Quay ngược dòng thời gian về tháng 7 năm 1916, tờ New York Times đã báo cáo về một xu hướng thời trang mới đang gây sốt ở các nước châu Âu, rằng người dân nơi đây đang đeo những chiếc vòng tay đính mặt đồng hồ. Thời điểm đấy, xu hướng này được coi là một trò đùa, hoặc một sở thích kì quái.
Tại thời điểm đó, không một ai ngờ được rằng trò đùa về chiếc đồng hồ đeo tay này sẽ trở thành một trong những phụ kiện nổi tiếng nhất xã hội hiện đại.
Câu chuyện về đồng hồ đeo tay bắt nguồn từ những năm 1700, khi ai cũng muốn “mang” thời gian bên mình. Không hài lòng với việc phải ngước lên những chiếc đồng hồ công cộng, hay đồng hồ ở các khu làng, thị trấn mà họ đi ngang qua, người ta bắt đầu trang bị cho mình những chiếc đồng hồ bỏ túi với kích thước khá lớn.
Theo thời gian, những chiếc đồng hồ ngày càng được làm nhỏ hơn và dễ quản lý bằng cách gắn thêm móc xích và dây đeo. Thời điểm đó, đồng hồ không chỉ được coi như một công cụ quản lý thời gian mà còn là phương tiện đầu tư tài chính cá nhân đáng tin cậy. Nếu bạn nhìn lại danh sách cầm đồ từ thế kỷ 19 của nước Mỹ, bạn sẽ nhận ra rằng có từ 40-50% các món được cầm đồ là đồng hồ bỏ túi.
Những đổi mới trong công nghệ từ giữa đến cuối thế kỷ 19 – từ việc chế tạo bộ máy của đồng hồ, xây dựng đường sắt, nhà máy và sản xuất điện, cho tới việc tiêu chuẩn hóa múi giờ của châu Âu và nước Mỹ – đã làm tăng nhu cầu sở hữu đồng hồ trên toàn cầu cũng như mong muốn được kiểm soát thời gian.
Thời trang của phụ nữ thế kỉ 18 và 19 ghi nhận xu hướng đeo vòng tay đính mặt đồng hồ, nhưng chỉ đến thời Chiến tranh Boer, người ta mới nhận ra rằng đàn ông cũng có thể đi theo xu hướng này. Những nhà sản xuất đồng hồ khi đó đang phải đối mặt với một thị trường cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi họ phải để ý đến những thay đổi tinh vi diễn ra hàng ngày trong xã hội. Chính tại thời điểm đấy, một nhà cung cấp ở Anh đã quảng cáo rằng chiếc “đồng hồ đeo tay” đã được sử dụng từ Trận chiến huyền thoại ở Sudan vào năm 1898, và rồi lại xuất hiện lại Chiến tranh Boer, để chỉ ra rằng “trải nghiệm trên sa mạc là cuộc thử nghiệm gắt gao nhất mà những chiếc đồng hồ phải trải qua.” Bài quảng cáo đó đã ngấm ngầm truyền đạt một thông điệp rằng: bên cạnh mặt thẩm mỹ, chất lượng và tính lâu bền của một chiếc đồng hồ mới là điều quan trọng.
Tuy vậy, đồng hồ đeo tay vẫn chủ yếu được coi là phụ kiện của nữ giới. Tờ New York Times chia sẻ vào năm 1912 rằng “Phụ nữ Paris đeo mọi lúc, từ lúc làm việc cho đến những cuộc hẹn hò.” Như một minh chứng về một lối sống sành điệu, thời thượng.
Thế nhưng sau Thế chiến Thứ nhất, khi những người phi công và binh sĩ đeo đồng hồ đeo tay hàng ngày thì giá trị của những chiếc đồng hồ đã được nâng lên một tầm cao mới.
