Một bức tranh toàn cảnh về ngành thời trang tại Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, cùng những đổi mới về cách làm việc, mô hình kinh doanh, cũng như phương thức sản xuất.
Những “cú đánh bất ngờ” từ Covid
1. Huỷ bất ngờ và dời vô thời hạn những sự kiện thời trang trong nước và quốc tế
NTK Hoàng Minh Hà cho rằng, không thể phủ nhận sự khủng hoảng nặng nề mà dịch bệnh đã, đang và sẽ gây ra với ngành thời trang cả trong và ngoài nước. Anh chia sẻ, “Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến thời trang thế giới và Việt Nam. Những tuần lễ thời trang Paris, London, Milan, Thượng Hải bị ảnh hưởng nặng nề. Dịch bệnh làm thời trang như đóng băng khi tất cả các hoạt động, sự kiện và những ngành nghề giải trí phải dừng lại.”
Tuần lễ thời trang Rakuten, dự kiến bắt đầu ngày 16/3 ở Tokyo, đã bị hủy bỏ. Buổi trình diễn Cruise 2021 tại Dubai nhà mốt Giorgio Armani vào ngày 19/4 cũng đã phải hoãn lại do sự bùng phát Covid-19. Ralph Lauren có kế hoạch tổ chức show diễn ở New York vào tháng 4 cũng chịu cùng số phận và không thể diễn ra theo dự tính ban đầu. Buổi trình diễn Métiers d’Art 2020 của Chanel tại Bắc Kinh khi gặp phải tình trạng tương tự do những diễn biến khôn lường của đại dịch đã hứa hẹn sẽ lựa chọn một thời điểm thích hợp hơn để ra mắt với công chúng. Hay show trình diễn Cruise 2021 tại Nhật Bản của nhà mốt Prada – nhằm đánh dấu lần đầu tiên nhà mốt Ý tổ chức một buổi trình diễn tại đất nước mặt trời mọc, tuy đã được ấn định tổ chức vào ngày 21/5, cũng đã phải dời đến một thời điểm thích hợp hơn. Nhà mốt Burberry đã phải hoãn vô thời hạn show diễn của họ ở Thượng Hải, và Gucci cũng theo đó mà hủy bỏ show diễn tại San Francisco vào tháng 5.
Sự xuất hiện của Covid-19 cùng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan như giãn cách xã hội tại Ấn Độ đã làm trì hoãn nhiều kế hoạch cưới, trong khi các nhà thiết kế thời trang đình đám của quốc gia Nam Á như Manish Malhotra, Tarun Tahiliani và Sabyasachi cũng tạm thời “bế quan tỏa cảng.”
Tình hình của ngành thời trang trong nước cũng không có nhiều tiến triển khả quan hơn khi hàng loạt show diễn cũng phải đối mặt với nguy cơ bị hủy bỏ hoặc trì hoãn vô thời hạn. Nhiều NTK như Lê Thanh Hòa, Đỗ Long, và Adrian Anh Tuấn đã phải hoãn các show thời trang được lên kế hoạch tổ chức trong tháng 4. Show thời trang Dear My Princess của NTK Chung Thanh Phong diễn ra trong khuôn khổ triển lãm cưới ELLE Wedding Art Gallery 2020 dự kiến tổ chức vào ngày 01/08 tại TP.HCM đã xác nhận dời lịch trình diễn để phòng dịch.
Cùng cảnh ngộ, NTK Phạm Đăng Anh Thư vừa giới thiệu Hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy làm “nàng thơ” cho bộ sưu tập Kiss From The Cloud – lấy cảm hứng từ vườn địa đàng, trên sân khấu sẽ trình làng những thiết kế Haute Couture lộng lẫy, mang phong cách nữ thần kết hợp với nghệ thuật biểu diễn thị giác, cũng đã phải tuyên bố tạm hoãn show.
