#Localzine là tập hợp những câu chuyện trải nghiệm về đời sống và văn hóa Việt
Ngôi trường xưa nhất
Trường Lê Quý Đôn là là trường trung học đầu tiên của Sài Gòn, được xây vào năm 1874, hoàn tất năm 1877 do người Pháp quản lý. Lúc đầu trường có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), rồi đổi thành Collège Chasseloup Laubat. Năm 1954, trường mang tên Jean Jacques Rousseau. Năm 1967, trường được trả cho người Việt quản lý mang tên Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Từ năm 1975 đến nay đổi tên là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn.
Trải qua hơn một thế kỷ, kiến trúc ban đầu của ngôi trường vẫn còn gần như nguyên vẹn, gồm bốn dãy nhà cao hai tầng ghép lại có hình chữ “khẩu.” Với lối kiến trúc mang đậm chất Tây Âu, trường sở được xem như một kiến trúc cổ có lịch sử văn hóa lâu đời, vẫn giữ gìn được nét truyền thống cổ kính mặc dù đã được trùng tu, sửa chữa. Dựa trên nền kiến trúc cổ, hiện tại trường sở đã xây thêm một số công trình phụ gồm nhà luyện tập thể thao và 10 phòng học kiểu mới. Tính truyền thống và hiện đại được nhà trường chú ý ngay trong khâu thiết kế và trang trí, vì thế ngôi trường Lê Quý Đôn vẫn mang đậm nét cổ kính.
Nhà máy điện xưa nhất
Nhà đèn Chợ Quán nằm bên Bến Hàm Tử, Sài Gòn năm 1965-1966. Đây là nhà máy điện lớn và quan trọng nhất của Sài Gòn trước 1975. Lúc mới hoàn thành (năm 1896), nhà đèn được xem như một biểu tượng của nền văn minh cơ giới xa xưa của ngành điện lực trong thời Pháp, là một trong số ít những công trình tân tiến của nền công nghiệp phương Tây ở xứ sở Đông Dương.
Với quy mô lớn, nhà đèn có công suất đủ cho nhu cầu điện lực của Sài Gòn – Chợ Lớn và một số đô thị phụ cận. Trong những thập niên 1950 – 1970, nhà đèn Chợ Quán vẫn là nguồn điện chính của Sài Gòn.
Sau 1975, nhà đèn tiếp tục hoạt động dưới sự quản lý của Công ty điện lực TP HCM. Đến đầu những năm 2000, nhà đèn ngừng phát điện và năm 2008 chính thức bị “khai tử” khi được quy hoạch thành khu phức hợp văn phòng – trung tâm thương mại.
Bệnh viện xưa nhất
Lâu đời nhất là bệnh viện Chợ Quán. Cách đây gần một thế kỷ rưỡi, vào năm 1862, nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài thành phố Sài Gòn, kẻ ít người nhiều chung tay xây dựng bệnh viện mang tên địa phương: Chợ Quán. Từ 1862 – 1875, bệnh viện tiếp nhận điều trị các bệnh nhân hoa liễu và người tù bị bệnh.
Bệnh viện tọa lạc trên một khu đất rộng gần 5 hecta tại làng Chợ Quán nằm giữa Sài Gòn – Chợ Lớn, phía trước có sông Bến Nghé chảy qua (nay gọi là kênh Tàu Hủ). Đây vốn là nền cũ trạm cứu thương của thực dân Pháp khi đánh đồn Kỳ Hòa (1861). Đến năm 1864, bệnh viện được giao lại cho chính quyền thời bấy giờ quản lý.
Nhà hát xưa nhất
Được khởi công năm 1898 và hoàn thành năm 1900, Nhà hát Thành phố theo lối kiến trúc “flamboyant” của thời Đệ tam cộng hòa Pháp. Các phù điêu bên trong được chắp tay bởi các kiến trúc sư người Pháp giống như mẫu của các nhà hát Pháp cuối thế kỷ XIX. Nằm tại lõi Sài Gòn, nhà hát đa năng, là nơi biểu diễn sân khấu nghệ thuật và được sử dụng để tổ chức những sự kiện lớn của thành phố.
Kiểu dáng nguyên thủy của Nhà Hát Quốc Hội năm 1956 Nhà Văn Hóa năm 1964 Sau đó là nhà Hạ Nghị Viện của Đệ Nhị Cộng Hòa Nhà hát Thành Phố vào hiện tại, đã được phục chế theo nguyên bản
Nhà hát là nơi trình diễn ca nhạc kịch cho Pháp kiều xem. Trải qua rất nhiều biến cố của lịch sử thì cho tới nay, Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị hư hại phần nào. Mãi đến năm 1955, nhà hát được tu bổ cải tạo lại nhưng được sử dụng làm Hạ Nghị viện của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đến tháng 5/1975, trở thành nhà hát thành phố đến nay.
