#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Trong những năm gần đây, khái niệm chronoworking ngày càng trở nên nổi bật trong thế giới kinh doanh. Trong khi các công ty luôn tìm kiếm những cách thức sáng tạo để tối ưu hóa hiệu suất và phúc lợi của nhân viên, thì phong cách làm việc trên đã trở thành một giải pháp đầy hứa hẹn cho nhiều nhân viên đang phải ngày đêm ‘cày’ cho xong deadline.
Mới đây vào giữa tháng 6, sau khi Indonesia thí điểm tuần làm việc 4 ngày, đã có nhiều cuộc tranh luận rằng liệu đây có phải là cách để giúp nhân viên bảo toàn tinh thần của mình cũng như nâng cao hiệu quả hay không. Và mặc dù mọi kết luận cuối cùng đã chỉ ra lợi ích của việc thí điểm này trong khía cạnh cân bằng cuộc sống; thì vẫn còn một giải pháp khác mà mọi người hướng đến: đó là để nhân viên của mình tự chủ hơn trong công việc.
Trong năm 2023, ta đã thảo luận nhiều khi tuần làm 5 ngày (từ thứ Hai đến thứ Sáu). Đến năm 2024, nhiều người đã bắt đầu luận về mốc thời gian làm 8 tiếng mỗi ngày được cố định (thường là từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều). Điều này diễn ra vì xu hướng những người thức dậy sớm có thể chọn khung giờ từ 6 giờ sáng đến 3 giờ chiều, còn những ‘cú đêm’ sẽ bắt đầu muộn hơn. Một số công việc lại có nhu cầu tập trung vào các mốc thời gian này cho nên cả hai sẽ tìm đến với nhau một cách có chủ đích hơn.
Khi đó khái niệmchronoworking được biết đến nhiều hơn.
Vậy Chronoworking là gì?
Theo nghĩa cơ bản nhất, chronoworking đó là phong cách làm việc theo đồng hồ sinh học của mình. Chronoworking cho phéo mọi người điều chỉnh công việc của mình theo những biến động tự nhiên trong suốt một ngày (hoặc tháng, hoặc năm), và điều chỉnh giờ làm của mình sao cho phù hợp. Điều này cũng có nghĩa là từ bỏ sự cứng nhắc của việc làm cố định 8 tiếng/ngày; và thay vào đó cho phép từng cá nhân được tự do tạo dựng nên thời gian làm việc của mình, phù hợp hơn với mức năng lượng của mỗi người.
Thực tế là, điều này sẽ phát triển như thế nào thì vẫn còn là ẩn số. Bởi vì nó phụ thuộc vào đồng hồ sinh học cá nhân của mỗi người cũng như nhu cầu về điều này trong công việc. Nhưng chronoworking không chỉ là điều chỉnh giờ làm việc nói chung, mà còn là tối ưu hóa công việc và thời gian cá nhân dựa trên đồng hồ sinh học của mỗi người.
Lấy ví dụ nếu công việc của bạn yêu cầu phải làm việc theo ca cố định, bạn có thể lựa chọn các ca làm việc phù hợp theo đồng hồ sinh học của mình, hoặc chủ động sắp xếp các mốc thời gian theo kiểu: bạn sẽ tập trung cao vào thời điểm bạn cảm thấy tỉnh táo và năng lượng nhất, cũng như tạo ra hiệu suất công việc tốt nhất. Ngược lại, những công việc ít đòi hỏi hơn có thể được chuyển sang những thời điểm bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc ít năng lượng hơn.
Ngoài ra, ta cũng có thể điều chỉnh thời gian cá nhân để phù hợp với năng lượng của mình. Ví dụ, bạn có thể thức dậy sớm hoặc thức khuya hơn bình thường để có thời gian tập trung cho công việc. Điều này sẽ giúp bạn có thể làm việc hiệu quả hơn trong khi vẫn duy trì được sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống cá nhân và sẽ cảm thấy ít mệt mỏi hơn.
Tại sao làm việc theo đồng hồ sinh học lại quan trọng?
