Có rất nhiều lý do để chúng ta mỉm cười. Nụ cười là một trong những hành động bản năng và đơn giản nhất của con người. Một trong những cách phổ biến nhất để phân loại nụ cười là dựa vào chức năng xã hội hoặc mục đích của nó.
Nụ cười khen thưởng
Nụ cười có thể xuất phát từ nhiều cảm giác tích cực, như khi chúng ta hài lòng, để biểu thị sự đồng ý, thậm chí cười khi thấy một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi trong lúc đang buồn. Các nhà nghiên cứu mô tả đây là nụ cười khen thưởng, vì chúng ta sử dụng chúng để thúc đẩy, tạo động lực cho bản thân hoặc cho người khác.
Nụ cười này có thể đem lại cảm giác hạnh phúc cho người nhận. Ví dụ như khi em bé cười với mẹ, vùng sản xuất dopamine trong não của người mẹ sẽ được kích hoạt. Với sự giải phóng của dopamine, người mẹ sẽ có cảm giác vui sướng, hạnh phúc khi thấy nụ cười của con mình.
Nụ cười khen thưởng cần rất nhiều cơ cùng hoạt động, như các cơ ở vùng miệng, má, mắt, và lông mày.
Nụ cười kết nối
Ngoài tạo động lực, chúng ta còn sử dụng nụ cười như một cách trấn an người khác, để tỏ ra lịch sự, thể hiện sự đáng tin cậy, sự thân thuộc, và để nói cho người đối diện biết rằng ta không có ý làm hại họ. Những nụ cười thế này được gọi là nụ cười kết nối – chúng ta cười để tạo lập liên kết xã hội với những người khác.
Nụ cười kết nối thường sẽ kéo cao khóe môi, đôi khi tạo lúm đồng tiền nhỏ. Đồng thời, một số người sẽ cười không hở răng. Nguyên nhân của việc này là do từ xa xưa, tổ tiên loài người xem việc nhe răng / cho người khác thấy răng của mình là một hành vi biểu thị sự đe dọa. Ở đây, chúng ta cần đối phương cảm thấy sự thân thiện của mình.
Nụ cười quyền lực
Đôi khi, chúng ta dùng nụ cười như một cách khẳng định với người khác rằng, “Tôi vượt trội.”. Lúc này, nụ cười không còn thân thiện, cũng không nhằm khuyến khích an ủi ai, mà để thể hiện sự khinh thường, chế nhạo, muốn đối phương thấy họ kém quyền lực hơn chúng ta. Nụ cười trở thành lời đe dọa không lời.
Một nụ cười quyền lực thường không đối xứng: một bên miệng nhếch lên, bên còn lại giữ nguyên vị trí hoặc bị kéo xuống. Ngoài ra, nụ cười này có thể còn bao gồm hành vi cong môi, nhướn mày, để lộ phần tròng trắng của mắt nhiều hơn bình thường. Đây đều là những dấu hiệu biểu hiện cho sự ghê tởm và tức giận.
Một nụ cười thống trị có nhiều khả năng không đối xứng: Một bên của miệng nhếch lên, và bên còn lại giữ nguyên vị trí hoặc kéo xuống. Ngoài những chuyển động này, nụ cười thống trị cũng có thể bao gồm cong môi và nhướng mày để lộ nhiều hơn phần lòng trắng của mắt, cả hai đều là dấu hiệu mạnh mẽ của sự ghê tởm và tức giận.
Nụ cười lừa dối
Nếu bạn cần một công cụ kiểm chứng nói dối hiệu quả, thì đừng nhìn vào mặt người khác. Theo nghiên cứu, ngay cả những người thực thi pháp luật giàu kinh nghiệm nhất cũng chỉ có thể phát hiện người nói dối với tỉ lệ 50%.
Tuy nhiên, một nghiên cứu thực hiện năm 2012 đã tiến hành phân tích khuôn mặt của những người từng xuất hiện trên truyền hình và bày tỏ đau buồn về việc người thân mất tích. Một nửa trong số những người này sau đó bị kết tội giết hại thành viên bị mất tích kia. Khi cười, họ sử dụng cơ gò má lớn (zygomaticus major muscle) rất nhiều.
Nụ cười buồn
Trong bộ phim Steel Magnolias, khi nhân vật M’Lynn (Sally Fields) chôn cất con gái mình tại nghĩa trang, cô đã ngừng lại giữa chừng, rồi bật cười.
Cảnh phim này có thể gây sốc với nhiều người. Nhưng, sự thật là chúng ta vẫn có thể cười ngay cả khi đang đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Các chuyên gia tại Viện Y tế Quốc gia tin rằng khả năng mỉm cười và hành động cười giữa những trải nghiệm đau buồn có tác dụng như một lớp bảo vệ bạn, giúp bạn mau “hồi phục”.
Ngoài ra, những nụ cười buồn thế này còn có tác dụng trấn an người khác. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi nét mặt của những bệnh nhân đang phải điều trị trong bệnh viện. Kết quả, khi có mặt những người thân bên cạnh, họ cười nhiều hơn lúc ở một mình.
Nụ cười lịch sự
Chúng ta sử dụng nụ cười lịch sự nhiều hơn mình tưởng đấy: khi gặp ai đó lần đầu, khi sắp phải báo tin xấu cho ai đó, hoặc khi đang cố gắng che giấu một phản ứng của chính mình mà ta nghĩ người khác sẽ không thích.
Một nụ cười lịch sự sẽ có sự tham gia của cơ gò má lớn, nhưng không có cơ vòng mi (orbicularis oculi muscle). Do đó, khi một người cười chỉ vì lịch sự, bạn sẽ thấy chỉ có miệng họ cười, còn mắt họ thì không.
Nụ cười tán tỉnh
Nếu tìm kiếm trên mạng, rất có thể bạn sẽ bắt gặp chỉ dẫn “sử dụng nụ cười làm vũ khí tán tỉnh hiệu quả”.
Một số sẽ hướng đến một nụ cười tinh tế, kiểu như: Mím môi, nhướn mày một chút. Hoặc sẽ nghiêng về hướng nhút nhát: Hãy mỉm cười trong khi đang cúi đầu hơi thấp. Một số khác sẽ chỉ bạn cách cười tạo ấn tượng, ví dụ: Cười thật tươi với một ít bọt cà phê dính trên môi.
Không có bằng chứng cũng như nghiên cứu cụ thể nào chứng minh tính hiệu quả của những nụ cười tán tỉnh, tuy nhiên bản thân việc mỉm cười đã có thể khiến bạn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người đối diện rồi. Thậm chí, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng nụ cười tươi tắn sẽ ít nhiều “bù đắp cho sự kém hấp dẫn về ngoại hình”.
Nguồn: Healthline, Psychology Today
Thảo luận về bài viết