Khi buộc phải dời lịch trình diễn nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, NTK Trương Thanh Hải chia sẻ: “Thật buồn khi thông báo show diễn phải tạm hoãn, vì sức khỏe cộng đồng luôn quan trọng nhất. Hy vọng chúng ta sẽ lại an bình và có tiếp trạng thái bình thường mới để trưng bày cái đẹp”.
2. Sụt giảm doanh số do xu hướng tiết kiệm chi tiêu trong khủng hoảng tại các quốc gia châu Âu.
Người ta ước tính rằng ngành may mặc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, một phần bởi xu hướng tiết kiệm chi tiêu của người dân địa phương.
Ủy ban Châu Âu ước tính trong năm nay, tỉ lệ tiết kiệm sẽ đạt 19% trong thu nhập của hộ gia đình ở khu vực châu u. Đây cũng được xem là con số cao nhất kể từ khi bắt đầu liên minh tiền tệ. Theo các phân tích từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh, tiền gửi tiết kiệm đã thật sự bùng nổ trong vài tháng qua tại một số nền kinh tế lớn của châu u, bao gồm Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha.
Theo tính toán, chi tiêu tiêu dùng tại xứ sở Sương mù đã giảm đến 1/5, tương đương 20,6% so với mức chi tiêu thông thường. Cùng với đó, doanh số bán quần áo và giày dép tại quốc đảo cũng dự kiến sẽ giảm 11,1 tỷ bảng Anh (khoảng $13,06 tỷ USD). Con số mất mát này tương đương với tổng doanh số bán quần áo của 3 nhà lãnh đạo tiên phong trên thị trường may mặc tại Anh là Primark, Marks & Spencer và Next.
3. Ngành xa xỉ phẩm ở Anh và các nước châu Âu lao đao vì vắng bóng khách du lịch.
Việc thiếu vắng khách du lịch “giới nhà giàu” từ các nước châu Á và Trung Đông đã khiến cho ngành công nghiệp xa xỉ tại châu Âu phải lao đao, rơi vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc.”
Theo tờ Reuters, khách du lịch toàn cầu từ vùng Trung Đông và các quốc gia như Nga và trung Quốc chiếm từ 35 đến 55% doanh thu của các thương hiệu ở châu Âu. Người đứng đầu công ty thương mại thời trang Confcommercio, Renato Borghi cho biết, “Một cuộc khảo sát với khoảng 100 nhà bán lẻ ở Milan đã cho thấy doanh số giảm trung bình 30% so với năm trước, kể từ tuần đầu tiên sau khi các cửa hàng mở cửa trở lại.”
Theo công ty quản lý bán lẻ New West End Company, khoảng 90% các thương hiệu ở quận West End của London, nơi được xem là khu vực xả xỉ trọng yếu đối với các nhà mốt, đã mở cửa trở lại vào ngày 15/6 vừa qua. Sau khi mở cửa, các thương hiệu đã phải phụ thuộc vào nguồn khách địa phương để duy trì doanh số bán hàng – vốn dựa trên các khách hàng từ khắp nơi trên thế giới. Trong số 200 triệu khách hàng hằng năm đến các cửa hàng ở West End trước khi đại dịch xảy ra, thì 49% là khách hàng quốc tế. Thống kê cũng cho thấy, doanh thu thu được từ khách du lịch mua xa xỉ phẩm trong các chuyến đi chiếm hơn 40% tổng doanh thu của ngành.
Katie Thomas, giám đốc của Bond Street và Mayfair tại Công ty New West End cho biết, “[Đây] là một ảnh hưởng nghiêm trọng khi không có những khách du lịch đó. Người dân London sẽ là người đầu tiên quay trở lại và mua sắm. Mặc dù chúng tôi có khách hàng địa phương, nhưng chúng tôi luôn hướng đến khách hàng quốc tế.”
4. Dịch bệnh do COVID-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng tại châu Á và Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động tới Việt Nam mà còn thay đổi cả chuỗi sản xuất của ngành dệt may toàn cầu. Những nền công nghiệp xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Bangladesh hay Việt Nam đang chịu tổn thương liên tiếp khi nguồn cung nguyên phụ liệu lớn nhất thế giới (Trung Quốc) và nguồn cầu lớn nhất thế giới (châu Âu và Mỹ) phải ngừng xuất và nhập hàng.