Nếu nhìn xung quanh văn phòng ở công sở, ta có thể thấy tình trạng chậm chạp bắt tay vào công việc mỗi buổi sáng và sự mệt mỏi luôn diễn ra vào mỗi buổi chiều gần tan làm. Hiệu quả làm việc ở các mốc thời gian này thường không cao. Viễn cảnh quen thuộc là chấm công đúng giờ vào buổi sáng và cuối ngày khiến cho người trẻ ngày nay có cảm giác “kháng cự” ngầm khi tự nhận thức bản thân như một “răng cưa” trong bộ máy. Hơn nữa kể từ sau đại dịch, những nhận định này càng có xu hướng tăng hơn dù diễn ra chậm.
Do đó xu hướng làm việc theo phương pháp chronoworking sẽ phần nào khắc phục được một số hạn chế từ những điều trên. Khi mà sự linh hoạt này cho phép các nhân viên làm việc một cách chủ động hơn, cũng như hiệu quả trong việc tự chủ khi có cảm giác không phải “chấm công” hay bị giám sát. Tuy nhiên việc này không chỉ phụ thuộc vào tính chất công việc mà đòi hỏi một sự tin tưởng đến từ cả hai phía.
Văn hoá làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tuần 5 buổi từ thứ thứ Hai đến thứ Sáu đã trở thành tiêu chuẩn từ những năm 1920. Nhưng sau một thế kỷ được áp dụng, đã đến lúc đặt câu hỏi liệu quy cách trên đó có thực sự phù hợp với chúng ta hay không.
Ta nên làm gì nếu được làm việc theo đồng hồ sinh học?
Trước khi đòi hỏi về một phương pháp làm việc mới theo chuẩn “đồng hồ sinh học” mà bạn mong muốn hãy nhìn nhận lại xem: Thứ nhất, tính chất công việc bạn có cho phép điều đó. Thứ hai, bạn có tạo đủ sự tin tưởng để chuyển sang một phương pháp làm việc mới. Thứ ba, phương pháp này có thể mang lại hiệu quả cho công việc, cho bạn nhưng liệu nó có ảnh hưởng đến những đồng nghiệp và những phòng ban khác.
Nếu đã có cho mình câu trả lời rõ ràng thì bạn có thể thử đề xuất với người phụ trách tại nơi mình làm việc. Tuy nhiên ở khía cạnh là một nhân viên thì cũng có vài điều khác mà bạn cần để tâm:
1.Chronoworking sẽ hạn chế các cuộc họp
Đây có lẽ là trở ngại đầu tiên của việc mong muốn phổ biến phong cách làm việc theo đồng hồ sinh học. Chúng ta đã chứng kiến những tình huống ‘dở khóc, dở cười’ khi có những buổi họp qua các công cụ video call lúc còn làm việc tại nhà.
Phần lớn mọi người thường cho rằng các cuộc họp không mang lại hiệu quả nhiều nhưng không có nghĩa là những điều này hoàn toàn vô nghĩa. Các cuộc họp là cơ hội tuyệt vời để hợp tác và tạo ra ý tưởng và giải quyết vấn đề trong công việc. Thế cho nên, nếu bạn tìm kiếm một công việc để có thể chronoworking, thì các công việc phải họp hành nhiều hay các chiến lược kinh doanh thường xuyên thay đổi sẽ là điều hơi bất khả thi.
2. Giao tiếp khi Chronoworking
Làm việc theo đồng hồ sinh học không có nghĩa là cuộc đời của nhân viên sẽ hoàn toàn tự do hoặc trở nên hỗn loạn, hay ta và đồng nghiệp sẽ không bao giờ gặp nhau hoặc tương tác nữa. Hãy luôn nhớ là Chronoworking chỉ là phong cách làm việc với một chút linh hoạt hơn thôi. Trong ngày ta vẫn nên dành một khoảng thời gian để có thể kết nối với mọi người cũng như tham gia vào các cuộc họp cần thiết.
