Trong thế giới đồng hồ cao cấp, Breguet không phải thương hiệu lâu đời nhất, cũng không nổi tiếng với những thiết kế xa hoa choáng ngợp. Nhưng mỗi chiếc đồng hồ Breguet được làm ra đều xứng danh siêu phẩm, với những đặc điểm và những tính năng tuyệt vời không hề có ở bất kỳ hãng đồng hồ nào khác.
Trong số những tuyệt phẩm này, không thể không kể đến Mona Lisa của thế giới đồng hồ hay Chén thánh của ngành chế tác đồng hồ – những mỹ danh được ưu ái dành cho chiếc đồng hồ số hiệu 160 của Breguet. Nhiều chuyên gia nhận định đây là chiếc đồng hồ quan trọng nhất từng được chế tạo vì Breguet No.160 mang lại những giá trị công nghệ, thẩm mỹ, lịch sử, thậm chí cảm xúc vô cùng đặc biệt.
Người đàn ông sáng tạo ra chiếc đồng hồ
Người làm ra chiếc đồng hồ Breguet Marie Antoinette là Abraham-Louis Breguet (1747-1823), người được mệnh danh là cha đẻ của ngành chế tạo đồng hồ hiện đại, được cho là đã công nghiệp hóa việc sản xuất đồng hồ và tạo ra vô số cải tiến trong ngành này.
Sinh ra tại Thụy Sĩ và chuyển đến Paris khi mới 15 tuổi, Breguet bắt đầu làm việc cho một chuyên gia chế tác đồng hồ ở Versailles. Ông nhanh chóng gây ấn tượng với trí thông minh và kỹ năng của mình. Năm 1775, ở tuổi 28, Abraham-Louis Breguet thành lập công ty sản xuất đồng hồ của riêng mình tại Île de la Cité ở Paris.
Breguet nhanh chóng nổi tiếng, trở thành một trong những tên tuổi làm đồng hồ vĩ đại nhất. Sức ảnh hưởng của ông vẫn còn mạnh mẽ đến ngày nay. Trong vòng 10 năm kể từ khi thành lập công ty riêng, ông nhận được yêu cầu làm đồng hồ từ những gia đình quý tộc quan trọng nhất tại Pháp lúc bấy giờ. Marie Antoinette (1775-1793) – Vương hậu cuối cùng của Vương quốc Pháp – là một trong những “người hâm mộ cuồng nhiệt” của những chiếc đồng hồ do Breguet chế tạo. Không những sở hữu nhiều chiếc đồng hồ, bà còn giới thiệu ông với nhiều Hoàng đế và Vương hậu khác.
Món quà dành cho Vương hậu Marie Antoinette
Vào năm 1783, Breguet nhận một “đơn đặt hàng” đặc biệt, đó là chế tác một chiếc đồng hồ dành riêng cho Vương hậu Marie Antoinette. Với thời gian hoàn thành và giá thành không giới hạn, Breguet phải làm ra một chiếc đồng hồ kết hợp được mọi chức năng, loại bỏ mọi trở ngại, cũng như đổi chất liệu từ đồng thau sang vàng ở tất cả những bộ phận nào có thể.
Lời đề nghị này do một thành viên trong nhóm lính bảo vệ Vương hậu truyền đạt cho ông. Nhiều người cho rằng chính Marie Antoinette là người đưa ra yêu cầu này. Một số khác lại quả quyết “nhân vật bí ẩn” này là Bá tước Thụy Điển Hans Axel von Fersen – một người bạn thân thiết và về sau trở thành tình nhân của Vương hậu.
Đáng tiếc, món quà này không đến được tay Vương hậu bởi bà đã bị chém tại Quảng trường Place Place de la Révolution vào ngày 16/10/1793 (Bá tước Fersen cũng bị thủ tiêu 17 năm sau đó). Tuy nhiên, “đơn hàng” này vẫn được tiếp tục thực hiện.
Năm 1827, 44 năm từ ngày đặt hàng và 34 năm sau khi Vương hậu qua đời, chiếc đồng hồ Breguet No.160 được hoàn thành bởi Louis-Antoine – con trai của Abraham-Louise Breguet, vì ông đã mất vào năm 1823.
Tổng chi phí của hãng để sản xuất chiếc đồng hồ này, theo các văn bản của kho được lưu trữ lại, đạt mức ấn tượng là 17.070 Francs, nhiều hơn bất kỳ chiếc đồng hồ Breguet nào khác được sản xuất tại thời điểm đó.
Với tổng cộng 823 chi tiết, mất 44 năm công lao động, Breguet No.160 luôn nằm trong top 5 chiếc đồng hồ phức tạp nhất thế giới. Ngoài chức năng đếm giờ thì nó có cả lịch vạn niên, lịch mặt trăng, lịch mặt trời, nhiệt kế, hệ thống chống sốc, kim giây độc lập v.v… Hiện tại, giá trị của chiếc đồng hồ Breguet No.160 tương đương 30 triệu USD.
Hành trình kỳ lạ
Vì cả người yêu cầu, Vương hậu, lẫn Breguet đều đã mất nhiều năm, nên nhiều người cho rằng chiếc đồng hồ này sau khi hoàn thành đã được giao cho Hầu tước vùng de la Groye ở Provins lưu giữ. Suy đoán này dựa vào ghi chép rằng năm 1838, khi chiếc đồng hồ được vị hầu tước mang tới xưởng sản xuất của Breguet để bảo dưỡng .
Thời kỳ tiếp theo Breguet No.160 được bán lại cho nhiều chủ sở hữu khác nhau, sau đó được David Salomons – một nhà sưu tầm nổi tiếng có trong tay bộ sưu tập lên đến 124 chiếc đồng hồ Breguet – mua lại.
Khi Salomons qua đời, con gái ông đã tặng lại Breguet No.160 cùng nhiều chiếc đồng hồ khác trong bộ sưu tập của ông cho Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo Jerusalem. Ngày 17/4/1983, Breguet No.160 “biến mất” trong một vụ trộm. Việc truy bắt gặp phải rất nhiều bế tắc và phải đến tận 23 năm sau, cảnh sát Israel mới nhận được lời khai của hai người. Họ cho biết đã từng nhìn thấy những chiếc đồng hồ trong vụ trộm năm xưa.
Hóa ra Naaman Diller, một tên trộm mèo nổi tiếng ở Israel, đã tự mình vượt qua hàng rào bảo vệ ở viện bảo tàng và thành công tuồn những mẫu đồng hồ này khắp Mỹ, Châu Âu và Israel.
Sau khi Diller mất vào năm 2004, vợ anh ta quyết định bán những mẫu đồng hồ này nhưng bị bắt và nhận án quản chế 5 năm do tiếp nhận những món đồ ăn cắp. Trong số 106 mẫu đồng hồ bị đánh cắp, chỉ có 39 mẫu là được lấy lại – bao gồm cả chiếc đồng hồ Breguet Marie-Antoinette, và tiếp tục được trưng bày ở bảo tàng.
Có thể bạn quan tâm:
Cập nhật tủ quần áo với thời trang những năm 1980-2000
Cuộc “đổ bộ” của nhân vật hoạt hình vào thị trường thời trang xa xỉ
Thảo luận về bài viết