông. Khoảng thời gian khác trong năm được dùng để dự đoán xu hướng toàn cầu, tập trung thiết kế, lên kế hoạch ra mắt bộ sưu tập một năm trước khi chúng chính thức lên sàn.
Điều này vô tình tạo ra thách thức rất lớn cho nhãn hàng. Nếu người tiêu dùng thích sản phẩm của họ thì sẽ chả có gì phải bàn cãi, nhưng nếu bộ sưu tập đó không hút người mua, thì rất có khả năng đó sẽ là sự kinh doanh thua lỗ cho cả một mùa.
Zara đã loại bỏ được điều này với cách tiếp cận của mình. Mọi mẫu mã, sản phẩm và các BST của Zara đều chỉ “có mặt” trên thị trường trong vòng 4 tuần, trái ngược với cách đối thủ của họ phải dành hàng tháng trời để trưng bày một sản phẩm. Với cách làm này, Zara luôn trưng bày ít nhất 2 bộ cánh mới trong một tuần và giảm tối đa số lượng hàng tồn ở kho.
Nhờ đó, Zara đã thu được những lợi ích đáng kể như:
- Giảm số lượng hàng tồn kho, đồng nghĩa với chi phí lưu trữ thấp và hạn chế được việc phải giảm giá sản phẩm.
- Thu hút một lượng khách hàng mới đến thường xuyên để nhìn ngắm và mua những sản phẩm mới.
- Khi thấy các sản phẩm không còn nhiều, người tiêu dùng sẽ bị kích thích mua hàng trước khi sản phẩm đấy không còn bày trên kệ.
Với quá trình sản xuất chạy đua với thời gian và kích thích khách hàng nhanh chóng mua những bộ quần áo theo xu hướng, câu hỏi đặt ra ở đây là: Làm thế nào để Zara có thể duy trì được tần xuất thiết kế dày đặc và liên tục như vậy?
II. Chiến lược “ngược lối” của Zara:
Trong khi đa phần hãng thời trang sử dụng cách tiếp cận từ trên xuống (top-down). Quyết định về sản phẩm thường được thống nhất bởi những người đầu não của thương hiệu. Quần áo được thiết kế dựa trên tiên đoán và nghiên cứu của họ về xu hướng thời trang trong mùa tới.
Zara, trái ngược lại, lại chọn cho mình một hướng đi khác. Nhân viên của Zara liên tục đi thu thập thông tin về người dùng, ngay trên những con phố. Những “trinh sát” ra đường, đi vào các trung tâm thương mại để nhìn ngắm trang phục của mọi người. Quản lý cửa hàng của hãng thì sẽ có một báo cáo lưu lại phong cách ăn mặc của khách hàng rồi báo cáo về trụ sở chính.
Lối tiếp cận từ đuôi đi lên giúp các thiết kế được tạo ra dựa trên quan sát hàng ngày (ngay tại quầy thu ngân, đi ra đường,…), và từ đấy quần áo được may chỉnh dựa theo phong cách thời trang của từng vùng, khu vực. Chính chiến lược đầy tài tình và sát sao với người mua đã giúp Zara nổi tiếng trên toàn thế giới và phục vụ được những khách hàng bình dân khó tính.
Bên cạnh đó, phương thức quảng cáo của Zara cũng vô cùng đặc biệt. Thay vì chi hàng đống tiền vào những chiến dịch hay pano quảng cáo, hãng đã tận dụng được phương thức truyền miệng – từ một người tới mười người, từ mười người ra tới hàng nghìn người.
III. “Phương pháp Zara” trong đời sống:
Vậy chúng ta học được điều gì từ cách tiếp cận của Zara để vận dụng vào trong đời sống và nơi công sở?
1. Lắng nghe phản hồi:
Zara thu thập dữ liệu tiêu dùng từ nhiều nguồn khác nhau: từ những con phố, các trung tâm mua sắm, cho tới chính khách hàng của mình. Dù rằng không phải dữ liệu nào cũng hữu ích, nhưng dữ liệu này sẽ giúp Zara biết được sở thích, sở “ghét” của người mua hàng. Từ đó hãng có thể xây dựng được phương án thỏa mãn nhu cầu của họ.
