LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton được biết đến với cái tên ngắn gọn LVMH, có trụ sở tại Paris, Pháp, và là gã khổng lồ trong làng thời trang thế giới. Đế chế này sở hữu hơn 70 thương hiệu hàng xa xỉ, với những cái tên mà ai ai cũng biết như Louis Vuitton, Fendi, Céline, Christian Dior, Givenchy, Marc Jacobs…
Quá trình phát triển của LVMH gắn liền với sự táo bạo và quyết đoán của Bernard Arnault. Arnault, 71 tuổi, trị vì một đế chế hàng xa xỉ gồm 70 thương hiệu được chia thành sáu lĩnh vực, từ các loại rượu, nước hoa và đồ da được săn đón nhất thế giới. Nếu như năm 2017, ông chủ ZARA – Amancio Ortega là người giàu nhất châu u và xếp thứ 4 thế giới trong danh sách do Forbes công bố, thì đến năm 2018, người đồng cấp cùng ngành thời trang của ông nhưng ở phân khúc xa xỉ, Bernard Arnault trở thành “tân vương.”
Ông thường được gọi là “con sói bọc cashmere” vì nỗ lực phát triển không ngơi nghỉ và liều lĩnh chấp nhận rủi ro lớn. Khi các đối thủ cạnh tranh của LVMH thận trọng, Arnault đẩy tập đoàn của mình đến tương lai bằng các khoản đầu tư lớn, táo bạo. Doanh nhân này được chính các đối thủ mô tả là “quyết đoán đến mức đáng sợ.” Một phần quan trọng trong chiến lược của tập đoàn này là những thương vụ mua lại và sáp nhập các thương hiệu xa xỉ đình đám.
Thâu tóm LVMH và sa thải hàng loạt nhà điều hành cao cấp
Vào năm 1984, khi Chính phủ Pháp tìm kiếm người mua lại Boussac – công ty sản xuất tã giấy và dệt, đồng thời là chủ sở hữu thương hiệu Christian Dior thời bấy giờ. Arnault nhận thấy ngay đó là một cơ hội vàng bởi ông hiểu rằng nhãn hiệu thời trang và trang sức này rất được coi trọng trên thế giới. Ông đã quyết định sử dụng lợi thế đó để chuyển sang kinh doanh các mặt hàng xa xỉ.
Khi đó Arnault ở tuổi 35, với 10 năm quản lý công ty thừa kế từ cha mình, đã quyết định lấy 15 triệu USD từ gia đình và thuyết phục được hãng đầu tư của Pháp Lazard Frères rót thêm 80 triệu USD để tài trợ cho vụ thâu tóm Boussac.
Theo The New York Times ghi lại vào tháng 12/1989, chỉ trong 2 năm tiếp quản Boussac, Arnault đã đưa công ty vào giai đoạn đen tối, sa thải 9,000 công nhân và bán đi từng mảng cùng phần lớn bộ phận dệt may với giá 500 triệu USD. Thương vụ này giúp cho Arnault đi tắt đón đầu biến công ty gia đình từ 15 triệu USD phát triển lớn gấp 20 lần, và ông trở thành người đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh của Pháp.
Không dừng lại ở đó, năm 1990, ông dùng 400 triệu USD thu được từ việc bán các tài sản của Boussac, cùng với số vốn vay từ Lazard để thực hiện mục tiêu tiếp theo: thâu tóm cổ phiếu và giành quyền kiểm soát ngôi nhà thời trang và rượu mạnh Louis Vuitton Moet Hennessey – nơi ông đã manh nha đầu tư từ cuối những năm 1980.
Giờ đây, Arnault, ở tuổi 71 là một trong những người giàu nhất thế giới. Trong đế chế tỉ đô của mình, LVMH có không dưới 70 thương hiệu xa xỉ và vẫn đang không ngừng phát triển tính đến thời điểm hiện nay.
Về ý tưởng đưa nhiều thương hiệu xa xỉ về chung một “mái nhà” – trong đó có nhiều “đối thủ” với nhau, Arnault chia sẻ với CNBC năm 2018: “Vào những năm 90, tôi có ý tưởng thành lập một nhóm xa xỉ và vào thời điểm đó tôi nhận rất nhiều lời chỉ trích vì điều này. Tôi nhớ người ta nói với tôi là không thể nào đặt chúng đứng cùng nhau được. Và giờ nó thành công rồi… Và 10 năm sau, những đối thủ cố gắng bắt chước, đó là điều đáng mừng cho chúng tôi. Tôi nghĩ họ không thành công nhưng họ cũng đã cố.”
