Độ khoảng vài tháng về trước, vào khoảng giữa tháng 7, giới trẻ Sài Thành được trở về tuổi thơ với món milo dầm trân châu – món ăn vặt “quốc dân” mới mẻ này.
Nếu ngày xưa, milo dầm với hương vị đắm chìm phủ đầy ụ bột milo, thì giờ đây milo dầm còn có thêm nhiều trân châu, bán flan đi cùng, ăn vui miệng và ngon không kém. Cái đắng xen lẫn cái ngọt sữa tan vào trong đá lạnh, nghĩ thôi đã thấy “rộn rạo” cổ họng mỗi ngày nóng bức rồi.
Hôm đó chắc cũng tầm chiều tối, trời cũng mưa lâm râm, vậy mà từ ngã đường Hồ Tùng Mậu nhìn sang đã thấy chiếc xe bán nước bu kín người nằm ngay lối ra vào chung cư cũ Tôn Thất Thiệp. Chỉ là một quầy nước bé, trang trí đơn giản, lại nổi tiếng với món milo cacao trân châu nổi tiếng nhất nhì thành phố, xe nước của cô Phụng là chỗ hẹn thân quen của nhiều bạn trẻ sau những giờ làm căng não.
Đứng xếp cuối hàng chờ cô Phụng bán mà bụng dạ cũng rộn ràng theo, vì cái mùi cacao thơm nức mũi cùng tiếng đá rộn rạo không ngừng kích thích chiếc bụng đói. Chờ tầm 5 phút cũng đến lượt mình, gọi ly milo cacao dầm trân châu đặc trưng của quán, cũng hỏi thăm xin cô phỏng vấn vài câu, cô vui vẻ nhiệt tình tiếp chuyện.
Hỏi ra mới biết, tuổi nghề của cô còn nhiều khi còn lớn hơn tuổi đời của mấy em vừa thi đại học năm may.
“Hồi đó thì cô bán cà phê nước ngọt thôi. Xong rồi sau này mới chuyển qua bán milo cacao. Cô bán mười mấy năm rồi. Giờ bán milo là chánh nhưng cô vẫn còn bán cà phê. Tại vì mối quen cô bán cà phê còn nhiều lắm. Tối cô hay bán cho mấy người tài xế. Mấy ông tài xế uống quen cô rồi đi đâu uống thử cũng phải quành về đây mua cà phê của cô à. Cà phê cô pha là cô dùng cà phê Trung Nguyên mua ở tiệm. Thành ra cà phê của cô uống không có mùi khét.”
Vừa nói thì có một chị mang cái ca to sang, bảo bán cho một ca nước dão lớn. Cô cười hì “Chỗ cũ phải không?”
“Sao cô biết milo dầm mà cô bán hay vậy cô?”
“Thì lúc đó cô thấy trên mạng nó đang hot ba cái milo cacao nên cô tìm tòi cô bán thêm thôi. Nhưng mà bán mát tay nên tụi nhỏ mua milo nhiều hơn mua cà phê. Cô bán milo cacao là chủ yếu, sữa chua việt quất, trà tắc, trà đào có hết. Riêng cà phê, nước ngọt là cô vẫn bán cho mối quen mà không có bày lên thôi.”
Milo dầm cô Phụng thơm mùi cacao, đậm vị đắng đầu lưỡi, ngọt ở cuống họng. Milo ăn cùng đá bào mát lạnh, sữa đặc ngọt ngọt là những thành phần cơ bản làm nên món milo đá bào dân dã mà mang hương vị lưu lâu, khó quên vô cùng.
“Milo cô pha vừa uống, không gắt đâu con. Pha ngọt quá mất chất mùi cacao. Pha vừa uống nó vẫn nghe cái mùi đắng đắng, ngọt ngọt. Vậy uống mới ngon.”
Vì khách đông nên cô hay cho sẵn nước sốt cacao vào ly, khách đến mua một lần 3-4 ly, cô chỉ cần cho đá bào vào, sữa milo pha sẵn, múc thêm topping và bột milo ngọt lịm lên cùng, thêm cái bánh flan đầy ụ nếu thích. Các loại topping của món milo dầm cô Phụng vô cùng đa dạng, trải dài từ thạch đủ loại đến trân châu thơm dẻo. Mỗi ly cô bán chỉ 25 nghìn đồng, mà ăn ly nào sướng miệng ly đó.
“Nè coi trân châu cô nấu nè.” Vừa nói cô vừa khuấy một xô lớn đựng trân châu. “Tụi nó ăn trân châu của cô là tụi nó ghiền, cứ mua 20-25k trân châu miết. Nhiều khi mua chung với ly caocao thôi ăn không đã. Tụi trẻ, giống như con nè, tụi nó khoái nhai nhai vậy đó.
Trân châu là cô nấu mỗi buổi sáng. Biết sao không, cô nấu trong ngày không à. Cái này mà con để qua đêm là trân châu nở ra không đẹp. Bây giờ con thấy cục trân châu nó đẹp đúng không?”
Đẹp thật! Viên nào viên nấy tròn đều nhau, to vừa phải, óng ánh, thơm nức mùi đường đen. Nhìn cả xô trân châu nhiều vậy, nghĩ sao mà cô bán hết được. Nhưng mà “Bán được, bán sạch có hôm bán thiếu luôn đó con.”
“Có hôm cô bán 25 ly trân châu bỏ lên mạng. Khách khen trân châu ngon nên mua trân châu về không đó. Trân châu phải dẻo dẻo. Đừng có ăn mềm quá ăn nó ngán. Mềm nhưng mà phải có độ dẻo, ăn nó dai dai mới ngon.”
