“Đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai”, thế nên đàn nào cũng có nguy cơ yêu nhầm. Không hiếm trường hợp chúng ta lầm lẫn giữa ý niệm về một người và con người thật của họ. Nói cách khác, bạn có tình cảm và chấp thuận bước vào mối quan hệ nghiêm túc với hình ảnh cảm tính của bạn về bạn trai / bạn gái mình, chứ không phải với chính họ.
Nguyên nhân của chuyện “yêu nhầm” có thể do bạn, do đối phương, hoặc do cả hai. Thông thường, trong giai đoạn đầu của bất kỳ mối quan hệ nào, cái mà chúng ta thấy (và được cho thấy) sẽ là những gì tốt đẹp nhất. Theo thời gian, cả hai dần trở nên khăng khít hơn, tin tưởng nhau hơn, và thoải mái bên cạnh đối phương hơn. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa rằng bên cạnh những thứ tốt đẹp (ban đầu), giờ đây bạn sẽ thấy cả những mặt xuề xòa và xấu xí của họ.
Nếu cả hai chấp nhận con người thật của đối phương thì câu chuyện đôi mình vẫn được viết tiếp. Nếu không thì đành “gặp nhau là cái duyên, chia ly lại do số”.
Nhưng, tan vỡ vẫn tốt hơn là giữ chặt lấy một hình ảnh tự tạo để làm hình nhân thế mạng, để có “cớ” tiếp tục ở lại trong mối quan hệ mà đáng lẽ ra phải chấm dứt từ lâu.
1. Bạn thấy yêu họ hơn mỗi lúc cả hai không bên cạnh nhau
Nhưng không phải do tình cảm đôi bên quá lớn và bạn thấy yêu họ hơn mỗi ngày, lý do chẳng qua vì khi không ở cạnh nhau thì đối phương cũng không có nhiều cơ hội quấy rầy mối quan hệ giữa bạn và hình ảnh mà bạn vẽ ra về họ.
Tất nhiên trường hợp này không bao gồm các cặp đôi yêu xa hay những người vì một số lý do nên không thể dành nhiều thời gian cho nhau. Ở đây chỉ đang nói đến những cặp đôi không cách xa, nhưng lại lựa chọn xa cách để “phát triển” tình cảm của mình.
Tóm lại, nếu mối quan hệ của bạn có vẻ tốt hơn (hoặc nói thẳng là chỉ tồn tại) qua tin nhắn, FaceTimes, … chứ không phải trong những lần gặp mặt, thì có lẽ bạn nên nghiêm túc tự hỏi bản thân rằng bạn có thật sự yêu đối phương không.
2. Cả hai không thực sự hòa hợp khi ở cạnh nhau
Yêu đương qua tin nhắn mãi (trong khi không có lý do gì ngăn cản đôi bên gặp nhau) cũng không được, thế là cũng… hẹn hò offline. Nhưng điều gì xảy ra sau đó?
Bạn có thích những lần đi chơi cùng người kia không? Khi ở cạnh người kia, bạn có thấy vui vẻ và thoải mái? Những cuộc hẹn hò thường kết thúc bằng nụ hôn tạm biệt hay những trận cãi vã đến tận hôm sau? Bạn tận hưởng từng giây phút cả hai bên nhau hay bạn thấy phiền vì sự hiện diện của họ?
Tất cả mọi mối quan hệ đều không tránh khỏi những lúc tranh cãi hay những giây phút căng thẳng, tuy nhiên đó không nên là thứ diễn ra quá thường xuyên. Nếu hầu hết những lần ở cạnh đối phương làm bạn thấy khó chịu, cho dù đó là một ngày hay chỉ trong một giờ, thì khả năng cao là cả hai không thật sự hợp nhau như bạn vẫn “tin tưởng”.
3. Bạn không có nhu cầu trở thành bạn bè với đối phương
Giả sử hiện tại họ không phải bạn trai / bạn gái của bạn, và bạn cũng không có bất cứ khao khát tình dục nào với họ, thì bạn có thích đi chơi cùng người này với tư cách bạn bè không?
