Khởi đầu từ bộ phim Bản tình ca mùa đông ra mắt năm 2002, cho đến nay, làn sóng Hallyu vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ, “càn quét” mọi lĩnh vực lớn trong đời sống của chúng ta. Từ những bữa ăn nướng KBBQ, cho tới những bản nhạc và các bộ phim truyền hình, văn hóa xứ Kim chi đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong lòng người Việt.
Nhờ những diễn viên với nhan sắc như tượng tạc và cách trang điểm trong veo không cầu kì mà các sản phẩm làm đẹp Hàn Quốc đang được săn lùng hơn bao giờ hết. Thị trường làm đẹp tại quốc gia này được ước tính có giá trị 13 tỷ đô la Mỹ – với 7,2 tỷ trong số đó đến từ việc bán các sản phẩm chăm sóc da mặt. Danh sách sản phẩm được yêu thích kéo dài từ serum, acid, dầu mát-xa mặt, cushion hay đến vô vàn loại mặt nạ.
“Tuy nhiên, điều mọi người không thấy là sự hỗ trợ của chính phủ và cách quảng bá thúc đẩy sự quan tâm.”
Jude Chao – Giám đốc Marketing cho thương hiệu BeautyTap, đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực K-Beauty – chia sẻ, “Điều mọi người không thấy là sự hỗ trợ của chính phủ và chiến lược quảng bá văn hóa Hàn. Hãy để ý xem sự phát triển của những món ăn truyền thống Hàn Quốc, nền âm nhạc K-Pop nổi đình đám cho tới các bộ phim truyền hình K-Drama thậm chí còn được chính các nhà phân phối toàn cầu mua bản quyền để trình chiếu hoặc làm lại. Đó đều là sự thúc đẩy và hỗ trợ của giới chính phủ nhằm truyền bá văn hóa Hàn Quốc đến toàn cầu.”
Nhờ đó, văn hóa Hàn Quốc được phổ biến khắp thế giới, kéo theo đó là trào lưu trang điểm giống các diễn viên hay idol Hàn. Chúng ta luôn tự hỏi họ đã làm thế nào để có được những kiểu make-up “no make-up” trong veo và vô cùng tự nhiên. Câu trả lời nằm ở làn da và việc sử dụng các mỹ phẩm nội địa.
Các sản phẩm skincare chỉ là một phần trong nền văn hóa đại chúng của đất nước này, và đã được chứng minh là một mặt hàng xuất khẩu tốt. Vì vậy, nếu bạn đến tham dự các triển lãm thương mại làm đẹp, sẽ không có gì làm lạ khi thấy chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ ít nhất một số thương hiệu cây nhà lá vườn.
Xu hướng làm đẹp Hàn Quốc đã chinh phục phương Tây “ờ mây zing gút chóp” thế nào?
Ngoài thương mại, K-Beauty cũng có tác động mạnh mẽ – đặc biệt trên phương diện văn hóa, đến các quốc gia phương Tây. Phong cách làm đẹp trong trẻo như một làn gió mới thay cho thói quen make-up đậm hiện diện mọi ngóc ngách của Instagram của giới làm đẹp phương Tây – mà Kylie Jenner là nữ hoàng tiên phong. Nhờ phong cách trang điểm “mắt nâu môi tều” mà Kylie đã trở thành biểu tượng nhan sắc mà mọi cô gái Tây theo đuổi trong giai đoạn 2016-2019.
Trái ngược với kiểu makeup “nặng nề” của Kylie, K-Beauty tập trung vào lớp nền mọng ướt và căng đều. Bắt nguồn từ cụm từ “chok-chok” (ẩm), tiêu chuẩn về lớp nền của người Hàn đã thay đổi, đến tới “gwang” (rạng rỡ long lanh) và mới đây nhất, là mong ước về một làn da bóng mượt không tì vết (glass skin).
Ảnh: Kim Yoo Jung – Laneige Ảnh: Shin Se Kyung – Banila Co
Christine Chang – nữ doanh nhân trong lĩnh vực sản phẩm làm đẹp Hàn Quốc, chia sẻ, “Glass skin nói về tình trạng da khỏe, đều màu, căng mọng và trong suốt.”
