Sự cô đơn là một trong những cảm xúc phổ biến nhất của con người. Nó phức tạp và mang tính cá nhân hóa rất cao – một đứa bé cô đơn vì không có nhiều bạn sẽ có những cảm nhận và nhu cầu khác với một người lớn cô đơn vì người thân vừa qua đời.
Cô đơn là một trạng thái của tâm trí
Cô đơn hay bị đánh đồng với trạng thái cách biệt, biệt lập về mặt vật lý, ví dụ như sống một mình hoặc xa người thân, … Thực chất, cô đơn là một trạng thái của tâm trí. Chúng ta cảm nhận sự cô đơn khi bị mất kết nối về cảm xúc và tinh thần với mọi người, cho dù ta có đang ở giữa một nhóm đông đúc đi nữa.
Cần phân biệt rõ giữa cô đơn (lonliness) và đơn độc (solitude). Cô đơn là một trạng thái cảm xúc không tự nguyện. Những người cô đơn tự họ không muốn ‘shut-down’ bản thân với thế giới. Ngược lại, họ có nhu cầu kết nối khá mạnh mẽ. Nhưng vì tâm lý tâm lý trống rỗng, ‘cảm giác như không được đoái hoài’ lại khiến họ càng gặp khó khăn trong việc tiếp xúc với người khác.
Ngược lại, đơn độc mang tính chất tự nguyện nhiều hơn. Những người chọn một mình vẫn có thể tiếp tục duy trì các mối quan hệ xã hội tích cực. Nói cách khác, họ có thể “quay lại” bất cứ khi nào có nhu cầu kết nối. Thời gian một mình và thời gian dành cho người khác được cân bằng ở một mức độ lành mạnh, phù hợp với nhu cầu và thói quen của họ.
Những nguyên nhân thường gặp của sự cô đơn
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ John Cacioppo – danh hiệu Giáo sư xuất sắc (Distinguised Service Professor), người sáng lập và giám đốc điều hành Trung tâm Thần kinh học Xã hội và Nhận Thức (Center for Cognitive and Social Neuroscience) tại Đại học Chicago, một trong những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về sự cô đơn – thì cô đơn có mối liên hệ mật thiết với di truyền.
Một số yếu tố gây ảnh hưởng khác có thể kể đến:
Yếu tố tình huống: trạng thái bị tách biệt / cô lập về mặt vật lý, chuyển đến một nơi mới, ly hôn, hoặc cái chết của một người thân cận.
Sức khỏe tâm lý: cô đơn còn có thể là triệu chứng của một số rối loạn tâm lý, ví dụ như trầm cảm. Trầm cảm khiến chúng ta thu mình lại với xã hội, dẫn đến trạng thái cô lập hoặc tự cô lập.
Đặc điểm nội tại: một số đặc điểm nội tại, chẳng hạn như lòng tự tôn thấp, cũng là nguyên nhân dẫn đến sự cô đơn – những người không tự tin vào bản thân thường cho rằng mình không đủ tốt, không có giá trị, không xứng đáng để người khác quan tâm hay chú ý đến. Về lâu dài, tư duy này đẩy họ vào tình trạng cô lập hoặc tự cô lập bản thân, dẫn đến cảm giác cô đơn kéo dài.
Đặc điểm tính cách: các yếu tố tính cách của một người cũng có thể đóng vai trò nhất định, ví dụ, người hướng nội có thể ít có xu hướng tìm kiếm kết nối xã hội, góp phần gây ra cảm giác cô đơn.
Cô đơn gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
Sự cô đơn có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực cho sức khỏe của chúng ta, cả về thể chất lẫn tinh thần, có thể kể đến:
– Chứng trầm cảm và ý định tự sát;
– Các bệnh lý về tim mạch, chứng đột quỵ;
– Các hành vi chống đối xã hội;
– Chứng nghiện rượu bia, lạm dụng chất kích thích;
– Tăng mức độ căng thẳng;
– Giảm trí nhớ và khả năng học tập;
– Giảm khả năng ra quyết định;
– Tăng khả năng mắc Alzheimer;
– Biến đổi các chức năng não bộ.