Khi dịch bệnh do Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các nhà sản xuất thời trang đều gặp khó khi chuỗi cung ứng hàng hóa đột ngột bị gián đoạn. Mối lo ngại này xuất phát từ thực tế Trung Quốc đã chuyển mình từ công xưởng sản xuất giá rẻ để trở thành trung tâm chế tạo giá trị cao của thế giới, kết nối tới 40% chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại châu Á, trung tâm sản xuất hàng may mặc và giày dép của thế giới cũng đã phải hứng chịu nhiều hậu quả tàn khốc, đặc biệt là với các đơn vị sản xuất có sử dụng nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Khởi đầu năm 2020, các doanh nghiệp dệt may này đã phải trải qua 2 tháng đầu năm đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu sản xuất khi Trung Quốc – được xem là nhà cung ứng tới 80% nguyên liệu, đã phải đóng cửa biên giới để dập tắt dịch bệnh. Sự đình trệ này đã dẫn đến việc nhiều đơn đặt hàng quần áo trị giá hàng tỷ đô la đã bị hủy bỏ.
Tại Việt Nam, theo đại diện Tổng Công ty 28 cho biết ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nguồn cung nguyên liệu của doanh nghiệp này đã bị thiếu hụt trầm trọng do hầu hết phải nhập từ Trung Quốc. Tương tự, đại diện của Công ty may Sông Hồng khẳng định dù hiện tại việc sản xuất vẫn đang diễn ra bình thường vì công ty có đầy đủ hàng tồn kho để sản xuất trong quý I năm 2020. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc, khả năng thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong quý II năm 2020 là điều khó tránh khỏi.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong hai tháng đầu năm (giai đoạn 1 của dịch bệnh), đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyên sản xuất theo đơn đặt hàng. Đến tháng 3, khi các nhà sản xuất Trung Quốc gượng dậy và khôi phục khoảng 80% hoạt động cung ứng nguyên phụ liệu thì tiếp đến giai đoạn 2 dịch bệnh bùng phát tại Mỹ và châu Âu – hai thị trường chính chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Dịch bệnh bùng nổ tại Mỹ và châu Âu khiến nhu cầu nhập hàng từ hai thị trường này sụt giảm đột ngột, đồng thời cắt đứt nguồn cầu của toàn ngành. Đa số các đối tác lớn đều có động thái cắt giảm hoặc ngừng tất cả đơn hàng đến khi công cuộc phòng chống dịch bệnh có nhiều khởi sắc. Tính đến khoảng tháng 6 năm nay thì ngành dệt may đã thiệt hại khoảng 12.000 tỉ đồng. Đồng thời sức cầu giảm đã kéo theo giá giảm tới trên 20%, gây ra nhiều khó khăn cho ngành công nghiệp thời trang trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Thời thế thay đổi
1. Cửa hàng trở thành kênh hỗ trợ cho website
Vào thời điểm hầu hết các cửa hàng đã bị đóng cửa, các trang web không tồn tại chỉ để bổ sung cho các cửa hàng mà thay vào đó, đã trở thành kênh hỗ trợ cho việc bán hàng trực tuyến. Mặc dù trước đây các cửa hàng truyền thống đã từng là trọng tâm chính trong vấn đề doanh s, nay doanh thu thu được thông qua việc bán hàng đa kênh đang dần phát triển và trở thành xu thế bán hàng cho các thương hiệu thời trang.
Tập đoàn Nike thông báo doanh thu tại các cửa hàng truyền thống trong 3 tháng (từ tháng 3 – 5/2020) sụt giảm mạnh. Tại Bắc Mỹ – thị trường lớn nhất của Nike, doanh thu đã giảm tới 46% xuống còn 2,2 tỷ USD. Nike cho biết 90% số cửa hàng của tập đoàn này phải đóng cửa trong khoảng 8 tuần. Điểm sáng duy nhất của tập đoàn chính là bán hàng trực tuyến, với doanh thu tăng tới 75%.
