Hỏi thế gian tình ái là chi? Mà đôi lứa thề nguyền sống chết? Vì sao có tình yêu trên đời, và vì sao chúng ta lại yêu? Nếu may mắn, tình yêu sẽ giúp cảm xúc thăng hoa. Nếu không may mắn, tình yêu biến thành thứ chết tiệt đáng nguyền rủa. Người tình khiến ta đau khổ, gia đình làm ta nổi điên, ngay cả bạn bè đôi khi cũng đem đến toàn những thất vọng.
Thế nhưng, sự thật là homo sapiens được thiết kế để gắn kết. Trải qua quá trình tiến hóa hàng trăm triệu năm, khả năng yêu thương và chăm sóc cho nhau là điều mà chọn lọc tự nhiên đã ưu ái giữ lại cho chúng ta. Tình yêu và sự gắn kết là thứ giúp tổ tiên loài người tồn tại và phát triển từ buổi đầu của lịch sử nhân loại.
Chắc bạn đã từng không xa lạ với câu nói “Con người hơn những loài khác vì con người biết yêu”. Nghe có vẻ sến, nhưng điều này về cơ bản không sai. Con người có đời sống tình cảm phức tạp hơn những giống loài khác. Tình cảm lãng mạn là một ví dụ điển hình. Ngoại trừ con người, giữa con đực và con cái của những loài động vật có vú khác hầu như không tồn tại mối quan hệ gắn kết dài hạn tương tự. Tình bạn cũng là một “điểm khác biệt” của loài người vì chúng ta có khả năng hình thành và phát triển mối quan hệ với những cá thể vừa không liên quan về huyết thống vừa không nhằm mục đích duy trì nòi giống.
Tuy nhiên, loài người thuộc lớp động vật có vú (mammals) nên vẫn tồn tại một số điểm tương đồng giữa chúng ta và những “họ hàng xa” khác, ngay cả về đời sống tình cảm.
Tình yêu bảo vệ chúng ta
Chúng ta chia tình yêu thành nhiều phân loại khác nhau: tình cảm nam nữ, tình bạn, tình thân gia đình,… Trong đó, sự liên kết giữa con mẹ và con con (nói cách khác là tình mẫu tử) là thứ xuất hiện không chỉ ở người mà còn ở các động vật có vú khác. Tính chất phổ quát (universal) của loại hình tình cảm này cho thấy rằng đây là sự gắn kết nguyên thủy và cổ xưa nhất mà nhờ vào nó, những dạng thức khác của tình cảm mới có thể phát triển.
Ở các loài động vật nguyên thủy, chẳng hạn như những loài thuộc nhóm thằn lằn, con bố mẹ không có thiên chức bảo vệ và nuôi dưỡng. Rồng Komodo mẹ sau khi đẻ sẽ bỏ mặc đám trứng, con non nở ra sẽ tự tìm cách sinh tồn. Ngoài ra, vì là động vật ăn thịt nên rồng Komodo mẹ rất có khả năng sẽ ăn luôn đám con non vừa ra đời. Những cá thể nhỏ hơn và yếu ớt luôn là những con mồi dễ tìm nhất. Bản năng của những chú rồng Komodo con sẽ là chạy khỏi “bố mẹ”, chứ không phải tìm kiếm sự bảo vệ từ những cá thể này.
Động vật nguyên thủy rõ ràng không phải những minh chứng điển hình cho tình mẫu tử. Vì điều này đòi hỏi con mẹ phải có bản năng xem con non – những cá thể nhỏ và yếu ớt hơn nó – là vật để bảo vệ chứ không phải thức ăn. Đồng thời, những con non cũng phải tiến hóa để nhìn nhận con mẹ như nơi trú ẩn an toàn chứ không phải là mối đe dọa thường trực.
Bằng chứng về sự liên kết giữa mẹ / cha mẹ và con cái xuất hiện khoảng 200 triệu năm trước, vào khoảng cuối kỷ Tam Điệp, đầu kỷ Jura. Người ta tìm thấy hóa thạch của một con Kayentatherium mẹ đang trong tư thế che chở cho 38 con non của mình. Tình mẫu tử nhen nhóm xuất hiện, khi bản năng che chở ở con mẹ và tìm kiếm sự che chở ở con non đều được phát triển.
