Ai ơi đừng lấy thợ dầu – Cái chưn chai ngắt cái đầu đen thui
Thợ dầu là những người chuyên đi lấy nhựa để làm ra dầu rái. Cây dầu rái (dầu nước, dầu sơn) là loại cây nhiệt đới thân gỗ, họ dầu, có thể cao đến 40 – 50 mét, mọc thành rừng trên các triền núi cao.
Cây cho nhựa sống mỗi năm 2 lần và được khai thác nhiều nhất khi vụ lúa hè thu kết thúc. Sản phẩm từ cây dầu có hai loại chính là dầu tía (nước lỏng) và dầu trắng (nước lỏng để đặc lại). Mỡ dầu làm váng nổi trên mặt, được coi là sản phẩm tốt nhất, dùng để đánh bóng nón lá (gọi là kéo dầu). Nhựa dầu rái nếu quét lên tàu thuyền thì lớp gỗ bên ngoài gần như chịu đựng rất tốt với nước mặn và nắng mưa. Đối với ngư dân, dầu rái vẫn là sản phẩm bảo vệ vỏ tàu gỗ khó thay thế, dù ngày nay đã các loại sơn lót, sơn chống nắng, chống rêu mốc…
Theo nhà bác học Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, dưới thời các chúa Nguyễn, nghề lấy dầu rái ở Đàng Trong đã được Nhà nước phong kiến quản lý, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Người thợ sẽ đẽo thân cây thành từng máng dưới gốc, dùng lửa đốt đuốc hơ vào gốc để nhựa chảy ra ngoài, chờ đến ngày hôm sau quay lại múc lấy dầu.
Mở miệng (máng) lấy dầu là thao tác đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm xử lý, làm sao để miệng càng ngày càng cho nhiều dầu hơn. Những người non tay nghề, vạt miệng không đúng kỹ thuật, không những khai thác được ít dầu mà còn ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây.
Người thợ có nghề, khi hơ lấy dầu cũng đồng thời làm dầu chín (có màu trong veo), rồi dùng cọ vuốt cho dầu chảy ngay xuống máng. Dầu trong máng khi đầy được đổ vào xô. Đầy xô thì đổ vào thùng. Mỗi thùng có dung tích chừng 20 lít. Hơ lửa gần 200 cội cây mới được 1 gánh dầu 40 lít, với giá mỗi gánh dầu hiện nay khoảng 1 triệu đồng.
Nguy hiểm, khó khăn, cộng với tương lai bấp bênh không ổn định, thêm vào đó là sự thay thế dần của các sản phẩm từ dầu mỏ, nghề lấy dầu có nguy cơ mai một, kéo theo đó là sự biến mất của rừng dầu vào một ngày không xa.
“Nát giỏ còn bờ tre”
Nghệ sĩ trẻ Trung Nghĩa đã tìm về một làng dầu ở Quảng Nam, tìm gặp đội thợ lấy dầu già. Những ông lão này đã từng là người khai thác gỗ, thợ dầu rái, nông dân,… nay phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Không lấy dầu nữa, anh thuyết phục họ cùng mình… mở triển lãm mây tre đan.
Những người già, người trẻ đã ngồi xuống, bàn bạc, truyền cảm hứng cho nhau, dùng các vật liệu mây trong rừng dầu như tre gai gò cực bền và tốt, cứt trâu, đất sét, dầu rái… kết hợp với lối xử lý truyền thống, cùng làm việc trong hơn ba năm để thành hình bộ tác phẩm mây tre đan kì công tỉ mỉ cho triển lãm mang tên Nát giỏ còn bờ tre.
Triển lãm được tổ chức bởi Sài Gòn Vi Vu và tạp chí Art Republik Vietnam, tại nhà sách Hải An.
Bộ ấn phẩm Art Republik và ấn phẩm của triển lãm Nát giỏ còn bờ tre, cùng các tác phẩm mây tre đan sẽ được bày bán tại triển lãm. Một phần tiền thu được sẽ được trích để xây dựng lại các khu vệ sinh trong các trường học, các đồ dùng học tập cho trẻ em vùng sâu vùng xa tại Quảng Nam.
Thông tin sự kiện
– Khai mạc: 7/11/2020
– Mở cửa tự do: 8/11/2020 – 14/11/2020
– Thời gian: 9:00 – 21:00
– Địa điểm: Gallery Hải An, Tầng 4, nhà sách Hải An, 2B Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP.HCM
Thảo luận về bài viết