Trong quá khứ, nóc hầm Thủ Thiêm từng là chốn hoang vu, không người qua lại. Sau gần 7 năm, từ khi hầm được khánh thành, nơi đây trở nên khang trang hơn nhờ có công viên, cây xanh, và thảm cỏ. Các tòa nhà cao tầng cũng theo đó mà mọc lên như nấm. Hàng quán cũng bắt đầu xuất hiện. Cứ vào buổi chiều, có hàng trăm bộ bàn ghế nhựa được xếp sát mé sông để phục vụ người tới đây hóng mát.
Sài Gòn tầm này mưa nhiều, khu ăn vặt đông vui nhộn nhịp này cũng trở nên hiu quạnh hơn. Tấp xe vào bên đường, mưa cũng ngớt dần, cô bán cá viên đang dọn hàng nghe tiếng xe nhanh nhảu gọi vào: “Cá viên chiên đi con. Để xe bên đường cô coi cho.”
Xe cá viên chất đủ loại, từ cá bò tôm viên, đến cả trứng cút, hồ lô, đậu bắp, đều được xếp gọn gàng, đầy ụ, trông vui mắt vô cùng. Quay đi quay lại bên những xiên đồ ăn nhỏ là một người phụ nữ chừng 50 tuổi, ăn mặc đơn giản, có chút xuềnh xoàng, tự tô điểm cho bộ trang phục của mình bằng chiếc mũ tai bèo đã cũ. Tuy vậy, nụ cười của cô vẫn tươi rói, giọng nói của người phụ nữ cũng rất dịu dàng, rất gần.
Trời vẫn còn mưa lâm râm, chúng tôi chọn tầm 10 xiên chiên. Cô nhanh tay cắt nhỏ, tháo xiên và cho vào nồi dầu đang sôi ùng ục. Một bên vừa ngửi mùi thơm của đồ ăn bắt đầu vươn lên, một bên chúng tôi hỏi thăm cô đã làm nghề bao lâu, cái duyên đi bán cá viên là gì. Cô chỉ cười hì rồi bảo: “Nhỏ cháu bán ở đây nên cô ra phụ. Bán ở chỗ này cũng được 7-8 năm rồi. Kể từ khi khu này giải tỏa là người ở trong này rủ nhau ra bán ngoài đây. Mấy người ở đây là hồi trước ở khu này không đó. Mà nói chung chừng vài năm nữa cũng dẹp hết à. Cái tòa nhà đó làm xong là không còn hàng quán gì nữa.”
Đứng ở Đại lộ Vòng Cung, người ta không thấy sự phù hoa, hào nhoáng như đại lộ danh vọng của Hollywood, cũng không có cảm giác rực rỡ, trang hoàng như Đại Lộ Champs Elysees ở Paris. Thế nhưng, điều mà người ta cảm nhận được lại là sự thản nhiên, bình lặng lạ lùng của một cô bán cá viên chiên khi nói về tương lai không mấy rõ ràng của mình. Vừa nói cô vừa đảo tay nồi viên chiên trong dầu. Trời mưa, nghe tiếng mưa lộp bộp rơi trên tấm bạt, hòa cùng tiếng dầu sôi trong nồi mà sao êm tai, thân thuộc lạ thường.
“Cô có định bán ở đâu nữa không?” Tôi buột miệng hỏi.
“Thì chừng đó mới tính.” Cô dừng hồi lâu, “Có tính trước cũng không qua bằng ông trời tính đâu con ơi. Ông trời ổng tính lẹ lắm.. 1 phút 30 giây. Nhiều khi cố tình hoài tính mãi cũng không làm giàu nỗi. Miễn một ngày có hai buổi ăn là được rồi.”
Mưa ngày càng lớn hơn. Chúng tôi cũng không thể đứng bên ngoài được nữa, nên phụ cô đẩy xe vào trong phía bạt. Trời mưa này người bán hàng rong ngoài đường là khổ nhất. Khách thì vắng, xung quanh là sông Sài Gòn, là bãi cỏ trống không có nhà cửa cản gió, nên gió thổi mạnh, lạnh hết cả người. Chúng tôi né lấy né để, sợ mưa tạt ướt người. Nhưng cô vẫn chẳng ngại mưa, cặm cụi đảo nồi viên đang chín vàng. Chắc là cô quen rồi.
“Mưa như vậy có bán được không cô?”
“Trời mưa thì bán không được con ơi. Vừa xong mới bán chừng một hai hộp là thấy trời mưa tới rồi.. Còn nếu không mưa thì khách đông lắm, đông nghẹt luôn. Ngày thường làm tới khuya, có khi tới tận 2-3h sáng, người ta mới bán nước nước xong. Còn cô bán cá viên đến chừng 11h là hết rồi. Còn trời mà mưa thì đến 8h là dẹp. Khách không có ngồi làm gì cho lạnh.”
