Yêu và được yêu mang lại cho chúng ta rất nhiều cảm xúc tốt đẹp, thậm chí nó còn thúc đẩy sức khỏe tinh thần, là nguồn động lực và hạnh phúc. Nhưng bên cạnh đó vẫn sẽ có những cảm xúc buồn bã, khi chúng ta buộc phải học cách để quên đi một người.
Thật khó để có thể quên đi một người mà bạn đã từng rất yêu thương. Dù đó là chia tay, kết thúc hay biết rằng ta không còn có thể gặp lại họ lần nữa. Bất kỳ sự thay đổi không mong muốn nào đều sẽ gây nên một nỗi đau khó tả, nhất là khi những cảm xúc dành cho một người mà bạn vô cùng yêu quý lại buộc phải rời xa nhân thế.
Còn sự đau khổ nào hơn khi người mình rất yêu thương mất. Mặc dù mọi người có những cách phản ứng khác nhau nhưng chắc rằng chúng ta đều trải qua một loạt cảm xúc đau buồn. Buông bỏ bóng hình một người mà bạn yêu thương có thể là một quá trình vô cùng khó khăn và đau đớn. Hoàn cảnh có thể dường như nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, nhưng “người mất thì cũng đã mất và người sống thì vẫn phải sống” bằng cách nào đó ta cũng cần vượt qua nỗi đau này.
Những biểu hiện của nỗi buồn khi ta mất đi một người thân yêu
Đau buồn là một phản ứng tự nhiên khi ta mất đi một ai đó. Sự mất mát có thể gây ra nỗi buồn khôn xiết và cũng có thể sẽ khiến bạn bị cuốn vào những cảm xúc ảm đạm ấy mà quên đi mất thực tại.
Bạn có thể sẽ trải qua những biểu hiện đau buồn về thể xác, cảm xúc tinh thần, các quan điểm về xã hội… và mỗi người sẽ có trải nghiệm đau buồn khác nhau của riêng mình. Cách bạn thể hiện sự đau buồn bị ảnh hưởng một phần bởi các quy tắc văn hóa, cộng đồng, cũng như mối quan hệ với người thân đã ra đi. Nhưng thông thường nỗi đau được thể hiện thông qua:
- Những biểu hiện thể chất của đau buồn có thể bao gồm khóc hoặc thở dài, nhức đầu, chán ăn, khó ngủ, suy nhược, mệt mỏi, cảm giác nặng nề, đau nhức hoặc các bệnh liên quan đến căng thẳng khác.
- Những biểu hiện cảm xúc như lo lắng, băn khoăn, thất vọng, tức giận hoặc cảm giác tội lỗi.
- Những biểu hiện đau buồn về mặt xã hội có thể bao gồm cảm giác xa cách với người khác, tự cô lập bản thân khỏi giao tiếp xã hội và cư xử theo những cách không bình thường đối với bạn.
- Những biểu hiện tinh thần của sự đau buồn có thể bao gồm việc đặt câu hỏi về lý do người thân thiết ra đi, những suy nghĩ nỗi đau và ám ảnh, mục đích của cuộc sống và ý nghĩa của cái chết. Thậm chí điều này còn ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận về cái chết.
Nỗi đau buồn mãnh liệt có thể mang lại những trải nghiệm bất thường. Đôi khi bạn có thể có những giấc mơ sống động về người thân yêu của mình, phát triển các hành vi hoặc phong cách của họ hoặc nhìn thấy hoặc có ảo tưởng rằng mình nghe thấy, nhìn thấy người thân yêu đã mất.
Làm thế nào để bạn có thể quên đi một người đã mất
Mặc dù không có giải pháp kỳ diệu nào để quên đi ai đó chỉ sau một đêm hay trong một thời gian ngăn, nhưng vẫn có những chia sẻ có lẽ sẽ giúp ích được phần nào. Hãy luôn nhớ là dù rằng bây giờ người ấy không còn hiện diện nhưng sâu bên trong bạn vẫn luôn có họ, những ký ức đó sẽ không biến mất.
- Chấp nhận thực tế của sự mất mát
Điều này liên quan đến việc vượt qua phản ứng phủ nhận tự nhiên và nhận ra rằng người thân yêu của bạn đã thực sự qua đời. Các hoạt động như xem thi thể sau khi chết, tham dự tang lễ và các buổi an táng, và thăm nơi an nghỉ đều có thể giúp ích trong quá trình này.
Cũng hữu ích khi dành thời gian trò chuyện công khai về người đã khuất hoặc các hoàn cảnh xung quanh cái chết. Khi bạn đối diện với thực tế này, bạn cũng dễ dàng hơn để đón nhận sự an ủi từ việc biết rằng cuộc sống tinh thần vẫn tiếp tục và chúng ta không đau buồn như những người không có hy vọng.
- Trải nghiệm nỗi đau của sự mất mát
Khi một người thân yêu qua đời, nhiều người cố gắng né tránh nỗi đau bằng cách kìm nén cảm xúc hoặc phủ nhận cảm giác của mình. Đáng tiếc, chỉ có cách duy nhất để vượt qua được nỗi đau là đi cùng và làm bạn với nỗi đau. Sau đó là vượt qua nó hàng ngày khi cảm xúc dâng trào và hạ xuống.
