Mọi người luôn mong muốn được ở bên một người nào đó có thể hiểu mình và khi tìm thấy họ thường lựa chọn kết hôn sớm với nửa kia. Dù không có độ tuổi cố định nào để nói rằng là ta nên kết hôn hay chưa đến lúc nhưng vẫn có một số cặp đôi được cho là còn trẻ để tiến đến hôn nhân trong xã hội hiện đại ngày nay. Nhưng liệu họ đã thật sự sẵn sàng và chuẩn bị tốt cho một giai đoạn mới bên người bạn đời của mình hay không?
Trong thời đại ngày nay, đặc biệt là với Gen-Z và cuối thế hệ Millennials, họ đã cho các thế hệ trước thấy rằng việc kết hôn không phải dựa trên tuổi tác, mà là trải nghiệm sẵn có khi còn trẻ. Xét trên thực tế rằng nhiều cuộc hôn nhân vẫn kết thúc bằng sự ly hôn, đương nhiên nhiều người sẽ dè dặt khi tiến vào một trang tiếp theo của cuộc đời, bởi nếu mọi thứ rắc rối thì sẽ ảnh hưởng về mặt cảm xúc và nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống.
Nhưng, nếu bạn đã tìm thấy người mà bạn sẽ ở bên mãi mãi, thì thật sự là không có sự khác biệt nào giữa việc kết hôn sớm hay chờ đợi thêm nữa. Bởi dù sao thì nhiều năm sau, cả 2 bạn vẫn sẽ ở bên nhau và yêu nhau nhỉ, phải không? Một số nghiên cứu đã cho thấy những lợi ích khi các cặp đôi quyết định kết hôn sớm. Bạn có thể không có được một sự trưởng thành nhất định về mặt cảm xúc hoặc tâm lý, tránh được những thói quen thoả hiệp khi sống một mình.
Và ông bà ta cũng đã kết hôn sớm mà, nếu họ làm được thì sao ta lại không?
5 dấu hiệu các cặp đôi trẻ đã sẵn sàng kết hôn sớm
1. Phân biệt được giữa tình cảm thật và sự mê hoặc
Khi bạn mê hoặc, bạn sẽ thường mong đợi cảm giác được phải lòng mỗi ngày và mãi mãi, cũng như mong đợi đối phương phải luôn hoàn hảo. Điều này không phải là hiện thực, và nếu bạn nghiện các cảm giác cao trào trong giai đoạn yêu nhau, có lẽ bạn chưa sẵn sàng cho việc kết hôn sớm đâu.
2. Cả 2 sẵn sàng từ bỏ cuộc sống độc thân
Ta sẽ phải từ bỏ những buổi hẹn đầu tiên, những nụ hôn đầu tiên và sự hào hứng trong việc tán tỉnh. Bạn cũng phải sẵn sàng từ bỏ mọi cơ hội về mặc cảm xúc khác và hiểu ý nghĩa của việc cam kết với một người suốt đời là như thế nào. Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm trong tình trường, việc vượt qua điều này sẽ khá là khó khăn. Điều quan trọng là bạn nên nhận thức được và nói lời chia tay với những chuỗi ngày độc thân của mình trước khi lựa chọn kết hôn sớm.
3. Lý do kết hôn sớm không phải là để tạo cảm giác an toàn, có được thành tựu gì đó, thành công hay tự do
Bạn cần nên hiểu rằng đối phương sẽ không phải là người đóng vai trò để khiến cuộc đời của bạn cảm thấy đủ đầy, cứu rỗi bạn hoặc làm bạn cảm thấy tràn đầy sức sống. Hôn nhân không phải cách để giải quyết tất cả các vấn đề của mình. Nếu bạn thực sự lựa chọn kết hôn sớm với hy vọng rằng điều này sẽ giải quyết toàn bộ nỗi lo của mình, thì tốt nhất là ta nên hoãn lại và tự mình vượt qua trắc trở trước đã.
Ngoài ra, nếu bạn kết hôn sớm chỉ để thoát khỏi cha mẹ của mình hoặc để vượt qua sự hà khắc của tôn giáo khi nói đến tình dục, thì bạn tốt hơn hết là nên đợi. Bởi hôn nhân không phải là một lối thoát. Đây sẽ là lời cam kết có bước ngoặt nhất trong cuộc đời của mình (ngoài việc sinh con), vì thế bạn phải thực sự sẵn sàng và không nên chạy trốn khỏi bất cứ điều gì khác bằng việc kết hôn sớm.
Một cuộc hôn nhân lành mạnh đòi hỏi 2 bên phải hoàn toàn mở lòng và hoàn thiện trong tinh thần, để có khả năng cảm thụ và nhận lại tình yêu từ đối phương. Bản thân bạn nên cảm thấy an toàn, thành công và tự do dù có kết hôn hay không; và là một con người hoàn chỉnh dù ở bên nửa kia hay không.
