Mỗi quốc gia đều có cho riêng mình những lễ hội truyền thống như một nét đặc trưng cho người khác nhớ tới mỗi khi nhắc đến. Bên cạnh các ngày lễ riêng, chúng ta còn có dịp “ăn cùng nhau” những ngày lễ chung – là những ngày lễ hội phổ biến, được áp dụng ở nhiều đất nước, tại cùng một thời điểm.
Nếu Halloween là “lễ hội chung” dịp cuối tháng 10 tại phương Tây thì ở châu Á (đặc biệt là khu vực Đông Á, Đông Nam Á), Tết Trung thu là một lễ hội quan trọng, được nhiều nước tổ chức. Trung thu Việt Nam có thưởng trăng múa lân, có rước đèn phá cỗ. Thử “ngó” sang hàng xóm láng giềng xem mọi người ăn Trung thu thế nào nhé!
TRUNG QUỐC – Trung thu là Tết Đoàn viên
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, Tết Trung thu (中秋節) vẫn luôn là ngày lễ đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Trung Quốc. Đối với họ, Trung thu không đơn thuần chỉ là một lễ hội truyền thống mà đây còn là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần sum họp bên nhau.
Trong văn hóa Trung Quốc, truyền thuyết về ngày Trung thu luôn được gắn liền với hình ảnh Hằng Nga. Tương truyền, vào ngày xưa có đến 10 Mặt trời. Sức nóng từ chúng gây ra những đợt hạn hán khủng khiếp và đe dọa sự sống của muôn loài trên mặt đất. Ngọc Hoàng phải tìm đến Hậu Nghệ (后羿) – một người có tài bắn cung siêu phàm – và ra lệnh cho anh bắn hạ 9 Mặt trời.
Để thưởng cho công lao to lớn này, Ngọc Hoàng đã ban cho Hậu Nghệ một viên thuốc bất tử. Anh mang nó về nhà, cất giữ cẩn thận trong một chiếc hộp, định sau này chia sẻ với người vợ xinh đẹp của mình là Hằng Nga (嫦娥).
Một ngày nọ, Hậu Nghệ ra ngoài đi săn, Hằng Nga tình cờ tìm được chiếc hộp đựng viên thuốc bất tử. Nàng tò mò nuốt thử và lập tức bay lên trời. Lúc này, Hậu Nghệ về đến nhà, nhìn thấy người chàng yêu thương đang dần khuất xa khỏi tầm mắt, nhưng lại không có cách nào để giữ nàng lại. Hằng Nga cứ bay lên mãi cho đến khi hạ xuống được Mặt trăng.
Sau khi Hằng Nga ra đi, Hậu Nghệ ngày nhớ đêm mong đến người vợ của mình. Cuối cùng, chàng xây một lâu đài trên Mặt trời, đặt tên là “Dương”. Hằng Nga cũng xây một lâu đài tương tự đặt tên là “Âm”. Từ đó về sau, cứ vào ngày Rằm tháng Tám Âm lịch hàng năm, hai người được gặp lại nhau.
Vào dịp Trung thu, hầu hết mọi người sẽ dành thời gian để chiêm ngưỡng vẻ đẹp trăng rằm. Khoảnh khắc trăng lên vô cùng thiêng liêng với nhiều người. Trong quan niệm của họ, ánh trăng chan hòa tỏa khắp muôn nơi là biểu hiện sự sum vầy của các thành viên trong gia đình với nhau.
Bánh Trung thu ban đầu là vật dùng để cúng Mặt trăng. Về sau, ăn bánh Trung thu và ngắm trăng đã trở nên hai việc không thể thiếu đêm Trung thu. Tương tự người Việt, mâm cỗ thưởng trăng của người Trung Quốc không thể thiếu được hai loại bánh truyền thống là bánh nướng và bánh dẻo. Tuy nhiên, tùy theo từng vùng miền mà người ta có các loại bánh mang hương vị đặc trưng riêng.
Cũng như tục rước đèn ở Việt Nam, Tết Trung thu ở Trung Quốc cũng xuất hiện lồng đèn. Đối với người Trung Quốc, chiếc đèn lồng có màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn, vui tươi, ngoài ra nó còn biểu hiện cho khả năng sinh sản (khác với đèn lồng của người Việt là biểu hiện của ấm no, hạnh phúc, và tình cảm gia đình).
Họ quan niệm rằng, ánh sáng phát ra từ chiếc đèn lồng sẽ xua tan những điều không may mắn và mang lại sự an lành, bình yên, hạnh phúc.
