Nếu có ai hỏi làm trẻ con ở Việt Nam có gì hay, thì The Millennials Life sẽ trả lời rằng trẻ con Việt Nam được trao quyền quyết định rất sớm, từ khi còn chưa biết gì. Nếu bạn không tin, cứ thử nhớ lại xem có phải ngày vừa tròn một tuổi, chúng ta đã được “tự tay” lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho mình bằng cái mâm nhôm trên bày đầy đồ vật hay không? Một tuổi và đã quyết định xong một trong những việc quan trọng nhất trong cuộc đời, việc mà hàng triệu hàng tỉ người khác vẫn đang mải mê kiếm tìm.
Nói đùa một chút để bạn thấy rằng, theo quan niệm từ xưa, thì việc định hướng phát triển tương lai là một việc quan trọng. Mà muốn có một tương lai phát triển, chúng ta cần phải biết mình muốn trở thành ai, biết mình muốn làm điều gì. Thêm vào đó, văn hóa đại chúng cổ vũ một cuộc sống có ước mơ, khuyến khích việc sống hết mình vì đam mê. Thế nhưng ước mơ là gì, đam mê đi tìm ở đâu, thì… người ta không nói.
The Millennials Life đồng ý rằng, đó là những việc cần được khuyến khích, xứng đáng được cổ vũ. Vì suy cho cùng, có một điều gì đó trong đời để vươn tới, có một hình mẫu nào đó để cố gắng trở thành, nghe vẫn tích cực và hứa hẹn hơn là “ừ… sao cũng được”.
Thế nhưng việc cổ vũ mọi người có một ước mơ vô tình lại phá hủy đi ý nghĩa ban đầu của nó. Ước mơ vốn dĩ là một khái niệm trừu tượng, và nó nên là một điều đẹp đẽ, một thứ tạo động lực, là cái để chúng ta theo đuổi. Thế nhưng giờ đây, ước mơ bị cụ thể hóa đến nỗi chúng ta cảm nhận nó rõ ràng như một cái gánh phải mang trên vai. Ước mơ bị biến thành nghĩa vụ, thành trách nhiệm, thành điều phải được tìm thấy nếu không thì chúng ta sẽ là một kẻ lạc loài.
Có lẽ ai cũng sẽ có ước mơ, cái khái niệm này đã được truyền cho chúng ta từ những ngày thơ bé nhằm cổ vũ mọi đứa trẻ sống có mục đích hơn. Vấn đề ở chỗ ước mơ không phải một thứ hữu hình, hay cố định. Như một đứa trẻ ham chơi, những mong muốn không ở lại với chúng ta mọi lúc, hoặc nó thay đổi theo từng ngày, trở thành những mâu thuẫn dưới dạng như: Không được ai ủng hộ, đã thử và thất bại, quá xa vời để với tới.
Nhưng liệu có thật sự chúng ta cần có ước mơ mới có thể hạnh phúc?
Nhân vật Daisy trong The Great Gatsby đã có một câu nói vô cùng nổi tiếng thế này, “Nếu có con gái, em mong con bé sẽ là một nàng khờ. Trong thế giới này, điều tuyệt vời nhất một cô gái có thể trở thành chính là một quý cô ngốc nghếch và xinh đẹp.” Daisy đại diện cho một cuộc sống phù phiếm vật chất và một tâm hồn đầy mâu thuẫn. Cô chưa bao giờ thật sự biết mình muốn gì, phần lớn cuộc đời cô diễn ra dưới sự sắp đặt của người khác. Thế nhưng, xét ở một góc độ nhất định, khi câu chuyện kết thúc thì Daisy Buchanan vẫn là nhân vật có được tất cả: tấm lòng chân thật của Jay Gatsby, và của cải nhà Tom Buchanan.
Theo đuổi ước mơ là một hành trình đạt đến vinh quang bằng cách dẫm lên gai hoa hồng. Người ta phải nỗ lực rất nhiều và trả giá bằng những hy sinh. Nhưng ngay cả khi chấp nhận mọi khổ hạnh, sẵn sàng bước qua mọi chông gai, đôi lúc bạn vẫn không thể gặt hái được những gì mình muốn. Có một sự thật đáng buồn, rằng chúng ta có quyền mơ ước, và nên theo đuổi mơ ước, nhưng không phải lúc nào ta cũng chiến thắng được hết những kẻ đánh cắp ước mơ của mình.
Nếu có ai đó không sẵn sàng đánh đổi, nếu có một người nào chỉ mong sống một cuộc đời an nhàn, thoải mái, ít lo nghĩ hết mức có thể thì điều đó cũng không có gì đáng lên án. Mỗi người đều có quyền sống theo cách mình lựa chọn, bởi không phải ai cũng may mắn biết được mình thật sự thích gì, và trong số những kẻ may mắn ít ỏi đó, mấy ai sẵn sàng nhịn đói đến cùng vì đam mê?
Chúng ta sống trong một xã hội muốn ta theo đuổi ước mơ nhưng lại không dạy ta cách nuôi dưỡng những mộng ước của chính mình.