Khi các cửa hàng chuyển sang kinh doanh trực tuyến, các yếu tố liên quan đến trải nghiệm sẽ trở thành một áp lực lớn đối với các thương hiệu. Thương hiệu chủ chốt của tập đoàn Kering, Gucci đẩy mạnh thương mại điện tử của hãng thông qua 5 bản cập nhật ứng dụng, gần đây nhất là tính năng thực tế ảo AR. Khi sử dụng, người dùng có thể xem chính xác giày, kính, mũ và son môi mới của Gucci xuất hiện như thế nào thông qua các bản thử AR.
Tiffany & Co cũng sử dụng ứng dụng công nghệ để hỗ trợ khách hàng chọn nhẫn đính hôn thông qua tính năng AR. Ứng dụng này cho phép người dùng xem từng chiếc nhẫn ở các ánh sáng khác nhau và chia sẻ với bạn bè qua mạng xã hội. Khách hàng cũng có thể xem các kiểu dáng đồ trang sức khác nhau và kiểm tra thông tin sản phẩm trên ứng dụng.
Tại thị trường trong nước, các NTK cũng ráo riết nắm bắt xu hướng bán hàng trực tuyến trên thế giới, đồng loạt đẩy mạnh hoạt động kinh doanh online, phát triển kênh mua sắm trực tuyến với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
NTK Tom Trandt cho hay, anh cùng đội ngũ sản xuất đã phải đầu tư tỉ mỉ với khoảng 15 look hình cho BST mới nhất của thương hiệu thời trang Môi Điên. Theo Tom Trandt chia sẻ, khách hàng thay đổi nhiều về nhận thức và nhu cầu đối với trang phục. Do đó, ngoài thiết kế đặc trưng của thương hiệu, việc đầu tư hình ảnh cho các kênh mua bán online cũng là một trong những điều mà các thương hiệu cần lưu ý.
NTK Đỗ Long, NTK Lê Thanh Hòa đã cho ra mắt các dòng sản phẩm đầm đơn giản qua hệ thống bán online, giới thiệu mini collection trên website. NTK Thủy Nguyễn triển khai một số dự án cộng tác với các trang thương mại điện tử giới thiệu các sản phẩm phân khúc giá bình dân hơn. “Trước đây chúng tôi chỉ làm album giới thiệu bộ sưu tập, giờ phải làm video kỹ lưỡng cho khách xem trên Facebook, Zalo, Viber,” NTK Sĩ Hoàng chia sẻ những đầu tư về mặt hình ảnh cho dự án bán áo dài trực tuyến của mình.
2. Đồng loạt sản xuất khẩu trang
Tập đoàn LVMH (Fendi, Louis Vuitton…) là một trong những bên tuyên bố sẽ sản xuất nước rửa tay từ các nhà máy chuyên làm nước hoa và mỹ phẩm cho các thương hiệu như Christian Dior và Givenchy. Mọi chi phí sản xuất và vận chuyển sẽ đều do LVMH chi trả, trước khi hàng được chuyển tới cho các cơ quan y tế.
Thêm vào đó, tập đoàn Kering (Gucci, Balenciaga, Yves Saint Laurent…) cũng đã đặt hàng 3 triệu khẩu trang y tế dành tặng các bệnh viện trên toàn nước Pháp. Trong đó, riêng thương hiệu Gucci đã đóng góp tới 1 triệu khẩu trang y tế cùng 55.000 bộ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế.
Không kém cạnh gì, Chanel cũng tuyên bố sẽ tận dụng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất để tham gia sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ cho các y bác sĩ. Tại Ý, Prada bắt đầu cung cấp hơn 80.000 bộ đồ bảo hộ và 110.000 khẩu trang dành cho các nhân viên y tế theo lời đề nghị của vùng Tuscany. Nhà mốt Ralph Lauren tại Mỹ cũng đang rục rịch sản xuất hơn 250.000 khẩu trang và 25.000 bộ đồ bảo hộ.