Khách sạn xưa nhất
Continental là khách sạn có lịch sử lâu đời và nổi tiếng nhất thành phố, tọa lạc trên đường Đồng Khởi, kéo dài từ bờ sông Sài Gòn đến Nhà thờ Đức Bà – đây cũng là con đường sầm uất bậc nhất thời bấy giờ, có rất đông người Pháp cư ngụ. Khách sạn Continental được xây vào năm 1880 do Kiến trúc sư người Pháp, ông Pierre Cazeau – một nhà sản xuất vật liệu xây dựng và đồ gia dụng, khởi công xây dựng năm 1878 và hoàn thành 2 năm sau đó. Khách sạn là nơi nghỉ dưỡng của quan chức Pháp và giới thượng lưu Việt Nam.
Được biết, tên khách sạn có ngay từ những ngày đầu. Song, sau ngày cướp được miền Nam, khách sạn Continental bị Bắc Việt đổi thành Hải u. Cho đến năm 1989, khách sạn mới được nâng cấp, chỉnh trang và lấy lại tên cũ Continental với diện tích 3430m2, cao 3 tầng, nơi đây đã từng đón tiếp các vị tổng thống, thống đốc, nhà văn, người mẫu nổi tiếng.
Ngày nay, khách sạn Continental là một trong những khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần phát triển ngành du lịch nước nhà.
Nhà thờ xưa nhất
Nhà thờ Chợ Quán (20 Trần Bình Trọng, quận 5) được xây vào năm 1674 và được xem là nhà thờ có lịch sử lâu đời nhất tại Sài Gòn. Ngôi thánh đường nằm ở vị trí trung tâm, có kiến trúc kiểu phương Tây, lợp ngói đỏ, có thể chứa khoảng 1000 người.
Theo học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Họ Đạo Chợ Quán gắn liền với quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam của đất nước. Trong số di dân vào Nam đã có những giáo dân theo đạo Thiên Chúa. Họ tập hợp, tổ chức nhà nguyện và sau này là nhà thờ Chợ Quán.
Trải qua hơn 3 thế kỷ Nhà thờ Chợ Quán đã được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, nơi đây có phòng khám và phát thuốc từ thiện dưới quyền quản lý của Hội Chữ thập đỏ Quận 5.
Ngôi đình xưa nhất
Một trong những ngôi đình cổ nhất của đất Gia Định xưa và xưa nhất Nam Bộ là đình Thông Tây Hội – được xây vào khoảng năm 1679, là chứng tích còn nguyên vẹn nhất của thời kỳ dân Ngũ Quảng kéo vào khai khẩn vùng Gò đất có nhiều cây Vắp (từ đó trở thành tên địa phương là Gò Vấp).
Đình lúc đầu là của thôn Hạnh Thông – thôn khởi nguyên của Gò Vấp – sau đổi thành Thông Tây Hội (do sự sáp nhập của thôn Hạnh Thông Tây (thôn Mới) và thôn An Hội). Đình Thông Tây Hội có vị Thành Hoàng rất độc đáo. Hai vị thần thờ ở đình là hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ, do tranh ngôi với thái tử Vũ Đức nên bị đày đi khai hoang ở vùng cực Nam tổ quốc và trở thành “Thủy tổ khai hoang” trong lịch sử Việt Nam; hai vị thần đó là: Đông Chinh Vương và Dục Thánh Vương.
Ngày nay, đình còn khá nguyên vẹn về quy mô và kiến trúc, kết cấu với những chạm khắc đặc trưng Nam bộ. Đình Thông Tây Hội hiện nằm trên địa bàn phường 11, quận Gò Vấp.
Nhà văn hóa xưa nhất
Cung Văn hóa Lao Động. Năm 1866, với tên gọi Cèrcle Sportif Saigonnais được xây dựng làm sân thể thao cho các quan chức người Pháp với những hồ bơi, sân quần vợt, phòng đấu kiếm và phòng nhảy đầm. Thời Mỹ chiếm đóng, sân chơi được mở rộng hơn và phục vụ cho cả giới quý tộc.
Tháng 11/1975, Ủy ban Quân quản Sài Gòn–Gia Định trao toàn bộ khu này cho Liên đoàn Lao động Thành phố để biến cải thành khu hoạt động văn hóa thể thao và vui chơi giải trí cho công nhân lao động, lấy tên là Câu lạc bộ Lao Động, sau đổi thành Nhà văn hóa Lao Động, và rồi là Cung Văn hóa Lao Động. Diện tích 2.8ha, với 132 năm hình thành và phát triển, Cung Văn hóa Lao Động là Nhà văn hóa cổ và lớn nhất của Sài Gòn.
Công viên lâu đời nhất
Thảo Cầm Viên do người Pháp xây vào năm 1864 và được nhà thực vật học nổi tiếng người Pháp Louis Pierre làm giám đốc đầu tiên. Mục đích xây dựng Thảo Cầm Viên để ươm cây giống trồng dọc các đại lộ Sài Gòn, đồng thời là nơi nuôi & trồng những động & thực vật miền nhiệt đới mà các Thảo Cầm Viên của Pháp lúc bấy giờ chưa có.
