Ngoài nội dung và phần hình ảnh, âm nhạc và thiết kế âm thanh trong phim cũng góp phần làm tăng cảm xúc và tính chân thật cho trải nghiệm của người xem. Song với điện ảnh Việt Nam, đây vẫn được xem là “công việc thầm lặng”. Tầm quan trọng của chúng trong các bộ phim vẫn chưa được đánh giá đúng.
Buổi trò chuyện cùng các chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc và âm thanh trong phim ảnh, gồm: nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam (Cho em gần anh thêm chút nữa, Sóng gió gia tộc, Người lắng nghe), nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh (Hai Phượng, Mẹ chồng, Cô Ba Sài Gòn), và chuyên gia âm thanh Thân Minh Hà sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về công việc liên quan đến âm thanh, âm nhạc trong phim, cũng như tầm quan trọng của việc kết hợp nghe-nhìn hài hòa.
Bài viết sử dụng thông tin từ buổi chia sẻ về âm nhạc và âm thanh, trong phạm vi chuỗi talk show #FilmPreneur của đạo diễn Phạm Thanh Hải, Founder EMA Solutions.
Các anh có thể chia sẻ đôi điều về bản thân, cơ duyên với điện ảnh cũng như quá trình vào nghề để mọi người có cái nhìn rõ hơn về công việc các anh đang làm không?
Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh
Tôi làm âm nhạc khá lâu. Từ trước đến nay, công việc chính vẫn là nhạc sĩ hòa âm phối khí cho khá nhiều ca sĩ tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Sau 20 năm làm nghề, tôi bắt đầu quan tâm đến mảng âm nhạc cho phim. Khi xem phim cũng bắt đầu để ý nhiều hơn.
Cái gọi là “cơ duyên” với điện ảnh thì do khi đến một độ tuổi nhất định, tôi lại thích nhạc không lời, nhạc hòa tấu, những bản nhạc có giai điệu hẳn hoi. Từ đó mới tiếp xúc nhiều với âm nhạc cho phim – xem phim, nghe nhạc của phim nhiều hơn. Bên cạnh đó, tôi bắt đầu tham gia viết nhạc cho nhạc kịch và dần tìm thấy niềm đam mê mới ngoài công việc hòa âm phối khí cho các ca khúc.
Cô Ba Sài Gòn là bộ phim đầu tiên tôi làm việc cùng Studio68. Trước đó, tôi cũng thử nghiệm làm nhạc cho một vài phim ngắn cho các bạn có phim tham gia các cuộc thi, hoặc những phim không nhằm mục đích chiếu rạp. Sau Cô Ba Sài Gòn, cách đây 4-5 năm thì tôi đã có gia tài trên dưới 20 phim. Vì tính chất công việc hòa âm phối khí nên tôi cũng chỉ thích ngồi ôm đàn, ôm máy tính rồi viết nhạc. Còn viết cái gì cho phim ảnh thì nó là niềm đam mê hiện tại, sẽ theo mình từ đây cho đến về sau.
Chuyên gia âm thanh Thân Minh Hà
Lúc 18-20, tôi rất thích nghe nhạc và luôn tò mò rằng tại sao người ta có thể làm ra những bản nhạc hay như vậy – có thể làm bản thân mình thấy có động lực, thích thú, đam mê. Sau đó, tôi bắt đầu tìm hiểu và học về âm nhạc. Ban đầu, tôi vẫn hướng nhiều về làm sản xuất nhạc giống giống như anh Hoàng Anh – kiểu hòa âm phối khí, thu âm cho các bạn ca sĩ trẻ. Lúc đó, tôi hoàn toàn không biết đến ngành âm thanh hậu kì.
Mãi cho đến khi tốt nghiệp RMIT, đi thực tập ở một công ty sản xuất hậu kì cho phim quảng cáo, lúc đó tôi mới biết đến mảng âm thanh hậu kì, tức làm âm thanh cho một sản phẩm quảng cáo, bao gồm âm nhạc, tiếng động, giọng đọc thu âm của các bạn talent.