Bên cạnh những thương hiệu cao cấp, giới nghệ sĩ cũng tự sản xuất khẩu trang vải có thương hiệu của riêng mình và bán ra như một loại merch để khuyến khích người hâm mộ mang khẩu trang phòng chống dịch, đồng thời cũng quảng bá cho các sản phẩm âm nhạc mới.
Album gần đây nhất của Lady Gaga, Chromatica được phát hành đã cho ra mắt đồng thời khẩu trang “Sour Candy” có họa tiết răng nanh. Katy Perry cũng đang có khẩu trang Smile để quảng bá cho album sắp phát hành. Nicki Minaj, Bad Bunny và BTS cũng có những sản phẩm tương tự.
3. Thời trang athleisure lên ngôi
Athleisure là “đứa con lai” của trang phục thể thao (sporty) và thường phục (casual). Khi phòng gym, sân tennis, sân golf là nơi lui đến sau mỗi giờ làm, thì phong cách athleisure đã được ra đời. Năm 2016, cái tên “athleisure” đã được từ điển Merriam-Webster cập nhật là “trang phục thường nhật với thiết kế dành cho cả hoạt động thể thao và nhu cầu chung.”
Gần như chỉ một đêm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người dùng đã gia tăng nhu cầu được mặc những bộ đồ thoải mái tại nhà, dù là khi làm việc, sinh hoạt hay vui chơi giải trí. Thời đã đến, athleisure trở thành một xu hướng thời trang được săn lùng và chào đón hơn bao giờ hết.
Trong một bảng thăm dò ý kiến về thói quen mua sắm của người dùng được thực hiện bởi Fashionista, thống kê đã cho kết quả rằng khoảng 40% người được hỏi cho biết họ chủ yếu mặc đồ athleisure trong thời kỳ giãn cách xã hội. Trong khi đó, 32% người dùng chọn quần legging hoặc sweatpants là lựa chọn hằng ngày của họ. Đối với những đối tượng làm việc tại nhà, khi có những cuộc họp trực tuyến, họ chỉ trang điểm, đeo hoa tai, và ăn mặc chỉnh tề từ phần thắt lưng trở lên, và lựa chọn phần bottom theo phong cách athleisure “cho thoải mái.”
Hơn thế nữa, khi được hỏi về xu hướng mua sắm trong mùa dịch, 54% người tham gia khảo sát cho biết họ lựa chọn athleisure là ưu tiên hàng đầu cho nhu cầu mua sắm của mình. Vừa là những trang phục thoải mái, tiện dụng khi mặc ở nhà, vừa là quần áo phù hợp để đi chợ, chạy bộ ngoài trời, hay mua đồ ăn mang về.
Theo thống kê mới nhất của Lyst về độ “hot” của các thương hiệu thời trang toàn cầu, Nike đã bất ngờ vượt mặt nhiều thương hiệu thời trang cao cấp và trở thành brand thời trang phổ biến và được yêu thích nhất trong quý 2, 20202. Lyst phân tích rằng, Nike có được sự lên hạng vượt trội này nhờ vào 106% gia tăng trong nhu cầu thời trang athleisure – quần áo mặc nhà, đồ đi gym, cũng như thời trang thể thao ngoài trời.
Bảng xếp hạn các thương hiệu “hot” nhất quý 2 năm 2020 do Lyst cung cấp
Fashionista Châu Bùi và thương hiệu cá nhân của mình, ZES được xem là những bước đầu khởi xướng trong việc quảng bá phong cách athleisure đến thị trường thời trang Việt. Hứa hẹn ZES sẽ mang lại giải pháp trang phục giúp cuộc sống trở nên tiện lợi, hiệu quả hơn, Châu Bùi muốn truyền tải thông điệp sống trẻ (Live it up) trong từng thiết kế. Bộ sưu tập đầu tiên mang tên Athleisure 101 bao gồm các sản phẩm như khăn turban, quần legging, áo phông, sport bra, hoodie, mũ bucket, dây chuyền và quần cargo. Đây là những item cơ bản để tạo nền móng cho một phong cách athleisure bền vững, tiện lợi.
