Trong cuộc đời, chúng ta chẳng thể nào tránh khỏi những lúc chán ghét bản thân, tự nhìn nhận mình như một kẻ thất bại, chẳng làm gì nên hồn, chẳng xứng đáng nhận sự quan tâm tử tế của người khác.
Nỗi sợ và sự bất an của mỗi người không giống nhau. Bạn có thể tự tin hơn ở lĩnh vực này nhưng vô cùng lo sợ ở lĩnh vực khác. Bạn cũng có thể kiểm soát tốt “nhà phê bình” nội tâm tiêu cực hôm nay, nhưng ngày mai lại không thể. Do đó, nhiều người cứ bỏ mặc không thèm quan tâm nữa. Nhưng chính họ là người rõ hơn ai hết rằng không phải mình tránh nhìn đến cái gì thì nó sẽ tự động biến mất.
Nếu cứ bỏ mặc, lòng chán ghét bản thân sẽ ngày một lớn dần, phá hủy những mối quan hệ, làm sụp đổ sự nghiệp, giết chết những mục tiêu, ảnh hưởng cả đến cách bạn dạy dỗ con cái trong tương lai, tạo ra thêm nhiều thế hệ cũng chán ngán chính mình như bạn.
Xem thêm: Chán ghét bản thân – Dấu hiệu và nguyên nhân (P1)
Chán ghét bản thân đem lại những tác động thế nào?
Nhìn chung, thù ghét bản thân sẽ khiến một người bị ảnh hưởng về nhiều mặt:
Có thể trở thành một người tôn sùng sự hoàn hảo, sẵn sàng vắt kiệt thể chất và tinh thần để hoàn thành công việc.
Ngừng cố gắng hoặc tự phá hủy những nỗ lực của chính mình vì cho rằng đằng nào thì kết quả cũng chẳng đâu vào đâu.
Thấy như bị kiềm hãm vì cảm giác không bao giờ có thể đạt được những gì mình mơ ước.
Vật lộn với cuộc sống vì thiếu tự tin và không có lòng tự tôn.
Lo lắng thái quá về những vấn đề thường nhật hoặc về tương lai.
Có những hành vi tự hủy hoại: không chăm sóc bản thân, sử dụng chất kích thích, ăn uống không kiểm soát, tự cô lập, …
Gặp khó khăn khi phải đưa quyết định, có cảm giác phụ thuộc và cần có ai đó “cầm tay chỉ việc”.
Vô tình lựa chọn phát triển mối quan hệ với những người bạn / người yêu độc hại, hoặc chỉ muốn lợi dụng bạn.
Không tin bản thân có năng lực, phẩm chất gì tốt đẹp, từ đó cho rằng người khác chỉ đang muốn làm mình vui hoặc đang có ý đồ không tốt khi khen ngợi mình.
Thấy mình như bị ruồng bỏ, bị mất kết nối với người khác, không có cảm giác thuộc về ở bất cứ đâu với bất cứ ai.
Tin rằng tương lai vô cùng ảm đạm, không kỳ vọng gì, không thay đổi gì, cũng không có điều gì tích cực.
Bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng tác hại và dấu hiệu của chán ghét bản thân khá giống nhau. Đây là một dạng lời tiên tri tự ứng nghiệm, một “vòng lặp chết chóc” không dễ dàng thoát ra một khi đã lỡ bước chân vào.
Làm thế nào để ngừng, hoặc ít nhất là hạn chế, việc chán ghét bản thân?
Thoát khỏi vòng lặp hận thù chính mình là một việc khó, tuy nhiên nó không hoàn toàn bất khả thi. Điều đầu tiên và quan trọng nhất cần ghi nhớ đó là bạn không có lỗi vì cảm giác này, nhưng bạn toàn quyền chịu trách nhiệm nếu bạn chọn không làm gì để thay đổi nó.