Nếu câu trả lời là không, thì rất tiếc khi nói rằng cả hai không dành cho nhau. Bạn không nhất thiết phải “lựa chọn” người yêu từ nhóm bạn của mình, nhưng một khi đã chính thức bước vào một mối quan hệ, bạn nên chắc chắn ngoài việc làm người yêu của nhau, cả hai còn có thể trở thành bạn của nhau. Vì suy cho cùng, nếu cả hai không vui khi gặp nhau, không có gì để nói cùng nhau, khi buồn bã không thể tìm được sự an ủi từ đối phương, thì cũng khác gì hai người xa lạ đâu?
Nếu đối phương không phải là kiểu người bạn muốn dành thời gian cùng ngoại trừ những lúc bạn cần họ để vào “vai” người yêu hoặc để giải quyết một số nhu cầu khác, thì đây không phải là một mối quan hệ mà bạn nên tiếp tục.
Photo: Mumusen
4. Bạn không muốn làm việc cùng một người như họ
Hãy hỏi bản thân liệu bạn có thích một người đồng nghiệp kiểu như bạn trai / bạn gái mình không.
Tất nhiên một mối quan hệ tình cảm sẽ không giống một mối quan hệ công việc, nhưng xét dưới những góc độ nhất định, bất kỳ mối quan hệ nào cũng được tạo dựng nên từ sự hợp tác. Và để quá trình hợp tác đó đạt được kết quả tốt thì hai bên đều cần có những phẩm chất nhất định.
Bạn có đủ tin tưởng người này trong những chuyện liên quan đến tiền bạc? Bạn có tán thành cách họ nhìn nhận và xử lý vấn đề? Họ có phải một người đáng tin cậy không? Và cuối cùng, đây là kiểu người bạn sẵn lòng làm việc cùng hay chỉ chực xách giày chạy xa 8 hướng?
5. Cả hai có những khác biệt rất lớn
Với những “tấm chiếu mới” thì tình yêu là tất cả. Mọi vấn đề, vạn khó khăn, tất cả những núi sông ngăn trở chẳng là cái đinh gì, miễn là chúng ta yêu nhau. Trải nghiệm kha khá rồi, bạn sẽ nhận ra đôi lúc chỉ yêu nhau không thì chưa đủ, cả hai còn cần sự tương thích nhất định.
Chúng ta vẫn thường nghe nói những cặp đôi trái dấu sẽ dễ dàng hút nhau, rằng người này nên là phần bổ sung hoàn hảo cho những thiếu khuyết của người kia. Có lý đấy chứ, hai miếng ghép giống hệt nhau thì làm sao mà lắp.
Tuy nhiên, điều quan trọng của lý thuyết “mảnh ghép tình yêu” mà nhiều người hay quên, đó chính là để lắp vào vừa vặn và tạo nên một hình ảnh hợp lý thì điều kiện tiên quyết là hai mảnh ấy phải trong cùng một bộ ghép hình.
Photo: Brian Brea
Hai bạn có thể khác nhau bao nhiêu tùy thích, nhưng có một số điểm cần giống nhau, hay chí ít là có tương đồng: những giá trị mà bạn trân trọng, những ưu tiên của bạn trong đời, và kế hoạch tương lai. Đây không đơn thuần là chuyện hợp nhau đến mức nào mà còn là việc cả hai có đủ tương thích trong cách mỗi người muốn cuộc sống của mình diễn ra hay không.
Mọi mối quan hệ đều cần thỏa hiệp, nhưng mọi sự thỏa hiệp đều có giới hạn. Trước khi quyết định đi xa hơn cùng đối phương, hãy cân nhắc về mức độ tương thích của cả hai.
6. Đối phương nói thẳng với bạn rằng họ không có ý định cam kết
Những bộ phim tình cảm lãng mạn làm chúng ta có xu hướng tin tưởng rằng, tình yêu chân thành (và một quãng thời gian đủ dài) sẽ thay đổi mọi thứ, thậm chí biến một người từ chỗ “Anh / Em hiện tại không có ý định tìm kiếm một mối quan hệ nghiêm túc” thành một người với trái tim rực lửa tình yêu, sẵn sàng vào sinh ra tử vì bạn.
Có thể không? Có, nhưng hiếm. Nếu đối phương đã nói thẳng như thế từ đầu, điều đó đồng nghĩa với việc họ không mấy hứng thú hay yêu thích gì con người thật của bạn. Thay vào đó, họ quan tâm hơn đến những gì bạn có thể đem lại. Họ cần bạn đáp ứng nhu cầu của họ nhưng không sẵn lòng làm điều tương tự cho bạn.
