#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Một khi đã bắt tay vào làm bất cứ việc gì, chúng ta đều mong mỏi sẽ thu về trái ngọt chứ chẳng ai muốn thấy công sức mình đổ sông đổ biển. Nhưng có không ít người lại muốn nhiều hơn thế. Họ không bao giờ thấy thỏa mãn, luôn nghĩ rằng mình cần phải thành công hơn nữa, cho dù đã đạt được nhiều thành tựu lớn lao hơn hẳn số đông.
Hướng đến thành công và những điều tốt đẹp thì có gì sai? Nói cho cùng, có ai lại không muốn đạt được những mục tiêu của mình? Và đã muốn thành công thì sao có thể không hy sinh, không cố gắng?
Không phủ nhận việc nỗ lực để đạt mục tiêu đề ra là việc tốt. Tư duy này giúp chúng ta tiến xa, thậm chí tiến rất nhanh, trong mọi chuyện – từ học hành, công việc, đến cuộc sống nói chung. Song, tâm lý không bao giờ là đủ dễ khiến những người theo đuổi sự thành công vượt mức lâm vào tình trạng mất cân bằng trong con đường hướng tới vinh quang. Cái giá họ phải trả sẽ là sức khỏe, hạnh phúc của bản thân, đôi khi là của cả những người xung quanh nữa – một cái giá vượt xa phần thưởng của nó.
Thế nào là thành công vượt mức?
Thành công vốn không thể đo đếm, thế nên cũng không có cột mốc nào đủ rõ ràng cho sự thành công vượt mức. Ở đây, để nói rằng ai đó có “bị ám ảnh” bởi sự thành công hay không, chúng ta không nhìn vào nhu cầu được trở nên giỏi giang hay những thành quả họ gặt hái được, mà sẽ xem xét 2 điều sau: (1) cách họ nhìn nhận giá trị bản thân và (2) phương thức họ dùng để đạt đến thành công và duy trì nó.
Sự thành công không đơn giản là hoàn thành việc gì đó đúng thời hạn hay đáp ứng tất cả các yêu cầu đặt ra. Nó là cả một quá trình lên kế hoạch, quan sát, thử nghiệm, thất bại, học hỏi, cuối cùng mới là kết quả đạt được.
Tuy nhiên, người theo đuổi sự thành công quá mức tập trung hết sức lực cho kết quả cuối cùng. Với họ, kết quả đó là quan trọng nhất. Cho dù phải hy sinh thế nào hay phải vận dụng đến những biện pháp trái đạo đức, trái pháp luật, họ cũng không màng.
Họ có thể được bắt gặp trong khá nhiều bối cảnh khác nhau, điển hình là trường học và chỗ làm.
Trường học (hoặc bất cứ môi trường học thuật nào)
Trong trường học và các môi trường học thuật khác, người thành công vượt mức thường được xác định là những học sinh-sinh viên (HSSV) có năng lực vượt trội so với chuẩn chung của độ tuổi. Đối lập với những HSSV này là những HSSV có năng lực yếu kém hơn tiêu chuẩn hoặc mong đợi của thầy cô.
Nhưng dù là “nhãn” nào – giỏi vượt trội hay dở không tưởng – thì đều đem đến gánh nặng cho các bạn HSSV, từ cách giáo viên đối xử với các bạn cũng như kết quả học tập của các bạn tại trường. Ví dụ, những bạn bị xem là quá giỏi có thể phải luôn đối mặt với kỳ vọng cao từ giáo viên và gia đình. Nếu thất bại, các bạn có thể gặp chỉ trích nặng nề hơn. Ngược lại, những bạn bị xem là yếu kém có thể bị bỏ bê, không nhận được sự động viên và hướng dẫn cần thiết để thay đổi thành tích.
Chỗ làm
Người theo đuổi sự thành công vượt mức thông thường sẽ đạt được rất nhiều thành tựu đáng nể trong sự nghiệp. Nhưng họ cũng là những người vô cùng tham công tiếc việc. Nếu là lãnh đạo, họ thường xuất hiện dưới nhân dạng những người quản lý độc đoán, khắt khe.
Mặc dù tôn trọng tôn chỉ làm việc của lãnh đạo, nhưng những nhân viên dưới trướng các quản lý này thường xuyên phải chịu áp lực không cần thiết vì những kỳ vọng và yêu cầu gần như bất khả thi sếp đặt ra. Về phần mình, những người luôn cố gắng quá mức sẽ không tránh khỏi tình trạng kiệt sức vì công việc, thậm chí suy sụp nghiêm trọng nếu chẳng may gặp thất bại.
Những bối cảnh khác
Ngoài trường học và văn phòng, chúng ta còn có thể bắt gặp những người hướng đến sự thành công vượt mức hầu như ở khắp mọi nơi, chẳng hạn như các bậc phụ huynh nỗ lực để đạt đến sự hoàn hảo trong việc nuôi dạy con cái, những người cố gắng tham gia càng nhiều càng tốt các câu lạc bộ / hội nhóm cộng đồng, hay những người tìm mọi cách để chứng tỏ bản thân là người giỏi nhất, xuất sắc nhất trong lĩnh vực của mình.