Việc thả đèn xuống sông trong ngày Trung thu có ý nghĩa rất đặc biệt đối với thiếu nữ và các em nhỏ. Họ dùng giấy dầu làm thành chiếc đèn hình hoa sen, hình chiếc thuyền…, thắp một ngọn nến bên trong, sau đó thả xuống sông hồ. Trước khi thả đèn phải thành tâm cầu nguyện, để chiếc đèn thay họ “chở” nguyện ước bay xa thành sự thật.
Một điều đặc biệt chỉ–ở–Trung–Quốc mới có, đó là giải đố dịp Trung thu. Trên những chiếc đèn lồng treo tại nơi công cộng sẽ có thêm các câu đố (灯谜). Vào ngày Trung thu, mọi người vừa ra ngoài tham quan, mua sắm, vui chơi, vừa tập trung giải đố.
Đây là hoạt động mà nam thanh nữ tú rất ưa chuộng, trò chơi này đã làm nên vô số giai thoại tình yêu. Vì thế, giải câu đố Tết Trung thu trở thành phương pháp bày tỏ tình yêu của các đôi nam nữ.
Các phong tục đón Trung thu ở Trung Quốc nhìn chung khá giống chúng ta, nhưng vẫn có một số khác biệt nhỏ.
Ở Việt Nam, múa lân đã trở thành một phần không thể thiếu của Trung thu. Ở Trung Quốc, đám múa lân chỉ xuất hiện dịp Tết Nguyên đán.
Chú Cuội ngồi gốc cây đa là hình ảnh quen thuộc gắn liền với Trung thu Việt Nam. Đôi khi, chú xuất hiện cùng với chị Hằng. Nhưng sự thật là hai người này hoàn toàn không liên quan gì nhau, chỉ tình cờ… đáp chung Mặt trăng.
ĐÀI LOAN – Trung thu thơm lừng thịt nướng
Do ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa nên Trung thu được xem là một trong những lễ hội truyền thống đặc biệt ở Đài Loan. Tết Trung thu ở Đài Loan diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám Âm lịch. Mọi người cũng treo lồng đèn, cũng thưởng trăng, cũng ăn bánh Trung thu, và ăn thêm… thịt nướng.
Trong các truyền thuyết dân gian về Trung thu, chưa có câu chuyện nào nhắc đến thịt nướng, thế nhưng món ăn này vẫn xuất hiện trong ngày Trung thu ở Đài Loan, thậm chí còn trở thành món ăn quốc dân nhà nhà đều ăn người người đều thích (nghe cũng “sai” cỡ chuyện tiệc Giáng Sinh ở Nhật nhất định phải có KFC trên bàn ăn vậy).
Vào khoảng giữa thập niên 80 thế kỷ trước, Wanjiaxiang (万家香) Soy Sauce cho ra mắt quảng cáo sản phẩm nước tương ăn barbecue (đồ nướng). Ngay khi vừa xuất hiện, nó lập tức thu hút sự chú ý với câu slogan bắt tai “Một nhà nướng thịt, vạn nhà thơm”. Wanjiaxiang vừa thành công trong việc đóng đinh hình ảnh sản phẩm của mình vào những vỉ thịt nướng (tên thương hiệu 万家香 có nghĩa là “vạn nhà thơm”) vừa thu hút được một lượng lớn khách hàng nhờ thông điệp đưa ra phù hợp với tâm tưởng của mọi người khi nghĩ về lễ hội: ấm no, vui vẻ, hạnh phúc.
Jinlan (金兰) Soy Sauce – đối thủ cạnh tranh của Wanjiaxiang – không chấp nhận nhìn cảnh “bên kia” hút hết khách hàng như thế. Trước đây, mọi người phải tự pha xốt nướng ra bát rồi dùng chổi quét lên những vỉ thịt nướng. Jinlan lập tức cho ra mắt sản phẩm xốt nướng thịt kèm chổi quét ngay trên miệng chai. Cứ thế, người Đài Loan bị “dụ” ăn thịt nướng vào Trung thu lúc nào không hay.
Không chỉ nướng trong nhà, người Đài Loan nướng cả ngoài công viên. Chính phủ Đài Loan vô cùng tạo điều kiện cho người dân bằng cách mở nhiều địa điểm nướng thịt, phục vụ không chỉ người dân thành phố mà còn phục vụ người dân các vùng khác và khách du lịch đến Đài Loan nhân dịp Trung thu.