3. Lầm tưởng về Chronoworking
Rất nhiều người nhầm lẫn rằngChronoworking thật sự sẽ giúp họ có nhiều thời gian và năng lượng hơn trong công việc. Điều này chỉ đúng với những người giỏi sắp xếp và lên kế hoạch vì nếu không, ngay cả thời gian ngoài giờ của bạn cũng sẽ bị công việc “nuốt chửng”.
Hầu như các cá nhân hoặc một phòng ban sử dụng phương pháp làm việc tự chủ này thường tính chất công việc đòi hỏi sự linh hoạt giờ giấc. Và đôi khi tính chất “tự chủ” mà bạn nghĩ sẽ khác với tính chất “tự chủ” mà công việc cần ở bạn.
Làm quen với công việc cần chronoworking
1. Hiểu rõ về năng lượng hoạt động của mình
Thử đặt câu hỏi như thế này nhé, bạn có đồng hồ sinh học riêng của mình không? Bạn có biết ngày làm việc lý tưởng của bạn sẽ trông như thế nào không? Nếu bạn nói ‘Không!’ thật to, thì điều này hoàn toàn dễ hiểu. Hầu hết chúng ta đã tuân theo một lịch trình nhất định từ thời thơ ấu, buộc phải đặt báo thức để đi học, sau đó là đại học, rồi sau đó là công việc với giờ bắt đầu gần như là như nhau. Kết quả là, nhiều người trong chúng ta không có ý niệm gì về khung thời gian mà chúng ta thực sự làm việc tốt nhất.
Để xác định được khoảng thời gian nào cụ thể cho bản đồ sinh học của mình thì bạn cần phải để tâm những thay đổi của mình và theo dõi chúng trong suốt cả ngày, trong vài tuần, hoặc thậm chí vài tháng. Ta nên có ít nhất một cách để ghi chép nguồn năng lượng này, như một dạng nhật ký vậy (bạn có thể dùng ứng dụng hoặc một bảng tính hay sổ tay đều được).
Càng nhiều dữ liệu thu thập được, bạn càng có thể nhận ra vài thứ được lặp lại trong một khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn như: “Ồ, mình thực sự cảm thấy mệt mỏi mỗi ngày vào lúc 2 giờ chiều” hoặc “Mình chỉ muốn nằm dài trên giường mỗi ngày trước 10 giờ sáng”, và cũng có thể là: “Mình vào luồng sáng tạo khoảng 5 giờ chiều miễn ngủ đủ giấc”.
2. Điều chỉnh bản thân phù hợp công việc
Thật ra những người luôn tuân thủ giờ giấc và các quy định sẽ nhanh chóng bắt kịp nhịp độ mới khi thay đổi sang phong cách làm việc tự chủ hơn, trừ một số người không quá linh hoạt. Kiểu công việc này đôi khi sẽ khó kiểm soát thời gian hoặc lên kế hoạch vì vậy bạn cần phải tự đặt mình vào các quy tắc để có thể đảm bảo hiệu quả công việc diễn ra bình thường.
3. Cách chronoworking ngoài giờ làm việc
Bạn có thể khó kiểm soát được thời gian nơi công sở của mình, nhưng khi theo phong cách tự chủ thì đó là câu chuyện khác. Sau khi điều chỉnh thời gian của mình cho công việc thì bạn có thể tận dụng những quãng nghỉ để phục hồi năng lượng. Theo kiểu nếu là một người hay dậy sớm tràn đầy năng lượng, sẽ thức dậy lúc 5 giờ sáng để chạy bộ sau đó bắt đầu công việc. Còn nếu “cú đêm” để hoàn thành dự án thì bạn có thể cho phép mình thức dậy lúc 8 giờ 55 sáng.
Dù vậy những người trẻ không nên quá mong đợi vào phương pháp làm việc này vì nó vẫn chưa phổ biến và có những suy nghĩ bản thân như những “nạn nhân nơi công sở” nếu như bạn vẫn luôn có thể lựa chọn. Thay vào đó việc cải thiện năng lượng và tập trung vào công việc sẽ cải thiện thời gian “sạc” năng lượng của chính mình và đem lại hiệu quả hơn.