Mỗi ngày lướt Facebook hay vào messenger, chúng ta hẳn đã quen thuộc với những khuôn mặt màu vàng. Những ký hiệu này được gọi là Emoji. Không chỉ có biểu cảm khuôn mặt, emoji còn bao gồm các biểu tượng khác như vật thể thông thường, địa điểm, thời tiết, động vật. Và trong đó, có lẽ không ai là không biết đến biểu tượng smiley face.
Những câu chuyện xoay quanh “cái mặt cười”
Trong bộ phim Forrest Gump, khi đang trên đường thực hiện cuộc chạy bộ xuyên nước Mỹ, Forrest Gump (do Tom Hanks thủ vai) gặp một người đàn ông bán áo thun. Anh ta muốn in hình khuôn mặt của Gump lên áo, nhưng lại không có máy chụp ảnh và không biết vẽ. Vừa lúc ấy, một chiếc xe tải chạy ngang, hất nguyên một… vũng bùn đầy mặt Forrest Gump. Gump chùi mặt mình bằng chiếc áo thun, trả chiếc áo cho người đàn ông nọ và không quên chúc anh ta một ngày đẹp trời.
Bên trên là một câu chuyện cảm động, nhưng rất tiếc đó không phải là lịch sử ra đời thật sự của biểu tượng mặt cười. Vào năm 1963, Harvey Ross Ball – nhà thiết kế và người làm quảng cáo – đã nhận “job” tạo ra một biểu tượng nhằm nâng cao tinh thần làm việc của các nhân viên công ty bảo hiểm State Mutual Life. Trong vòng 10 phút, Ball hoàn thành thiết kế theo yêu cầu, và nhận 45 đô thù lao, tương đương 382 đô theo tỷ giá hiện tại.
Công ty State Mutual Life sau đó đã in các biểu tượng này lên áp phích, bảng hiệu, và huy hiệu trang trí để phát cho nhân viên, nhằm cổ vũ mọi người cười nhiều hơn. Không rõ tinh thần của những người làm việc tại State Mutual Life có được nâng cao hay không, nhưng biểu tượng smiley face đã nhanh chóng trở nên phổ biến. Khuôn mặt tươi cười vàng tươi xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ thiệp chúc mừng, áo thun, đến huy hiệu, sticker trang trí.
Tuy nhiên, cả Ball và công ty bảo hiểm đều không ai đăng ký quyền sở hữu cho biểu tượng này. Đến đầu thập niên 70, Bernard và Murray Spain – chủ một chuỗi cửa hàng thiệp Hallmark ở Philadelphia – đã hô biến smiley face thành sở hữu của họ. Anh em nhà Spain thêm slogan Have a Happy Day bên dưới biểu tượng ban đầu, đăng ký sở hữu, và thành công bán được hơn 50 triệu sản phẩm có in mặt cười.
Cùng lúc đó, Franklin Loufrani – một anh nhà báo trẻ người Pháp “có tố chất của dân kinh doanh”, theo nhận xét của mọi người – cũng đã tạo ra biểu tượng mặt cười và dùng nó như một “bảng thông báo” cho độc giả về những tin tức tích cực trên báo. Khác với “cha đẻ thật sự” của smiley face, Loufrani đã đăng ký sở hữu và bắt đầu kinh doanh biểu tượng anh tạo ra. Lúc ấy khái niệm cấp phép (licensing) vẫn chưa phổ biến tại châu Âu, và Loufrani là một trong những người tiên phong trong mô hình kinh doanh này. Sau một thời gian, anh quyết định mở rộng thị trường. Thời điểm đó, tại Pháp bắt đầu nhen nhóm phong trào phản văn hóa (counter-culture), tương tự như làn sóng hippie ở Mỹ. Loufrani chớp ngay thời cơ, phát miễn phí 10 triệu sticker mặt cười cho những người tham gia biểu tình. Rất nhanh sau đó, smiley face xuất hiện hầu như khắp mọi miền trên đất Pháp.
Sau màn “chơi lớn” phát miễn phí 10 triệu sample, trong vòng 2 năm tiếp theo, Loufrani đã có cơ hội hợp tác với rất nhiều thương hiệu lớn như Mars, Levi, Afga,… đưa smiley face trở thành hình ảnh quen thuộc trong văn hóa đại chúng.
Từ thập niên 80 đến đầu những năm 90, mặt cười gắn liền với rave culture (hiểu một cách đơn giản nhất, rave chính là “quẩy” theo ngôn ngữ giới trẻ ngày nay) sau khi một số DJs như Danny Rampling cho in smiley face lên tờ rơi và áp phích giới thiệu của những buổi tiệc tùng.
Như hầu hết mọi phong trào khác, đã có rave thì cũng có anti-rave, được dẫn dắt bởi những người tôn thờ giá trị “truyền thống”. Họ sử dụng chiếc mặt cười như một cách mỉa mai “bên kia”. Smiley face giờ đây trở thành biểu tượng của sự chống đối.
Đến năm 1996, Franklin Loufrani giao biểu tượng mặt cười lại cho con trai là Nicolas Loufrani tiếp quản. Anh lập ra công ty The Smiley Company, tiếp tục việc kinh doanh, đồng thời tạo ra những cải tiến đáng kể cho smiley face. Nhìn thấy tiềm năng của internet và công nghệ di động, năm 1999, The Smiley Company đã “nâng cấp” khuôn mặt cười ban đầu thành 470 phiên bản khác nhau, từ các biểu cảm khuôn mặt như smiley nháy mắt, tức giận,… đến smiley trái cây, smiley cờ các nước, thậm chí smiley Tượng Nữ thần tự do.
Rất nhanh sau đó, Apple và Microsoft cũng cho ra mắt những bộ ký hiệu độc quyền của họ, đưa smiley face thành một trong những biểu tượng của thế kỷ 21. Smiley face đã đem về cho nhà Loufranis gần 500 triệu đô doanh thu mỗi năm từ những hợp đồng licensing với các nhãn hàng như Nutella, Clinique, McDonald’s, Nivea, Coca-Cola, VW, và Dunkin’ Donuts.
Trong lúc đó, “cha đẻ” của smiley face làm gì?
Cho đến tận lúc qua đời (2001), Harvey Ross Ball không nhận thêm bất kỳ lợi ích tài chính nào từ biểu tượng do chính ông tạo ra ngoài khoản thù lao 45 đô. Smiley face được khai sinh với một sứ mệnh tốt đẹp nên ông hoàn toàn không có ý định kiếm tiền từ nó. Tuy vậy, nhận ra người ta đã lạm dụng và biến smiley face thành một công cụ kinh doanh như thế nào, vào năm 1999, Ball đã đưa ra ý kiến lấy ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng Mười làm World Smile Day – Ngày Nụ cười Thế giới – để biểu tượng “mặt cười vàng tươi” mãi giữ nguyên giá trị nhân văn ban đầu.
Hạnh phúc là một sản phẩm nhân tạo. Khi cười, endorphins sẽ tiết ra. Chất này có thể giảm đau đớn hay căng thẳng và tạo ra cảm giác hưng phấn, khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Ngày Nụ cười Thế giới ra đời để mọi người mỉm cười và làm những điều tử tế cho nhau, như mong muốn của người đàn ông đã sáng tạo ra biểu tượng mặt cười vàng tươi.
Thảo luận về bài viết