Thử viết nhật ký
Nếu thấy ngại ngần khi đến viết, bạn không phải quá lo lắng về nhật ký đâu. Bạn không cần làm công việc sáng tác, không cần lên kịch bản, cũng không cần áp dụng bất cứ thủ pháp nghệ thuật nào, vì bạn chỉ đang đơn giản thuật lại những sự kiện và những cảm nhận của mình trong ngày.
Những dòng ghi chép này cho bạn cơ hội nhìn lại các tình huống và cách bản thân phản ứng với chúng, từ đó bạn dễ dàng quan sát được đâu là lúc bản thân dễ bị kích động cũng như những “kiểu mẫu” thay đổi cảm xúc của mình.
Và lý do cuối cùng để mạnh dạn viết (dù có thể dở), đó là có ai đọc ngoài bạn đâu!
Chống lại “nhà phê bình” nội tâm
Khi đã có được nhận thức rõ hơn về cảm xúc của mình và những tác nhân gây ra chúng, bạn có thể chuyển hướng chú ý sang những “tiếng nói” bên trong bạn gặp mỗi lúc cơn chán ghét bùng lên.
Đừng vội tin “nhà phê bình”, thay vào đó, hãy đặt câu hỏi về tính xác thực của chúng. Liệu những suy nghĩ này có phản ánh thực tế hay không? Có phải bạn là người tồi tệ, yếu kém như lời phê bình này “khẳng định” hay không?
Tử tế hơn với chính mình
Hãy thử tưởng tượng bạn đang đối thoại với một người vô cùng thân thiết. Bạn sẽ nói gì với người đó khi họ liên tục bảo rằng bản thân vô dụng, ngốc nghếch, không xứng đáng được người khác yêu thương?
Chúng ta luôn muốn dành tất cả những gì dịu dàng nhất cho những người gần gũi, trân quý với mình. Vậy cớ gì lại không làm thế với bản thân – đối tượng gần gũi nhất của mình?
Dành thời gian với những người tích cực
Ngoài ra, đừng quên những người làm bạn thấy vui vẻ, thoải mái, giúp bạn trở nên tốt hơn từng ngày. Chúng ta không có lý do gì để duy trì mối quan hệ với những người khiến ta cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân.
Thiền định hoặc tìm đến chuyên gia tư vấn trị liệu
Nếu bạn thấy khó để sống chậm lại, tách mình ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực, bạn có thể cân nhắc thực hành thiền hoặc nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia tư vấn trị liệu. Những người có chuyên môn sẽ giúp bạn nhận thức, giải quyết những tổn thương quá khứ nhanh hơn, đồng thời hướng dẫn bạn cách tìm đến các suy nghĩ tích cực hữu ích hơn.
Chăm sóc bản thân và hướng đến cuộc sống bạn mong muốn
Chăm lo sức khỏe tinh thần và thể chất của bản thân bằng cách: ăn ngủ điều độ, tập thể dục, giảm thời gian sử dụng mạng xã hội / thiết bị di động, dành ra vài phút mỗi ngày để ghi chép hoặc trò chuyện với chính mình để bản thân có cơ hội nhìn lại những gì đã xảy ra trong ngày.
Khi tinh thần cải thiện, bạn sẽ có nhiều động lực hơn để bước những bước chân đầu tiên trên hành trình hướng đến cuộc sống mình mong muốn – chuyển việc, du lịch, kết thúc một mối quan hệ, lập gia đình, chuyển đi xa, …
Theo thời gian, bạn sẽ dần có cái nhìn rõ hơn về việc mình là ai, mình muốn gì, và mình xứng đáng với điều gì. Xác định giá trị của mình là một trong những thay đổi quan trọng để có thể bớt chán ghét bản thân và học cách yêu lấy chính mình.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Smartphone có làm chúng ta ngớ ngẩn hơn?
Làm thế nào để không ai bị “bỏ rơi” trong cuộc trò chuyện nhóm?
Những đặc điểm tính cách ít ai nói, được “gói” kỹ của người thành công
Thảo luận về bài viết