Dù phong cách trang điểm “mắt nâu môi tều” của Kylie sẽ không sớm mất đi, nhưng sức hấp dẫn của K-Beauty dựa trên thực tế rằng, dù có thêm bất kỳ xu hướng trang điểm nào xuất hiện và thay đổi, thì việc có làn da khỏe sẽ luôn là điều mà mọi tín đồ làm đẹp sẽ lưu tâm nhất. Hoàn thiện chu trình chăm sóc da của bạn có thể là một môn nghệ thuật khó thành thạo, nhưng về lâu về dài nó là điều xứng đáng.
Nhưng không chỉ có các thương hiệu Hàn Quốc mới làm ra được các sản phẩm chăm sóc hay trang điểm da như vậy. Glossier của Mỹ cũng cho ra mắt dòng sản phẩm Perfecting Skin Tint với câu slogan “More skin, less makeup” (Tạm dịch: “Như da thật, ít makeup”) cho thấy sự ảnh hưởng sâu sắc của vẻ đẹp tự nhiên của thẩm mỹ Hàn Quốc đến quốc gia đa sắc tộc này.
Tương tự đó, công ty Deciem của Canada nổi danh cầm trịch 10 thương hiệu làm đẹp khác nhau, với hãng nổi tiếng nhất là The Ordinary cũng đã cho ra mắt những sản phẩm làm đẹp với thành phần lành tính và giá cả phải chăng.
Không ngoa khi nói những cái tên như Glossier và The Ordinary đều có hơi hướng “nối gót” theo sau các hãng mỹ phẩm Hàn Quốc bởi sự chú trọng vào độ khỏe đẹp của làn da. Cả hai thương hiệu đều đầu tư nghiêm túc cho dòng sản phẩm chăm sóc da, với thành phần organic bởi sự thấu hiểu những lo lắng của khách hàng về nguyên liệu trong sản phẩm.
Chao cũng cho rằng, “Ý tưởng về quy trình skincare 10 bước được người Hàn quảng cáo nghe như một huyền thoại vậy. Nhưng tôi tin rằng giờ đây mọi người đều có nhiều lựa chọn hơn. Nếu như danh sách sản phẩm của các thương hiệu mỹ phẩm phương Tây 10 năm trước chỉ có vỏn vẹn vài lựa chọn, thì giờ đây mọi người đã có thể tùy ý cân nhắc các sản phẩm hoặc nguyên liệu phù hợp với da. Nên biết rằng chăm sóc da không phải là việc làm ‘qua loa’ cho có, mà là một trong những chu trình chăm sóc bản thân, một thú vui hàng ngày giúp bạn thư giãn.”
Vậy tại sao ngành công nghiệp làm đẹp Hàn Quốc lại dẫn trước vậy?
1. Trước tiên là bởi nền công nghiệp làm đẹp vốn đã nổi tiếng ở Hàn Quốc từ rất lâu. Người Hàn luôn chú trọng vào làn da của họ, nên việc đầu tư phát triển những sản phẩm và chu trình chăm sóc da mặt là điều dễ hiểu.
Alicia Yoon – chuyên gia thẩm mỹ thương hiệu Peach & Lily của Hàn Quốc, cho biết ảnh hưởng của triều đại Chosŏn và Nho giáo Hàn Quốc còn tồn tại cho đến ngày nay: “Các giá trị Nho giáo đã hình thành lý tưởng làm đẹp của người Hàn Quốc. Họ đề cao vẻ đẹp nội tâm và sự khiêm tốn so với việc trang điểm cầu kỳ. Để có được vẻ ngoài đẹp nhất mà không cần trang điểm, làn da khỏe mạnh trở thành ưu tiên hàng đầu.”
2. Ngoài ra, các tín đồ làm đẹp đang ngày càng quan tâm hơn tới sản phẩm có thành phần từ tự nhiên. Trong suốt vài trăm năm trở lại đây, công cuộc đổi mới trong lĩnh vực chăm sóc da của Hàn Quốc không hề thiếu những thành phần hiếm bao gồm đậu xanh xay, kén tằm và dầu hoa trà.
Gần đây, cộng đồng K-Beauty dành sự quan tâm đặc biết đến dầu ốc sên – một nguyên liệu lấy được trên các thanh lưới mà sên vườn phải bò trong điều kiện căn phòng tối ẩm. Thành phần này được quảng bá có tác dụng giúp làn da sáng lên và chống lão hóa.