“Con thấy mình cũng có tấm bạt với mấy cây dù này, mà vắng khách chắc do họ ngại ngồi bạt hả cô?”
“Có mái che cũng thua à, tại vì dông dữ lắm. Con đứng nãy giờ không thấy mưa nó tạt ào ào vào hả. Ngồi lâu là người ướt nhẹp luôn đó. Tại ngoài này sông toàn cỏ không . Gió lớn sấm chớp dữ lắm. Cứ hễ hôm nào mưa là biết hôm đó ế. Bán cực lắm con ơi.”
Dứt lời cũng là lúc nồi viên chiên cũng chín đều. Tay gắp nhanh từng viên bỏ lên cái vợt to cho ráo dầu, gắp viên nào là trúng viên đó, làm gọn và thuần thục vô cùng. Sau đó cô cắt dưa leo, gắp thêm tí cải chua ăn kèm cho vào hộp, rồi lấy chai tương rót vào cái chén nhựa nhỏ bỏ vào bên trong. Thấy cô sắp làm xong, tôi biết cuộc trò chuyện cũng sắp dừng lại, nên tranh thủ hỏi nhanh cô thêm vài câu.
“Đi bán cực vậy mà có gì vui không cô?”
“Thì nói chung mình đi bán mỗi ngày riết cũng thành quen. Cô đi bán là vui rồi. Hôm nào không bán là nhớ.”
“Một ngày đi bán của cô như thế nào vậy cô? Buổi sáng không bán thì cô làm gì hả cô?”
“Thường thì cô hay dọn hàng lúc 2 giờ rồi bán tới khuya. Buổi sáng hôm sau ngủ cũng phải tới 8-9h mới dậy nổi để đi chợ mua đồ. Chiều lại bán tiếp. Đó, cứ như vậy mà qua ngày thôi con.”
“Vậy trong cuộc sống thì điều gì làm cô vui nhất?”
“Đi bán về có cháu ngoại là vui à. Bốn đứa cháu ngoại, đứa thì mẫu giáo, đứa vào lớp 1 lớp 2 hết rồi. Cuối tuần thứ Bảy, Chủ Nhật thì đi chợ rồi về nhà ngồi chơi, nói chuyện với tụi nó. Bình thường thì đâu có thời gian gặp đâu con. Cô thì đi suốt còn tụi nó cũng đi học cả ngày. Nên chỉ có cuối tuần mới gặp được nhau.”
Hộp cá viên nóng hổi cũng đã được cô chiên xong. Đồ chiên đúng là có sức hút kì lạ trong những ngày mưa, trông nó óng ánh và hấp dẫn hơn nhiều lần. Cô bưng hộp cá viên đầy ụ lại bàn cho chúng tôi, kèm theo đó là một hộp dưa leo và cải chua ăn kèm.
Tôi nán lại hỏi cô thêm một câu: “Cô ơi nãy giờ nói chuyện mà con quên hỏi tên cô.”
Cô vui vẻ cười cười rồi nói: “Cô tên Phương. Cám ơn tụi con ủng hộ cô nhen.” Nói rồi cô quay lại xe bán tiếp.
Nhìn cô như thế mà thấy thương trong lòng. Bán viên không biết lời bao nhiêu, mà cô cho tương cho dưa cả hộp lớn. Trong lúc nói chuyện, cô cứ bảo cực bảo khổ, ấy vậy mà trời mưa cũng ráng chạy qua chạy lại phụ cụ bà bán nước kế bên dọn hàng. Có anh thợ xây gần đó gọi một hộp viên lớn, cô cũng nhiệt tình chuẩn bị và mang sang tận nơi. Những người lao động mưu sinh thế này, quả là một hình ảnh khiến người ta phải nao lòng, nao lòng vì nét đẹp lao động thuần khiết, nao lòng vì cái tính cởi mở, thân thương của họ.
Cuộc nói chuyện với cô Phương tuy ngắn mà dài, ngắn vì chỉ kéo dài từ lúc cá viên còn tươi đến khi được chiên chín vàng, dài vì những câu chuyện, những chia sẻ của cô tuy đơn giản, mộc mạc nhưng lại để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. “Cuộc đời dài bao nhiêu đâu con ơi, sống đủ hai bữa cho hôm nay thôi. Tính nhiều cũng không qua khỏi ông trời. Sống cho vui thôi con nghen.”
Thực hiện: Nghi To
Ảnh: Phương Lưu
Thảo luận về bài viết