4. Bạn có cách xử lý mâu thuẫn một cách lành mạnh
Bạn và nửa kia có thể thoải mái trao đổi về các chủ đề khó nói. Đôi khi, cả hai có thể cãi nhau (điều này là hoàn toàn bình thường trong bất kỳ hôn nhân nào), nhưng hai bạn luôn tôn trọng lẫn nhau và cuối cùng có thể đạt được một sự thỏa hiệp lành mạnh. Nếu vượt qua nhiều lần như thế thì việc kết hôn sớm cũng khá là phù hợp. Còn nếu cả hai thiếu giao tiếp thì mối quan hệ của họ có thể xói mòn theo thời gian, mặc cho bạn có yêu nhau đến đâu.
5. Cả hai bên đều có các giá trị cốt lõi chung
Các cặp đôi không cần phải có cùng sở thích khi quyết định kết hôn sớm hay muôn đâu. Nhưng những chủ đề như tôn giáo, việc sinh con, tiền bạc và thời gian dành cho gia đình, thì hai người phải có cùng câu trả lời nếu muốn kết hôn với nhau. Ví dụ, bạn không cần phải có cùng tôn giáo hoặc cùng phong cách tiêu tiền, nhưng hai bạn cần biết làm thế nào để xử lý các tình huống liên quan đến những giá trị cốt lõi này trong tương lai.
10 điều bạn nên biết trước khi kết hôn sớm
1. Đừng yêu chỉ vì ngoại hình
Chúng ta đều hiểu rằng sau vài năm và vài đứa con, bạn và người yêu sẽ thay đổi về ngoại hình. Có thể sẽ là tăng hoặc giảm cân, nếp nhăn xuất hiện, tóc bạc dần thay thế tóc đen; không một ai có thể thoát khỏi tác động của thời gian.
Chính vì thế, nếu lựa chọn kết hôn sớm chỉ vì ngoại hình của một ai đó hơn là vì con người bên trong họ thì việc sống chung lâu dài sẽ dễ nảy sinh những vấn đề mà bạn chưa nhìn nhận đúng. Vậy nên, việc cảm thấy hấp dẫn về mặt ngoại hình với đối phương là điều tốt, nhưng ta cũng nên bị thu hút bởi những cuộc trò chuyện và cách họ làm bạn cảm thấy được hoàn thiện hơn. Ngoại hình sẽ thay đổi, nhưng con người bên trong thì hiếm đấy!
2. Hãy trân trọng tình bạn của mình
Ai sẽ là người đầu tiên bạn muốn chia sẻ khi có điều gì đó tuyệt vời xảy ra với mình? Đương nhiên là bạn thân của mình rồi! Mối quan hệ với người bạn đời tương lai của bạn cũng nên như vậy. Khi bạn coi trọng người ấy như một người bạn thân nhất, ta sẽ có một mối liên kết sâu sắc và có nhiều điểm chung hơn để dựa vào khi gặp khó khăn. Nó cũng là một trong những cảm xúc quan trọng và chắc chắn nếu bạn quyết định kết hôn sớm với ai đó.
3. Mỗi ngày đều sẽ không ngập tràn hoa hồng
Khi mới hẹn hò, bạn sẽ có những cảm giác hồi hộp và hân hoan. Tuy nhiên, giai đoạn trăng mật (honeymoon phase) hoặc cảm giác đang yêu sẽ không thể kéo dài mãi mãi được. Sự lãng mạn và sự thân mật là yếu tố quan trọng trong một mối quan hệ, nhưng bạn cần biết rằng không phải ngày nào cũng đầy tràn những điều này. Hãy nhận thức một cách sâu sắc điều này khi quyết định kết hôn sớm nhé.
4. Tình yêu là một sự cam kết
Việc kết hôn vì tình yêu giờ đây không chỉ đơn thuần là cảm giác mà người ấy mang lại cho bạn hay bạn cảm thấy về họ nữa. Nó sẽ là cam kết để dành thời gian, năng lượng và sự quan tâm của mình đến cuộc sống của người khác. Sẽ có những ngày bạn không muốn làm điều đó, thậm chí bạn có thể bực mình với điều gì đó mà người yêu bạn nói hoặc làm, nhưng chính sự cam kết vượt qua khó khăn mà bạn đã nói ra lúc cả hai còn mặn nồng sẽ thúc đẩy bạn giải quyết các vấn đề và tiếp tục cuộc hôn nhân.
