Những người yêu âm nhạc đều cho rằng ngày nay, nghệ sĩ khó mà có thể bán hết vé xem concert khi Apple, Soundcloud, Spotify đang thống trị nền âm nhạc số. Chính tại thời điểm đó, bằng cách tự thành lập công ty riêng của mình, những tinh hoa trong giới âm nhạc đã thay đổi hoàn toàn khái niệm: “sản phẩm sẽ không thể thành công nếu không có sự tài trợ của các công ty lớn.” Rihanna là một minh chứng rõ ràng cho hiện tượng này.
Trong suốt 19 năm, kể từ khi Rihanna kí kết với hãng thu âm đầu tiên (Def Jam Records), cô đã được ghi nhận là một trong những nhạc sĩ được stream nhạc nhiều nhất mọi thời đại. Cô giữ vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng Billboard 14 lần và giành được nhiều giải thưởng khác. Nhưng sự trầm trồ dành cho cô gái này còn nhiều hơn thế, khi Rihanna được coi là người: Viết lại quy tắc cho ngành thời trang và làm đẹp.
Âm nhạc và thời trang có một mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Rihanna hiểu rằng thời trang có sức mạnh to lớn trong việc định hình nhận thức, như cách thần tượng của cô – Madonna – đã từng làm. Chia sẻ với Love Pop, Rihanna nói rằng: “Tôi luôn coi Madonna là một nguồn cảm hứng vĩ đại, đặc biệt là trong những sản phẩm đầu tay của mình. Để nhận xét về sự tuyệt vời của Madona, tôi chỉ có thể nói rằng mỗi lần cô ý sáng tạo ra một phong cách hay đổi mới tủ quần áo, đó đều là một cuộc cải tổ vĩ đại của ngành thời trang.
Rihanna đã làm tốt những gì mình được học. Ngoài việc ghi dấu thông qua các bản nhạc hit và giật các giải thưởng âm nhạc, Rihanna còn gây ấn tượng bằng lối ăn mặc sáng tạo, táo bạo, đạt được thông qua việc hợp tác với các nhà thiết kế nổi tiếng và các nhãn hàng lớn. Tiêu biểu là vào năm 2014, cô được Hội đồng những nhà thiết kế thời trang của Mỹ trao cho danh hiệu “Biểu tượng Thời trang của năm.”
Nhưng cô nàng còn muốn nhiều hơn thế. Thứ cô hướng đến không phải là sự công nhận mà là người dẫn đầu, người tạo ra xu hướng mới trong ngành thời trang và làm đẹp. Vào năm 2011, ngoài việc trở nên nổi tiếng hơn, cô đã nhấn mạnh việc hợp tác với những chuyên gia thời trang, tạo thành bàn đạp cho 2 cột mốc kinh doanh cực kì quan trọng:
- Hãng nước hoa Reb’l Fleur
- Hãng thời trang đầu tiên của cô nàng: Rihanna Designs. Đi kèm đó là sự kết hợp cùng hãng đồ lót Emporio Armani và dòng quần jeans Armani.
Reb’ Fleur và Rihanna Designs chỉ là khởi đầu cho hành trình sau này của cô này. Rihanna tiếp tục thực hiện những cuộc cách mạng thời trang của mình bằng việc hợp tác với nhiều ông lớn trong lĩnh vực Fashion and Beauty, với việc ra mắt một BST quần áo cho hãng thời trang Anh – River Island vào năm 2013. Không chấp nhận dừng chân ở đây, cô nàng còn trở thành cộng sự của các hãng thời trang cao cấp như Puma (và được ghi nhận là Giám đốc Sáng tạo cho BST này).
Thành tựu đáng chú ý nhất của cô nàng là thương hiệu chăm sóc cá nhân Fenty Beauty – tập trung vào người da màu. Fenty bắt đầu hoạt động vào tháng 7/2017, được kì vọng là sẽ đạt doanh thu khoảng 570 triệu đô la Mỹ vào năm 2018. Tờ Time còn gọi Fenty là một trong những sáng tạo tuyệt vời nhất của năm 2017 vì tính toàn diện của nó.