Tôi thấy công việc này thú vị, lại khá phù hợp với mình. Trước đó trong quá trình sản xuất âm nhạc, bản thân tự thấy mình thiên về khuynh hướng kĩ thuật, thích mixing (kết hợp các âm thanh) hơn sáng tác. Thế nên trong quá trình thực tập, tôi bắt đầu rẽ hướng sang âm thanh hậu kì. Song song đó tôi cũng tìm cách tích góp thêm kinh nghiệm bằng tự học, tự làm tại nhà nhờ có phòng thu riêng.
Các sản phẩm nhỏ ban đầu là khi tôi giúp đỡ các bạn học cùng khóa, sau đó làm việc với nhiều nhãn hàng lớn hơn. Sau một thời gian làm quảng cáo, TVC, phim ngắn, tôi có cơ duyên được một người anh mời làm âm thanh cho những bộ phim ngắn dự thi. Đó là một bước rẽ giúp tôi tiếp cận với phim, dần dần làm thêm nhiều sản phẩm hơn, cho đến lúc gặp được đối tác tin tưởng giao cho làm sản phẩm phim điện ảnh đầu tiên.
Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam
Trước đây tôi học piano cổ điển ở Nhạc viện Sài Gòn. Năm 24 tuổi thì sang Đức để theo học chương trình âm nhạc Classic, Piano và Jazz Piano. Sau đó được ban nhạc Big Band của quân đội Đức tuyển vào vị trí keyboard, đánh Jazz Piano.
Hòa âm của jazz rất phong phú, phức tạp, nhiều màu sắc. Đây cũng là thể loại được nhiều ca sĩ thực lực ở Việt Nam lựa chọn cho các sản phẩm âm nhạc của họ – từ thuần jazz, đến “nêm nếm” một ít hoặc kết hợp jazz với pop. Đến cuối Đại học, tôi nảy ra ý tưởng dùng hòa âm này để chơi trong dàn nhạc giao hưởng. Thử một vài thứ mới mẻ, thấy nó cũng khá hay.
Cùng lúc đó, tôi bắt đầu quan tâm đến âm nhạc trong phim. Bộ phim cho tôi cảm giác mê đắm nhất, muốn lập tức chuyển hướng từ piano sang nhạc phim là The Last Samurai – Tom Cruise đóng chính và Hans Zimmer soạn nhạc. Âm nhạc trong phim vô cùng hay, thu hút toàn bộ sự chú ý của tôi, khiến tôi bắt đầu xem, nghiên cứu về phim và phần âm nhạc trong nhiều bộ phim khác nữa. Càng lắng nghe, càng tìm hiểu, càng đi sâu vào thế giới đó, tôi càng thấy mình bị chinh phục hoàn toàn.
Các anh có thể chia sẻ những bộ phim mình thích thú, ưng ý gần đây, hoặc những phim gợi nhiều cảm xúc cho mình về phần âm nhạc, âm thanh hậu kì không?
Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh
Tôi không quá kén chọn, xem nhiều thể loại phim để mình học thêm nhiều điều. Nhưng là người hâm mộ của Marvel thì tôi ấn tượng nhất với Avengers: Endgame cả về âm nhạc lẫn âm thanh. Tôi cảm thấy phần âm nhạc rất gần gũi với tôi và cả cảm xúc của tôi. Mặc dù đây là một bộ phim giả tưởng nhưng phần âm nhạc và âm thanh đã khiến câu chuyện phim trở nên rất thật. Mỗi khi bản nhạc cất lên là đã đủ để gây xúc động rồi.
Người soạn nhạc của Avengers: Endgame là Alan Silvestri, một nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng trong giới âm nhạc. Ông có thói quen viết nốt nhạc trên giấy chứ không trực tiếp hòa âm trên máy tính. Sau khi hoàn thành, Alan mới đưa lên máy để nghe demo.
Khi nghe những đoạn intro của các phần phim Avengers mà Alan biên soạn hoặc được ông tổng hợp lại từ tất cả các intro trước đó vào Endgame, chúng ta có cảm giác rất cổ điển. Tôi thấy việc đem chất nhạc giao hưởng vào một bộ phim mang tính chất giải trí giả tưởng như vậy rất thú vị. Chất liệu nhạc cổ điển chủ yếu được tạo ra từ một dàn orchestra bao gồm dàn dây, dàn kèn, vì thế có thể dẫn dắt cảm xúc người nghe rất tốt. Trong quá trình theo dõi Alan Silvestri, tôi cũng xem những bộ phim nổi tiếng khác do ông biên soạn và học được rất nhiều điều hay ho.