Tuy nhiên, kayentatherium chưa thể được xem là những bà mẹ “chuẩn mực”. Vào giai đoạn này, thú có vú chỉ mới hình thành bản năng bảo vệ, chưa phải chăm sóc. Việc kayentatherium đẻ quá nhiều con non một lứa (38, hoặc có thể hơn) khiến chất lượng của thế hệ sau không được đảm bảo, hơn nữa con mẹ cũng không thể chăm sóc hết đàn con.
Tại xứ Wales, vào kỷ Hậu Tam Điệp, người ta tìm được những bằng chứng thuyết phục hơn về hành vi chăm sóc của con bố mẹ (parental care). Những hóa thạch của loài morganucodon cho thấy thay vì thay răng liên tục từ khi sinh ra đến lúc chết đi (như cá mập và thằn lằn), chúng thay răng như thú có vú: con non sinh ra không có răng, sau đó mọc răng sữa, đến khi lớn thì răng sữa rụng đi, nhường chỗ cho răng trưởng thành.
Việc thay răng này liên quan mật thiết đến hành vi cho con bú. Con non được cho ăn bằng sữa thì không cần đến răng. Không những tiết sữa nuôi con, loài morganucodon còn “quan tâm” đến chất lượng thế hệ sau của mình bằng cách hạn chế số lượng mỗi lần sinh sản để có thể dành thời gian chăm sóc con non nhiều hơn, như những loài thú có vú hiện đại. Đổi lại, những con non có nguồn thức ăn phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ mình cũng sẽ phát triển một mối liên kết chặt chẽ hơn về mặt tình cảm.
Đây cũng được xem là dấu mốc trong lịch sử tiến hóa của động vật có vú. Sợ hãi, đói khát, và ham muốn được xem là những thứ cảm xúc sơ khai và bản năng nhất. Khác với Lớp Bò sát – những loài vật xem đồng loại hoặc là mối nguy hiểm, hoặc là thức ăn, hoặc là công cụ giao phối – tổ tiên chúng ta gắn bó với nhau nhiều hơn thế. Trải qua hàng triệu năm tiến hóa, những loài vật đầu tiên của Lớp Thú có vú bắt đầu hình thành sự gắn kết: biết bảo vệ và tìm kiếm sự che chở, biết chăm sóc cho nhau, chơi đùa, dạy dỗ và học hỏi lẫn nhau.
Động vật có vú tiếp tục tiến hóa để phát triển khả năng hình thành các mối quan hệ, từ đó nảy sinh những liên kết cộng đồng phức tạp hơn. Nói cách khác, chúng tụ họp và sinh hoạt thành bầy đàn, theo gia đình (có quan hệ huyết thống) hoặc theo “nhóm bạn” (không có huyết thống): như khỉ, cá voi sát thủ, chó hoang.
Ở một số loài vật, bầy đàn thể hiện tính xã hội rõ rệt qua việc phân chia thứ bậc và nhiệm vụ cụ thể ở những giai cấp khác nhau, như voi, và con người. Từ đây, bắt đầu xuất hiện liên kết cặp (pair bonding) giữa con đực và con cái.
Tình yêu lãng mạn (romantic love) giữa giống đực – người nam – và giống cái – người nữ – là kết quả tiến hóa của việc con đực giúp con cái chăm sóc con non. Tình mẫu tử tồn tại ở động vật có vú, chứ không phải tình phụ tử. Đối với hầu hết các loài thú có vú, những con bố không làm gì nhiều hơn vai trò góp gen cho thế hệ sau. Các nhà khoa học gọi đây là hiện tượng người cha vắng mặt (absentee father). Thậm chí với tinh tinh, họ hàng gần nhất của con người, sự chăm sóc của con bố cũng rất ít.