Ngoài đặc sản đồ nướng, người Đài Loan còn tặng nhau bưởi trong ngày Trung thu. Những trái bưởi to tròn, chín mọng được lựa chọn cẩn thận và trao tặng cho nhau với tất cả lòng trân trọng. Theo quan niệm của người Đài, ăn bưởi và tặng nhau bưởi không chỉ mang lại may mắn và hạnh phúc, mà còn là một hành động cầu may.
HÀN QUỐC – Trung thu được nghỉ 3 ngày
Đối với người Hàn, Chuseok (추석: thu tịch – đêm mùa thu) là ngày Tết lớn thứ nhì trong năm, nhưng đôi khi nó còn được xem trọng hơn cả Tết Âm lịch.
Từ 1986 đến 1988, Chuseok kéo dài 2 ngày từ 15 đến 16 tháng Tám Âm lịch. Kể từ 1989, số ngày nghỉ chính thức được tăng lên thành 3 ngày (từ 14 đến 16). Mỗi năm cứ đến Tết Trung thu, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học đều đóng cửa ít nhất 3 ngày (có nơi nghỉ tận 10 ngày) để mọi người có thời gian nghỉ ngơi và chuẩn bị ăn lễ.
Đối với người Hàn, Chuseok là dịp trước để cảm tạ tổ tiên vì mùa màng bội thu vừa qua, sau là để chia sẻ sự sung túc của gia đình mình với người thân và bạn bè.
Mọi người chuẩn bị và khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống dành riêng cho Tết Chuseok, gọi là chuseokbim (추석빔). yeongnam
Ảnh: yeongnam
Vào buổi sáng ngày Tết Chuseok, cả gia đình sẽ quây quần tại gian nhà lớn, hoặc nơi bày bàn thờ tổ tiên, để thực hiện nghi lễ tạ ơn charye (차례).
Khác với charye Tết Nguyên đán, món ăn chủ đạo để cúng bái trong charye Trung thu là mebap (메밥) – cơm làm từ gạo mới vừa thu hoạch. Sau khi phần nghi lễ đã xong, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để “hưởng lộc” tổ tiên ban cho.
Một công việc vô cùng quan trọng khác với người Hàn trong dịp Chuseok, đó chính là thăm viếng phần mộ tổ tiên (khá giống với phong tục tảo mộ vào tiết Thanh minh ở Việt Nam). Beolcho (벌초: chỉ công việc dọn dẹp, nhổ cỏ, làm sạch phần mộ) thường được thực hiện một tháng trước Chuseok, và đến đúng ngày Rằm, cả gia đình sẽ quay lại viếng mộ một lần nữa để hoàn tất nghi lễ seongmyo (성묘: tảo mộ).
Cũng như những anh em hàng xóm khác, Tết Trung thu Hàn Quốc không thể thiếu bánh Trung thu, chỉ khác ở chỗ thay vì tròn trịa như trăng Rằm tháng Tám thì songpyeon (송편) lại được nặn hình bán nguyệt. Trong quan niệm của người Hàn, trăng tròn là trăng dần tàn, thế nên trăng khuyết mới là hình ảnh đẹp nhất, tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở về sau.
Songpyeon được làm từ bột gạo mới, nhân bên trong thường là nhân ngọt (vừng, mật ong, đậu đỏ, hoặc quả hạch nhuyễn). Sau khi nặn xong, bánh được cho vào chõ có lót thêm lớp lá thông bên dưới để hấp.
Ngoài màu trắng, bánh còn có màu hồng (từ quả dâu), xanh đậm (lá ngải cứu), vàng (từ bí đỏ)…
Trong thời gian diễn ra Chuseok, ngoài việc dành thời gian cho gia đình, người Hàn còn tổ chức và tham gia các hoạt động khác như:
Ganggangsullae (강강술래): dưới ánh trăng rằm, các cô gái khoác lên mình bộ hanbok đẹp nhất của mình, nắm tay nhau xếp thành vòng tròn vừa hát vừa nhảy múa
Ssireum (씨름): những chàng trai tham gia các cuộc thi đấu vật để thể hiện sức mạnh của mình, người đánh bại hết các đối thủ để trở thành người chiến thắng cuối cùng sẽ được tôn là jangsa (장사: tráng sĩ).
Juldarigi (줄다리기): số người tham gia trò kéo co này càng đông thì sợi dây rơm sẽ càng dày, càng to, và thời gian thi đấu càng kéo dài. Trong ảnh là cuộc thi kéo co (1995) đạt kỷ lục Guinness với 270.000 khán giả và 15.000 người tham gia kéo co bằng sợi dây bện từ rơm dài 200m, nặng 43 tấn
Và cuối cùng, một món đặc sắc của Chuseok mà mọi người đều ưa chuộng, chính là baekju (백주: bạch tửu). Đây là thứ không thể thiếu trên bàn cúng tạ ơn tổ tiên trong dịp Chuseok. Sau lễ cúng, mọi người sẽ quây quần cùng nhau thưởng thức baekju cùng với các món ăn truyền thống và sau đó có thể sẽ nhảy múa, hát ca cùng nhau.
