Chiếc váy cưới này đã mất tích ngay sau đám cưới của Elisabeth và được giới nghiên cứu về lịch sử hoàng gia săn lùng trong nhiều thập kỷ từ đó đến nay.
Chiếc váy cưới thất lạc
Sau khi “The Empress”, một bộ phim truyền hình dài tập Đức sản xuất năm 2022 kể về cuộc đời của Hoàng hậu Áo – Elisabeth, được phát hành trên Netflix, chiếc váy cưới của nhân vật chính đã trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng chiếc váy này đã mất tích ngay sau đám cưới của Elisabeth và được giới nghiên cứu về lịch sử hoàng gia săn lùng trong nhiều thập kỷ từ đó đến nay.
Năm 1854, sau khi Hoàng hậu Áo Elisabeth kết hôn với Hoàng đế Franz Joseph ở Vienna, chiếc váy cưới của bà đã biến mất.
Thường được gọi với tên thân mật là Sisi, vị hoàng hậu này từ lâu đã khá nổi tiếng ở Châu Âu. Tính cách nổi loạn của bà đã được miêu tả đậm chất trong các bộ phim như Corsage (sản xuất năm 2022) và đặc biệt là loạt phim đứng đầu trên bảng xếp hạng Netflix – “The Empress”.
Tuy nhiên, bất chấp sự nổi tiếng đó, chiếc váy cưới của Hoàng hậu Sisi vẫn là một bí mật trong suốt gần 200 năm qua.
Giờ đây, nhờ một loạt các manh mối, nhà nghiên cứu người Áo, Tiến sĩ Monica Kurzel-Runtscheiner đã có thể giải mã phần nào câu đố về bộ trang phục cổ điển này.
Sở dĩ toàn bộ thông tin về chiếc váy không được tiết lộ là bởi các nhà báo, họa sĩ hoặc bất kỳ ai có khả năng ghi chép lại các hoạt động trong đám cưới đều bị hoàng gia Áo lúc bấy giờ không cho phép tham gia sự kiện này.
Không có bất cứ hình ảnh xác nhận hay mô tả chi tiết nào về chiếc váy, vì thế nó trở thành một bí ẩn. Chỉ duy nhất một gợi ý còn sót lại đó là phần tà đuôi váy được thiết kế với chất liệu vô cùng xa hoa, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Imperial Carriage ở Vienna, do Tiến sĩ Kurzel-Runtscheiner là giám đốc.
Tiến sĩ Kurzel-Runtscheiner, được mệnh danh là “người săn tìm kho báu bị mất”, trong nhiều năm qua, đã dành thời gian để điều tra về chiếc váy cưới của Hoàng hậu Sisi. Bà “lục tung” các thư viện để tìm kiếm câu trả lời nhưng không gặp nhiều may mắn.
Tuy nhiên, vào năm 2021, Tiến sĩ Kurzel-Runtscheiner nhận được một tin nhắn từ người lạ. Đó là một phụ nữ và là một nhà nghiên cứu tự do người Tây Ban Nha – Silvia Santibañez.
Trong tin nhắn đó, Silvia Santibañez nói rằng cô đã tìm thấy một bức chân dung mà rất ít người biết đến của Elisabeth được phác họa vào năm 1857 tại Bảo tàng Silesian ở Opava, Cộng hòa Séc.
Trong bức tranh này, Sisi đang mặc váy cưới, phần tà đuôi của chiếc váy này khá giống với phần tà đang được lưu giữ tại Bảo tàng Imperial Carriage.
“Tôi rất vui mừng”, Tiến sĩ Kurzel-Runtscheiner nói. “Cuối cùng tôi đã có bằng chứng rằng Sisi thực sự đã mặc chiếc váy mà chúng tôi đang sở hữu vào thời điểm đám cưới của bà ấy. Hơn nữa, nó còn cho thấy tổng thể toàn bộ chiếc váy trông như thế nào. Điều mà trước đây chúng ta chỉ có thể suy đoán”.
Tiến sĩ Kurzel-Runtscheiner đã dành nhiều tháng để giải mã bức tranh này với mục đích xác nhận lại xem liệu nó thực sự mô tả chiếc váy bí ẩn của Sisi.