Tuy nhiên, ở một số thú có vú như hải ly, sói, loài dơi, loài gặm nhấm, và (tất nhiên là) loài người, xuất hiện sự gắn kết lâu dài giữa các cặp đôi để có thể hợp tác chăm sóc và nuôi dạy con cái. Các nhà khoa học tin rằng liên kết cặp hình thành từ khoảng 6-7 triệu năm trước, không lâu sau khi tổ tiên chúng ta tiến hóa theo hướng khác với tinh tinh, và trước khi có sự phân hóa giữa Homo sapiens với người Neanderthal.
Tình yêu có trong ADN mỗi chúng ta
Theo một nghiên cứu khoa học, loài người tinh khôn ngày nay mang ADN của người Neanderthal. Điều này khẳng định rằng homo sapiens và neanderthal không chỉ giao phối đơn thuần với mục đích duy trì nòi giống (bỏ mặc con non hoặc chỉ có con mẹ chăm sóc con non). Đây là hai loài khác nhau nên con non sẽ là con lai (mixed babies). Trong những bộ lạc nguyên thủy, sự hiện diện của một cá thể không cùng loại là một mối nguy hiểm. Để có thể tồn tại, phát triển, và được bầy công nhận là thành viên, những con non lai cần sự chăm sóc và bảo vệ từ bố mẹ chúng. Và cả bố mẹ chúng cũng cần phải hình thành bản năng chăm sóc và bảo vệ lẫn nhau, để có thể phát triển liên kết cặp – một sự gắn kết lâu dài.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, loài người đã khá nhiều lần “đụng độ” với những loài khác. Không phải lần nào cũng êm đềm, nhưng cũng không phải mọi lần đều đầy bạo lực. Tổ tiên chúng ta tuy khác loài với người neanderthals nhưng vẫn có sự tương đồng vừa đủ để đôi bên có thể phát sinh nhu cầu và cảm giác chăm sóc, che chở cho nhau. Một câu chuyện tình khắc ghi trong từng tế bào (theo nghĩa đen) chứ không đùa!
Tình yêu là món quà của tạo hóa
Là những sinh vật biết yêu, chúng ta hoàn toàn có thể an tâm khi biết rằng mình không phải là đối tượng đầu tiên bị gạch tên nếu tạo hóa có ý định “đập đi xây lại”. Tình yêu có lợi ích về mặt thích nghi và tiến hóa. Ngày nay, hệ sinh thái chủ yếu tồn tại những loài động vật có hành vi chăm sóc con non: thú có vú, các loài thuộc Lớp chim, và những loài côn trùng có tập tính xã hội cao như kiến, ong mật, ong bắp cày,… đây đều là những loài thống trị hệ sinh thái trên cạn. Và trong đó, con người là động vật trên cạn chiếm ưu thế nhất.
Hành vi chăm sóc của con bố mẹ giúp hình thành các mối quan hệ, thúc đẩy tính hợp tác giữa các cá thể. Đó là tiền đề cho sự phát triển của các hình thái xã hội, điều có thể gây ảnh hưởng đến môi trường sống không chỉ của một loài mà cả những loài khác. Đơn cử như sự hình thành các nhóm xã hội của loài gián gỗ (wood roaches) có liên quan mật thiết đến khu vực sinh sống của chúng, trong nhiều trường hợp tái định hình cả cấu trúc khu vực.
Kết
Tiến hóa là một đường đua khốc liệt. Tuy nhiên nhờ có tình yêu, loài người tiền sử đã nảy sinh nhu cầu hình thành các mối liên kết với nhau. Chính điều này cho phép chúng ta trở thành một đối thủ cạnh tranh đủ mạnh để chống lại những bầy đàn khác, và cả những loài khác.
Loài người có năng lực vô song trong việc yêu thương và chăm sóc lẫn nhau, cho dù chúng ta đặt tên và phân loại tình cảm đó thành tình yêu lãng mạn, tình bạn, hay tình cảm gia đình. Là gì đi nữa, thì đó vẫn là tình người – thứ giúp chúng ta hình thành sự hợp tác và phát triển một xã hội trên quy mô chưa từng thấy trước đây trong lịch sử tiến hóa của muôn loài.
Thảo luận về bài viết