Thăng Long xưa chứa đựng rất nhiều những “vàng son một thuở” của người Việt, đặc biệt là các công trình kiến trúc cổ. Tuy nhiên, phần lớn chúng đều đã hư hỏng hoặc không còn giữ được hình dáng nguyên vẹn của ngày xa xưa. Vậy người đương thời có cơ hội nào để chiêm ngưỡng những di sản kiến trúc của quá khứ một cách trực quan và chân thật nhất?
Công nghệ số thời 4.0 chính là câu trả lời!
Chùa Một Cột – biểu tượng văn hóa nghìn năm
Chùa Một Cột – biểu tượng văn hóa của Hà Nội – là một công trình Phật giáo với kiến trúc nghệ thuật độc nhất Việt Nam cũng như châu Á. Theo cuốn Hà Nội – Lịch sử và danh thắng, tại vị trí chùa Một Cột ngày nay, vào thời nhà Đường đã có một cột đá, trên là ngôi lầu ngọc có tượng Phật Quan Âm ở trong, được dựng giữa một hồ nước vuông. Vua Lý Thái Tông thường đến đây cầu nguyện. Khi đã có hoàng tử nối dõi, vua cho tu sửa lại nơi này, xây thêm một ngôi chùa bên cạnh ngôi lầu ngọc (cách 10m về phía Tây Nam) và đặt tên cả quần thể Diên Hựu tự (phước lành dài lâu).
Năm 1105, thời vua Lý Nhân Tông, chùa trải qua một cuộc đại trùng tu.
Tôn sùng đạo Phật, hâm mộ mống lành. Noi Tây Cấm danh lừng thượng uyển, mở Diên Hựu gọi đó danh lam. Theo quy chế vốn có trước kia, ra mưu tính ý vua nay tỏ. Đào ao thơm mang tên Linh Chiêu, giữa ao kia cột đá vọt đứng. Đỉnh cột nở ngàn cánh hoa sen, hoa đặt vững một tòa điện tía. Trong điện đặt Thích Ca kim tướng, bên ngoài ao là hành lang vẽ bọc quanh. Ngoài hành lang có Bích Trì khơi vòng, đều bắc cầu vồng đi thông vào. Sân nơi cầu trước, tả hữu dựng tháp báu lưu ly…
miêu tả về kiến trúc một cột trong chùa Diên Hựu trong lần trùng tu lớn năm 1105, trích văn bia “Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi” soạn năm 1121
Đến kháng chiến chống Pháp, chùa Một Cột bị phá hủy. Sau khi tiếp quản thủ đô, Bộ Văn hóa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nghiên cứu lập dự án xây dựng lại chùa Một Cột y như kiến trúc ban đầu.
Đến năm 1955, chùa Một Cột được phục dựng bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng trên cơ sở bản vẽ thời Pháp. Đây cũng chính là hình ảnh quen thuộc bấy lâu nay về kiến trúc Một Cột thuộc quần thể chùa Diên Hựu trong mắt người Việt Nam và khách du lịch quốc tế.
Mặc dù được xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”, thế nhưng những gì chúng ta chiêm ngưỡng ngày nay chỉ là bản phục dựng chứ không phải kiến trúc nguyên bản nổi tiếng thời Lý.
Tìm lại hoa sen nghìn năm tuổi
Việc tái hiện và mô phỏng hệ thống kiến trúc, trang trí kiến trúc phong cách Lý là công việc đã được các nhà khoa học nghiên cứu trong rất nhiều năm trở lại đây.
Sau 7 năm dài nghiên cứu, thu thập tài liệu, mới đây nhóm SEN Heritage gồm TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VASS), nhà thiết kế Trần Thanh Tùng (CEO Circle Group, Hội quán Di sản), KTS Đinh Anh Tuấn (CEO VNi, Holomia) cùng các đồng nghiệp… đã cho ra mắt Đề xuất phương án chùa Diên Hựu – chùa Một Cột thời Lý, tái dựng tổng thể chùa Diên Hựu và kiến trúc Một Cột thời Lý bằng công nghệ số hóa thực tế ảo (VR3D).
Trong khảo luận gần 300 trang xuất bản năm 2013, Tiến sĩ Trọng Dương cho rằng kiến trúc chùa Một Cột (theo cách người dân vẫn gọi) là một kiến trúc có hình bông sen (Liên hoa đài). Đồng thời nó cũng là kiến trúc trung tâm của một mặt bằng tượng trưng cho hình dung về vũ trụ (mandala).
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một phương án tái lập kiến trúc hoa sen một cột sáu cạnh đời Lý tại khu di tích chùa Diên Hựu. Từ ý tưởng ban đầu, nhóm đã tổ chức những chuyến đi điền dã để thu thập thông tin cũng như tham khảo các nguồn sử liệu.
Theo đó, sản phẩm mô phỏng kiến trúc một cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo dựa trên phế tích cột đá chùa Dạm, và văn bia Sùng Thiện Diên Linh soạn năm 1121.
Đề xuất phương án chùa Diên Hựu – chùa Một Cột thời Lý là sản phẩm đầu tiên của nhóm SEN Heritage trong chương trình tái lập các di sản kiến trúc – mỹ thuật thời Lý Trần như: Đài đèn Quảng Chiếu, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, tháp Báo Thiên, chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng, An Nam tứ đại khí… và nhiều di sản văn hóa khác.
Mặc dù chỉ là “thực tế ảo” nhưng các thức kiến trúc và tỷ lệ kiến trúc đều được xử lý dựa trên số liệu cụ thể. Trong quá trình thực hiện, nhóm đã đã nhận được sự tham gia cố vấn của các nhà nghiên cứu như nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ,… nhằm đảm bảo tính chính xác tuyệt đối khi thể hiện công trình lịch sử này trên công nghệ VR theo tỉ lệ 1:1.
Với VR3D Diên Hựu, mọi người tham gia đều có thể “đeo kính” để dạo chơi và khám phá không gian linh thiêng, hào hoa của ngôi chùa Việt gần tròn nghìn tuổi.
“Hy vọng không xa nữa, nếu có thể, từ “công trình thực tế ảo” này chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng phỏng dựng lại chùa tháp Diên Hựu của nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao thời Lý – nơi lắng đọng những giá trị cốt lõi ngàn đời dân tộc người Việt Nam”, TS Trần Trọng Dương kỳ vọng.
Thảo luận về bài viết