Bước tiếp theo, Rihanna còn kết hợp với LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton SE để tạo ra dòng thời trang cao cấp dưới tên cô nàng. Theo tờ Women’s Wear Daily, hãng thời trang này tập trung vào đồ da và phụ kiện, và có thể được ra mắt vào cùng thời điểm với album thứ 9 của cô vào khoảng cuối năm 2019… Tuy nhiên sản phẩm thời trang đã ra mắt mà album mới vẫn chưa thấy đâu, cô nàng Riri ạ.
Sự hợp tác này vừa giúp nâng cao vị thế của Rihanna trong giới thời trang, đồng thời giúp thương hiệu LVMH tiếp cận những khách hàng trẻ trung và am hiểu về mạng xã hội. Tờ The Wall Street Journal ghi nhận,
“Màn kết hợp này… cho thấy cách mà sức mạnh truyền thông xã hội đã thay đổi triệt để thời trang cao cấp (high-end fashion). Các thương hiệu từng được đánh giá cao bởi một nhóm các nhà phê bình ưu tú giờ đây lại phụ thuộc vào người bán lẻ và các nền tảng xã hội, đặc biệt khi muốn gây chú ý tới người tiêu dùng trẻ. Điều này đòi hỏi các nhà mốt phải mời gọi những người có ảnh hưởng, những người có lượng theo dõi lớn trên các tài khoản MXH – hoặc kết hợp với họ để tạo ra tiếng vang cho đôi bên.”
Chỉ một năm sau khi ra mắt, Fenty Beauty do Rihanna làm chủ đã trở thành nhà sáng tạo đi đầu trong nền tảng kỹ thuật số và là nhà vô địch cho sự đa dạng, tận dụng triệt để mọi trang mạng xã hội bao gồm: 6.3 triệu người theo dõi trên Instagram, 490.000 người theo dõi trên Youtube và 372.000 người trên Twitter. Thương hiệu này tương tác thường xuyên với người theo dõi của họ, đăng lại nội dung do người dùng xây dựng và tạo ra những màn “tung hứng” cùng người hâm mộ trên mọi video và bài post.
Cô nàng đã ngừng đi tour từ năm 2016 sau khi ra mắt album mới nhất, thông qua một thỏa thuận phân phối sáng tạo với Samsung. Trong đó, nữ ca sĩ có thể ra nhạc và đi tour bất cứ khi nào mình muốn – như một cách tự giải thoát mình khỏi sự kiểm soát của ngành công nghiệp âm nhạc. Trên thực tế, có thể nói là Rihanna đã lật ngược bàn cờ trong ngành kinh doanh khắc nghiệt này.
Cô nàng cũng là kẻ thách thức cách mà ngành thời trang, làm đẹp vận hành. Với sức mạnh của mạng xã hội, quy tắc là thứ phải phục tùng theo Rihanna. Phóng viên của tờ New York Times, Vanessa Friedman cho hay:
“Dù Rihanna đã trở thành khuôn mặt đại diện cho dòng nước hoa Secret Garden của Dior vào năm 2015 (đưa nữ ca sĩ trở thành đại sứ da màu đầu tiên của hãng), cô gái này vẫn không phải là người chỉ đi một con đường duy nhất. Rihanna không hợp tác để phục vụ cho mục đích của thương hiệu, mà kì lạ thay, mọi thứ dường như đi theo hướng ngược lại.”
Thực tế là khi ký hợp đồng với Puma để trở thành Giám đốc Sáng tạo, gã khổng lồ trong ngành thời trang này vẫn đang được sở hữu bởi Kering – đối thủ truyền kiếp của LVMH. Và điều bất ngờ đã xảy ra. Nữ ca sỹ sau đó lại trở thành đối tác của LVMH và cùng một lúc làm việc với hai nhãn hàng đang cạnh tranh gay gắt với nhau (một thỏa thuận chưa bao giờ thấy trước đây). Việc hợp tác này đã phản ánh sự thay đổi trong địa vị của Rihanna – khi cô nàng trở thành người quyết định mọi thứ.