Đâu là dấu hiệu của những người theo đuổi sự thành công vượt mức?
Làm một người “quá giỏi” không phải lúc nào cũng xấu. Nếu ai đó nhận xét bạn như vậy, đôi khi họ chỉ đơn giản muốn nói rằng bạn rất thông minh, rất chăm chỉ, hoặc rất tốt.
Nhưng nếu những “thành công” của bạn ngoài chuyện đem về cảm giác thỏa mãn còn khiến bạn lo âu, mệt mỏi, lúc nào cũng nơm nớp lo nghĩ đến viễn cảnh thất bại, thì có lẽ đã đến lúc bạn cần dừng lại để hỏi bản thân một số câu dưới đây.
Bạn có dùng kết quả để đo lường giá trị?
Người thành công vượt mức tin rằng, kết quả là thứ quan trọng nhất, cũng là thứ duy nhất có giá trị. Với họ, thất bại không phải là một phần của hành trình đạt được mục tiêu, càng không phải là bài học để rút kinh nghiệm, mà là nhân tố phá hoại cần tránh bằng mọi cách.
Thành công là tốt, thất bại là xấu. Khi đã hoàn thành chặng đua, thay vì cảm thấy tự hào hay vui sướng với thành tích của mình, họ chỉ cảm thấy nhẹ nhõm vì đã không thua cuộc. Họ nhận định giá trị bản thân dựa trên những thành công / thất bại mình có và tin rằng những người khác cũng đánh giá họ y như vậy.
Bạn có phải người cầu toàn?
Không hoàn hảo là dấu hiệu của sự hèn kém. Do đó, những người theo đuổi sự thành công vượt mức sẽ bằng mọi cách để giữ vững bức chân dung hoàn hảo của mình.
Ở đây, cần lưu ý rằng cầu toàn không phải lúc nào cũng xấu. Chăm chút, chỉn chu cho công việc nói lên một điều rằng bạn cam kết sẽ cố gắng và trân trọng những nỗ lực của mình. Chỉ khi sự cầu toàn trở thành nguồn cơn của sự căng thẳng thì nó mới có những tác động tiêu cực lên sức khỏe thể chất và đời sống tinh thần của bạn.
Bạn có tự chỉ trích?
Nếu bạn là người theo đuổi sự thành công vượt mức, bạn sẽ thường xuyên nghi ngờ khả năng của chính mình. Tự soi chiếu, phê bình để sửa đổi khuyết điểm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, những người cố gắng quá sức lại có khuynh hướng sỉ nhục, mắng nhiếc bản thân vì đã không thể đạt đến những tiêu chuẩn vốn từ đầu đã vượt quá khả năng.
Bạn chỉ tập trung cho tương lai?
Người thành công vượt mức hầu như bỏ qua mọi thứ của hiện tại vì lúc nào cũng tập trung lo lắng chuyện tương lai – về những thứ có khả năng gây ảnh hưởng đến sự thành công của họ, không cần biết khả năng thành sự thật của chúng cao đến đâu.
Họ thường xuyên cảm thấy bồn chồn, bất an, không còn tâm trí để tận hưởng những gì đang diễn ra tại đây, ngay lúc này. Điều này ít nhiều gây ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và các mối quan hệ xung quanh họ.
Bạn có làm việc quá nhiều?
Có nhiều lý do để một người cảm thấy kiệt sức vì công việc: năng lực không đủ, tiêu chuẩn quá cao, thời gian eo hẹp, điều kiện làm việc không được hỗ trợ, hoặc do chính họ là người ôm đồm quá nhiều thứ.
Thực tế, chuyện làm ngoài giờ (OT) hoàn toàn không hiếm, đặc biệt trong những đợt công việc cao điểm hoặc khi có quá nhiều thứ dồn vào một lúc. Nhưng nếu tình trạng làm đến mức không có mấy lúc nghỉ ngơi (kể cả nghỉ giải lao giữa ngày), không có thời gian cho những sở thích và hoạt động cá nhân thường xuyên diễn ra, thì rất có khả năng bạn là một người theo đuổi sự thành công vượt mức.
Bạn có sẵn sàng làm mọi thứ chỉ để đạt được mục tiêu?
Tâm lý phải làm cho được có thể làm nảy sinh những hành vi liều lĩnh hoặc thiếu đạo đức. Người thành công vượt mức có xu hướng đặt ra cho mình những yêu cầu cao không tưởng, do đó, họ rất có khả năng “cái gì cũng dám làm” chỉ để không trở thành người thua cuộc. Ví dụ, nhiều người sẵn sàng ép cân triệt để bằng những phương pháp thiếu khoa học chỉ để đạt được hình thể mong muốn, hoặc những vận động viên luyện tập quá sức không màng đến chuyện có thể bị chấn thương với mong muốn kéo dài thời kỳ đỉnh cao của mình.