Bạn luôn nhận được phản hồi cho mọi việc bạn làm. Khi bạn tập thể thao, cơ thể bạn phản ứng lại thông qua sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Khi bạn cung cấp dịch vụ, phản hồi và thái độ của khách hàng cung cấp những thông tin hữu ích giúp bạn cải thiện chất lượng của mình. Thông qua việc lắng nghe, chúng ta sẽ biết mình đang làm được những gì và cần bù đắp ở đâu.
2. Loại bỏ sự không chắc chắn:
Việc ta không chắc chắn khi phải đưa ra quyết định sẽ làm tăng cao rủi ro và nỗi sợ rằng mọi thứ sẽ đi sai hướng. Bằng việc liên tục nghiên cứu hành vi khách hành của mình, Zara biết rằng hãng có nên đi theo kiểu thiết kế này trước khi bắt tay vào quá trình sản xuất hay không. Chắc chắn rằng khi hàng hóa càng tiếp cận gần hơn với các xu hướng gắn liền với đời sống, doanh thu của hãng sẽ tăng trưởng.
Trước khi đưa ra một quyết định lớn lao, bạn cần phải cân nhắc thật kĩ những thông tin mình đang biết. Hãy tận dụng nhiều nguồn lực khác nhau để giảm thiểu sự không chắc chắn, giúp bạn có được lựa chọn tối ưu nhất cho mình.
Một ví dụ điển hình cho việc này, nếu bạn hứng thú với việc học lên thạc sỹ, hãy hỏi kỹ những sinh viên hoặc nghiên cứu sinh đang trải nghiệm chuyên ngành đó, trước khi liều lĩnh đổ cả trăm triệu để theo đuổi cao học và có nguy cơ “vỡ mộng”, nhận ra rằng chương trình hoặc ngành học đấy không phù hợp với bạn.
3. Sẵn sàng thay đổi:
Không thể phủ nhận thành công của Zara phụ thuộc rất lớn vào khả năng thích ứng nhanh của hãng. Không như những đối thủ của mình, những hãng quần áo trì trệ với việc nghĩ ra thiết kế BST theo mùa, Zara lại lựa chọn việc thay đổi và đánh giá thế giới thời trang chỉ trong thời gian vài tuần.
Hãng thời trang Tây Ban Nha này liên tục thiết kế những phong cách thời trang mới và cho ra mắt ngay tức khắc tại các cửa hàng khi mọi nơi vẫn đang theo đuổi xu thế chung. Chính việc này đã gây áp lực cho nhiều hãng thời trang khác trong việc cho ra mắt hàng loạt BST trong mỗi mùa và trở nên linh hoạt trong các hoạt động để đối đầu với Zara.
Trong cuộc sống, môi trường thay đổi còn nhanh hơn cả kế hoạch của chúng ta. Các kế hoạch giúp ta biết mình đang ở đâu và hướng đến đâu. Nhưng chúng ta cần có khả năng linh hoạt và sẵn sàng đánh giá lại tình huống.
4. Cơ hội đến từ việc rời khỏi con đường ta luôn muốn theo đuổi:
Có một sự thật vô cùng thú vị là khi Levi Strauss chuyển đến San Francisco vào thời Cơn sốt vàng (Gold Rush), ông đã chỉ muốn mở một cửa hàng kinh doanh bán đồ khô. Nhưng cuối cùng ông lại bán những chiếc quần làm từ vải denim và đinh tán kim loại cho những người đào vàng. Những chiếc quần đấy, hay ngày nay gọi là quần bò, là một thành công đột phá của thế kỉ 19.
Sự việc này nhắc chúng ta rằng không có gì là mãi mãi, cuộc sống sẽ luôn thay đổi và việc duy nhất ta có thể làm là tìm cách kiểm soát và lên kế hoạch cho những thay đổi đấy. Bằng việc loại bỏ sự không chắc chắn trong các quyết định và luôn mở lòng với mọi khả năng, chúng ta có thể bắt được những cơ hội vàng trên con đường đời.
Nguồn dịch: Medium.com