27 Club, cái tên bị nguyền rủa
27 Club là một thuật ngữ bắt đầu xuất hiện sau cái chết của Kurt Cobain, thủ lĩnh của ban nhạc Nirvana. Anh chơi guitar và viết nhạc, cùng với những thành viên Nirvana, họ đã khuấy động âm nhạc Mỹ những năm 90. Cái chết bi thương của anh ở độ tuổi quá trẻ khiến cho tất cả mọi người đều thương xót. Những người yêu mếm anh cảm thấy có một sự liên hệ mạnh mẽ giữa anh và những nhạc sĩ tài năng khác cũng ra đi ở độ tuổi 27 trước đó, họ bắt đầu bàn tán về 27 Club – Forever 27 Club – Câu lạc bộ của những nghệ sĩ mãi mãi tuổi 27.
Điều đáng buồn là câu lạc bộ này kể từ đó, đã kết nạp cho mình thêm những cái tên tài năng khác như: Brian Jones, Alan Wilson, Jimi Hendrix, Janis Joplin, Jim Morrison, Kurt Cobain, Bradley Nowell, Amy Winehouse…
Rất nhiều những lý giải kỳ bí về các bản hợp đồng được ký kết với ma quỷ, hay con số 27 đại diện cho sự kết thúc của một chu kỳ trong số học. Khoa học cũng đưa ra ý kiến của mình, khi cho rằng cuộc sống những người ở độ tuổi 27-30 bị chênh vênh giữa suy nghĩ ngày trẻ và sự trưởng thành. Những thay đổi trong khoảng thời gian này khiến họ trở nên dễ căng thẳng, dễ bị tác động và đưa ra những quyết định kỳ lạ với cuộc đời mình.
Mọi người nói những điều họ muốn nói, nhưng chẳng có gì được chứng minh hay xác nhận ngoài sự ra đi đầy tiếc nuối của hàng loạt ngôi sao đình đám trong làng giải trí thế giới.
Không phải là một trào lưu hay tín ngưỡng, câu lạc bộ của sự thương tiếc
Howard Sounes, tác giả của một cuốn sách về 27 Club, nói với tạp chí USA Today rằng, nhiều người hâm mộ cảm thấy không thể chấp nhận sự ra đi của các nghệ sĩ mà họ yêu thích, họ cố gắng tìm lời giải thích cho những cái chết này. Người hâm mộ dễ dàng chấp nhận rằng thần tượng của họ thuộc về Forever 27 Club thay vì đối mặt với sự thật rằng, những ngôi sao này chỉ đơn giản là nạn nhân của cái chết như sự ra đi của các ngôi sao ở bất kỳ độ tuổi nào khác. Điều này không phải là một trào lưu hay tín ngưỡng, 27 Club chính là sự thương tiếc mà những người hâm mộ, những người yêu quý dành cho những người nghệ sĩ tài năng.
Robert Johnson, người đầu tiên gia nhập vào câu lạc bộ này. Cuộc sống của ông nổi tiếng bởi khả năng chơi đàn điêu luyện, những bài hát với giai điệu quyến rũ lòng người cùng vô số lời đồn về ma quỷ được thêu dệt mà không kể đến quá khứ nghèo khổ, bị chế giễu của ông. Robert Johnson có tuổi thơ nghèo khổ cùng 10 người anh em khác, ông vừa lao động vừa học chơi guitar nhưng không có năng khiếu nên thường xuyên bị chê bai. Dù vậy ông vẫn luôn yêu thích âm nhạc và tìm cách luyện tập chăm chỉ. Ông thường lang thang và biến mất một thời gian rồi quay trở lại với khả năng chơi nhạc cải thiện một cách kỳ lạ. Người ta bắt đầu đưa ra những lời đồn về việc ông luyện đàn ở nghĩa địa. Chuyện về giai điệu hay ca từ liên quan đến “hồn ma”, “tội lỗi” và cả “quỷ dữ” được ông sử dụng trong các sáng tác. Cùng tài năng và cái chết bí ẩn ở tuổi 27 mọi người tạo ra giai thoại về ông: Robert Johnson đã triệu tập một con quỷ vào lúc nửa đêm tại ngã tư ở Mississippi. Ông đổi linh hồn của mình để sở hữu tài năng âm nhạc xuất chúng.
Trong bài hát Cross Road Blues, kể về một người đàn ông cần đưa ra sự lựa chọn giữa cái thiện và cái ác.
Giữa những năm 1969 và 1971, Brian Jones, Jimi Hendrix, Janis Joplin và Jim Morrison đều qua đời ở tuổi 27. Tuy nhiên, phải đến khi Kurt Cobain tự sát bằng súng năm 1994, cái tên gọi 27 Club mới thực sự xuất hiện. Người ta tìm thấy trong cơ thể anh một lượng lớn heroin và Valium (một loại dược phẩm giúp lấy lại cân bằng và giảm stress). Cái chết của anh gây ra một cơn chấn động lớn những năm 1990, khi mà âm nhạc của anh, phong cách thời trang của anh luôn là trao lưu, khiến hàng triệu người hâm mộ và học theo.