NHẬT BẢN – Trung thu phải ăn 2 lần
Ngày nay, mặc dù không còn sử dụng lịch âm nhưng hằng năm vào ngày 15 tháng 8, người dân Nhật Bản vẫn tổ chức lễ Tsukimi (月見: ngắm trăng) – lễ hội tôn vinh Mặt trăng.
Tsukimi bắt nguồn từ thời Nara (710–794), tuy nhiên chỉ đến thời Heian (794–1185) khi được giới quý tộc chú ý, Tsukimi mới trở nên phổ biến hơn. Vào thời kỳ này, Tsukimi được tổ chức vô cùng long trọng trong Hoàng gia và tầng lớp quý tộc, mọi người họp nhau lại cùng uống sake, ăn các món truyền thống, và làm thơ tôn vinh Mặt trăng.
Đến sau thời Edo (1603–1868), Tsukimi dần được phổ biến rộng rãi với tầng lớp “bình dân”. Không mấy ai làm thơ, cũng không còn những buổi tiệc linh đình kéo dài tận nửa đêm, Tsukimi “chuyển hướng”, trở nên bình lặng hơn, và thường chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình, bạn bè thân thiết.
Vào ngày này, mọi người làm những món bánh truyền thống, sau đó bày khay bánh ra hiên nhà, gần cửa sổ, trong vườn, hoặc bất cứ nơi nào miễn tầm nhìn không bị che chắn để có thể ngắm trăng được rõ nhất. Nếu “xui”, vào đêm rằm mà lại xảy ra mugetsu (無月: không có trăng) hoặc ugetsu (雨月: mây và mưa), không trông rõ trăng, thì Tsukimi vẫn được tổ chức.
Những chiếc bánh bé xinh này là tsukimi dango (月見団子) – bánh Trung thu của Nhật Bản. Tsukimi dango là bánh không nhân, được làm từ joushinko (上新粉: bột gạo tẻ) và shiratamako (白玉粉: bột gạo nếp), cách làm gần giống với bánh trôi nước của Việt Nam.
Tsukimi dango ở từng nơi khác nhau có thể mang những hình dạng khác nhau (tròn, dẹt, chữ nhật,…) nhưng phổ biến nhất vẫn là bánh hình tròn. Bánh sau khi làm xong thường được bày ra khay, xếp hình tháp 3 tầng: tầng dưới cùng 9 viên, giữa 4 viên, trên cùng 2 viên, tổng là 15 viên bánh tượng trưng cho đêm Rằm. Tuy nhiên, có nhà sẽ chọn xếp số bánh bằng số đêm trăng tròn trong năm, tùy xem năm đó là năm thường (12) hay năm nhuận (13). Tương truyền, nhà nào bày bánh đêm Tsukimi mà “được” trẻ nhỏ tự ý đến ăn thì cả năm sẽ gặp rất nhiều may mắn.
Người Nhật luôn chú trọng việc ăn uống theo mùa. Tsukimi diễn ra vào mùa thu, thế nên sẽ không ngạc nhiên khi ngoài tsukimi dango, chúng ta còn thấy xuất hiện:
Ngoài ra, vào dịp này, người Nhật còn trang trí nhà cửa với susuki (すすき: cỏ lau). Từ xưa, susuki đã được xem là hiện thân của thần mặt Trăng, giúp mùa màng bội thu, đem đến sự sung túc cho gia chủ. Ngoài ra, do hình dáng chĩa nhọn của cây cỏ lau mà có nơi còn tin susuki có khả năng xua đuổi ma quỷ. Người Nhật thường bó susuki theo từng bó 5 hoặc 10 cành, đem cắm trong nhà thay hoa hoặc treo trước cửa nhà.
Một điểm khác biệt nữa của Nhật Bản so với các nước khác, đó là người Nhật ăn tận… 2 ngày Trung thu. Lần đầu là Tsukimi, được tổ chức vào 15/8 Âm lịch. Lần thứ hai diễn ra sau đó khoảng một tháng, vào 13/9 Âm lịch. Người dân Nhật Bản tin rằng nếu đã ngắm trăng đêm 15 thì phải dự luôn đêm 13, nếu không chắc chắn sẽ gặp phải xui xẻo, thậm chí tai họa lớn.