Sự mạo hiểm của Rihanna đã thay đổi hoàn toàn bức tranh của ngành làm đẹp, buộc các hãng mỹ phẩm chú ý đến năng lực mua sắm của người da màu. Từ đó, nhiều tông màu kem nền (foundation) đã được tạo ra. Sự thay đổi này được người trong ngành nhắc đến với cái tên Fenty Effect.
Trong một bài báo của mình, Sangeeta Singh-Kurtz của tờ Quartz đã nói
“Không có gì bất ngờ khi những tông nền tối của Fenty bán hết ngay khi mới ra mắt. Thông qua việc bổ sung vào BST các bảng màu phong phú, Fenty đã thu hút một lượng lớn khách hàng thường bị bỏ qua bởi ngành công nghiệp này. Thành công của BST kem nền này không chỉ dừng ở sản phẩm của Fenty hay sự nổi tiếng của Rihanna. Chính chiến dịch marketing của hãng đã làm nổi bật người da màu, theo cách mà giờ đây được các thương hiệu đại chúng đều bắt chước làm theo.
Điển hình như CoverFX, đã ra mắt một chiến dịch độc đáo trên MXH với hashtag #NudeIsNotBeige ngay một tuần sau khi Fenty ra mắt. Vào tháng 5, CoverGirl tung ra dòng kem nền matte với 40 tông màu. Và sau đấy các hãng Revlon, Too Faced,… đều lần lượt cho ra những dòng sản phẩm kem nền tối màu “độc nhất” của hãng.
Singh-Kurtz cũng đặt ra câu hỏi, rằng liệu Dior – và phần còn lại của ngành công nghiệp này đang thực sự ca tụng sự đa dạng, hay họ chỉ đang cố tìm cách thỏa mãn người da màu để nâng cao lợi thế cạnh tranh?
Nhưng Rihanna đã nằm ngoài những cáo buộc đó. Bởi lẽ cô nàng luôn có một sự thống nhất trong mọi hành động và phát ngôn của mình.
Rihanna đã từ chối biểu diễn cho giờ nghỉ của trận Super Bowl LIII, diễn ra vào ngày 3/2/2019, để ủng hộ tiền vệ phòng ngự Colin Kaepernick bởi vì chính sách gây tranh cãi của NFL trong phần hát Quốc Ca (Kaepernick buộc phải quỳ gối khi bài hát vang lên). Cô nàng cũng đã lên tiếng phản đối việc kì thị chủng tộc trong ngành âm nhạc và duy trì tính nhất quán, rõ ràng cho các chương trình từ thiện của mình.
Rihanna không phải là nhạc sĩ /ca sĩ đầu tiên trở thành một nhà kinh doanh. Jay Z đã điều hành các dự án thương mại, từ giải trí cho đến đầu tư mạo hiểm từ rất lâu. Dr.Dre thu được hàng trăm triệu đô la từ việc đầu tư vào Beats Electronics và bán cho Apple. Nhiều nghệ sĩ cũng đã gia nhập các ngành công nghiệp khác như thời trang hay rượu vang. Thế nhưng không phải ai cũng thành công khi làm chủ thương hiệu của mình, song song với đó là duy trì quyền lợi cân bằng với các nhãn hàng lớn hoặc định nghĩa lại toàn bộ thị trường âm nhạc. Có những người sinh ra để giành quyền điểu khiển và Rihanna là một trong những người đó. Cô nàng đã chiến thắng mọi ván bài mà mình muốn chơi.
Bài dịch từ nguồn medium.com
Có thể bạn quan tâm:
Giải thưởng âm nhạc MTV Video Music Awards 2020 có nhiều khác biệt so với những năm trước
Sự im lặng của Keanu Reeves dạy chúng ta điều gì?
Kenshi Yonezu trở lại sau 2 năm với album Stray Sheep