Quá trình “nuốt chửng” LVMH của Arnault được xem là một trong những thương vụ thâu tóm cam go nhất trong lịch sử doanh nghiệp Pháp và khiến cho Arnault trở nên nổi tiếng vì sự tàn khốc và không khoan nhượng của mình.
Ông vua hàng hiệu giàu nhất nước Pháp
Sau khi tiếp quản công ty, Arnault đã giúp LVMH “lột xác” với lối thiết kế sáng tạo, phá cách, trái với hình ảnh già cỗi và vô vị của 20 năm về trước.
Để bành trướng LVMH, ông cũng tìm mọi cách thâu tóm những thương hiệu nổi tiếng khác. Trong suốt thập niên 1990, Arnault bỏ ra hàng tỉ USD để mua lại các nhãn hàng thời trang cao cấp, các nhà sản xuất đồng hồ và trang sức, và thậm chí là các chuỗi bán lẻ thuộc ngành mỹ phẩm và hàng cao cấp. Từ quan hệ đối tác với các ngôi sao Hollywood đến chiến dịch bảo tồn biển, các thương hiệu của LVMH thường xuất hiện ngập tràn trên các phương tiện truyền thông và văn hóa đại chúng.
Đến nay, đế chế LVMH của Arnault đã trở thành tập đoàn số một thế giới về đồ xa xỉ, với khoảng 70 thương hiệu và 3,900 cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới. Tập đoàn này hoạt động trong 6 lĩnh vực khác nhau bao gồm: Rượu; Thời trang; Nước hoa và Mỹ phẩm; Đồng hồ và Trang sức; Cửa hàng phân phối; và các hoạt động khác.
Những cột mốc thời gian mà LVMH đã thâu tóm những thương hiệu thời trang và làm đẹp danh tiếng trong ngành
1987: Louis Vuitton – thành lập tại Pháp năm 1854, Louis Vuitton trở thành một phần của LVMH vào năm 1987 khi tập đoàn thành lập. Moët et Chandon và Hennessy, các nhà sản xuất rượu sâm banh và rượu cognac hàng đầu, đã hợp nhất với Louis Vuitton để tạo thành tập đoàn xa xỉ hàng đầu.
1988: Givenchy – thành lập năm 1952, ngôi nhà couture và trang phục may sẵn, trở thành thành viên của LVMH Group năm 1988.
1993: Kenzo – Được thành lập vào năm 1970, thương hiệu thời trang được LVMH mua lại vào năm 1993 với giá 80 triệu đô la.
1994: Guerlain – Thương hiệu nước hoa, mỹ phẩm và chăm sóc da của Pháp, một trong những thương hiệu lâu đời nhất trên thế giới, thuộc sở hữu và quản lý của các thành viên trong gia đình Guerlain từ khi thành lập vào năm 1828 đến năm 1994, sau đó nó được LVMH mua lại.
1996: Céline – Được thành lập vào năm 1945, thương hiệu có trụ sở tại Paris cung cấp các mặt hàng may sẵn, đồ da, giày dép và phụ kiện. Năm 1987, Arnault mua lại Céline’s capital, nhưng chỉ đến năm 1996, thương hiệu này mới được hợp nhất vào Tập đoàn LVMH với giá 2,7 tỷ franc Pháp (540 triệu USD).
1996: Loewe – Công ty Tây Ban Nha thành lập năm 1846 được LVMH mua lại vào năm 1996. Ban đầu chuyên sản xuất đồ da chất lượng cao, ngày nay, Loewe chuyên bán đồ da và trang phục.
1997: Marc Jacobs – LVMH đã nắm giữ phần lớn cổ phần của thương hiệu có trụ sở tại New York, được thành lập vào năm 1984, kể từ năm 1997. Bản thân Marc Jacobs, trở thành giám đốc sáng tạo trang phục nữ của Louis Vuitton vào năm 1997, ở lại cho đến năm 2013, khi anh rời đi để tập trung vào nhãn hiệu cùng tên của mình.
1997: Sephora – Chuỗi mỹ phẩm của Pháp, được thành lập vào năm 1969, được thành lập dưới sự bảo trợ của LVMH vào tháng 7 năm 1997, và kể từ đó đã được mở rộng ra toàn cầu.
1999: Tag Heuer – Thương hiệu đồng hồ nổi tiếng Thuỵ Sỹ, được thành lập năm 1860, đã chấp nhận đấu thầu 739 triệu đô la từ LVMH vào năm 1999 để cho quyền sở hữu 50,1% công ty.
