Mỗi đôi bàn chân đều có một câu chuyện riêng mà chúng ta có thể vô tình lãng quên
Người ta thường dặn dò nhau rằng, mỗi độ đông về nhớ mặc đồ ấm, hè sang thì phải chống nắng cẩn thận. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta lại tự nhủ với bản thân và những người xung quanh phải trang bị khẩu trang, rửa tay đầy đủ… Cứ như vậy, mọi phần trên cơ thể đều được người ta nâng niu, chăm sóc, duy chỉ có đôi bàn chân là cứ âm thầm chìm vào lãng quên.
Câu chuyện số về đôi bàn chân số 1
“Chú không muốn có một đôi giày đẹp, chú chỉ muốn bán được hết hàng để về nhà với vợ con.”
Chú bán sầu riêng
Covid-19 khiến cho việc tiêu thụ và xuất khẩu nông sản diễn ra vô cùng phức tạp. Tại nhiều địa phương, sầu riêng đang phải đối mặt với việc ùn ứ sản phẩm tại vườn, giá đã giảm xuống một nửa so với những năm trước. Trong khi đó tại các thành phố lớn, các tiểu thương đang phải bán sản phẩm này với mức giá khá cao. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc vận chuyển gặp nhiều hạn chế hơn trước. Để đến được tay người tiêu dùng, sản phẩm đã bị đội giá lên gấp 6-8 lần. Sầu riêng thì tắc ở vườn, trong khi đó nhiều người lại không tìm được nguồn hàng có giá cả bình ổn và vẫn đang phải mua với chi phí khá đắt đỏ.
9 giờ tối, chú N vẫn lặng lẽ dắt chiếc xe máy cà tàng của mình với một cái rổ đầy những vỏ sầu riêng ngổn ngang ở sau. Đôi chân mệt mỏi của người đàn ông trở thành một miếng ghép chìm nghỉm trong làn xe lăn bánh hối hả của con phố Đê La Thành. Khi có người hỏi mua, chủ nhân của đôi dép tổ ong với phần mũi đã mòn vẹt phấn khởi dừng lại.
Đó là trái sầu riêng cuối cùng trong rổ của chú. Chỉ cần bán được nốt thôi là chú N có thể về nhà cùng gia đình. Vậy mà dắt xe đi hơn nửa tiếng, hết cả một con phố và hỏi từng nhà, quả sầu riêng vẫn lặng lẽ nằm lại. Có lẽ vì vậy mà khi gặp được vị khách cuối cùng, đôi chân mệt mỏi kia mới có thể tạm thả lỏng ra.
Chiếc dép tổ ong đã xỉn màu theo chủ mình đã được gần hai năm. Chỉ với ba mươi nghìn, nó đã theo chú dậy từ 4,5 giờ sáng. Đi hàng chục cây số từ ngoại thành lên đến chợ đầu mối Long Biên để nhập hàng, rồi cứ như thế rong ruổi khắp các con phố Hà Nội đến tận khi đồng hồ sắp chạm tới màn đêm. Chú nói đôi tổ ong vốn theo chú từ nhà, ra phố, đi chợ, bê hàng. Nhìn thì rẻ tiền mà quê mùa, nhưng đi rất thoáng và bền. Mưa nắng gì cũng không ảnh hưởng, có nứt một vài chỗ cũng vẫn vô tư đi lại. Chú xỏ riết rồi cũng quen.
“Giày đẹp với tốt thì cứ để bọn trẻ con đeo đi học cho nó thoải mái, chứ chú đi làm thế này, giày xịn cho ai ngắm. Chú không muốn có một đôi giày đẹp, chú chỉ muốn bán được hết hàng để về nhà với vợ con.”
Chú nói với một nụ cười trên môi, rồi nhanh chóng rút điện thoại ra gọi điện về nhà. Vị khách cuối trước khi rời đi bỗng ngoảnh mặt lại, thấy khuôn mặt của người đàn ông vô cùng phấn khởi. Sự nhẹ nhõm vì đã bán được hết hàng, vẫn còn đang hấp háy trong đáy mắt.
Câu chuyện về đôi bàn chân số 2
“Có dép mà đi là tốt rồi, có những người còn không có chân để đeo giày hoặc có giày đẹp mà không có sức khoẻ đi đây đấy con.”
Cô bán cà phê
Từ rất lâu, những gánh hàng rong đã là hình ảnh không thể thiếu trong những đô thị sầm uất. Nói đến hàng rong là nói đến những người bán dạo, đa phần là những người nghèo và tần tảo. Họ không ngồi một chỗ cố định, không cố kiếm một nơi che nắng che mưa mà dạo bước khắp các ngóc ngách. Bất kể cuộc sống có bận rộn hay không, từ xa xưa, người Hà Nội đã quen với việc hơi hé cửa nhà, chờ những gánh hàng rong đạp xe qua. Trước là chai sữa đậu nành màu xanh lá cây, bát tào phớ múc vội cho đến những que kem, nay là những cốc cà phê đá mát rượi. Chỉ cần ới một tiếng, bước chân ra khỏi cửa là đã có một thức uống ngon lành.