5. Có sẵn (hoặc bắt đầu dành dụm) một khoản tiền trợ cấp cho tương lai
Đừng phạm phải sai lầm khi trì hoãn việc đầu tư cho tương lai của mình khi hai bạn lựa chọn kết hôn sớm. Là một cặp vợ chồng trẻ, sẽ có nhiều khoản chi đối với nguồn tài chính của cả hai bạn, như: tiền đặt cọc mua nhà, chu cấp khi có con và đi du lịch. Cho nên, hãy có sự chuẩn bị sớm và biến nó thành một phần kế hoạch trong cuộc sống của hai người khi mới bắt đầu với nhau.
6. Nói về dự định trong cuộc sống của mình và mục tiêu tài chính
Hãy nói cho nhau nghe về những cột mốc quan trọng trong cuộc đời của mình. Nếu bạn muốn du lịch khắp thế giới rồi mới nghĩ đến việc mua nhà và có con; nhưng người yêu bạn muốn ổn định, mua nhà và có con ngay lập tức; thì cả hai sẽ bắt đầu một cuộc hôn nhân có sự bất hoà. Hay nếu nửa kia là người thích sống ở thành phố và bạn thích nông thôn, sẽ rất khó khăn để tìm một nơi mà cả hai đều thoải mái và hạnh phúc.
Vì thế, nếu các cặp đôi quyết định kết hôn sớm thì các bạn nên nói chuyện với nhau một cách cởi mở và trung thực về những gì bản thân muốn, nhưng cũng nên phải sẵn lòng thỏa hiệp với mong muốn của nửa kia nữa.
7. Quan sát thói quen chi tiêu
Cách mà nửa kia thường hay chi tiêu trước khi kết hôn sẽ là dấu hiệu dễ nhận biết việc họ có coi trọng tài chính sau khi kết hôn hay không, vì bất đồng về tài chính là nguyên nhân đổ vỡ của nhiều cặp đôi. Điều này có thể bắt đầu từ những bất đồng về cách chi tiêu tiền, bao nhiêu thì nên tiết kiệm, hoặc cảm thấy áp lực vì không thể trả hóa đơn đủ, thiếu hụt về tiền bạc…
Nếu lựa chọn kết hôn sớm bạn phải đảm bảo rằng mình và người ấy luôn ‘tâm đầu ý hợp’ trong việc đối mặt với những vấn đề này, thay vì vừa phải giải quyết vấn đề và vừa cãi cọ với với nhau.
8. Đừng mong đợi người ấy luôn làm bạn hạnh phúc
Vợ/chồng nên hạnh phúc với nhau, nhưng luôn luôn và mãi mãi là điều chỉ có trong cổ tích. Nếu vẫn còn giữ tư tưởng đó, bạn sẽ cảm thấy rất thất vọng nếu lần đầu khi họ không muốn làm điều giống bạn, không khen ngợi bạn như bạn mong đợi, hoặc không phản ứng như cách bạn mong muốn. Hãy chắc chắn rằng trước khi quyết định kết hôn sớm, bạn cần phải cảm nhận được việc hạnh phúc với chính bản thân mình. Niềm vui phải đến từ bên thâm tâm ta rồi mới bắt đầu lan toả.
9. Biết càng nhiều điều có thể về họ hàng người đó
Họ sẽ là những người mà ta sẽ cùng trải qua các ngày lễ, kỷ niệm sinh nhật và thậm chí là kỳ nghỉ, vậy tại sao ta không nên tìm hiểu họ trước khi kết hôn sớm với một thành viên trong gia đình đó? Các thành viên trong gia đình của người đó thường tương tác với nhau như thế nào? Có xảy ra tranh cãi và mâu thuẫn gì không, hay mọi người đều hòa thuận? Chính nửa kia của bạn tương tác với gia đình của bạn như thế nào? Đó là một số câu hỏi bạn nên để tâm khi kết hôn sớm.
10. Tôn giáo, những giá trị quan trọng của mỗi người và quan điểm về con cái
Đối với một số gia đình ở các khu vực địa lý khác nhau, đây là những yếu tố quan trọng mà hai người (và gia đình hai bên gia đình) cần thảo luận trước khi bạn chọn kết hôn sớm. Nếu cả hai có cùng tôn giáo không và nếu không, bạn hoặc người đó sẽ theo đạo nào? Nhưng nếu cả hai người đều giữ tôn giáo riêng, điều đó có ảnh hưởng đến các giá trị gia đình và cách các bạn nuôi dạy con cái không?
Nói đến con cái, bạn cũng nên thảo luận về việc bạn có muốn có con hay không, thời gian phù hợp để có con hay bạn muốn có bao nhiêu con? Bạn muốn có con theo cách truyền thống, thông qua đẻ thuê, hay thông qua việc nhận con nuôi?… cần phải trả lời những câu hỏi này và có sự chuẩn bị cho việc một trong hai có quan điểm thay đổi theo thời gian trước khi lựa chọn kết hôn sớm.