Đến năm 1989, Thảo Cầm Viên được trùng tu, mở rộng và nhận thêm nhiều giống thú mới, trồng thêm cây quý. Năm 1990, Thảo Cầm Viên là thành viên chính thức của Hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á.
Hiện nay, có 600 đầu thú thuộc 120 loài, 1823 cây gỗ thuộc 260 loài và nhiều loại cây kiểng quý trên diện tích 21.352m2. Thảo Cầm Viên đã tròn 156 tuổi, số lượng động và thực vật ngày càng tăng, nơi đây đã gắn bó với từng bước đi lên của thành phố và là một trong những công viên khoa học lớn nhất Đông Dương.
Ngôi nhà xưa nhất
Ngôi nhà có tuổi thọ lâu đời nhất còn hiện diện tại Sài Gòn nằm trong khuôn viên Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, số 180 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3. Với tuổi đời hơn hai thế kỷ, nơi đây từng là nơi ở của giám mục Bá Đa Lộc.
Nằm nép mình bên những tòa nhà cao lớn nhưng ngôi nhà gỗ nhỏ nhắn vẫn toát lên vẻ đẹp thuần khiết cho những ai có dịp ngang qua con phố sầm uất cổ kính này. Cổng phụ của khuôn viên Tổng Giám mục được đặt trên đường Trần Quốc Thảo, lối vào để du khách được chiêm ngưỡng ngôi nhà cổ hơn 200 năm.
Nhà được tu sửa vào năm 1980, cách tu sửa có tính chất vá víu, cốt giữ lại những gì có thể giữ được. Trải qua hai thế kỷ ngôi nhà không giữ được nguyên trạng nhưng đây là một di tích kiến trúc mang dấu ấn lịch sử, tôn giáo và văn hóa nghệ thuật.
Ngôi nhà là một tài sản có giá trị mà các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta, không chỉ là truyền thống – bản sắc dân tộc mà còn là bộ mặt quá khứ mang tính văn hóa kiến trúc, một khía cạnh văn minh tại một vùng đất mới mọc lên từ đầm lầy, kênh rạch.
Ngôi chùa xưa nhất
Huê Nghiêm tọa lạc ở đường Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức), được xem là ngôi chùa cổ nhất ở TP HCM. Chùa được thành lập năm 1721, do Tổ Thiệt Thùy (Tánh Tường) khai sáng. Tên chùa lấy từ tên bộ kinh Hoa Nghiêm. Đây là chùa cổ xưa nhất trong các chùa ở thành phố nên còn gọi là Huê Nghiêm Cổ Tự.
Những ngày đầu là một ngôi chùa nhỏ được xây cất trên vùng đất thấp cách địa thế chùa hiện nay khoảng 100m. Qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1960, 1969, 1990 mặt tiền chùa ngày nay mang dáng vẻ kiến trúc của chùa hiện đại nhưng các gian phía trong vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ truyền, mái gian mặt tiền được cấu trúc gồm 3 lớp, nhỏ dần về phía trên. Bờ nóc mái trang trí những hoa sen cách điệu. Khuôn viên chùa khá rộng, có nhiều tháp cổ. Tam quan chùa và đài Quan m ở sân trước chùa được xây vào năm 1990. Ngôi chùa được trùng tu nhiều lần, lớn nhất là vào cuối thế kỷ XIX do Thiền sư Đạt Lý – Huệ Lưu tổ chức.
Chùa Huê Nghiêm là một di tích Phật giáo quan trọng, là nơi dừng chân, sống đạo và hành đạo của nhiều vị danh tăng uyên thâm Phật pháp, có đạo hạnh và có đạo đức. Chùa cũng là bằng chứng về trình độ kiến trúc và phong tục tập quán của người Việt trên vùng đất mới khai phá, mở ra nền văn minh trên vùng đất hoang sơ.
Đường sắt đầu tiên ở thành phố
Tuyến đường sắt đầu tiên ở nước ta là đoạn đường sắt Sài Gòn–Mỹ Tho dài 71km, được xây vào năm 1881. Ga chính trước chợ Bến Thành, văn phòng đường sắt là tòa nhà hai tầng chiếm cả khu đất bao bọc bởi ba đường Hàm Nghi–Huỳnh Thúc Kháng–Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nay là Xí nghiệp Liên hợp đường sắt khu vực 3.
Xe lửa chạy bằng máy hơi nước phải dùng than củi đốt nồi súp-de nên xe chạy khá chậm. Vì không cạnh tranh nổi với xe đò trong việc chuyên chở hàng hóa và hành khách, đường xe lửa Sài Gòn–Mỹ Tho đã ngưng hoạt động từ lâu. Sau năm 1975, Ga xe lửa Sài Gòn được dời về Ga Hòa Hưng. Vào ngày 8/8/1998, người ta khởi công xây cất Trung Tâm Văn Hóa Thương Mại Sài Gòn trên nền Ga Sài Gòn cũ.
Thảo luận về bài viết