Đôi giày búp bê bằng nhựa giá hai mươi ngàn, được mua cũng từ một xe hàng rong khác, theo chủ rời thành phố biển Nam Định ra Hà Nội. Mỗi ngày hai chiếc giày cùng bắt đầu ngày mới của mình từ năm giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu rồi rong ruổi khắp phố phường khoảng 20-30 km. Mười nghìn một cốc cà phê, ngày nào bán được chừng bốn mươi, năm mươi cốc, đôi giày đen đấy mới an tâm dừng lại. Từng vòng xe lăn bánh, từng nhịp đạp trên đôi giày đã sờn lại là một sự cố gắng phi thường của một người phụ nữ nhỏ cố mưu sinh, chắt góp từng chút một để lo cho gia đình.
Câu chuyện về những đôi bàn chân Câu chuyện về những đôi bàn chân
“Giờ mọi thứ tiện lắm! Chỉ cần gọi điện một cái là cô sẽ giao cà phê tận nơi cho tụi nhỏ luôn. Trong máy đã lưu sẵn danh sách của mấy đứa khách quen, ngày nào cũng mua tầm chục cốc. Mỗi tội sau dịch mấy công ty đều giải thể hết, lại nhiều đứa bị cho nghỉ làm thành thử giờ phải đạp xa hơn chút mới mong có khách.”
Bán xong cốc cà phê, gánh hàng nhỏ của cô lại bắt đầu hành trình mưu sinh. Không máy móc hiện đại, không xăng dầu đắt đỏ, thứ khiến chiếc xe đạp có thể lăn bánh trên đường chính là đôi giày nhựa bình dị. Đôi giày đó không chỉ giữ cho chiếc xe hàng nặng nề có thể tiến về phía trước, mà còn gồng gánh cả những bữa cơm cho một gia đình.
Câu chuyện về đôi bàn chân thứ 3
“Mình chỉ có 2 bàn chân, sao đi hết được mọi đôi giày. Mình cũng chỉ có một cuộc đời, làm sao chuyện gì cũng có thể mưu cầu.”
Bà cụ bán trà đá
Chỉ cần một phích nước một bình trà, vài cái ghế cùng một nơi có bóng râm. Giữa phố phường đông đúc của Hà Nội, đâu đâu người ta cũng có thể thấy một quán trà đá đang nép mình trên vỉa hè. Thức uống này không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống. Trà đá đời thường đến độ ai cũng có thể bán và ai cũng có thể là khách ghé qua.
Vốn là thứ đồ uống giản dị, thành ra đôi dép của những người bán trà cũng chả bao giờ cầu kỳ. Có thể là đôi dép nhựa ở nhà, đôi tông lào, chiếc tổ ong hoặc đơn thuần là: “Đôi này ủng không ra ủng, dép không ra dép. Bà cũng chả biết là loại gì, con gái nó thương nên mua cho thì cứ đi thôi.”
Câu chuyện về những đôi bàn chân Câu chuyện về những đôi bàn chân Câu chuyện về những đôi bàn chân Câu chuyện về những đôi bàn chân
Đôi dép mà bà cụ thấy kỳ lạ ấy được gọi là “dép cá sấu.” Nhiều người coi đây là đôi dép xấu nhất thế giới. Thế nhưng giờ nó lại là người bạn nâng đỡ bàn chân, đồng hành cùng một bà cụ đã gần 70.
Quán trà đá của cụ nhỏ xíu trên phố Nguyễn Thái Học. Cái quán đơn sơ đến độ nằm giữa vỉa hè có khi còn bị người ta lướt qua chứ chưa nói là nép trong một ngôi nhà chỉ một người ngồi là hết chỗ. Ấy thế mà xung quanh vẫn treo cơ man những bức ảnh đã sờn bạc, những khung tranh nhuốm màu thời gian.
Bà kể rằng trước nhà vốn làm khung tranh, nhưng đến khi có tuổi ngón tay của cả ông và bà đều yếu, không thể đóng khung được nữa. Tay không còn sức thì chân còn lực, bà quyết định mở một quán trà đá nhỏ. Thấy vậy, cô con gái bèn mua về một đôi dép mà bà đi đến tận giờ đã hai ba năm chưa hỏng.
Câu chuyện về những đôi bàn chân Câu chuyện về những đôi bàn chân
“Nhìn xấu thế thôi mà đi nhẹ lắm. Mùa mưa thì chống trơn, mùa hè thì thoáng. Bà bán hàng từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối hàng ngày, lúc bê hàng ra vào không sợ bị va vấp cũng không sợ bị đồ đạc rơi vào chân. Nhưng thi thoảng lười, bà cũng toàn bấm điện thoại để bọn trẻ về dọn giúp.”
