Lần đầu khi mua một chiếc đồng hồ sang chảnh, đắt tiền có thể khiến bạn nản lòng, không chỉ bởi vì giá tiền “cắt cổ,” mà còn bởi thực tế rằng bạn sẽ phải nghiên cứu rất nhiều để lựa chọn cho mình một kiểu dáng phù hợp, cũng như thành thạo cách chăm sóc chúng. Đối với những người đang có một bộ sưu tập đồng hồ nhưng vẫn còn đang băn khoăn cách về việc vệ sinh cho “con cưng” của mình, sau đây là lời khuyên của chuyên gia về cách bảo dưỡng đồng hồ yêu thích của bạn.
Jenni Elle – đồng sáng lập trang web đồng hồ WATCHVICE của Đức, đồng thời sở hữu kênh Youtube riêng chuyên review về đồng hồ – cho rằng tất cả đều phụ thuộc vào vào việc bạn có hiểu động cơ đồng hồ (calibre) và các bộ phận tạo nên đồng hồ của mình không. Liệu, đó là đồng hồ với bộ máy thạch anh (quartz) hay cơ học (mechanical), dây đeo bằng da hay bằng thép, thì việc tìm ra cách chăm sóc đúng nhất không khó như bạn tưởng đâu.
Từ những kiến thức cơ bản về các bộ phận của đồng hồ cho tới công cụ và vật liệu hữu dụng, Jenni sẽ hướng dẫn chúng ta cách chăm sóc một chiếc đồng hồ đúng cách và tiết kiệm nhất.
Hãy hỏi bản thân những câu hỏi sau đây
Xác định động cơ của đồng hồ
Trước hết bạn phải hiểu được động cơ của chiếc đồng hồ bạn sở hữu. Đó là đồng hồ chạy bằng bộ máy cơ học hay thạch anh? Đó có phải là đồng hồ lên dây tự động không? Hãy tìm hiểu xem, liệu chiếc đồng hồ đeo tay của bạn là đồng hồ lên cót thủ công hay phải thay pin khi kim ngừng chạy? Việc hiểu rõ động cơ của bạn đồng nghĩa với việc bạn sẽ rõ cách lên dây đồng hồ và giữ nó luôn chạy đúng giờ.
Biết được khả năng chịu đựng của đồng hồ
Liệu đồng hồ của bạn chống nước được không? Và nếu có, thì nó chịu được bao nhiêu áp lực nước? Miếng trang sức đính trên bề mặt làm từ sapphire hay trang sức acrylic? Còn vỏ và dây đeo đồng hồ thì sao, chúng được làm từ gì? Liệu mặt đồng hồ có dễ bị vỡ hay xước không?
Khi bạn trả lời được những câu hỏi này, bạn sẽ có được cái nhìn tổng quát về những gì bạn có thể và không nên làm với chiếc đồng hồ của bạn, và nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc bảo quản đồng hồ đấy.
Cách vệ sinh đồng hồ
Có rất nhiều dụng cụ chuyên dụng có thể giúp bạn vệ sinh đồng hồ nhanh nhất và hiệu quả nhất, nhưng theo quản điểm của Jenni, chúng ta thực sự chỉ cần 2-3 món đồ cần thiết để đảm bảo đồng hồ luôn sạch đẹp và hoạt động liên tục.
Với những chiếc đồng hồ chống thấm nước và dùng thép không gỉ, chúng ta có thể sử dụng một chiếc bàn chải đánh răng đầu mềm, kết hợp với một giọt nước rửa bát để lau rửa đồng hồ, rồi sau đó có thể trực tiếp rửa qua nước ấm. Dùng khăn giấy để lau khô thay vì khăn bông thông thường, tránh tình trạng đồng hồ bị xướt.
Nếu đồng hồ của bạn có dây đeo bằng da và không có khả năng chống thấm nước, hãy dùng một miếng vải để lau nhẹ nhàng bề mặt. Một điều cần lưu ý là đồng hồ kim loại quý thường rất mỏng manh và dễ trầy xước. Bạn cũng nên cẩn thận khi đánh bóng các loại đồng hồ có chứa hoặc được làm hoàn toàn từ kim loại quý.