3. Một nguyên do khác là vì những yêu cầu về mặt văn hóa. Ở Hàn có rất nhiều áp lực buộc bạn phải đáp ứng những tiêu chuẩn đó, khắt khe hơn so với các nước phương Tây. Thậm chí các thành viên trong gia đình cũng sẽ không nề hà chỉ ra tất cả những khuyết điểm trên khuôn mặt của bạn.
Như Chao đã chỉ ra, tiêu chuẩn vẻ đẹp của Hàn Quốc khá nghiêm khắc: “Ở phương Tây, mục tiêu rất đơn giản: da không lão hóa nhanh và không bị nổi mụn. Nhưng ở Hàn Quốc, họ có tiêu chuẩn rất cụ thể về tông màu và kết cấu da; da bạn phải trắng và không có đồi mồi, tàn nhang, kết cấu da phải săn chắc, bóng mượt và có độ sáng tự nhiên.”
Sự thành công của các thương hiệu làm đẹp Hàn Quốc tại phương Tây lại có thể trở thành hố chôn của chính nó.
Vấn đề này được minh họa rõ nhất thông qua việc ngày càng nhiều thương hiệu phương Tây cùng các đối tác Hàn Quốc sáng tạo những sản phẩm “gốc Hàn” để phục vụ cho các khách hàng trong khu vực. Chẳng hạn như chuỗi cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm Sephora đã cho ra mắt một dòng mặt nạ giấy lấy cảm hứng từ Hàn Quốc, đồng thời cũng kinh doanh trực tuyến các sản phẩm nhập từ Hàn.
Điều này tiếp tục đặt ra một câu hỏi, “Chuyện gì sẽ xảy đến với các thương hiệu làm đẹp Hàn Quốc, nhất là trong nền văn hóa mà tín đồ nào cũng trung thành với thương hiệu mình đã quen thuộc?”
Chao nghĩ rằng các thương hiệu của Hàn đang bị nhấn chìm bởi chính những người bạn phương Tây của mình. “Làm việc trong nền công nghiệp này giúp tôi hiểu rằng quy định về mỹ phẩm của Hàn Quốc rất nghiêm ngặt, nhưng phần đông người mua hàng phương Tây lại không rõ điều này. Vậy nên họ sẽ chắc chắn trung thành với những thương hiệu vốn đã thân quen.
Một điều làm tôi phiền lòng đó là nhiều thương hiệu đang sử dụng các concept của K-Beauty và chỉ sử dụng những thành phần cơ bản. Điều này đã khiến không ít người tiêu dùng phải chi trả nhiều tiền hơn cho một công thức rẻ tiền, mà họ lầm tưởng là những sản phẩm đạt chuẩn K-Beauty, với mong muốn có được làn da khỏe đẹp như người Hàn Quốc. Điều này thì thật không công bằng với người mua sắm.”
Chao mong rằng người tiêu dùng có thể hiểu rõ hơn về những thành phần có trong sản phẩm mang concept K-Beauty mà họ đang sử dụng. Blog của cô, Fifty Shades of Snail, cũng là một trang web bạn nên ghé thăm nếu đang bị choáng ngợp bởi hơn 12,000 thương hiệu mỹ phẩm đang hoạt động trên thị trường toàn cầu.
“Từ lâu, ngành công nghiệp làm đẹp phương Tây đã khiến chúng ta tin rằng các sản phẩm đắt tiền hoặc được người nổi tiếng chứng nhận mới là sản phẩm tuyệt vời, điều này hoàn toàn không đúng. Nhưng tôi nghĩ rằng sự đổi mới của K-Beauty và việc tập trung vào làn da khỏe mạnh là điều sẽ giúp nó tiếp tục phát triển.”
Theo Medium
Có thể bạn quan tâm:
6 mẫu túi xách kinh điển mang tên của những nhân vật nổi tiếng thế giới
“Đu” idol thường sẽ tốn bao nhiêu tiền?
13 phim truyền hình Hàn Quốc đáng mong chờ nhất trong 2021
Stress ảnh hưởng đến làn da như thế nào?
Thảo luận về bài viết