Người né tránh sự đau buồn có thể phải chịu đựng một số vấn đề khác như trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe. Trải nghiệm nỗi đau một cách đầy đủ – thường thông qua nước mắt hoặc một số hình thức biểu hiện – mang lại sự giải thoát thực sự.
- Thích nghi với môi trường trống vắng bóng người thương
Trong số những điều khác, điều này có thể bao gồm việc đảm nhận một số trách nhiệm và vai trò xã hội mà người thân yêu đã khuất của bạn từng đảm nhiệm. Tương tự, nếu bạn lo sợ việc trở về ngôi nhà trống trải, bạn có thể cân nhắc việc nuôi một con thú cưng hoặc thêm vào các thói quen mới mang lại sự thoải mái. Trải nghiệm thiên nhiên, sử dụng âm nhạc, và các cuộc gọi điện thoại định kỳ đến những người bạn thân thiết có thể là những biện pháp hỗ trợ thực tế.
- Đừng cố gắng tích cực vượt qua hoặc cảm thấy tốt hơn
Ép bản thân phải tiến lên hoặc cảm thấy tốt hơn sẽ không giúp bạn giải quyết được cảm xúc của mình. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn khi bạn cố nhưng vẫn không thể cảm thấy tốt hơn nhanh chóng như mong đợi.
Bạn không cần phải thúc đẩy bản thân tiến lên, điều gì đến cũng sẽ đến. Thay đổi là một phần tất yếu của cuộc sống. Nếu bạn dành thời gian cho một sở thích hoặc tham gia vào một nhóm, điều đó có thể sẽ có ích, nhưng nếu bạn chưa sẵn sàng cho điều đó, cũng chẳng sao vì cuộc sống sẽ tự thay đổi theo cách của nó.
Cố gắng chủ động tiến lên hoặc “cảm thấy tốt hơn” cũng vô ích như việc cố gắng phớt lờ nỗi đau buồn của bạn, nó đơn giản là không hiệu quả. Bạn phải sống cùng với cảm xúc của mình và kiên nhẫn chờ đợi.
- Tìm kiếm một sở thích mới
Một sở thích mới thường sẽ hiệu quả hơn việc quay lại sở thích cũ, nhưng bạn có thể quay lại sở thích cũ trong một môi trường lành mạnh. Tìm kiếm điều gì đó mới để học hoặc làm có thể giúp đầu óc bạn luôn năng động và sáng tạo. Đó có thể là đan lát, vẽ, khiêu vũ, pilates, đấm bốc, thậm chí bạn có thể phải thử một vài sở thích khác nhau để tìm ra thứ gì đó mà mình thích. Nhưng quá trình học một điều gì đó mới sẽ mang lại cho bạn cảm giác bổ ích và mang lại cho bạn năng lượng cũng như sự xao lãng.
- Đầu tư năng lượng cảm xúc vào các mối quan hệ lành mạnh và mang lại sự sống
Trong khi việc vội vàng bước vào các mối quan hệ mới mãnh liệt hoặc lãng mạn không phải lúc nào cũng được khuyến khích, thì việc cởi mở kết nối với những người chia sẻ giá trị và sở thích của bạn là điều quan trọng. Nhiều người cảm thấy họ không thật lòng chung thủy hoặc trung thành nếu họ tìm thấy niềm vui mới trong cuộc sống xã hội hoặc hình thành các mối quan hệ mới.
Hãy nhớ rằng mục tiêu không phải là quên đi người thân yêu của bạn; mà là đạt đến điểm bạn có thể nhớ và tôn vinh họ mà không bị ngừng trệ các công việc khác trong cuộc sống của chính mình. Những tình bạn mới thường cho phép bạn tiến bộ với những hy vọng và tương lai mặc dù nỗi đau mất mát vẫn còn đó.
Điều quan trọng là cho phép bản thân có thời gian và không gian để đau buồn và trưởng thành. Bạn có thể cân nhắc tìm kiếm một chương trình phục hồi do nhà thờ (hoặc chùa) địa phương tổ chức hoặc có thể dành ra vài giờ mỗi tuần để cầu nguyện, viết nhật ký, hoặc suy ngẫm về nỗi đau mất mát của mình.
- Hãy buông thả quá khứ
Hãy cho phép bản thân chúng ta cười, nhảy và khám phá những điều mới mẻ sau khi có người thân yêu qua đời vì bạn biết rằng đó là điều họ mong muốn. Không ai yêu thương bạn lại mong muốn bạn sống nửa vời khốn khổ. Tương tự như cách bạn cần cho phép mình cảm thấy tồi tệ và có những ngày tồi tệ, bạn cũng cần cho phép mình có những ngày tốt đẹp.
Hãy trân trọng cuộc sống và bài học bạn rút ra từ việc đánh mất chúng – cuộc sống rất ngắn ngủi và bạn nên luôn cố gắng tận dụng tối đa nó. Tôi biết bố tôi đã sống như vậy và trong ký ức của ông, tôi cũng cố gắng làm như vậy.
Xem thêm: 7 lý do nửa kia hay mập mờ trong một mối quan hệ