Thực tế, rất nhiều người bắt đầu “vào đời” trong trạng thái lửng lơ này. Kết thúc phổ thông, chưa kịp biết mình thích gì, muốn làm gì (vì bận học hành thi cử suốt 12 năm qua) đã phải vội vội vàng vàng nộp đơn đăng ký nguyện vọng Đại học cho kịp thời gian. Mất thêm 3–4 năm “đi học” cái mình chưa chắc thích. Ra trường xin việc “đi làm” công việc mình chưa chắc muốn.
“Quyết định” chúng ta đưa ra đôi khi không phải do chính ta lựa chọn (không như hồi một tuổi đâu). Chọn một ngôi trường vì nó tốt, chọn một chuyên ngành vì sau này dễ xin việc, chọn một công việc vì thu nhập nó ổn định. Những nguyên nhân đứng đằng sau ấy khiến chúng ta bắt đầu băn khoăn, đây là cái mình thích hay là cái xã hội muốn.
Nếu một ngày bạn nhận ra giữa những con người luôn hừng hực khao khát làm việc, luôn tỏa sáng khi cháy hết mình với đam mê, bạn chỉ là một kẻ lạc loài, sống một cuộc đời bình lặng nhàm chán, thì bạn ơi, không có gì phải lo lắng cả. Như The Millennials Life đã nhắc phía trên, mỗi người đều có một hành trình khác nhau. Ước mơ là thứ không nên ép buộc hay miễn cưỡng. Ước mơ nên là thứ nâng chúng ta lên, chứ không phải để dìm chúng ta xuống. Bạn không có ước mơ gì? Không sao cả. Khi buồn bạn xem phim chơi game lướt web chứ không theo đuổi những “thú vui tao nhã” như người khác? Hoàn toàn không vấn đề gì.
Hãy ngừng việc so sánh bản thân với người khác bởi ngay cả khi không có một khao khát nào mãnh liệt, con người ta vẫn có thể sống hạnh phúc.
Bãi cỏ ngôi nhà không khát vọng nở ra bông hoa nào?
– Có thời gian cho bản thân: khi không có quyết tâm “phải trở thành người này”, “phải làm được việc kia”, bạn sẽ có nhiều thời gian dành cho chính mình hơn trong quỹ 24 giờ mỗi ngày. Đi làm về nấu ăn, giặt giũ, xem phim, đọc sách, gặp gỡ bạn bè, hẹn hò người yêu, chăm sóc và dành thời gian cho gia đình, tận hưởng những thú vị nhỏ bé thường ngày mà những người quá bận rộn không kịp nhìn ra
– Tự do hơn trong việc lựa chọn: nghe có vẻ… mâu thuẫn, nhưng thực tế là bạn sẽ có nhiều lựa chọn và dễ dàng trong việc bắt đầu cố gắng cho một cái gì đó hơn những người đã có đam mê để theo đuổi. Bạn tự do hơn trong việc khám phá và trải nghiệm nhiều thứ, vì bạn chưa có cho mình một con đường cụ thể nào cả mà, đúng không?
– Sẵn sàng bỏ lại những gánh nặng phía sau: Trong tarot, lá bài đầu tiên của bộ bài là một số 0 tròn trĩnh mang tên The Fool, một chàng khờ tượng trưng cho niềm lạc quan, sự khởi đầu mới mẻ. Chàng dấn thân vào hành trình của cuộc sống một cách hồn nhiên, không một chút gánh nặng vào hức hức bước đi dù không biết điều gì chờ mình ở phía trước. Một người chưa biết mình muốn theo đuổi điều gì cũng tinh tươm như những tờ giấy trắng, hãy cứ vẽ lên đó bất cứ điều gì bạn yêu thích và dần dần, bạn sẽ tìm ra được một bức tranh mà mình muốn tô điểm.
“I’m taking a break!”
Hơi lạc hậu nhưng gần đây The Millennials Life mới phát hiện ra Facebook có tính năng “Take a break” khi chúng ta cần hạn chế tương tác với ai đó. Thế giới ảo còn có lựa chọn “tạm nghỉ”, vậy tại sao ngoài đời thật lại không? Giữa những tiết học có giờ chơi, giữa những buổi làm có giờ nghỉ, giữa thứ Hai và thứ Sáu có cuối tuần, vậy tại sao giữa đoạn đường theo đuổi giấc mơ, chúng ta không thể dành ra những khoảng thời gian “tạm nghỉ xả hơi”?
Nếu một ngày bạn thắc mắc mình là ai, mình đang làm gì trong cuộc sống này, thì bạn có thể gọi đây là giờ nghỉ hay văn vẻ hơn là mốc chuyển hóa cũng được. Dành thời gian để thư giãn, tận hưởng cuộc sống sẽ tốt hơn việc dằn vặt chính mình. Cảm hứng, động lực, hay ước mơ sẽ trở lại khi bạn có một trí óc sáng suốt cùng một thân thể khỏe mạnh. Còn nếu nó không trở lại… thì cũng chẳng sao. Không có ước mơ để theo đuổi không phải một cái tội, cũng chẳng phải một việc xấu. Chỉ cần chúng ta trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình ở thời điểm hiện tại là đủ rồi.