Theo trang Reuters, nhà mốt của Pháp, Chanel lại tiếp tục tăng giá bán lần thứ hai trong năm nay. Đây là động thái được cho là để bảo vệ lợi nhuận do sự bùng nổ của virus corona.
“Những điều chỉnh này được thực hiện ở tất cả các quốc gia cần thiết và là sự đảm bảo rằng các mặt hàng của Chanel được bán với mức giá tương đương trên toàn thế giới,” thương hiệu cho biết và nhấn mạnh rằng điều này đặc biệt quan trọng vào thời điểm du khách quốc tế rất hạn chế.
Đây không phải là lần biến đổi giá bán đầu tiên trong năm của Chanel. Vào tháng 5 vừa qua, nhà mốt Pháp đã tăng giá bán túi xách và đồ đa lên 5-17%. Tại thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, các sản phẩm có giá thành tăng 10-22%. Các mẫu túi kinh điển của thương hiệu cũng có mức tăng mạnh đáng kể: Mini flap bag tăng 25%, trong khi Chanel square mini hơn 27,4% – mức tăng cao nhất trong năm 2020 của hãng. Những dòng túi xách khác như Small classic flap và Reissue 224 có mức tăng 21%.
Chanel cho biết rằng họ đã giảm khoảng cách giữa giá cả ở thị trường châu Á và các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhiều chuyên gia, một mặt hàng tương đương bán ở Trung Quốc thường cao hơn 30% so với châu Âu.
Theo Luca Solca, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao, hàng xa xỉ toàn cầu tại công ty môi giới cổ phiếu Bernstein, Chanel có nguy cơ đánh mất khách hàng ở phương Tây bởi những đợt tăng giá thường xuyên này. Chanel có tăng giá bán với những chiếc túi xách mang tính biểu tượng của thương hiệu, tuy nhiên không thể làm tương tự với dòng trang phục vốn mang lại lợi nhuận thấp hơn.
Các nhà phân tích cho biết thêm rằng, không chỉ Chanel, mà khả năng cao nhiều thương hiệu sẽ tiếp tục tăng giá trong năm nay. Tuy nhiên, chiến lược này chỉ là giải pháp tạm thời và sẽ có giới hạn cụ thể về số lần tăng giá. Khi hoạt động du lịch quốc tế trở lại bình thường, các thương hiệu bắt buộc phải điều chỉnh lại.
Nhiều thương hiệu lớn trên thế giới cũng có động thái tăng giá thị trường
Danh sách các thương hiệu xa xỉ tăng giá sản phẩm vẫn còn được nối dài thêm từ những tháng đầu năm đến thời điểm hiện tại. Phân khúc được tăng giá mạnh chính là các dòng túi xách tầng trung, vốn mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong ngành.
Louis Vuitton đã 2 lần tăng giá túi xách kể từ đầu năm nay. Một lần vào tháng 3 khoảng 3% và tháng 5 tăng 5% cho toàn bộ dòng túi xách. Điển hình là mẫu Onthego GM tote tăng hơn 210 USD trong vòng 3 tháng, những món đồ phom dáng cổ điển như Neverfull, Speedy và Alma cũng hơn 60-70 USD so với hồi đầu năm.
Tiếp đó là Prada vào tháng 7 với mức tăng đáng kể do sự trì trệ của quá trình hậu cần và sản xuất, trong khi Dior tăng giá trên các sản phẩm cụ thể. Theo phân tích của ngân hàng đầu tư Jefferies, thương hiệu đồng hương Gucci cũng đã có những đợt tăng giá từ tháng Năm đến tháng 6 tại các thị trường Ý, Anh và Trung Quốc – thương hiệu cũng từ chối bình luận về vấn đề này. Còn về phía Salvatore Ferragamo cũng đã đưa ra thông báo sẽ tăng giá một số sản phẩm vào tháng 7 vừa qua.
Chiến lược tăng giá của các nhà mốt xa xỉ có phải là hướng đi bền lâu?
Hiện tại, đang có một danh sách dài các thương hiệu xa xỉ đã tăng giá trong năm nay, đặc biệt là trên các dòng túi xách bình dân, vốn có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong ngành. Theo tờ Vogue Business, việc tăng giá là biện pháp hiệu quả để cân bằng cho những thiệt hại của thương hiệu. Tuy nhiên, tăng đến mức nào và trong bao lâu là câu hỏi mà hãng phải suy nghĩ để có những quyết định đúng đắn, đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu.
