Những tia lửa bay xung quanh, những nhát búa vang lớn có thể nghe thấy xa bên ngoài xưởng. Nhưng bên trong đầu Sĩ chỉ có thinh lặng – người thợ rèn trẻ tuổi hoàn toàn bị cuốn hút vào công việc của mình và không để ý đến bất cứ thứ gì khác ngoài đầu nóng đỏ của thanh kim loại. Chỉ khi thanh kim loại trong tay trở nên nguội lạnh, Sĩ mới thoát ra khỏi trạng thái mải mê trong giây lát để đun nóng nó vào trong lò.
Đặng Sĩ là thợ rèn của một xưởng kim loại lớn tại thành phố Dĩ An cách Thành phố Hồ Chí Minh 20km về phía Bắc.
Theo dõi những chuyển động nhịp nhàng của Sĩ, bạn có thể lầm tưởng rằng anh ấy được sinh ra với một chiếc búa trong tay, là con của một dòng máu thợ rèn lâu đời. Nhưng không, Sĩ đến với công việc thợ rèn chỉ mới vài năm, nhưng với tài năng và niềm đam mê với nghề, anh rất ra dáng một người con nhà rèn.
“Tôi đã tìm thấy công việc này trên mạng cách đây hai năm,” anh nói. “Tôi đã xin làm thợ rèn mà không có bất kỳ kinh nghiệm nào trước đây. Nhưng lúc đó tôi là thợ hàn nên tôi biết mình yêu kim loại và lửa.”
Sébastian Sicot – người thợ rèn gốc Pháp sống tại Việt Nam đã thuê Sĩ, cho biết “Sĩ chắc chắn rất tài năng và anh ấy có đạo đức làm việc cao”.
Linh hồn của người thợ rèn thủ công
Khi công việc với chiếc búa tạ được hoàn thành, Sĩ lấy một cây búa rèn từ một bức tường chứa đầy các dụng cụ linh tinh khác và bắt đầu uốn kim loại. Trong số 20 chiếc búa thường xuyên được sử dụng trong cửa hàng, gần như tất cả chúng đều giống hệt những chiếc búa mà thợ rèn đã sử dụng cách đây hàng thế kỷ. Sĩ nói, “Một số công cụ không thực sự thay đổi trong những năm qua, nhưng ngày nay, hầu hết chúng ta sử dụng các kỹ thuật rèn hơi khác.”
Đối với Sĩ, công việc của nghề rèn không chỉ là những nhát búa và sức nóng của lò rèn, mà còn là công việc của thể chất và tinh thần. “Thứ cần chú trọng vẫn là mang đến sức sống cho những thanh sắt vô tri vô giác.”
Bắt đầu từ những kim loại thô ráp và lạnh lẽo, nhưng công việc của những người thợ rèn là mang cả linh hồn và hơi thở vào trong đó. Lửa sẽ nung chảy phần bên ngoài để họ luyện phần bên trong. Những sản phẩm làm ra rất đặc biệt và độc nhất. Nó mang dấu ấn riêng của từng người thợ rèn theo cách trui rèn và uốn thành sản phẩm.
“Những người thợ rèn giỏi là biết cách biến một mảnh kim loại vô tri vô giác thành một thứ có linh hồn,” Sĩ giải thích. “Chỉ khi họ làm việc với đôi tay của mình – tạo hình kim loại bằng khuôn mẫu và máy móc của nhà máy không mang lại linh hồn cho nó.”
Sĩ thường làm việc chặt chẽ cùng với những người thợ thủ công của mình trong xưởng; tất cả đều góp phần nhỏ vào một tổng thể lớn hơn. “Kết quả cuối cùng là sự tan chảy và hòa quyện tâm hồn của những người thợ rèn.”
Phục chế – Thách thức lớn với thợ rèn
Ý thức gắn kết đó với những người thợ rèn khác càng sâu sắc hơn khi thực hiện công việc trùng tu. Quả thực, mỗi tác phẩm được rèn đều mang linh hồn của người làm ra bên trong, kể cả khi người đó đã ra đi.
“Ở Việt Nam chỉ có ít người thợ rèn được làm việc với những tòa nhà lịch sử. Tôi còn trẻ, nhưng cũng mong một ngày có cơ hội được làm việc với họ. Vì đối với tôi, công việc phục chế là tuyệt vời nhất,” Sĩ nói, “Khi bạn chạm vào một tác phẩm cũ, bạn phải lắng nghe tâm hồn hiện hữu trong vật liệu đó.”
Từ lâu thợ rèn đã là một nghề thủ công. Vì vừa phải tôn trọng vẻ đẹp vốn có, vừa phải mang lại sức sống mới cho sản phẩm. Rồi cứ thế ngày qua ngày các mảnh ghép sẽ dần được hoàn chỉnh. Sản phẩm cuối cùng như một sự hòa trộn giữa mới và cũ. Mang theo cả linh hồn và niềm tự hào của nghề rèn.
Công việc phục chế cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. “Đối với một tác phẩm mới, chúng tôi làm theo hướng dẫn thiết kế. Tất nhiên nó vẫn đòi hỏi kỹ năng, nhưng không có quá nhiều bất ngờ trong quá trình này. Khi bạn khôi phục một đối tượng, bạn phải sửa từng chi tiết nhỏ. Và bạn cần phải hết sức cẩn thận vì chất liệu cũ có thể dễ bị tổn thương hơn.”
Mặc dù Sĩ phát hiện ra niềm đam mê này chủ yếu là tình cờ, nhưng sự cống hiến đã đưa anh ấy trở thành một trong những thợ rèn hàng đầu của Việt Nam. “Tôi sẵn sàng làm điều tương tự mười lần, thậm chí hai mươi lần — vì điều đó có nghĩa là tôi đang cải thiện bản thân,” Sĩ chia sẻ. “Tôi rất kiên nhẫn. Đó là con người của tôi.”
Nguồn: Neocha
Thảo luận về bài viết