Thời trang trong nước có nhiều bước chuyển mình
1. Những bộ trang phục “ý nghĩa”
Trước sự lựa chọn đa dạng cũng như sự đồng hóa, tương tự nhau của ngành thời trang, người tiêu dùng nãy đã có những yêu cầu cao hơn về mặt ý nghĩa, những sự quan tâm đặc biệt đối với câu chuyện thương hiệu, sứ mệnh cũng như giá trị nhà sản xuất đưa vào từng sản phẩm thời trang.
Thời trang bền vững (sustainable fashion) và thời trang đạo đức (ethical fashion) đang là những vấn đề thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Người mua giờ đây họ chú tâm hơn vào ý nghĩa của từng mảnh vải mặc trên người, thiết kế tối giản, tiện dụng nhưng không được đơn điệu hay nhàm chán; chất liệu bền vững, thân thiện với môi trường, quy trình sản xuất phải đảm bảo tính thương mại công bằng (fair trade fashion); những câu chuyện phía sau hậu trường có tính nhân văn và nguồn cảm hứng mới lạ.
Nói như NTK Hoàng Minh Hà: “[Hậu thời kì Covid-19] Theo tâm lý chung sẽ phải ổn định kinh tế thì mới ưu ái cho việc làm đẹp. Thời trang sẽ phải có một chuyến hành trình tìm kiếm những giá trị mới phù hợp với người tiêu dùng. Thời trang phải cân đo đong đếm giữa giá trị thương hiệu và giá trị tiền tệ trong thời kỳ hậu dịch bệnh. Để chuẩn bị cho sự khôi phục, các thương hiệu đặt ra tầm nhìn xu hướng, tìm cách sản xuất hàng hóa.”
NTK Tom Trandt cho biết, thời gian qua, thương hiệu thời trang Môi Điên của anh cũng gặp khó: “Tình hình dịch bệnh khiến cửa hàng phải tạm thời đóng cửa trong 22 ngày, các xưởng sản xuất rơi vào tình trạng đóng băng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất”. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Tom Trandt vẫn cho ra mắt sản phẩm mới để thu hút khách hàng bằng các sản phẩm cổ điển, có câu chuyện đặc biệt phía sau. Các sản phẩm nổi bật được giới thiệu trong mùa dịch là Áo sáng trưa chiều tối hợp tác với một họa sĩ để cho ra các chi tiết đặc trưng và bộ sưu tập No, Thanks! thân thiện với môi trường.
Theo NTK Sĩ Hoàng, anh và đội ngũ nhân viên dành thời gian nghiên cứu, lên kế hoạch cho một số thay đổi, tối ưu hóa mô hình kinh doanh để thích nghi với “thời cuộc mới.” Theo anh, sắp tới ngành thời trang sẽ đi theo xu hướng tiết kiệm và tối giản. Do đó, NTK Sĩ Hoàng bật mí dự kiến thực hiện dòng sản phẩm áo dài phổ cập tiện dụng, mặc thoải mái, không cần ủi, bỏ máy giặt hay giặt khô đều được.
“Với dòng áo dài phổ cập sẽ có giá thành phải chăng (trên dưới 1 triệu đồng), nhưng chất lượng vẫn có thể sánh được với các dòng cao cấp, có thể nói là “hàng hiệu giá chợ,” NTK Sĩ Hoàng chia sẻ.
Từ chiếc áo dài mấy chục triệu chuyển sang thực hiện áo dài bình dân, dễ mua dễ mặc là cả một sự tính toán để phù hợp với giai đoạn mới. Trong lịch sử phát triển của áo dài, mỗi thời kỳ, giai đoạn đều có sự biến đổi về chất liệu, kiểu dáng và kỹ thuật cắt may. Đây là cơ hội để anh và đội ngũ nhân viên có thể thỏa sức sáng tạo nhưng vẫn giữ nguyên chất áo dài.
