Cầu toàn là một đặc điểm tính cách. Người cầu toàn (hay người theo chủ nghĩa hoàn hảo) thường tự đặt ra những tiêu chuẩn rất cao trong mọi thứ, sao cho kết quả cuối cùng phải là tốt nhất, tuyệt nhất.
Người theo chủ nghĩa hoàn hảo là ai?
Hoàn hảo mang lại những cảm xúc tích cực nhất định. Đặt ra những mục tiêu lý tưởng là một cách tốt để trưởng thành và phát triển. Thế nhưng, cần phân biệt người cầu toàn và người phấn đấu vì muốn cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Người phấn đấu là người mong muốn mọi thứ tốt lên trong khả năng của mình. Quan trọng hơn, họ biết đâu là điểm dừng cũng như biết cách đặt ra những mục tiêu thực tế. Ngược lại, người cầu toàn thường có những mong muốn vượt quá khả năng và hoàn cảnh cho phép. Cái duy nhất họ quan tâm là sự hoàn hảo.
Cầu toàn có thể giúp chúng ta đạt được một số thành công nhất định, nhưng đồng thời đặc điểm tính cách này cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt những vấn đề nghiêm trọng khác (trầm cảm, ám ảnh xã hội, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, chán ăn, bí ý tưởng sáng tác, lạm dụng chất kích thích, …), đặc biệt là những người cầu toàn đến mức cực đoan, cố chấp.
Vậy, đâu là những dấu hiệu cho thấy ai đó đang trở thành “nô lệ” của chủ nghĩa hoàn hảo?
#1 – Tư duy “Được ăn cả, ngã về không”
Người có tư duy “Được ăn cả, ngã về không” (all–or–nothing) nhìn nhận mọi thứ theo hướng tuyệt đối – hoặc đúng hoặc sai, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc thành công hoặc thất bại, hoặc hoàn hảo hoặc tệ hại. Thế giới trong mắt họ chỉ có hai màu đen trắng, tuyệt nhiên không có chỗ để “vùng xám” hay bất cứ màu sắc nào khác chen chân.
Cả người theo chủ nghĩa hoàn hảo và người có ý chí phấn đấu đều có xu hướng đặt ra mục tiêu cao và nỗ lực không ngừng để đạt được mục tiêu đó. Nhưng người cầu toàn sẽ không chấp nhận bất cứ kết quả nào không thỏa mãn kỳ vọng của họ – gần–như–hoàn–hảo cũng được xem là thất bại.
#2 – Thói quen phê bình và chỉ trích
Thay vì cảm thấy tự hào về thành tích của mình và ủng hộ cố gắng của người khác, người theo đuổi sự hoàn hảo lại có xu hướng khắt khe hơn với bản thân và với người xung quanh. Họ dễ tìm thấy những điểm còn thiếu sót, những sai lầm, những chỗ không hoàn hảo, ngay cả khi mức độ quan trọng của chúng không cao.
#3 – Nỗi sợ là động lực
Người có ý chí phấn đấu cảm thấy bị thôi thúc bởi chính mong muốn hoàn thành mục tiêu đã đặt ra. Trong khi đó, động lực của người cầu toàn là nỗi sợ – họ sợ mình không thể đạt được trạng thái hoàn hảo tự bản thân yêu cầu.
#4 – Đặt ra những tiêu chuẩn phi thực tế
Những mục tiêu đề ra của người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo không phải lúc nào cũng là những mục tiêu thực tế hoặc khả thi. Để đạt được cái gọi là hoàn hảo, họ sẵn sàng bỏ qua hết thảy mọi yếu tố khác, kể cả yếu tố quan trọng nhất là năng lực và giới hạn của bản thân trong thời điểm hiện tại.
#5 – Chỉ tập trung vào kết quả
Người cầu toàn dành tất cả sự quan tâm của mình cho việc đạt kết quả tốt nhất. Họ lo lắng về điều này, đồng thời cố gắng tránh né thất bại đến mức không tận hưởng hay học hỏi được gì nhiều từ quá trình phấn đấu – thứ đáng giá chẳng kém việc hoàn thành mục tiêu.
#6 – Suy sụp với kết quả không như ý
Thắng thì vui, thua thì buồn. Nhưng thắng hay thua cũng vậy, quan trọng là chúng ta làm gì tiếp đó. Đối với người cầu toàn, thì thất bại là đề tài cấm kỵ – họ tránh thất bại bằng mọi cách. Và một khi điều đó xảy ra, họ rất dễ suy sụp, mất niềm tin vào bản thân, chìm đắm trong cảm giác tiêu cực vì những kỳ vọng (có phần vô lý) của mình không được đáp ứng.
#7 – Sợ thua hơn muốn thắng
Động lực của những người theo chủ nghĩa hoàn hảo là nỗi sợ. Vì chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng, nên với họ, thất bại là một viễn cảnh đáng sợ. Cách họ định nghĩa và nhìn nhận nó cũng khá lệch lạc so với người khác – không cần biết việc đã hoàn thành chưa, không cần quan tâm người khác đánh giá kết quả này thế nào ,bất cứ điều gì không đáp ứng tiêu chuẩn họ đặt ra thì đều là thất bại.
#8 – Trì hoãn
Người cầu toàn cũng là những người hay trì hoãn. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, vì trì hoãn sẽ gây bất lợi cho năng suất hoặc hiệu quả công việc. Nhưng theo cách nhìn của những người tôn sùng chủ nghĩa hoàn hảo, thì trì hoãn không phải vì mình lười mà là vì mình lo lắng và sợ hãi rằng sẽ làm không được hoặc làm không đủ tốt như kỳ vọng.
Tuy nhiên, càng chần chừ khả năng thất bại càng cao; càng thất bại lại càng chán nản, mất tinh thần; càng chỉ trích bản thân sẽ càng trở nên dễ bất an hơn trong những lần thử sức tiếp theo. Cứ thế, những người cầu toàn sẽ tự giam lỏng mình trong vòng lặp chết chóc này.
#9 – Sẵn sàng xù lông nhím với những lời góp ý
… cho dù đó có là góp ý chân thành và mang tính xây dựng. Dưới góc nhìn của người cầu toàn, bất cứ lời nhận xét nào cũng nhằm mục đích bới móc hoặc chỉ trích công–trình–không–hoàn–hảo của họ, tương tự như cách họ phán xét người khác hoặc tự phán xét bản thân mình.
#10 – Bị cô lập
Xu hướng tự phê bình, thái độ cứng nhắc, cộng với thói quen soi mói, xét nét người khác quá mức cần thiết khiến những người theo chủ nghĩa hoàn hảo rất dễ bị người xung quanh… né. Cô lập người khác là hành vi không được khuyến khích. Nhưng nếu đặt mình vào trường hợp ngược lại, khi mọi nỗ lực của bạn bị người khác phủi bỏ sạch sẽ chỉ vì kết quả cuối cùng không thỏa mãn kỳ vọng phi thực tế của họ, bạn sẽ cảm thấy như thế nào?
(Nguồn: Verywellmind)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Gây hấn thụ động – Tưởng không dỗi mà lại dỗi không tưởng
Chúng ta biết gì về sự cô đơn?
Liệu một nụ cười có thể khiến chúng ta hạnh phúc hơn?
Nghiện thông tin – Khi những thông tin dù vô bổ nhất cũng đủ để người ta ‘phê’
Thảo luận về bài viết