Lựa chọn đồng hồ phù hợp. Tránh sốc hoặc rung mạnh
Một lưu ý nữa khi chăm sóc đồng hồ là chúng ta phải chọn đúng đồng hồ cho đúng ngày, đúng việc. Dù đồng hồ hiện đại có khả năng chịu đựng tốt hơn nhiều, nhưng Jenni khuyên bạn không nên đeo đồng hồ cơ vào một ngày có nhiều hoạt động mạnh hoặc di chuyển nhiều trên cổ tay, như khi bạn đi chơi gôn hoặc đi tàu lượn siêu tốc. Hãy tưởng tượng đồng hồ giống như đôi giày của bạn – có nhiều kiểu giày khác nhau cho những hoạt động khác nhau. Bạn sẽ không đi giày cao gót đến phòng gym, hay mang một đôi dép kẹp đến tham dự tiệc đám cưới đúng không?
Chọn đồng hồ cũng thế. Với những kiểu dáng và mục đích sử dụng khác nhau, mỗi loại đồng hồ đều được thiết kế cho từng hoạt động riêng biệt của nó.
Sử dụng đúng dụng cụ khi thay dây đeo đồng hồ
Việc thay dây đeo đồng hồ sẽ thường rất khó khăn, nhất là khi bạn tự làm lần đầu. Với sự trợ giúp của các hướng dẫn đầy rẫy trên mạng, chắc chắn bạn sẽ muốn thử thay dây cho con cưng của mình. Dĩ nhiên, nếu bạn khéo léo và làm đúng hướng dẫn thì sẽ là một kịch bản hoàn hảo đúng không. Nhưng hãy thử nghĩ, nếu tháo ra nhưng không biết lắp vào, hay đơn giản là bạn mắc lỗi nhỏ và thay dây sai cho đồng hồ, thì đồng hồ thay dây mới sẽ gặp nhiều trục trặc ngoài mong đợi.
Hãy chắc chắn rằng bạn đang sử dụng đúng dụng cụ để tránh làm hỏng đồng hồ trong quá trình bạn “táy máy.” Ngoài ra bạn có thể đặt một miếng vải mỏng ở dưới để tránh va đập mặt đồng hồ. Khi đã xong xuôi, kiểm tra kĩ hai đầu và móc cài để đảm bảo không có gì lỏng lẻo. Nếu thấy quá khó, hãy nhờ người chuyên môn gíup đỡ. Việc thay dây đồng hồ sẽ tốn ít tiền hơn để đổi hẳn một chiếc mới nếu chẳng may bạn phạm lỗi đấy.
Bao lâu thì nên bảo trì đồng hồ một lần?
Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này, do thời gian bảo dưỡng đồng hồ đều tùy thuộc vào nhà sản xuất. Nếu bạn mới mua một chiếc đồng hồ mới toanh từ cửa hàng, bạn có thể hỏi nhân viên bán hàng thời gian bạn cần bảo dưỡng.
Nếu bạn mua một chiếc đồng hồ cũ hoặc đồng hồ vintage, thì tốt nhất hãy hỏi người bán lần cuối chiếc đồng hồ được bảo dưỡng là khi nào, và đồng hồ đã được sửa chữa những gì. Cho chắc ăn, hãy xem thêm giấy tờ đầy đủ của đồng hồ.
Các hãng đồng hồ lớn cũng liệt kê rõ ràng thời gian cần bảo dưỡng toàn bộ chiếc đồng hồ: Rolex là mỗi 10 năm, Omega từ 5-8 năm một lần và Cartier là mỗi 5 năm.
Đặc biệt cẩn thận nếu bạn đang sở hữu đồng hồ vintage
Đồng hồ vintage là hàng “mong manh dễ vỡ,” đòi hỏi bạn phải chú ý và chăm sóc nhiều hơn các loại đồng hồ khác. Thực tế là mỗi chiếc đồng hồ đều khác biệt, các bộ phận, cả trong và ngoài đều có xu hướng bị mài mòn hoặc hỏng, nhìn cũ kĩ đi theo thời gian (và điều này hoàn toàn bình thường).
Cần đặc biệt lưu ý là không nên ngâm đồng hồ vintage dưới nước, cho dù nó có là một chiếc đồng hồ có khả năng chống thấm hay thậm chí là đồng hồ chuyên dụng cho thợ lặn. Chúng ta cũng cần cực kỳ nhẹ nhàng khi lên dây cót, tránh gây áp lực lên bộ máy của đồng hồ.
Đặc biệt, chúng ta cũng cần bảo dưỡng đồng hồ vintage thường xuyên hơn những đồng hồ đời mới ngày nay.
Có thể bạn quan tâm:
- Khởi nguồn của đồng hồ đeo tay
- Vì sao đàn ông nên có đồng hồ truyền thống
- Cẩm nang mua đồng hồ vintage
Dịch từ nguồn: hypebae.com
Thảo luận về bài viết