2. Những hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng
Vì những trở ngại không thể đến cửa hàng và cảm nhận trực tiếp chất lượng, form dáng sản phẩm, cũng như những đắn đo thường gặp khi thử size, thường khiến người tiêu dùng chần chừ trong việc mua sắm. Là Min – một local brand tại Việt Nam, đã mang đến trải nghiệm “thử đồ tại nhà” cho khách mua hàng online. Là Min đã ra mắt dịch vụ giao sản phẩm được khách hàng đặt mua trực tuyến đến địa điểm đã đặt và để họ được thử đồ tận nơi. Phương pháp này không những tiết kiệm được thời gian mà còn an toàn trong mùa dịch, đảm bảo khách hàng vẫn có thể lựa chọn chính xác những món đồ yêu thích mà không phải ra đường.
Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu Việt đã có những hỗ trợ cho chi phí giao hàng, những ưu đãi hấp dẫn, cũng như tặng kèm khẩu trang, những biện pháp nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Cần làm gì trong tương lai? – Những chiến lược khả thi giúp khôi phục ngành thời trang toàn cầu
1. Tập trung vào các thị trường mới nổi
Phụ thuộc quá nhiều vào người tiêu dùng Trung Quốc, Nga, hay các nước Trung Đông đã khiến cho các doanh nghiệp thời trang phải điêu đứng và trở tay không kịp để thích ứng với hiện trạng “bình thường mới.” Không nên đặt quá nhiều niềm hi vọng du lịch sẽ được khôi phục và tập khách tiêu dùng này sẽ trở lại, mà thay vào đó, việc thích ứng và tìm phân khúc thị trường mới để khai thác.
Trên thực tế, trong nhiều năm gần đây, các thương hiệu xa xỉ đã bỏ quên hoặc đánh giá thấp các thị trường mới nổi – như Ấn Độ, Thái Lan, và các quốc gia Trung Đông, v.v.
Lấy Ấn Độ làm ví dụ. Tuy hiện tại, quốc gia này chỉ đại diện từ 1-2% ngành công nghiệp xa xỉ, nhưng đã cho thấy nhiều tiềm năng đầy hứa hẹn cho ngành xa xỉ phẩm. Theo Ernst & Young, tầng lớp trung lưu tại Ấn Độ – với dân số khoảng 1,3 tỉ người, đã có mức tăng trưởng gấp 10 lần và thu nhập hộ gia đình tăng gấp 3 lần trong những năm gần đây. Ấn Độ cũng là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về số lượng tỉ phú.
Thêm vào đó, quy mô của thị trường xa xỉ tại Ấn Độ hiện ở mức 30 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ từ 18% trong giai đoạn 2012-17 và được dự báo sẽ tăng 10-15% cho đến năm 2022. Sự tăng trưởng này đang tác động mạnh đến thị trường hàng xa xỉ ở Ấn Độ, đưa quốc gia này trở thành thị trường có tiềm năng cao nhất cho ngành công nghiệp xa xỉ. Song, bất chấp những con số ấn tượng này, các thương hiệu cao cấp vẫn chưa gia nhập thị trường Ấn Độ. Trong số hơn 500 thương hiệu cao cấp toàn cầu, chỉ có 30% được bán ở Ấn Độ, trong khi 70% vẫn phát triển ở thị trường Trung Quốc.
Tại Thái Lan cũng được xem là thị trường mới nổi, có khả năng mang lại nhiều lợi thế cho ngành công nghiệp xa xỉ: dân số tương đối trẻ, nền kinh tế được phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2015, công cuộc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và ngành du lịch phát triển không ngừng.
Sau thời kỳ bùng nổ dân số vào những năm 1970, tầng lớp thượng lưu và trung lưu của Thái Lan được mở rộng và đồng thời, dân số cũng được “trẻ hóa.” Những người trong độ tuổi 30 đến 34 chiếm 20,5% trong tổng số thu nhập hằng năm là 150.000 USD (2014).