Lúc này người ta bắt đầu nhận ra những nỗi đau mà Kurt Cobain đã chịu đựng trong thời gian dài với những cơn đau dữ dội do bệnh viêm cuống phổi và đau dạ dày. Cơn đau dạ dày đã làm cho Cobain suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần. Anh đã cố gắng tìm hiểu lý do cơn đau trong nhiều năm nhưng không một bác sĩ nào có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Có khả năng đó là kết quả của chứng vẹo xương sống hoặc tình trạng trầm cảm trong suốt tuổi thơ của Cobain.
Kurt Cobain không sáng tạo nên 27 Club khi mà anh đã cố gắng điều trị rồi tái phát và những lần tự sát ở tuổi 17, 25, 26,… vấn đề thật sự ở đây là không ai giúp được gì cho anh ấy cả. Thế giới có thể không bao giờ biết chính xác tại sao Cobain lại bóp cò. Giống như nhiều người nghiện chết quá trẻ, việc Cobain gia nhập 27 Club không để lại gì ngoài những kỷ niệm buồn và những câu hỏi chưa được giải đáp.
Mọi chuyện bắt đầu lắng xuống sau thời gian dài cho đến khi lại một người khác qua đời ở tuổi 27. Giọng ca huyền thoại Amy Winehouse đột tử tại nhà riêng, với lý do được xác định là ngộ độc rượu. Đây cũng là khoảng thời gian mọi người đều biết cô luôn đấu tranh với những scandal liên quan đến bạo lực, vật lộn chống lại chứng trầm cảm, tự làm hại bản thân và chứng rối loạn ăn uống. Winehouse tìm đến ma túy và rượu để đối diện với áp lực từ sự nổi tiếng. Cocain, heroin, thuốc lắc và ketamine đều được tìm thấy trong hệ thống của cô… Kể từ khi cô qua đời, cha cô đã tự trách mình vì đã không giải quyết vấn đề sớm hơn. Nhưng dù chúng ta có tự trách mình, chúng ta cũng không thể làm người chết sống lại.
Hầu như các thành viên 27 Club đều đạt được những thành công đáng kể trong sự nghiệp. Họ sống trong đỉnh vinh quang nhưng vẫn cảm thấy cô độc và những cơn đau trong quá khứ luôn ám ảnh họ: cuộc sống nghèo khổ, những vết thương từ gia đình như bố mẹ ly hôn, bố mẹ nghiện rượu, bị mọi người xa lánh, bắt nạt… Tất cả những áp lực vô hình ấy đưa họ đến gần với ma tuý, rượu, các chất kích thích khác… chúng bắt đầu lấn át đi lý trí của họ, khiến cho những suy nghĩ tiêu cực và sự tuyệt vọng thức giấc, mọi thứ cứ thế rồi bắt đầu nằm ngoài tầm kiểm soát.
Di sản để lại
Có người nói rằng ai cũng chết một mình. Nhưng những thành viên của 27 Club đã chứng minh rằng điều này không hoàn toàn đúng. Amy Winehouse để lại người cha đau buồn. Kurt Cobain, Jim Morrison và Jimi Hendrix đã bỏ lại những người tình đau buồn. Janis Joplin đã bỏ lại phía sau một số người bạn cùng chung nỗi đau với cô… cùng với đó là những fan hâm mộ, đã luôn yêu quý và luôn hướng về họ như những nguồn động lực trong cuộc sống.
Vào những năm 1990, một bản tổng hợp âm nhạc của Johnson – The Complete Recordings, được hãng Columbia Records phát hành năm 1991 – khiến mọi người yêu thích, album bán được hơn hai triệu bản và giành giải Grammy cho album lịch sử hay nhất. Năm 1994, một con tem bưu chính của Hoa Kỳ in hình Johnson đã tưởng nhớ ông như một anh hùng dân tộc.
Cái chết của Alan Wilson xảy ra chỉ hai tuần trước cái chết của Jimi Hendrix và bốn tuần trước cái chết của Janis Joplin, hai nghệ sĩ cũng qua đời ở tuổi 27. Cùng với tài năng và trí tuệ của mình, Wilson còn nổi tiếng về sự vụng về trong xã hội và hướng nội, triệu chứng của căn bệnh trầm cảm anh ấy mắc phải. Wilson quan tâm đến việc bảo tồn thế giới tự nhiên, đặc biệt là những cây gỗ đỏ. Khi ông qua đời, tổ chức Music Mountain và gia đình đã đã xây dựng đài tưởng niệm nhỏ để tưởng nhớ anh ấy. Số tiền quyên góp được sử dụng để hỗ trợ việc trồng lại rừng gỗ đỏ, nghiên cứu, giáo dục…
Chúng ta có thể không bao giờ biết được, những người trong 27 Club sẽ đóng góp gì cho thế giới nếu họ vẫn còn sống đến ngày nay. Hãy để điều này nhắc nhở chúng ta rằng mỗi cuộc đời, dù nổi tiếng hay không, hãy sống hết mình.