Vì sao chúng ta cần đến những thuật toán Phong cách?
Thế kỉ 21, công nghệ đưa ra định nghĩa cho gu thẩm mỹ của chúng ta. 10 năm sau khi ra đời, Airbnb không chỉ là một nền tảng công nghệ cho thuê chỗ ở, mà còn là một “tastemaker” trầm lặng, người vẽ vẽ nên hình mẫu cho ngôi nhà mà bạn khao khát. Tường màu trắng hoặc sáng, đồ gỗ tự nhiên, máy pha cà phê Nespresso, ghế thiết kế của Eames, những tấm thảm trải sàn đầy hoạ tiết, phong cách nội thất tối giản kiểu Scandi-chic,… đó là những gì mà Kyle Chayka đã mường tượng nên cho Airbnb cách đây 2 năm. Sự tiêu chuẩn hoá đã phát triển một cách hệ thống, khi các “chủ trọ” sao chép các không gian phổ biến nhất trên trang. Để rồi khách thuê trọ bị thuyết phục bởi những chiếc bóng đèn thô sơ kiểu Edison hay bức tường trang trí ảnh đen trắng trong căn nhà họ ở lại trong kì nghỉ sẽ lại đem những phong cách thiết kế nội thất này về chính ngôi nhà của mình. Dễ để tượng tượng một quá trình tương tự sẽ xảy ra với tủ quần áo của chúng ta, một khi mô hình gợi ý phong cách được đưa vào cuộc sống hàng ngày.
Mặt khác, với những người theo chủ nghĩa vị lai như Sophie Hackford, chúng ta đang sai lầm trong việc lãng mạn hoá cách thức hoạt động của ngành thời trang. “Shopping online mà chúng ta biét tới là một trải nghiệm tệ hại bởi thực chất bạn chỉ đang xem một sản phẩm quảng cáo. Một ngày nào đó trong tương lai, bạn sẽ ngồi ở sofa ngay trước hình ảnh ảo của Diana Vreeland hay Alexa Chung, những người sẽ nói chuyện với bạn trong suốt quá trình lựa chọn trang phục thấy được thông qua mô hình, và sẽ thật hài hước khi nghĩ về cái thời mà ta từng lướt màn hình chọn từng chiếc váy thông qua hình ảnh 2D như hiện tại.”
Trí tuệ nhân tạo sẽ vảy hạt bụi nhiệm màu lên trải nghiệm mua sắm trực tuyến, do đó thay vì phải lướt xem hàng trăm mẫu váy, bạn được gợi ý mẫu phù hợp nhất mà bạn chắc chắn sẽ thích. Sanndrine Deveaux của trang TMĐT đầy tiềm năng Farfetch đang làm việc với một dự án mang tên “Store of the Future” với hy vọng đem lại trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn hơn cho khách hàng. “Cả ngành công nghiệp thời trang đang tập trung hoàn toàn vào khía cạnh giao tiếp với khách hàng bằng công nghệ AI. Đó hẳn phải là điều vô cùng có ý nghĩa.”
Trí tuệ nhân tạo có thể nắm giữ chìa khoá để khiến thời trang trở nên bền vững hơn. “Chúng ta đang sản xuất quá nhiều quần áo và cũng đang vứt đi quá nhiều quần áo”, Mathew Drinkwater – giám đốc của Fashion Innovation Agency tại London College of Fashion cho hay. “Mô hình bán lẻ cần phải thay đổi. AI có thể điều chỉnh sản xuất đúng lúc, phản hồi tới thiết kế mà khách hàng mong muốn ngay khi nó xuất hiện, do vậy có thể giảm thiểu sự lãng phí.” Các cơ hội để tạo nên dấu ấn cá nhân – từ hoạ tiết monogram cho tới đồ bespoke có thể sử dụng phép đo 3D lấy từ môi trường trực tuyến. Điều này hứa hẹn rằng trang phục sẽ giữ được giá trị lâu bền hơn.
Những ứng dụng tiên phong
Khi cần lời khuyên về trang phục, bạn sẽ hỏi ai? Bạn thân nhất? Instagram? Các tạp chí và blogger thời trang? Có thể. Song sớm thôi, bạn sẽ không cần viện đến những nguồn trợ giúp này. Thay vào đó, bạn có thể thử một bộ trang phục và hướng về phía chiếc camera có đèn hỗ trợ và wifi hai vạch sóng kết nối để hỏi rằng, “Alexa, trông tôi thế nào?” Và chỉ trong vòng vài phút, một giọng nói được truyền tới, đưa ra đánh giá dựa trên kinh nghiệm được tổng hợp từ kho dữ liệu.