Ngành công nghiệp xa xỉ cũng được hưởng lợi từ sự gia tăng về lượng khách du lịch tại quốc gia này. Hơn 29 triệu khách du lịch đã đến thăm Thái Lan vào năm 2015, tăng 20,4% so với năm 2014. Đối tượng khách du lịch với thị hiếu cao cấp như các khách đến từ Trung Quốc chiếm hơn 25% tổng số du khách hằng năm, với mức chi tiêu trung bình từ $1000-$1300 USD một tuần khi nghỉ dưỡng tại Thái Lan. Với mức giá thấp hơn so với các trung tâm du lịch khác trong khu vực như Singapore, Hong Kong và Tokyo, thủ đô Bangkok đang trở thành điểm đến ưa thích của những người muốn mua các sản phẩm xa xỉ.
Những quốc gia đầy hứa hẹn khác ở Châu Phi như Nigeria, Nam Phi và Morocco, với dân số khá lớn và nhân khẩu học thay đổi nhanh chóng, những nền kinh tế này đại diện cho tương lai của tiêu dùng xa xỉ.
2. Đẩy mạnh phát triển mô hình mua sắm trực tuyến (E-commerce)
Ở thời đại 4.0, con người từng bước di dân qua không gian số. Việc xây dựng mô hình mua sắm trực tuyến là điều phải làm. Khi chuyển sang kinh doanh kỹ thuật số sẽ giúp các thương hiệu cắt giảm chi phí mặt bằng, cũng như tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Các cửa hàng chính thống luôn phải trả các chi phí như tiền thuê mặt bằng, tiền điện nước, tiền lương cho các nhân viên bán hàng và đầu tư trả trước cao. Thay vì tăng giá để bù lỗ, các thương hiệu xa xỉ nên cắt giảm chi phí thông qua bán hàng trực tuyến.
3. Xây dựng dòng sản phẩm giá cả phải chăng (diffusion line) bên cạnh dòng sản phẩm chính
Hiểu một cách nôm na, diffusion line chỉ một dòng thời trang với giá cả phải chăng hơn dòng chính của một thương hiệu. Chẳng hạn như Miu Miu là một diffusion line của nhà mốt Prada, HUGO là một diffusion line của BOSS, hay Marc by Marc Jacobs, MICHAEL Michael Kors, Love Moschino đều là những dòng diffusion line của các thương hiệu “mẹ” lớn và cao cấp hơn.
Tuy vẫn mang tên thương hiệu nhưng thời trang diffusion line được tách biệt hẳn với thương hiệu chính. Việc các thương hiệu tạo ra diffusion line có các thiết kế chất lượng tốt nhưng được bán với giá cả phải chăng, đánh vào tập khách hàng trung cấp hơn, giúp cả thương hiệu “con” lẫn thương hiệu “mẹ” thu hút được đông đảo người tiêu dùng ở mọi tầng lớp.
Trong vài năm gần đây, một số mặt hàng được sản xuất bởi các thương hiệu cao cấp tuy được đánh giá là những sản phẩm có chất lượng tầm trung, nhưng lại được bán ra với các mức giá gây nhiều tranh cãi. Trong BST mùa thu 2016 của nhà mốt Dior, một chiếc áo sơ mi trơn kiểu dáng vô cùng đơn điệu lại được bán ra với mức giá $710 USD.
Thay vì “bán thách” khách hàng bằng những sản phẩm có giá trị thấp với lợi nhuận cao, các thương hiệu xa xỉ hoặc có thể cân nhắc đến việc tạo dựng một diffusion line cho thương hiệu, hoặc có kế hoạch kinh doanh bền vững, công bằng và tạo ra các dòng sản phẩm có “giá trị thực,” phù hợp với chủ nghĩa tư bản nhân văn (humanistic capitalism) và có ý thức xã hội hơn.