“Tự nấu vậy chắc mất thời gian lắm hả cô? Vậy là chắc cô dành nguyên buổi sáng để chuẩn bị nguyên liệu bán rồi”
“10 giờ sáng là cô dọn hàng rồi, bán suốt tới tối luôn đó con. Thường sáng lu bu đi chợ rồi nấu trân châu thì cô nhờ nhỏ chị ra bán sáng. Sáng mở mắt ra cô đi nấu. Nấu xong tranh thủ chạy đi chợ. Hôm thì đi mua ly, mua một lần bán hai ba bữa. Hôm chạy đi mua sữa, mua milo. Xoay tua vậy đó. Bán hai ba bữa là mua cái khác.”
“Bán vậy có chuyện gì buồn không cô?”
“Cô bán được lắm. Đâu có gì buồn đâu. Chỉ có trời mưa quá bán hơi chậm thì buồn xíu thôi.
Cũng có mấy ngày đầu mới bán phải chịu cực, cũng phải chịu khó tìm tòi học cách nấu cách pha nè con. Hồi đầu đâu có bán được nhiều như giờ, được chừng chục ly là nhiều. nào mà bán được 30 ly là cô mừng lắm rồi đó. Sau này cô mới đăng kí bán trên mạng. Mấy cái ứng dụng trên mạng là cô đóng tiền để bán được đó con. Xong rồi thì họ kêu mình đưa mấy hình chụp mấy ly nước để đăng lên trển bán. Từ hôm bán qua mạng thì bán được hơn.
Thêm nữa là mấy người uống giống con nè, giới thiệu bạn bè rủ nhau qua ủng hộ cô, truyền qua truyền lại riết bán mới lên. Giờ mỗi ngày cô bán chắc được hai ba trăm ly lận đó.”
“Có hôm cô bán đông đến nỗi mà phải đứng xếp hàng dài. Lúc đó là do bên dụng người ta có chương trình khuyến mãi. Cô bán riết mà cô ốm cả chục kí lô đó con.”
“Mấy hôm đông vậy chắc cực lắm hả cô? Mà có ai phụ không cô?”
“Có, bữa hổm bán đông quá thì có kêu nhỏ em dâu xuống phụ, với thằng con trai xuống thâu tiền. Đơn lớn nhất mà cô bán là một lần làm 25 ly. Công ty uống bữa trưa đó. Thường giấc trưa là công ty nó đặt nhiều, chừng năm bảy ly gì đó.”
Cô cũng kể, niềm vui trong việc bán buôn hằng ngày đến từ khách hàng, hay mấy chú đến mua giao cho khách đặt trên mạng. Vì chỉ là một chiếc xe nhỏ ngay cửa vào chung cư, nên đa số người ta đến mua về là chính. Ít có ai ngồi lại. Nếu có thì cô cũng cho mượn ghế, mượn dù sang ngồi bên đường tránh mưa.
“Có cái cô bán được mà không có chỗ ngồi. Nhưng mà mình cũng lợi cái thế là gần phố Nguyễn Huệ. Tụi nó mua đem ra ngoài phố Nguyễn Huệ ngồi uống luôn. Tụi nó rủ nhau chạy vô đây mua hai ba ly gì đó, rồi ra phố Nguyễn Huệ ngồi chơi. Nhiều khi cũng ngồi uống nửa chừng cũng xách ly ra ngoải à.”
Đứng nói chuyện hồi lâu, cô cũng kể cho nghe nhiều chuyện hay ho phết. Trong lúc bán, đúng là quen nhiều người, gặp nhiều chuyện. Nói chuyện với cô Phụng, sẽ biết ngay cô là người sống thoải mái, bán cũng thoải mái không kém. “Giúp được ai là cô giúp, tính toán gì hai ba đồng con.” Hôm đó đi mua một ly milo dầm trân châu, cô vui vẻ tặng luôn mà không lấy tiền. “Tụi con đến nói chuyện với cô là cô vui rồi. Có một ly coi như bán làm quen.”
“Mấy đứa nhỏ nhiều khi tụi nó không có tiền đi ngang cô cũng bán rẻ cho tụi nó nữa. Giống như mới hồi nãy có thằng nhóc kia nó lại mua. Bình thường cô bán một ly 35k thập cẩm bánh flan to. Mà nó kêu nó không có tiền, cô bán cho nó 20k đi. Cô nói thôi kệ, bán luôn 20k thập cẩm bánh flan to cho nó.
Mới vừa gặp xong tới thằng kia. Còn có 10k trong túi à, mà kêu cô bán cho nó ly nước uống. Nó nói là nó đói bụng. Xong rồi mình cũng bán cho nó ly thập cẩm không có lấy tiền, thôi cho nó luôn 10k. Nghĩ trong bụng, cho nó cái này mốt mình có cái khác.
Mà mới vừa nói xong, cô bán liền được 11 ly thập cẩm bánh flan to. Mới vừa nói xong luôn đó con, là mấy đứa nhỏ khác lại mua 11 ly. Cười muốn chết. Thấy không. Ông trời cho lại cái khác đó thấy không.”
Cuộc nói chuyện cũng vui, cũng dễ thương, đáng nhớ. Ít khi nào có dịp mua đồ gì mà đứng lâu nói chuyện với người bán. Bình thường chỉ biết người ta nấu đồ ngon thôi. Nay biết người ta có thêm cái “bụng” đẹp. Một ly milo dầm miễn phí nhớ suốt đời.
Thực hiện: Nghi To
Ảnh: Phương Lưu
Thảo luận về bài viết