Chuyên gia âm thanh Thân Minh Hà
Khi xem phim, tôi để ý đến cách họ làm âm thanh (sound digital, sound mixing) nhiều hơn. Thế nên tôi chủ yếu quan tâm hai thể loại là hành động và kinh dị chứ không hẳn là thích phim nào nhất.
Đây là 2 thể loại phim mà người làm âm thanh có rất nhiều đất dụng võ. Họ có nhiều thứ hơn để sáng tạo, nhiều hoạt động hơn để làm, giúp phim trở nên ấn tượng và đạt được hiệu quả tốt nhất khi đi kèm với phần hình ảnh. Bản thân tôi khi làm nghề cũng thích làm những phim thuộc hai thể loại trên. Như vậy thì phần sound digital cũng sẽ thú vị hơn.
Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam
Cá nhân tôi không có sự so sánh hay yêu thích đặc biệt nào hơn trong các thể loại phim. Tôi thích xem mọi thứ, kể cả phim tình cảm cũng thích. Bộ phim có ảnh hưởng lớn đến cách làm nhạc của tôi là series phim về những người phụ nữ nội trợ ở ngoại ô Los Angeles, Desperate Housewives. Soạn nhạc cho phim là Danny Elfman – một cái tên nổi tiếng. Thủ thuật âm nhạc để tạo nên cảm giác hài hước của Desperate Housewives được mọi người khai thác nhiều. Có thể nói Danny Elfman đã tạo ra một tác phẩm được xem là một trong những bộ phim định hình cho phong cách âm nhạc trong các bộ phim hài sau này.
Trong quãng thời gian dịch, tôi cũng có theo dõi những bộ phim Hàn quốc gần đây. Cách xử lý âm nhạc, âm thanh cùng hình ảnh của họ rất hiện đại. Có cảm giác công nghệ làm phim của Hàn Quốc ngày càng khủng.
Khi sử dụng các nền tảng xem trực tuyến như Netflix, nếu tốc độ đường truyền kém thì nền tảng này sẽ giảm chất lượng hình ảnh thay vì thay đổi phần âm thanh. Điều này cho thấy âm nhạc và âm thanh trong phim có vai trò rất quan trọng. Các anh có thể chia sẻ ý kiến của mình về nhận định này?
Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam
Thời đại hiện nay, chúng ta ở trong bối cảnh công nghệ hiện đại nên phần hình ảnh, kỹ xảo luôn là ưu tiên hàng đầu. Nhưng theo những gì được học một cách bài bản trong trường dạy nhạc phim của nước ngoài, âm thanh của phim quyết định gần như 50% sự hấp dẫn của bộ phim. Từ khi còn trong bụng mẹ, chúng ta đã biết lắng nghe mọi thứ từ bên ngoài, có thể cảm nhận được tình cảm của cha mẹ thông qua giọng nói. Và trong các giác quan của con người, giác quan mạnh nhất không phải thị giác mà chính là thính giác và khứu giác.
Ngoài đời, mỗi người có 5 giác quan để cảm nhận nhưng phim ảnh thì chỉ chú trọng đến 2 giác quan nghe và nhìn. Do đó, phần nghe có vai trò bổ sung cho những điều mà chỉ nhìn thôi chúng ta không thể cảm nhận được hết. Tôi ví dụ các cảnh hồi hộp trong phim kinh dị. Nhân vật từ từ tiến đến gần một cánh tủ, hoàn toàn không biết có gì đang ẩn nấp trong đó. Nếu không có âm thanh, chỉ có phần hình ảnh thôi thì cảnh đó sẽ khá nhàm chán.
Ngoài ra, trong phần âm thanh thì có rất nhiều tầng để kết hợp: âm thanh môi trường, âm thanh tiếng động, thoại của nhân vật, âm thanh hiệu ứng, âm nhạc,… Người làm phim khéo không chỉ lựa chọn cho mình một DOP giỏi trong việc tạo ra hình ảnh chất lượng mà còn quan tâm đến yếu tố âm nhạc, âm thanh trong phim nữa.