Khi đã ở tuổi xế chiều, người ta bỗng không còn mưu cầu nhiều thứ. Đôi khi chỉ cần một cơ thể khoẻ mạnh, một đôi dép tốt để đi lại hằng ngày, hàng nước có dăm ba vị khách ghé qua trò chuyện là đã khiến bà hài lòng. Có những người không bao giờ được đi những đôi giày đắt tiền, nhưng họ lại đi hết được hành trình của cuộc sống bình yên, của tình yêu thương bằng chính những đôi dép bình dị nhất.
Câu chuyện về đôi bàn chân số 4.
“Không phải đôi dép nào cũng dùng để tiến về phía trước.”
Lời người viết
Thật ra với bác H, đôi dép nào cũng chả quan trọng, vì đằng nào bác cũng không ra khỏi nhà. Nhưng đôi dép hiện tại đang đi, nếu có thể sử dụng lâu dài được là tốt nhất. Chiếc dép lê dáng thể thao vốn từ người vợ quá cố của bác mua cho con trai. Rồi con trai bận rộn đi làm không mấy ở nhà vậy là bác dùng luôn.
Có những đôi dép tổ ong dùng để mưu sinh, có những đôi giày nhựa được đi để đẩy cả những tương lai về phía trước, có những đôi cá sấu dùng để cảm nhận bình yên, nhưng có những chiếc dép lê chỉ dùng để hoài niệm về quá khứ – giống như đôi dép của bác H.
Câu chuyện về những đôi bàn chân Câu chuyện về những đôi bàn chân Câu chuyện về những đôi bàn chân Câu chuyện về những đôi bàn chân
Khi Covid-19 nổ ra, cả nước tiến hành giãn cách xã hội, mọi người hạn chế ra đường, đặc biệt là người cao tuổi. Nhiều người cảm thấy bức bối và ngột ngạt, những đôi giày hàng hiệu, đôi dép đắt tiền bị cất trong tủ khá lâu mới được xỏ vào chân. Nhưng đôi dép lê của bác H thì không ảnh hưởng. Nó vẫn được sử dụng như thường nhật, đi lên đi xuống trong nhà, tiến từ bếp ra phòng khách như lịch trình quen thuộc gần một năm nay. Sau khi người bạn đời ra đi, không gian hoạt động duy nhất của người đàn ông này dường như chỉ quanh quẩn trong căn nhà 4 tầng, nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm và hình ảnh của vợ mình nhất.
Câu chuyện về những đôi bàn chân Câu chuyện về những đôi bàn chân
Sẽ chả sao nếu trong cuộc sống, có những khoảng thời gian chúng ta chỉ muốn nhớ về quá khứ. Vậy là đôi dép lê đi trong nhà sẵn sàng cùng chủ mình làm những điều bình dị nhất như tưới cây, cho gà ăn, chăm một cái bể cá nhỏ và rồi xếp ngay ngắn dưới ghế khi bác H ngồi xem tivi chờ con cái về. Một đôi dép lê có thể nhắc người ta nhớ về quãng thời gian hạnh phúc, xum vầy trước đây… Cũng có thể khiến người ta biết tiếc nuối, hoài niệm về những điều đã qua để quý trọng hơn những gì diễn ra ở hiện tại và sẽ đến ở tương lai.
KẾT
Trong các bức tranh phục hưng vẽ những vị thần Hy Lạp, các vị thần thường đi chân trần, đang bay hoặc cưỡi lên những đám mây. Con người thì không có sức mạnh như vậy. Nhưng điều đó không ngăn được loài người vươn lên khỏi khó khăn và đi xa hơn trong cuộc sống của mình. Mỗi đôi dép đều tượng trưng cho một đôi cánh. Có đôi cánh đang nghỉ ngơi, có đôi cánh đã đến được với bình yên và có những đôi cánh vẫn miệt mài tìm kiếm những con đường mang đến hạnh phúc cho những người mình yêu thương.
Chúng ta đều là những người bình thường, có một cuộc sống đơn thuần đến độ trong biển người đang chờ đèn đỏ, chúng ta có thể chìm nghỉm như một hòn đá dưới đáy đại dương. Thế nhưng mọi người cũng hiểu rằng dù đôi chân có đi một chiếc dép hay đôi giày thế nào, người ta vẫn nguyện dùng hết sức của mình chạy về phía trước, kiên nhẫn, bền bỉ tiến về nơi có ánh sáng. Từ đó, từng đôi dép đều mang một câu chuyện về hy vọng, về hạnh phúc vẫn đang chờ mỗi chúng ta ở “trạm kế tiếp.”
Xem thêm:
#LocalZine: Tản mạn về nền kinh tế phi chính thức thông qua bộ ảnh chụp tại Quận 5, TPHCM
#LocalZine: Triển lãm “Ảo Mỡ” và Body Shaming – khi định kiến ngoại hình được kế thừa từ quá khứ
#LocalZine: Rạp xi nê nào ở Sài Gòn trước 1975 ?
Thảo luận về bài viết