Không dễ dàng để chấm dứt một mối quan hệ. Cuộc chia tay nào cũng ít nhiều nhuốm màu đau khổ, cho dù nguyên nhân dẫn đến nó là gì. Có 7749+ lý do để hai người rơi vào lưới tình, thì cũng có chừng ấy lý do khiến họ phải rời xa – một trong số đó là vì bạn đã gặp phải kiểu người khó cắt đứt nhất.
Những mối quan hệ dạng này thường sẽ bắt đầu bằng việc cả hai bị ‘dính’ vào nhau, hoặc chính xác hơn là bạn bị người kia thu hút, cả về hình thức bên ngoài lẫn tính cách bên trong. Trong mắt bạn, họ là người đáng ngưỡng mộ và / hoặc đáng cảm thông. Cuộc sống hiện tại và những gì trong quá khứ của họ thật sự chạm đến tâm hồn và sự tò mò của bạn.
Mối quan hệ này sẽ không bao giờ kết thúc, vì bạn mong muốn nó kéo dài mãi mãi. Về phía đối phương, họ cũng rất nhiều lần thể hiện rằng rất thích bạn, rằng không bao giờ có ý định rời bỏ, rằng cũng như bạn, họ mong muốn mối quan hệ này kéo dài mãi mãi.
Nhưng dần dà, một vấn đề nho nhỏ xuất hiện giữa hai người. Thực ra nó vẫn ở đấy từ đầu, lại còn là chuyện nghiêm trọng chứ chẳng bé bỏng gì cho cam. Chỉ do nó giỏi khéo léo ẩn mình lại rất khó để nắm bắt. Một cách từ tốn và chậm rãi, bạn nhận ra người mình yêu, ngoài việc nói lời yêu thương mình, còn đang gây ra những ảnh hưởng vô cùng tồi tệ đến sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần cho bạn.
Họ đã làm điều đó như thế nào trong khi vẫn yêu thương bạn hết lòng? Có nhiều dạng thức và biểu hiện cho việc này. Vũ lực là một trong số đó. Nhưng thực tế thì họ vẫn có thể làm tổn thương bạn theo nhiều cách tàn khốc khác nhau mà chẳng cần nhấc đến một đầu ngón tay – ngoại tình, tiêu xài hoang phí, nghiệp ngập, hoặc thường xuyên ‘vắng mặt’. Bạn không cảm nhận được sự ấm áp hay tin cậy, vì họ không chủ động mang đến điều đó. Họ tránh né những cái ôm và những cử chỉ tiếp xúc thân mật. Nói cách khác, họ hiện diện, nhưng không thật sự hiện hữu.
Khi lờ mờ nhận ra điều không ổn, có thể bạn sẽ bắt đầu lên tiếng. Nhưng thay vì nghiêm túc đặt vấn đề, bạn lại chọn cách tiếp cận ít trực diện hơn – mè nheo, hờn lẫy, bóng gió xa gần. Lý do vì tình cảm bạn dành cho đối phương quá lớn, và vốn dĩ bạn cũng là người không hề muốn làm người khác thấy tổn thương.
Sẽ mất rất lâu, vài năm, thậm chí hàng chục năm, trước khi bạn có đủ dũng khí đối mặt và giải quyết vấn đề theo cách ‘người lớn’ hơn – thẳng thắn chất vấn, yêu cầu họ thừa nhận những hành vi gây tổn hại mà họ đã gây ra. Nhưng dù có mất bao nhiêu lâu đi nữa, kịch bản chung thường sẽ diễn tiến theo hai hướng.
Thừa nhận
“Quá đủ rồi!”, nào là ngoại tình, bạo lực, nghiệp ngập, hoang phí, xa cách, thờ ơ, lãnh đạm,… Bạn nói hết cho họ nghe rằng bạn đã phải chịu đựng đến mức nào, rằng đây là “cảnh báo” cuối cùng bạn dành cho họ. Nếu họ không thay đổi, bạn sẽ chấm dứt mối quan hệ này (mặc dù đó là điều bạn không hề muốn xảy ra, vì bạn yêu họ mà).
Nói xong những lời đó, bạn đỏ mặt tía tai, thậm chí run bần bật cả người. Bạn sẽ nghĩ chắc mình điên rồi (vì ai lại đòi chấm dứt mối quan hệ với người mình yêu khi mà người ta vẫn luôn nói yêu mình chứ). Vậy nên bạn cũng không ngạc nhiên nếu họ có đáp trả lại bằng những lời nói cay độc. Thế nhưng điều kỳ lạ đã xảy ra. Họ thừa nhận! Họ thú nhận tất cả! “Ôi, em (anh) nói không sai chút nào! Trước giờ anh (em) không nghĩ anh đã gây ra nhiều tổn thương cho em (anh) đến thế! Anh (Em) hiểu rồi, cho anh (em) xin lỗi nhé cục cưng!”