Ngoài ra, cô đơn còn tàn phá những khía cạnh khác trong đời sống chúng ta. Theo Tiến sĩ John Cacioppo, “Người trưởng thành cô đơn tiêu thụ nhiều rượu bia hơn và ít tập thể dục hơn. Chế độ ăn của họ chứa nhiều chất béo, giấc ngủ kém, và nhìn chung hay bị mệt mỏi trong ngày. Cô đơn còn phá hoại sự cân bằng của quá trình vận hành tế bào, khiến chúng ta dễ bị lão hóa sớm.”
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, người đã kết hôn, hoặc có thu nhập cao, hoặc trình độ học vấn cao là những đối tượng có mức độ cô đơn tương đối thấp. Mức độ cô đơn cao có liên quan đến những yếu tố như: các chứng bệnh về thể chất, sống một mình, vòng tròn giao thiệp xã hội nhỏ, và các mối quan hệ xã hội kém chất lượng.
Bạn thân có thể giúp chúng ta bớt cô đơn
Sự cô đơn đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Lấy ví dụ tại Hoa Kỳ, từ năm 1985, số lượng người không có bạn thân đã tăng lên gấp ba lần. Trớ trêu thay, sự phát triển của internet và mạng xã hội lại là một phần nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.
Chính vì ngộ nhận một mình là cô đơn, nên nhiều người bị ám ảnh với việc có cho mình càng nhiều mối quan hệ, càng nhiều bạn bè càng tốt. Kỳ thực, không phải số lượng mà chất lượng mới là thứ cần được quan tâm. Thông thường, mối quan hệ ‘bạn thân’ là những mối quan hệ có chất lượng, nơi chúng ta có được những kết nối cảm xúc và tinh thần cần thiết.
Và chúng ta cũng không cần quá nhiều mối quan hệ thân thiết như thế trong đời, chỉ cần 2 hoặc 3 là đủ để xua đi sự cô đơn, từ đó làm giảm những hệ quả tiêu cực của nó lên sức khỏe.
Cô đơn là một “căn bệnh” truyền nhiễm
Một nghiên cứu cho rằng sự cô đơn thực ra có thể lây lan. Trong một nghiên cứu kéo dài 10 năm, các nhà nghiên cứu đã đào sâu vào cách thức lan rộng của sự cô đơn trên các mạng xã hội. Kết quả chỉ ra rằng người nào ở gần những người đang cô đơn sẽ có 52% khả năng trở nên cô đơn.
Làm thế nào để giảm bớt sự cô đơn?
Chúng ta đều có thể vượt qua sự cô đơn. Nhưng chính bạn cần phải thực sự nỗ lực để kiến tạo sự thay đổi. Thay đổi, về lâu dài, có thể giúp bạn cảm thấy vui vẻ hơn, khỏe mạnh hơn và giúp bạn tác động lên những người xung quanh theo những cách tích cực.
– Công nhận cô đơn là một dấu hiệu báo cho ta biết mình cần thay đổi.
– Hiểu được những tác động mà sự cô đơn gây ra trên cuộc sống, cả thể chất và tinh thần.
– Cân nhắc tham gia các dịch vụ cộng đồng hay các hoạt động khác mà bạn thích. Những bối cảnh này mang đến cơ hội tuyệt vời giúp bạn gặp gỡ mọi người và vun đắp tình bạn và các tương tác xã hội mới.
– Tập trung vào hình thành những mối quan hệ chất lượng với người có cùng thái độ sống, mối quan tâm và giá trị với bạn.
– Cứ mong chờ vào những điều tốt đẹp nhất. Người cô đơn thường hay nghĩ đến việc mình sẽ bị từ chối, thay vì như vậy, hãy chú tâm vào những suy nghĩ và thái độ tích cực trong các mối quan hệ xã hội của bạn.
(Theo: Verywellmind)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Hỏi thế gian tình ái là chi mà động vật cũng có thể là chuyên gia ái tình
Vì sao chúng ta xấu hơn trong các bức ảnh chụp?
Khi sự cô đơn được khắc họa trên màn ảnh
Đối mặt với 6 kiểu cô đơn trong cuộc sống
Thảo luận về bài viết