Bước ngoặt của đồng hồ đeo tay
Ở Thế chiến Thứ nhất, liên lạc và tín hiệu đóng một vai trò cực kì quan trọng. Trong giai đoạn này, việc mang đồng hồ đeo tay là một quy định bắt buộc với binh sỹ bởi công cụ này giúp họ quản lý thời gian dễ dàng hơn so với một chiếc đồng hồ bỏ túi khi xưa. Thông qua những cải tiến trong công nghệ liên lạc, quân đội đã có thể điều phối, phân bổ và lên kế hoạch chiến thuật chính xác, đòi hỏi binh sỹ phải biết phối hợp với nhau chặt chẽ theo từng giây. Việc lần mò trong túi để tìm kiếm đồng hồ trong lúc giao chiến có khả năng khiến mọi kế hoạch trở nên bung bét. Những chiến sĩ châu Âu sử dụng mặt kính không vỡ và rắc thêm chất phóng xạ (thường là lưu huỳnh) để giúp chiếu sáng vào ban đêm.
Trước những lợi ích thiết thực của đồng hồ đeo tay, người dân Châu Âu đã bắt đầu tạo nên một cuộc cách mạng trong cách sử dụng công cụ quản lý thời gian này.
Điển hình như chiếc đồng hồ Tank – hình tượng của hãng Cartier – ra mắt vào năm 1917. Cảm hứng của Cartier cho chiếc đồng hồ này đến từ chiếc xe tăng Renault ở mặt trận phía Tây khi vẫn còn là một người lính. Sau nhiều thay đổi, chiếc đồng hồ Tank ngày nay có hơn 41 biến thể, với nhiều tổ hợp màu vàng thỏi, hồng trắng, hồng vàng và xám kim loại. Người ta đồn rằng mẫu thiết kế đầu tiên không có tên, nhưng khi Cartier nói rằng ông đã vẽ dựa trên thiết kế của buồng ngắm và những đường ray bên của xe tăng, cái tên Tank đã lập tức gắn bó với thiết kế kinh điển này.
Vào thời điểm Cartier sáng chế ra chiếc đồng hồ thử nghiệm của mình, thị trường quân đội cũng đang nóng lên với những chiếc đồng hồ đeo tay. Vào năm 1902, Omega trình chiếu quảng cáo về một sĩ quan pháo binh của Anh đeo chiếc đồng hồ của hãng. Omega đã mô tả chiếc đồng hồ “là một vật không thể thiếu trong quân trang.” Từ đây, các công ty sản xuất bắt đầu nhảy vào cuộc đua thiết kế đồng hồ.
Sau khi chiến tranh kết thúc, các nhà sản xuất tiếp tục đưa ra những mẫu thiết kế đồng hồ đeo tay dành cho nam giới, hứa hẹn rằng những chiếc đồng hồ này sẽ làm họ trông giống những người chiến sĩ, anh hùng, mạnh mẽ và đầy nam tính hơn.
Vào năm 2013, chúng ta thấy cú “chào sân” của đồng hồ thông minh, và dường như vòng lặp từ túi-đến-cổ-tay nay lại diễn ra. Với sự phát triển của các thiết bị thông minh, người trẻ nhận thấy những chiếc đồng hồ đeo tay truyền thống đã không còn hữu ích. Họ cho rằng nếu chỉ xem thời gian, thì chiếc di động trong túi quần đã là quá đủ. Tuy nhiên nếu chỉ thế, những chiếc Smart Watch đã không ra đời. Bởi với nhân loại, chiếc đồng hồ có nhiều giá trị hơn việc chỉ xem giờ.
Hiện nay, doanh số bán đồng hồ đeo tay, đặc biệt là những chiếc đồng hồ xa xỉ vẫn tăng mạnh. Nam và nữ giới trên thế giới vẫn coi những chiếc đồng hồ đeo tay là một phụ kiện thời trang tuyệt đỉnh, một tuyệt tác không thể thay thế. Từ sa mạc cho đến đồng bằng, từ tiền tuyến cho đến hậu phương, dù cho trong quá khứ hay hiện tại, những chiếc đồng hồ đeo tay sẽ luôn có một chỗ đứng trong xã hội. Mặc cho đó là đồng hồ cơ thông thường hay chiếc Apple Watch thời thượng, thời gian sẽ luôn được đặt trên tay của mỗi người.
Bài dịch từ nguồn medium.com