Trong khi chúng ta dành phần lớn thời gian giãn cách để lướt TikTok thì 415 năm trước đây, William Shakespeare đã cho ra đời một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, King Lear (Vua Lear), cũng trong bối cảnh nước Anh phải oằn mình chống đỡ căn bệnh dịch hạch tai ác.
Ý tưởng phải làm gì đó trong thời gian bó gối ngồi nhà là một trong những thứ chúng ta dùng để tạo động lực vượt qua khó khăn, không chỉ cho mình mà còn cho những người xung quanh. Điều này nghe có vẻ dễ dàng hơn trong thời kỳ đầu dịch bệnh, khi các đợt lockdown dài nhất cũng chỉ kéo dài 4-5 tuần. Nhưng mọi chuyện nhanh chóng thay đổi. Sau gần 2 năm COVID-19 xuất hiện, trải qua bao nhiêu mất mát, đau buồn, sức lực gần như đã cạn, thì giờ đây chỉ cần sống sót cũng có thể được xem là một loại chiến tích.
Song chính trong thời điểm tình hình dần trở nên sáng sủa thế này, thì không ít người trong chúng ta lại cảm thấy “chỉ sống sót thôi là chưa đủ”. Họ cần một điều gì đó – một chứng chỉ, một kỹ năng, một con số, thậm chí một… người yêu – để chứng minh rằng quãng thời gian mình đã năng suất thế nào, đã tận dụng tốt tất cả thời gian chết ra sao.
Chuyên gia tâm lý học lâm sàng Sabrina Romanoff (Bệnh viện Lenox Hill, NYC) cho biết, “Ngay sau khi đại dịch xảy ra, chúng ta cũng bắt đầu một cuộc cạnh tranh ngầm để xem ai tích cực hơn, chăm chỉ hơn, hiệu quả hơn. Tất cả số tiếng đồng hồ tiết kiệm được từ việc di chuyển, hội họp, tiệc tùng, … nên được dành để ‘thu thập’ những dấu chỉ khác nhau về năng suất.”
Nhưng điều này không hoàn toàn khả thi với tất cả mọi người. Thay vì duy trì một cuộc sống tích cực, hy vọng vào một tương lai tươi sáng, hay trang bị cho bản thân những kiến thức mới, thì nhiều người nhận ra mình chỉ có thể dành tất cả “thời gian bổ sung” mà mình có để cảm thấy kiệt quệ, đau khổ, chỉ đủ sức lực thực hiện những việc thiết yếu nhất.
“Ý tưởng thay thế những hoạt động vụn vặt thường ngày mà ta quen thuộc trong ‘bình thường cũ’ với việc học một ngôn ngữ hay một kỹ năng mới trong bối cảnh như hiện nay thực chất là một yêu cầu không hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh tâm trí chúng ta phải ngày ngày đối mặt với mức độ căng thẳng gia tăng.” (Sabrina Romanoff)
Tầm quan trọng của những lúc “ngừng hoạt động”
Cho dù bạn có đủ năng lượng và động lực để hướng đến những mục tiêu “to bự” hay không, tất cả cũng chẳng còn ý nghĩa gì một khi bạn không có thời gian để thư giãn và hồi phục.
Các vấn đề về sức khỏe tâm thần đã gia tăng một cách đáng kể từ khi đại dịch xảy ra. Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid (2020), nhiều nghiên cứu với mẫu dân số khác nhau ở Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ là 50.7% trầm cảm với thang PHQ-9 (Patients Health Quetionaire -9), 44.7% lo âu với thang GAD-7 (Generalized Anxiety Disorder-7), 36.1% mất ngủ với thang ISI (Insomnia Severity Index), và 73.4% có triệu chứng liên quan đến stress (thang Events Scale-Revised) (12). Điều này đòi hỏi cần có sự nhìn nhận cẩn thận hơn về vấn đề tâm thần – tâm lý trong tình huống đại dịch Covid lan tràn ở Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới WHO (World Health Organization) cũng đã đưa ra lời khuyến cáo và cảnh báo về những vấn đề sức khỏe tâm thần – tâm lý từ tháng 3/2020.
Tình trạng căng thẳng leo thang càng làm gia tăng nhu cầu về những quãng thời gian “ngừng hoạt động”. Liên tục đặt cơ thể và tâm trí vào trạng thái “khẩn cấp” mà không có thời gian nghỉ sẽ để lại những hệ quả vĩnh viễn lên sức khỏe của bạn. Cho phép bản thân được nghỉ ngơi cũng là cách để bạn bảo vệ mình.
Làm thế nào để đối mặt với cảm giác tội lỗi khi đã bỏ lỡ thời gian?