2001: Fendi – thương hiệu thời trang Ý, được thành lập tại Rome vào năm 1925, là một phần của Tập đoàn LVMH từ năm 2000. Vào tháng 7 năm 2000, LVMH – và Prada – đều mua lại cổ phần sở hữu tại Fendi. Vào tháng 12 năm 2001, LVMH mua cổ phần của Prada, tăng cổ phần của họ trong Fendi lên 51%. LVMH tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu của mình lên 84% vào tháng 2 năm 2003.
2001: Hermès – LVMH mua một số cổ phần ban đầu với tỷ lệ 4.9% quyền sở hữu Hermès. Sau đó LVMH dần dần tăng quyền sở hữu của mình tại Hermès lên 23.1% vào năm 2013.
2011: Bulgari – Được thành lập vào năm 1884, thương hiệu trang sức Ý được LVMH mua lại trong một thỏa thuận cổ phần với giá 6,01 tỷ USD, trong đó gia đình Bulgari bán 50,4% cổ phần của họ để đổi lấy 3% LVMH.
2016: Rimowa – LVMH mua lại 80% cổ phần của công ty hành lý của Đức, được thành lập vào năm 1989, với giá 640 triệu euro vào tháng 10 năm 2016.
2017: Christian Dior – LVMH đã mua lại nhà thời trang cao cấp có trụ sở tại Paris vào năm 2017 trong một thương vụ trị giá 13,1 tỷ USD. Theo Forbes, tài sản của Arnault đã tăng 30,5 tỷ USD cũng một phần nhờ thương vụ chính thức mua lại Christian Dior. Nhờ đó, cổ phiếu của Dior cũng tăng 52%.
2019: Fenty – LVMH chính thức ra mắt nhãn hiệu mới, Fenty, kết hợp với ca sĩ Rihanna, người nắm giữ 49,99% cổ phần, trong khi LVMH sở hữu 50,01%.
2020: Tiffany & Co. – Trong thời điểm Covid-19 diễn ra, LVMH đã cố gắng rút khỏi thỏa thuận mua lại Tiffany & Co. với giá khổng lồ 16,2 tỷ USD. Sau khi Tiffany bắt đầu cuộc chiến pháp lý, các bên đã đồng ý thương lượng lại, trong đó thỏa thuận LVMH sẽ mua lại toàn bộ cổ phần của Tiffany với giá 131,50 đô la mỗi cổ phần, tăng thêm một giao dịch trị giá 15,8 tỷ đô la.
LVMH là một gia đình
Trong chương trình The Brave Ones của CNBC, doanh nhân bạc tỷ nhắc đến công ty gia đình là chìa khóa thành công trong ngành xa xỉ. Theo Arnault, một công ty gia đình sẽ mang đến hai lợi thế. “Thứ nhất là bạn có thể suy nghĩ dài hạn. Chẳng hạn với Louis Vuitton, tôi không quan tâm lắm đến những con số của 6 tháng sau mà đó là sự kỳ vọng thương hiệu sẽ vẫn giữ được vị thế trong 10 năm tới”, ông giải thích.
Yếu tố thứ hai được vị CEO tài ba này nhắc đến là thuận lợi trong tuyển người. Khi mọi người đến với LVMH có nghĩa họ đang gia nhập một gia đình. “Bạn không chỉ là một thành phần bé nhỏ trong cái gì đó to lớn, mà là một thành viên của gia đình và sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Chúng tôi cố gắng xây dựng công ty lớn cùng các đối tác với tiêu chí các sản phẩm cao cấp và có chất lượng tốt nhất trong mỗi dòng hàng bán đi khắp thế giới”, Arnault chia sẻ trong chương trình Today Show năm 1987.
Ngoài việc chiếm được sự tôn trọng của các nhà thiết kế nổi tiếng nhất thế giới, Arnault còn coi LVMH là nơi đào tạo cho những người sáng tạo trong tương lai. ‘’Sự thành công của tập đoàn được tạo nên từ chất lượng sản phẩm, và nó là kết quả của những người nghệ nhân và thợ thủ công phi thường đang làm việc với chúng tôi’’, ông nói.
“Chúng tôi có một chiến dịch lớn tuyển dụng những người trẻ tuổi mà đôi khi không thực sự nghĩ đến việc trở thành thợ thủ công, nhưng một khi chúng tôi đã cho họ ý tưởng và một khi chúng tôi đào tạo họ, chúng tôi có tỷ lệ thành công gần 90%.’’
Thảo luận về bài viết