Có thể nói, doanh số bán hàng và lượng khách giảm mạnh trong năm nay đã thúc đẩy các thương hiệu xa xỉ tùy chỉnh giá để bù đắp một số chi tiêu bị hao hụt do đóng cửa bởi Covid-19, tâm lý người tiêu dùng mua sắm và du lịch quốc tế bị suy giảm. Tăng giá nói chung đã được áp dụng trên toàn cầu, nhưng chiến lược này hoạt động tốt nhất ở các thị trường như Trung Quốc – nơi tiêu dùng hàng xa xỉ đang phục hồi, nhu cầu cao và người tiêu dùng không thể đi ra thị trường quốc tế (chẳng hạn như châu Âu – nơi sản phẩm có thể rẻ hơn).
Francesca Di Pasquantonio, giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu vốn, chủ sở hữu tại Deutsche Bank, cho biết: “Năm nay, người tiêu dùng Trung Quốc không đi du lịch Nhật Bản hoặc đến Pháp, do đó họ không thể mua sắm, chi tiêu tại các địa điểm này. Có lẽ, mọi thứ sẽ trở lại như trước vào năm sau.”
Sức tiêu thụ mạnh ở Trung Quốc, cả trước đại dịch và sau khi lệnh cấm được gỡ bỏ, tăng lần lượt 40% và 65% đối với Kering và LVMH trong quý II. Vì lí do dịch bệnh, các thương hiệu gặp khó khăn trong quá trình sản xuất. Nhưng “trong cái rủi cũng có cái may.” Chính sự thiếu hụt trong số lượng sản phẩm đã khiến các mặt hàng xa xỉ trở nên khan hiếm, đồng nghĩa với việc làm tăng giá trị của mặt hàng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo việc phụ thuộc quá nhiều vào chiến thuật này. “Trong tương lai, tôi không nghĩ chính sách tăng giá ở thị trường Trung Quốc là một biện pháp lâu dài. Việc tăng giá ba đến bốn lần trong một năm là hơi quá đáng.” nhà phân tích tại Jefferies, Flavio Cereda nhận định.
“Chúng ta có thể sẽ còn thấy nhiều đợi tăng giá nữa, nhưng nên là ở các thị trường Âu châu và Mỹ để thu hẹp sự chênh lệch giá với thị trường Trung Quốc.”
Những rủi ro của việc khai thác quá mức “vị thế”
Không phải thương hiệu nào cũng có khả năng tăng giá, bởi đây là một cách thể hiện quyền lực của thương hiệu. Sức nóng và giá trị thương hiệu chính là những điều kiện tiên quyết để nhãn hàng có thể tăng giá sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ ít bận tâm đến việc điều chỉnh giá của những thương hiệu mà họ đã gắn bó lâu, cũng như đã yêu thích tính độc quyền và chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, thông thường, những thương hiệu ít được chú ý hơn sẽ bị buộc phải đi theo các thương hiệu lớn. Việc tăng giá thường do những “ông lớn” như Louis Vuitton, Chanel và Hermès khởi xướng và thúc đẩy phản ứng dây chuyền trong toàn ngành.
Nếu thương hiệu không tăng số lượng sản phẩm, điều đó có nghĩa là khách hàng không còn hứng thú với việc mua sản phẩm của thương hiệu đó, dù họ có tăng giá lên bao nhiêu cũng không khiến khách hàng mua nhiều hơn.
Zuzanna Pusz, trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phần xa xỉ châu Âu tại UBS
Khách hàng đang dần chuyển hướng sang các món đồ secondhand và điều đó được thể hiện qua sự tăng trưởng của thị trường sơ cấp. Tuy đây cũng là một thước đo thể hiện sức mạnh của một thương hiệu, nhưng ngay cả những nhà mốt có đà phát triển mạnh mẽ cũng cần phải bước đi cẩn thận, vì những rủi ro của việc khai thác quá mức vị thế của họ đối với người tiêu dùng luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Kết
Việc tăng giá là biện pháp hiệu quả để cân bằng với các khoản thiệt hại mà nhiều thương hiệu đã phải gánh chịu. Nhưng tăng đến mức nào và trong bao lâu là câu hỏi mà các thương hiệu phải suy nghĩ để có những quyết định đúng đắn nhất.
Ảnh bìa: Eddie Lee/Hypebae
Tham khảo: The Fashion Law
Thảo luận về bài viết