Đối phương hứa sẽ thay đổi, chỉ cần bạn thông cảm và cho họ ít thời gian. Họ tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Mọi thứ dần được giải quyết. Các vấn đề cá nhân được kiểm soát. Lòng thành của họ làm bạn cảm động, hơn nữa, điều này còn có nghĩa rằng đối phương đã thật sự làm chủ được bản thân trước những thói hư tật xấu. Bạn tin tưởng vào sự thay đổi này. Chính xác hơn, bạn mong chờ thời khắc này. Có thể bạn chưa kịp nhận ra vở kịch họ diễn, nhưng bạn đã trở thành khán giả trung thành của họ mất rồi.
Sự thật, đối phương không thay đổi bất cứ điều gì, mặc cho họ có hứa hẹn đến đâu. Sự “kiểm soát” họ cho bạn thấy chỉ có giá trị ngắn hạn. Nó đủ quyết liệt để giữ chân bạn lại, nhưng không đủ mạnh mẽ để giải quyết vấn đề.
Từ khi họ cho bạn nghe những lời thề thốt đến lúc bạn thật sự nhận ra đối phương không có khả năng (hoặc ý định) thay đổi bản thân như đã hứa, rất nhiều chuyện có thể xảy ra. Cả hai có thể có con. Với bạn, những đứa con sẽ làm hoàn hảo thêm bức tranh tương lai hoàn mỹ. Còn với họ, con cái chính là sợi dây để trói bạn bên cạnh. Thời gian qua đi, cả hai lại càng có nhiều ràng buộc. Đến khi nhận ra, thì tuổi trẻ cũng đã mất, và ngoài mối quan hệ này thì bạn không còn nhiều lựa chọn khác cho cuộc đời mình nữa.
Phủ nhận
Bạn thấy tình huống phía trên như thế nào? Có phải quá u ám không?
Tình huống thứ hai sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Câu chuyện trong tình huống này có phần mở đầu tương tự tình huống thứ nhất, chỉ có phần kết sẽ khác. Trong câu chuyện này, họ không thừa nhận. Ngược lại, họ phủ nhận! Bạn chỉ đang tưởng tượng ra mọi thứ. Bạn mới là nguồn cơn của vấn đề.
Họ giận dữ và tỏ ra bị xúc phạm bởi những lời cáo buộc của bạn, “Sao em (anh) lại nghi ngờ anh (em)? Em (Anh) không tin anh (em) à?” Họ chỉ trích bạn, nói rằng bạn cư xử thế này là quá thô lỗ, rằng đáng lẽ bạn nên có lòng tin hơn ở họ cũng như ở mối quan hệ này. Và rồi họ tấn công lại bạn, “Em (anh) nói anh (em) điên à? Em (Anh) cũng điên như vậy thôi. Mọi chuyện đều do em (anh) mà ra.”
Suốt thời gian hai người bên nhau, bạn đâu “quay phim” lại mọi lời nói, hành động, phản ứng của đối phương. Sẽ rất khó để bạn đưa ra chứng cứ cho những lời cáo buộc của mình, thậm chí họ sẽ khiến bạn hoài nghi về tính xác thực của mọi chuyện. Rốt cuộc là anh ấy (cô ấy) hoang phí thật, hay mình chỉ đang cằn nhằn vô lý? Có phải anh ấy (cô ấy) đang tán tỉnh người khác không, hay mình chỉ ghen tuông quá đáng? Là do mình nhạy cảm thôi hay thật sự anh ấy (cô ấy) không còn muốn gần gũi nữa?
Cứ thế, người bạn yêu liên tục nói với bạn (bằng một giọng điệu không lấy gì làm nhẹ nhàng) rằng những “khó khăn” kia chỉ là những đòi hỏi quá đáng, là sản phẩm của một đầu óc hoang tưởng. Và rằng quả thực đang có gì đó không ổn với bạn.
Có thể bạn là kiểu người thông minh, tử tế, sẵn sàng lắng nghe và chấp nhận những ý kiến khác biệt. Bạn biết bản thân mình không hoàn hảo, không tốt đẹp ở tất cả mọi mặt. Bạn biết khi nào thì bạn sai. Thế nên ở tình huống này, khả năng bạn đang “hoang tưởng” cũng có thể xảy ra lắm chứ. Đã thế, tiếp tục kết tội đối phương để làm gì? Họ nói bạn không tỉnh táo thì sao? Họ nói bạn tưởng tượng ra mọi chuyện thì sao? Những lời họ nói có gây sát thương đến đâu đi nữa, đây vẫn là người bạn yêu thương, là người bạn không muốn rời xa. Để giữ vững mối quan hệ này, bạn chấp nhận trả bất cứ giá nào. Cho dù nó có bao gồm chuyện bỏ qua nhu cầu tinh thần của bản thân và đồng ý với đối phương rằng có lẽ bạn “điên” thật.