Chuyên gia âm thanh Thân Minh Hà
Chia sẻ về âm nhạc, âm thanh từ anh Nam khá chi tiết. Bản thân tôi cũng thấy điều đó chính xác. Trong quá trình học và làm việc, tôi được biết âm thanh đóng góp 50% cho bộ phim. Nếu xem phim mà thử tắt âm thanh, cảm nhận của người xem sẽ hoàn toàn khác.
Khi làm âm thanh cho phim, đôi lúc trong quá trình ghi hình hoặc khâu dựng phim, nếu mình không xây dựng ý đồ hoặc tính trước chuyện sould digital thì khi phim hoàn thành, mọi thứ khó gắn kết với nhau, đặc biệt là với thể loại kinh dị. Cắt cảnh không phù hợp cũng gây khó khăn cho việc làm âm thanh. Tôi để ý thì đây là lý do mà đa số những cảnh, góc quay, ý đồ jump scare (hù dọa một cách bất ngờ) trong các phim kinh dị Việt Nam không đạt hiệu quả cao.
Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh
Đối với tôi, phần âm thanh còn quan trọng hơn cả âm nhạc. Khi xem những cảnh phim được tái hiện trên màn ảnh, khán giả chỉ có thể nghe và nhìn. Vậy nên cái khéo, cái hay, cái giỏi của người làm âm thanh là phải tạo được tính chân thật, cốt để khán giả cảm nhận được cái thật của phim, cho dù đó là phim ma, phim kinh dị, phim giả tưởng,… Đây là tiêu chí tôi đặt lên hàng đầu, vì chỉ cần một chút không thật – ví dụ như âm thanh của tiếng bước chân giày cao gót – thì người xem sẽ không tin. Mà khi người xem không tin vào những gì đang diễn ra trên phim thì đó là một sự thất bại.
Với các bộ phim mang màu sắc giả tưởng, kinh dị, mặc dù người xem biết mọi chuyện chỉ diễn ra trên màn ảnh, họ vẫn có cảm giác thật. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của người làm âm thanh. Đứng trên khía cạnh người làm âm nhạc cho phim, khi nhận bản locked picture (bản phim với những cảnh quay được chọn chính thức) mà phần âm thanh tệ thì cảm xúc của tôi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Tôi sẽ thích nghe phần âm thanh thật một chút, cho dù nó là bản dựng thô.
Các anh có thể chia sẻ một số góc nhìn của mình về công việc làm âm thanh và âm nhạc trong các bộ phim Việt Nam?
Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam
Là người trải qua quá trình đào tạo ở Việt Nam và nước ngoài, làm việc trong cả hai môi trường, tôi thấy danh xưng composer (nhà soạn nhạc) ở nước ngoài có vị trí rất lớn. Họ chịu những yêu cầu cao – chẳng hạn như phải gửi kèm bản tổng phổ viết tay – nếu muốn tác phẩm được xét duyệt vào các hiệp hội bảo vệ bản quyền. Nhưng khi thành công, tác phẩm sẽ được bảo vệ cực kỳ tốt ở nhiều “tầng” khác nhau. Trong khi đó ở Việt Nam, chỉ cần viết một vài ca khúc hoặc giai điệu, bạn vẫn được gọi là nhạc sĩ. Còn việc bảo vệ tác quyền hay quyền sử dụng hầu như không được quan tâm.
Ở nước ngoài, chỉ cần danh xưng composer là đủ, không dùng đến music director nữa. Trong lĩnh vực phim ảnh thì còn một danh xưng khác tương tự như Đạo diễn âm nhạc ở Việt Nam, là music supervisor – người chỉ định âm nhạc cho phim. Họ có thể không sáng tác được nhưng họ am hiểu điện ảnh, biết bộ phim cần gì, định hình trước phong cách, màu sắc âm nhạc phù hợp cho phim. Họ làm việc với đạo diễn, sau đó truyền đạt những ý tưởng đã thống nhất lại cho người composer.
Các vị trí công việc được phân chia và hỗ trợ lẫn nhau rất tốt ở nước ngoài. Trong khi đó, đa phần những dự án ở Việt Nam thì phần âm nhạc được giao hết cho một người, gọi chung là Đạo diễn âm nhạc.
Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh
Điện ảnh Việt sau này bắt đầu phát triển rồi, nhưng nếu nhìn lại chặng đường trước đó thì phim ảnh và âm nhạc vẫn đi sau thế giới khá nhiều. Đầu tiên là về danh xưng. Danh xưng cho phần âm nhạc trong các phim nước ngoài thường có composer, film score composer, music director rất rõ ràng. Thế nhưng khi dịch sang tiếng Việt, đa số chỉ còn lại Đạo diễn âm nhạc. Đôi khi người làm nhạc hay người làm sound digital còn bị nhầm là người hòa âm. Danh xưng tiếng Việt của mình không chính xác hoàn toàn.
Tiếp theo nữa là việc đào tạo. Việt Nam vẫn chưa có một nơi đào tạo bài bản, chính quy về âm thanh. Âm nhạc thì có nhưng chỉ dừng lại ở nhạc cổ điển, nhạc nhẹ chứ chưa đề cập đến âm nhạc cho phim.
Những người làm nghề âm thanh, âm nhạc cho phim muốn kết nối cũng là một vấn đề. Chúng ta không có nhiều người hướng dẫn, đa số là học và tìm tài liệu thông qua những trường lớp nước ngoài. Mình có được phần ngọn nhưng thiếu hụt phần gốc. Trong âm nhạc cũng vậy, nhiều bạn trẻ ngày nay rất dễ thích thú với những điều mà họ học được ở phần ngọn – nơi khiến họ thấy hấp dẫn ngay lúc bắt đầu như việc tạo nhạc trên máy tính chỉ bằng những cú click.
Thông thường thì quy trình làm việc cho phần âm nhạc, âm thanh trong phim sẽ như thế nào khi nhận một dự án?
Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam
Hầu hết với các dự án phim Việt Nam, đạo diễn sẽ đưa tôi xem trước kịch bản. Sau đó là các bản phim nháp để nắm cảnh. Đến bản locked picture mới bắt đầu sáng tác âm nhạc. Tuy nhiên, cũng có một số đạo diễn muốn có âm nhạc trước để xem thử cảnh nào phù hợp hoặc xem cảm xúc thế nào, mặc dù hầu như những bản làm trước như thế đều không được sử dụng sau đó.
Quy trình này cũng được sử dụng ở nước ngoài. Việc đọc trước kịch bản giúp người làm nhạc biết được câu chuyện của bộ phim. Cho đến khi bản cắt dựng gần hoàn chỉnh thì nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, và nhà soạn nhạc sẽ ngồi lại với nhau. Đây được gọi là buổi spotting session – mọi người cùng bàn luận về phần âm nhạc, xem xem sẽ đi theo hướng nào, sau đó chỉ việc bắt tay vào làm.
Chuyên gia âm thanh Thân Minh Hà
Phần âm thanh thì dễ thở hơn một chút so với âm nhạc. Thường thì tôi không nhận kịch bản trước. Chỉ khi mọi người chốt xong các cảnh chính thì sẽ gửi tôi xem luôn một lần. Hầu như tôi định hình được gần 80% những thứ cần làm sau khi xem, từ lọc thoại, xử lí âm thanh hiện trường, thu lại những đoạn bị hỏng,… Song song đó là việc tạo ra các âm thanh hiệu ứng và các tầng âm thanh khác.
Ngoài ra còn có một buổi trao đổi với đạo diễn để ghi chú lại một số yêu cầu đặc biệt. Xong xuôi thì đến những buổi chiếu thử để mọi người xem và nhận xét. Cuối cùng thì tôi sẽ chỉnh sửa lại theo những góp ý đó.
Bài viết xuất bản lần đầu tại Koicine
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
#NgườiTrongNgành: Cùng Bad Clay Studio tìm hiểu về kỹ xảo điện ảnh (VFX)
#Thoáng: Toàn cảnh về cuộc sống của các diễn viên phim người lớn Nhật Bản
Appier x JobHopin: Digital Landscape – Cá nhân hóa hành trình khách hàng, chiến lược tồn tại và phát triển trong năm 2022
Xe ôm truyền thống nói về sự “đào thải” đến từ shipper và xe ôm công nghệ?
Thảo luận về bài viết