Không tính những trường hợp đôi bên đều biết và chấp thuận tình trạng mối quan hệ của cả hai (như 419, FWB, situationship và 7719 thể loại trên tình bạn dưới tình yêu khác), thì không có lý do nào đủ thuyết phục để bạn tiếp tục mối quan hệ một chiều này. Thậm chí có khi người mà bạn dành tình cảm cho là hình ảnh của đối phương trong tương lai, là con người mà bạn hy vọng họ trở thành, chứ không phải những gì trong hiện tại.
7. Bạn mãi băn khoăn và bất định về mối quan hệ này
… thế thì câu trả lời sẽ là “Nên ngừng lại”.
Câu trả lời sẽ vẫn là “Nên ngừng lại” cho dù bạn có một list dài dằng dặc những lý do vì sao nên tiếp tục.
Câu trả lời cũng vẫn là “Nên ngừng lại” cho dù bạn có cố thuyết phục bản thân (hay bất cứ ai khác) rằng bạn và người ấy là định mệnh đời nhau, rằng cả hai có một mối liên kết kỳ lạ, rằng bạn chưa bao giờ biết tình yêu là gì cho đến khi người ấy xuất hiện.
Ngay cả khi bạn quả quyết thời gian qua không “yêu lầm”, không lẫn lộn giữa con người thật của họ với một hình ảnh nào khác do bạn tự tạo ra (hay do họ cố tình tô vẽ), thì bạn vẫn nên cân nhắc xem có nên tiếp tục mối quan hệ hay không, khi bạn mãi không thể dõng dạc trả lời “Có” cho câu hỏi “Mình có yêu người này hay không?”
8. Bạn ngấm ngầm “phá hoại”
Nếu bạn biết mối quan hệ có vấn đề nhưng vì lý do nào đó vẫn chưa buông bỏ, thì tiềm thức của bạn sẽ có xu hướng làm mọi cách để “phá hoại” và ngăn cản không để mọi chuyện tiến xa hơn.
Những hành động này sẽ khác nhau trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, nếu cả hai đã chính thức xác định mối quan hệ được một thời gian đáng kể, nhưng bạn vẫn ngại ngần hoặc luôn có lý do để từ chối / trì hoãn những đề nghị tiến xa hơn của họ (như sống cùng nhau hay giới thiệu với gia đình,…) thì đây là vấn đề không nên xem nhẹ. Nguyên nhân có thể vì tận sâu trong lòng, bạn biết rõ đây không phải điều mình muốn, nhưng vẫn chưa sẵn sàng để đối mặt và giải quyết nó.
9. Thâm tâm bạn chắc chắn họ không phải “the one”, nhưng bạn không biết phải làm gì nếu họ không còn ở đó
Hơn cả “vai diễn” người yêu, những người này giờ đây còn kiêm luôn nhiệm vụ làm phao cứu sinh của bạn. Bạn cảm thấy được hoàn thiện, thấy mọi thứ đang diễn ra mượt mà, đúng-kế-hoạch. Nếu không còn họ bên cạnh, bạn sẽ thấy chới với, mất phương hướng, không biết nên làm gì tiếp theo, vì quãng thời gian đem lại cho bạn cảm giác làm chủ đời mình đã biến mất.
Tuy nhiên, bạn không thể dùng người khác làm công cụ ổn định cuộc đời. Cái gọi là đúng-kế-hoạch đó có thể cũng không có thật. Tất cả chỉ là cảm giác mà hình ảnh một người bạn trai / bạn gái hoàn hảo và mối quan hệ cùng họ đem lại. Bản năng sinh tồn sẽ khiến bạn không rời tay khỏi phao cứu sinh cho đến khi đã vào bờ an toàn. Càng sợ hãi về những gì sẽ xảy ra (hoặc không xảy ra) với cuộc đời mình, thì chúng ta lại càng cố gắng giữ chân hoặc tìm mọi lý do để ở lại bên một người không phù hợp.
Thế nên, thay vì cố gắng để biết bạn có ý nghĩa với ai đó hay không, hãy dành thời gian để tìm ra những gì thật sự có ý nghĩa với bạn.
Thảo luận về bài viết