Qua quá trình quan sát, Kurzel phát hiện ra bức chân dung về Hoàng hậu Áo năm 1857 không bình thường vì hai lý do.
Thứ nhất, nó được vẽ ba năm sau khi đám cưới được tổ chức. Thứ hai, nó không được phác họa bởi họa sĩ từng làm việc cho hoàng gia Áo hay am hiểu về hoàng gia, mà bởi một họa sĩ vô danh tên là Joseph Neugebauer.
Điều này có thể khiến một số người tin rằng bức tranh không có thật. Tuy nhiên, Tiến sĩ Kurzel-Runtscheiner nhận thấy rằng: “Những gì mà ông ấy thể hiện về chiếc váy, một cách chi tiết, đến mức tôi có cảm giác chắc chắn ông ấy đã nhìn thấy nó”.
Vì thế, Kurzel không kết thúc vấn đề ở đó, bà muốn đảm bảo rằng mọi người đều có thể biết được sự thật về chiếc váy, dù là chút ít. Vì thế Kurzel đã thành lập một dự án và tiến hành đi tìm câu trả lời cuối cùng.
Đầu tiên, bà đến Bảo tàng Silesian cùng với một số nhiếp ảnh gia để chụp lại bức chân dung năm 1857 với máy ảnh có độ phân giải cao. Sau đó, các nhà thiết kế đồ họa tại Bảo tàng Imperial Carriage của bà đã sử dụng những bức ảnh đó, và phần tà váy đang có, để tạo ra bản phác thảo minh họa thiết kế chiếc váy cưới của Hoàng hậu Sisi.
Sau nhiều tháng, nhóm của Kurzel đã tìm được người có thể in hoa văn lên vải, đó là một người đàn ông ở Bavaria, Đức, chủ của một cửa hàng in nhỏ. Họ gửi mẫu qua lại giữa Vienna và Bavaria cho đến khi bản in trên vải gần như hoàn hảo.
Tuy nhiên, sau đó, tiến độ dự án bị gián đoạn do người nhận in ở Đức bị bệnh nặng và phải hủy ngang hợp đồng. Phương án thay thế được Kurzel đưa ra đó là mang vải đến một nhà phục chế ở Vienna, người này đã tự tay tạo ra một bản sao kích thước thật của chiếc váy.
Chiếc váy được mô phỏng cùng với bức chân dung năm 1857 của Sisi đã được trưng bày tại Bảo tàng Imperial Carriage cho đến ngày 5 tháng 11 mới đây.
Đây là lần đầu tiên công chúng có thể nhìn thấy hai phiên bản song song của chiếc váy mà Kurzel tin rằng đó là chiếc váy cưới đã mất tích gần 200 năm của Hoàng hậu Áo.
Theo Maura Hametz, Giáo sư Lịch sử tại Đại học James Madison, bang Virginia (Mỹ) và cũng là đồng tác giả cuốn “Thế giới của Sisi: Hoàng hậu Elisabeth trong Ký ức và Huyền thoại”, nói rằng tất cả những bí ẩn về chiếc váy đã được làm sáng tỏ vào một thời điểm hoàn hảo.
Câu chuyện về Sisi đã trở nên nổi tiếng từ loạt phim truyền hình dài tập “The Empress” trên Netflix, bộ phim này đã tỏ ra khá thành công khi phần thứ 2 đã được sản xuất ngay sau đó.
Tuy nhiên, dù dự án giải mã bí ẩn về chiếc váy của Hoàng hậu Elisabeth đã đạt được kết quả nhất định nhưng Tiến sĩ Kurzel-Runtscheiner vẫn khẳng định rằng công việc của mình chưa hoàn thành.
Bà cho biết kế hoạch tiếp theo bà và nhóm dự án sẽ đến thăm các tu viện ở Hungary và Bavaria để nghiên cứu các hiện vật được cho là có liên quan đến chiếc váy cưới này.
Xem thêm:
- Điều gì thu hút bạn “trở về chốn cũ” khi đi du lịch?
- Tóc cũng có thể dùng để làm sạch dầu tràn ngoài đại dương