Vậy là bạn thôi không nhắc lại vấn đề này nữa. Bạn “an phận”. Trong thời gian này, số lượng các mối ràng buộc giữa đôi bên tăng lên, trong khi cơ hội sống một cuộc sống thật sự của bạn giảm xuống. Nghiêm trọng hơn, bạn có thể trở nên “lú lẫn”. Bạn không phân biệt được thực tế, không còn biết thật sự bạn là người như thế nào. Bạn dần trở nên điên loạn như lời họ trước đây. Bạn suy sụp. Và bạn biết đấy, sẽ rất khó để rời bỏ họ vào lúc này, khi chính bạn đã không còn đủ vững vàng để làm điều đó nữa.
Kết
Mặc dù cả hai trường hợp đều có kết cục bế tắc, nhưng cuối cùng, bạn sẽ vẫn phải rời bỏ mối quan hệ này nếu bạn còn quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình. Chấm dứt với người bạn yêu không phải là chuyện dễ dàng. Họ cũng (nói rằng họ) yêu bạn cơ mà. (Đồng thời cũng là một người hoặc chỉ giỏi hứa suông, hoặc chỉ giỏi đổ lỗi.)
Bạn thấy vô cùng cô đơn khi quyết định chấm dứt. Một mình bạn vật lộn với đủ thứ cảm xúc. Bạn thấy mình nhẫn tâm, vì không phải họ đã hứa sẽ thay đổi sao? Hay có thể bạn sẽ thấy mình hành động không khác người mất trí, vì bạn nghi ngờ và lựa chọn rời bỏ một người luôn thật lòng với bạn. Bạn đưa ra quyết định rời khỏi mối quan hệ này (sẽ tệ hơn nếu cả hai đã có con) không dựa trên cơ sở cụ thể gì ngoài việc “cảm thấy” đối phương đang và không thể ngừng gây tổn thương bạn (cho dù họ có nói họ yêu bạn đến thế nào đi nữa).
Thế nhưng, bạn phải làm điều đó thôi. Hãy tự nhủ thế này: Mình đang yêu một người “độc hại”. Anh ta (Cô ta) sẽ không thay đổi, thậm chí còn lấy mình ra để biện hộ cho chuyện đó. Anh ta (Cô ta) không thừa nhận những gì đã gây ra cho mình, lợi dụng sự cả tin, khiến mình hoài nghi bản thân, mục đích chỉ để mình không tiếp tục nhìn ra những chuyện họ làm. Nói với bản thân bạn rằng, có thể trong quá khứ, bạn đã phải chịu đựng nhiều trường hợp tương tự, và đó là lý do khiến bạn nghĩ rằng bạn đủ rộng lượng, đủ bao dung cho một mối quan hệ độc hại như thế này.
Những người leo núi sẽ biết có những đỉnh núi họ không thể chinh phục một mình. Bạn cũng vậy. Hãy tìm cho mình một người có thể đi cùng bạn trên hành trình này. Đó có thể là một chuyên gia tâm lý trị liệu, hoặc có thể là một người bạn mà bạn hoàn toàn tin tưởng. Họ sẽ là những người dành thời gian lắng nghe bạn, nói với bạn rằng bạn hoàn toàn đủ tỉnh táo và sáng suốt.
Sẽ có lúc bạn không thấy tự tin với bản thân, hoặc bạn nghĩ mình đang hành động hấp tấp, hoặc đang làm mọi thứ rối tung lên. Đây là những cảm giác không thể tránh khỏi. Và họ chính là người sẽ ở bên cạnh vào lúc này, ủng hộ những lựa chọn của bạn. Bởi vì, cho dù có tự trách hay có cảm giác tiêu cực thế nào đi nữa, bạn cũng đang từng bước đưa ra quyết định tốt nhất cho cuộc đời mình.
(Nguồn: TheSchoolOfLife)
Xem thêm:
Gaslighting – Khi người yêu trở thành người điều khiển rối
Tình yêu hay sự nghiệp – Đâu là chân lý và đâu là “chân tường”?
“Khoảng cách” – ngôn ngữ thứ sáu của tình yêu
Những chương trình hẹn hò thực tế cho chúng ta biết điều gì về tình yêu?
Vén màn bí mật “tình yêu sét đánh”
Thảo luận về bài viết