Hạn chế so sánh
Thực tế là vẫn có nhiều người trong chúng ta đã đạt được những mục tiêu năng suất đặt ra. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn dở tệ hoặc đã làm gì sai. Mỗi người đều phải trải qua những hậu quả của COVID-19. Tuy nhiên tác động của nó lên mỗi người là khác nhau, do đó sẽ là vô lý khi đòi hỏi tất cả chúng ta đều bước ra khỏi đại dịch với một tâm thái như nhau.
Hơn nữa, trong thời gian giãn cách thế này, làm thế nào để bạn biết được ai đã làm điều gì? Chủ yếu là thông qua các nền tảng mạng xã hội – nơi “bức chân dung” chúng ta vẽ lên (và nhìn thấy) không phải lúc nào cũng phản chiếu trung thực mọi thứ diễn ra ngoài đời.
Thấu hiểu cho bản thân
Bạn có hình dung được cảnh một nhân vật nào đó tập trung làm việc điên cuồng để thăng chức khi bên ngoài zombie đang vây hàng đàn hay không?
Chúng ta không thấy nhân vật nào trong The Hunger Games lại đi mua laptop và bắt đầu viết sách trong bối cảnh thế giới như vậy cả. Họ cho phép các ưu tiên của mình thay đổi khi cần thiết.
Aimee Daramus, chuyên gia tâm lý học, tác giả sách Hiểu về Rối loạn Lưỡng cực (Understanding Bipolar Disorder)
Theo một nghiên cứu công bố năm 2019 trên tờ Frontiers in Psychology, những căng thẳng liên quan đến đại dịch có thể ảnh hưởng đến khả năng xử lý và ghi nhớ thông tin ở người trưởng thành, ngay cả ở những người đang không bị các chứng rối loạn tâm lý (ví dụ như trầm cảm, lo âu, …). Do đó, bạn hoàn toàn có thể đặt mục tiêu cho bản thân, nhưng cần tránh việc tự tạo áp lực quá mức cho mình. Tâm trí bạn không cần chịu thêm gánh nặng nữa đâu!
Công nhận những thành tích của mình
Không viết ra quyển sách nào, không học được ngôn ngữ mới, hay không hoàn thành khóa học bạn đặt mục tiêu từ lâu không đồng nghĩa với chuyện chẳng làm được gì. Thời gian vừa qua, thực tế chúng ta đã đạt được nhiều thứ hơn mình tưởng.
– Làm quen với những biện pháp phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe: ngay cả trước đại dịch, chúng ta đều biết là nên rửa tay sau khi chạm vào những bề mặt công cộng như tay nắm cửa, cầu thang, … nhưng liệu có bao nhiêu người làm như vậy?
– Quan tâm và tìm hiểu những thông tin khoa học, dù chỉ ở mức cơ bản: ví dụ gần gũi nhất là việc chúng ta tìm kiếm thông tin và lựa chọn rằng mình muốn được tiêm loại vắc-xin COVID nào hơn.
– Đối mặt và tìm cách giải quyết với những thứ có thể chưa từng gặp phải trước đây: chẳng hạn như lo lắng, trầm cảm, suy sụp, cô đơn, …
– Làm quen và thành thạo những kỹ năng / công việc mà trước giờ không động tay hoặc cho rằng không cần thiết: ví dụ như chọn mua và bảo quản thực phẩm, tính toán chi tiêu với một ngân sách eo hẹp, nấu ăn, và quan trọng nhất là kỹ năng làm việc từ xa.
Do đó, thay vì sỉ vả bản thân vì thấy mình thật kém cỏi, thiếu động lực, hãy lập danh sách tất cả những thách thức bạn đã vượt qua và những điều mới mà bạn đã học được. Bất cứ thành tích nào dù nhỏ nhất đều đáng được khen ngợi cả.
Nhìn về tương lai
Điều cuối cùng cần ghi nhớ, đó là chúng ta không thể lấy lại quãng thời gian đã mất. Tương lai mặc dù vẫn chưa thể chắc chắn vì đại dịch có thể trở lại bất cứ lúc nào, tuy nhiên nó vẫn là một con đường mới. Thay vì cảm thấy hối tiếc vì quãng “thời gian bị bỏ lỡ”, hãy bắt đầu suy nghĩ về những mục tiêu mới và cách để đạt được chúng.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Cách sử dụng thời gian hiệu quả trong những ngày làm việc tại nhà
7 thử thách “siêu nhỏ” giúp bạn yêu thương bản thân “siêu nhiều”
Những cái yêu thương 0 đồng ở khắp Việt Nam
Thảo luận về bài viết