Bạn có hay bị căng thẳng đến mức bùng nổ?
Áp lực phải-luôn-làm-nhiều-thứ-tốt-hơn-nữa có thể gây ra căng thẳng rất lớn, khiến bạn dễ bùng nổ cảm xúc nếu mọi thứ không diễn ra đúng kế hoạch. Không chỉ khiến tinh thần mỏi mệt, việc này còn khiến bạn dễ thấy khó chịu với những người xung quanh, đặc biệt là những người mà bạn cho rằng không có năng lực hoặc những người đang cản trở bạn trong việc đạt được thành công.
Bạn có chịu được lời phê bình?
Nhận xét, phê bình, chỉ trích, … là những thứ khó đối mặt. Nhưng với người theo đuổi sự thành công vượt mức, những lời này có sức tàn phá kinh khủng vì chúng “ngụ ý” họ là kẻ thất bại. Và trong mắt một người luôn muốn chứng tỏ mình là tốt nhất, còn điều gì đáng sợ hơn ý nghĩ rằng năng lực của mình có vấn đề?
Bạn đã bao giờ cảm thấy hài lòng?
Người thành công vượt mức hầu như không có khái niệm tận hưởng hiện tại. Thậm chí ngay khi đã đạt được một mục tiêu quan trọng, họ cũng không buồn “dừng lại” dù chỉ một chút để cảm thấy hài lòng với bản thân hay tự hào về thành tựu mình có. Cần phải làm gì tiếp theo để luôn thành công, luôn giữ vững giá trị của mình trong mắt người khác mới là thứ họ thật sự quan tâm.
Bạn có thấy mình đang làm quá ít?
Người xưa có câu, “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, nhưng đó không phải là cái những người thành công vượt mức mong muốn. Ngoài chuyện làm quá sức, họ còn làm quá nhiều – có mặt ở hầu như mọi câu lạc bộ trong trường, tham gia vào thật nhiều dự án hoặc công việc có thể tại chỗ làm – chỉ để trở nên thành công trên tất cả mọi phương diện.
Kiệt sức là chuyện không thể tránh khỏi. Hậu quả tiếp theo là tốn thời gian, tốn công sức mà rốt cuộc lại chẳng thành thục thứ gì.
Động lực để vươn đến thành công của bạn có phải nỗi sợ?
Có nhiều nguồn động lực để chúng ta đạt được mục tiêu. Nếu bạn là người theo đuổi sự thành công quá mức, động lực của bạn chính là nỗi sợ – sợ thất bại, sợ làm người khác thất vọng, sợ bản thân bị đánh giá là yếu đuối hoặc năng lực kém. Nói cách khác, bạn làm việc điên cuồng chỉ vì muốn tránh kết quả tiêu cực (thất bại) thay vì để đạt được kết quả tích cực (hoàn thành mục tiêu đề ra).
Làm thế nào để bớt đi những cái hại của thành công vượt mức?
Chậm lại một chút
Mỗi khi bắt đầu theo đuổi một mục tiêu, hãy dành ra một ít thời gian để xem xét những điều khiến nó quan trọng với bạn, chẳng hạn như:
– Liệu đây có phải thứ bạn thực sự quan tâm?
– Bạn cảm thấy thế nào nếu không tham gia / không đạt được mục tiêu này?
– Kết quả sau cùng có đủ thực tế và hữu ích cho bạn không?
Mặc dù những câu trên có thể không làm bạn đổi ý định, nhưng ít nhất chúng cũng giúp bạn có được cái nhìn toàn diện hơn về lý do khi lựa chọn theo đuổi mục tiêu này.
Có ý thức tự chăm sóc bản thân
Chăm sóc bản thân là chuyện “biết rồi nói mãi”, nhưng đây là chuyện dù có nói nhiều đến đâu thì vẫn không đủ. Vì thực tế, nhiều người một mặt biết rõ cần phải làm gì, một mặt luôn sẵn sàng đưa ra rất nhiều lý do biện giải cho việc cố tình bỏ bê chính mình.
Cho bản thân thời gian nghỉ ngơi, mỗi ngày chịu khó ăn uống tử tế, sinh hoạt điều độ, thỉnh thoảng tự thưởng cho mình vì những thành tựu dù to hay nhỏ đã đạt được tuyệt nhiên không phải chuyện mất thời gian, cản trở bạn thành công. Ngược lại, thể chất và tinh thần khỏe mạnh là thứ tiếp thêm năng lượng để bạn tiếp tục theo đuổi những gì mình mong muốn.
Đừng bỏ qua những kết nối với mọi người
Cũng như sức khỏe tinh thần, những kết nối xã hội lành mạnh thực tế sẽ có lợi cho bạn trong việc theo đuổi sự thành công, đặc biệt nếu nhìn về lâu dài. Những mối quan hệ bạn gầy dựng không chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần mà còn hữu ích trong hành trình chinh phục vinh quang của mình.
Thảo luận về bài viết