Nếu vì lý do nào đó mà phải tạm rời xa chiếc smartphone thân yêu dù chỉ một ngày, liệu bạn nghĩ mình có đủ mạnh mẽ cho cú sốc chia tay này không?
Từ chỗ là phương tiện để liên lạc, ngày nay điện thoại đã trở thành một trong những vật dụng không thể thiếu của con người. Ở bất kỳ nơi công cộng nào, bạn cũng sẽ bắt gặp ai đó đang sử dụng điện thoại với nhiều lý do khác nhau – gọi điện, nhắn tin, nghe nhạc, check email, xem báo, cập nhật trạng thái, chia sẻ hình ảnh, …
Phá bỏ thói quen dùng điện thoại di động, dù chỉ trong thời gian ngắn, là một việc cực kỳ khó khăn. Nhưng liệu việc “dựa dẫm” quá mức vào những chiếc điện thoại thông minh có gây ảnh hưởng gì đến con người hay không?
Ảnh hưởng đến năng lực nhận thức
Trong một nghiên cứu được trình bày trước Hội Điện quang Bắc Mỹ (Radiological Society of North America), các nhà nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng về sự mất cân bằng các chất hóa học trong não những người trẻ tuổi bị nghiện internet và smartphones. Một nghiên cứu khác trên Tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Người tiêu dùng (Journal of the Association for Consumer Research) cho thấy dung lượng nhận thức(*) của một người bị giảm đáng kể mỗi lúc “dế iu” đang ở trong tầm tay, ngay cả khi nó đang bị tắt.
(*) dung lượng nhận thức là tổng lượng thông tin mà não bộ có thể chứa đựng trong một khoảnh khắc cụ thể bất kỳ
Cản trở việc phát triển kỹ năng cảm xúc xã hội (social-emotional skill)
Điện thoại thông minh, iPad, TV, … là những công cụ “giữ trẻ” vô cùng phổ biến ngày nay. Không cần nhọc công hát hò trò chuyện, chẳng phải lẽo đẽo đi theo dỗ dành dọa nạt một em bé biếng ăn nữa, chỉ cần “vứt” cho cái điện thoại là nó tự ngoan ngoãn ngồi yên.
Tuy nhiên, đây là việc làm hại nhiều hơn lợi. Nhóm nghiên cứu của Trường Y khoa Viện Đại học Boston (BUSM) đã cảnh báo về những tác hại khi cho trẻ nhỏ dùng thiết bị điện tử (smartphones, iPad, …) để giải trí hoặc để phụ huynh xoa dịu, đánh lạc hướng các em.
Nếu thường xuyên tiếp xúc với thiết bị điện tử, trẻ em sẽ đánh mất nhu cầu tham gia vào các hoạt động vui chơi hoặc tương tác trực tiếp cùng gia đình và bạn bè – vốn là cơ hội để các em phát triển khả năng tích hợp cơ-thị giác, kỹ năng khớp nối cảm giác-vận động, kỹ năng giải quyết vấn đề, và đặc biệt là kỹ năng cảm xúc xã hội.
Làm rối loạn giấc ngủ
Trong nghiên cứu thực hiện bởi nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Bringham and Women (Đại học Y Harvard), những người tham gia được chia thành 2 nhóm. Một nhóm được yêu cầu đọc sách trên iPad trong 4 giờ mỗi tối trước khi ngủ, nhóm còn lại đọc sách giấy trong điều kiện ánh sáng yếu. Sau 5 đêm liên tiếp, 2 nhóm hoán đổi nhiệm vụ với nhau.
Kết quả, những người dùng iPad trước khi ngủ có hiện tượng suy giảm melatonin – một hormone làm con người mệt mỏi, buồn ngủ, được tiết nhiều vào buổi chiều tối. Ngoài ra, họ cũng khó ngủ hơn và giấc ngủ không được sâu (ít ngủ REM).
“Thủ phạm” làm rối loạn giấc ngủ chính là thứ phát ra từ hầu hết các thiết bị di động: ánh sáng xanh. Các tế bào phía sau nhãn cầu có chứa một loại protein nhạy sáng, giúp bắt một số bước sóng ánh sáng nhất định. Sau đó, những tế bào này chuyển gửi tín hiệu lên đồng hồ điều tiết nhịp sinh học ở não bộ.
Thông thường, ánh sáng xanh xuất hiện nhiều nhất vào buổi sáng. Chúng báo cho cơ thể biết đã đến lúc thức dậy. Ánh sáng đỏ tăng vào buổi tối, báo hiệu thời gian nghỉ ngơi và đi ngủ. Nếu chu kỳ tự nhiên này bị gián đoạn do ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị di động, giấc ngủ của bạn sẽ bị rối loạn.
Khuyến khích não bộ trở nên lười biếng
Tính tiện ích là một trong những lý do khiến smartphone được ưa chuộng đến thế. Ngoài nghe gọi, giải trí, điện thoại thông minh còn là trợ thủ đắc lực cho hầu hết những vấn đề trong công việc và cuộc sống. Lên to-do-list, hẹn lịch họp, theo dõi sức khỏe, đặt chỗ, đi chợ, thanh toán, giao dịch, … – bạn có thể giải quyết tất tần tật mọi thứ chỉ với chiếc điện thoại trên tay.
Tuy nhiên, dựa dẫm quá mức vào các thiết bị di động có thể dẫn đến sự chây lười của trí óc. Smartphone không biến một người vốn suy nghĩ sâu rộng thành kẻ lười tư duy, nhưng nó khiến những người suy nghĩ bằng trực giác – tức người thường hành động dựa trên bản năng và cảm xúc – trở nên phụ thuộc vào điện thoại thông minh hơn.
Theo một trong những tác giả của nghiên cứu The brain in your pocket: Evidence that Smartphones are used to supplant thinking, tiến sĩ Gordon Pennycook, vấn đề của việc lạm dụng internet đó là chúng ta sẽ không bao giờ biết liệu câu trả lời mình có đã là câu trả lời đúng hay chưa, vì ta đã đánh mất khả năng suy nghĩ và phân tích vấn đề theo logic.
Các thiết bị di động như smartphone chắc chắn có hại cho sức khỏe con người nếu lạm dụng. Tuy nhiên, độ phổ biến của chúng đã và đang gia tăng nhanh đến mức người ta chưa kịp thực hiện nhiều nghiên cứu, do đó chúng ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ về những cách thức mà chúng có thể hỗ trợ sự phát triển của não bộ theo hướng tích cực.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Những thói quen khi sử dụng điện thoại di động của chúng ta ảnh hưởng người khác thế nào?
9 việc có thể làm để ‘cai’ điện thoại từ hôm nay
Những đặc điểm trên khuôn mặt tác động đến ấn tượng của người khác với bạn thế nào?
Thảo luận về bài viết