Echo Look là “trợ lý thời trang” đầu tiên mà Amazon tạo ra, được giới thiệu trên khắp nước Mỹ sau một buổi ra mắt chỉ dành riêng cho khách mời. Thời gian ra mắt tại Anh hiện chưa được công bố, nhưng công nghệ – thứ phân tích trang phục thông qua một sự kết hợp các thuật toán và các chuyên gia thời trang (người thật) đã được thiết lập để tạo nên một cuộc cách mang thời trang. Chỉ mới 4 năm trước, thiết kế thời trang mang công nghệ tiên tiến nhất là chiếc áo khoác có thể sạc-điện-thoại bằng năng lượng mặt trời của Tommy Hilfiger. Nếu so với những gì đang diễn ra ở thì hiện tại, thì chiếc áo sạc pin kia chỉ là đồ trẻ con mà thôi.
Một trong những mấu chốt thực sự của thời trang không phải là chất liệu hay bản thân mẫu thiết kế, mà là chúng ta nghĩ và cảm nhận như thế nào về trang phục. Và trí tuệ nhân tạo phát triển dựa trên tầm nhìn vào một mặt cốt lõi, đầy tính nhân văn và cảm xúc – đó là Phong cách.
Stitch Fix là một dịch vụ tư vấn phong cách cá nhân dưới hình thức gửi các hộp trang phục gợi ý tới khách hàng, được lựa chọn dựa trên những tham chiếu giữa những lần mua sắm gần nhất và đặc điểm về tuổi tác cũng như nhân khẩu học. Matchesfashion.com đưa ra trải nghiệm với avatar 3D được cá nhân hoá, có thể thử những mẫu thiết kế trên nền tảng số, từ đó nhìn thấy được phom dáng của thiết kế đó trên cơ thể của khách hàng sẽ trông như thế nào. Net-a-Porter thì đang thử nghiệm công nghệ có thể quét dữ liệu, biết thông tin về lịch trình sự kiện tiếp theo của khách hàng để có thể đưa ra các đề xuất phù hợp nhất.
AI liệu có thể thay thế hoàn toàn con người?
Năm 2003, Kate Moss mặc một chiếc đầm chiffon màu vàng chanh kiểu thập niên 50s mua tại Lily et Cie, một cửa hàng vintage ở New York, tới dự tiệc tối tại tuần lễ thời trang New York. Ngay lập tức, ai cũng trầm trồ và yêu thích chiếc váy này, kéo theo một loạt các phiên bản copycat ra đời. Chiếc váy chẳng hề có chút liên quan tới xu hướng trên sàn catwalk giờ song lại phù hợp một cách kì lạ với khoảnh khắc ấy. Tất cả những ai đã có mặt ở buổi tiệc hẳn vẫn còn ấn tượng về hình ảnh nàng Kate trong chiếc váy vàng ngày hôm đó. Thử hỏi, làm thế nào một thuật toán có thể đưa ra một gợi ý mang tính “je ne sais quoi” như Kate Moss? Hay Jane Birkin, Bianca Jagger?
Các số liệu của thuật toán phong cách dựa trên những nút “likes”, bất cứ thông tin nào: từ bình luận về hình ảnh selfie của bạn cho tới những subscription box – hộp trang phục gợi ý cho mùa thu, cũng có thể hướng dẫn bạn tạo nên những set đồ phù hợp với gu thẩm mỹ đại chúng. “Nếu thuật toán dựa trên sự đồng thuận của đám đông, nó sẽ không gợi ý cho bạn mặc một chiếc áo kì quặc với chỉ một bên tay,” Alistair O’Neill, giáo sư thời trang tại trường Central St Martins cho biết. “Nó sẽ mài mòn những cá tính góc cạnh và hướng tới những thứ thường thường, một màu.” Những người dùng sớm nhất của ứng dụng Echo Look báo lại rằng, ứng dụng này chú ý tới những màu sắc trầm như navy hơn là những màu sắc tươi sáng, nó cũng cho thấy sự hưởng ứng với những chi tiết thường xuất hiện trên Instagram như cổ áo dựng đứng hay tay áo xắn lên.
“Thời trang cần tới sự táo bạo”, cây viết và đồng thời là nhà tư vấn về thời trang Simon Doonan cho biết. “Hãy nhìn những gì đã và đang diễn ra với Gucci – một thương hiệu thực sự tái sinh dưới bàn tay của Alessandro Michele. Khi anh ta tiếp quản thương hiệu, Gucci còn khá bảo thủ. Những thử nghiệm của anh ta khá điên rồ nhưng bằng cách nào đó, nó đã thành công. Đó là bản năng gốc của Alessandro và dù vì bất cứ lý do nào, cần phải có một sức mạnh để đủ dũng cảm đi đến cùng. Và khi tôi đang nói điều này với bạn, bản thân cũng đang mang một đôi Gucci slipper thêu hình con mèo.”
Trong thẳm sâu nỗi lo về AI – khiến thời trang không còn sự độc đáo – là lo lắng về sự thay đổi quyền lực giữa trí tuệ con người và máy móc. Chúng ta cảm giác rằng robot đang xâm nhập vào đời sống của con người và lo rằng, liệu loài người sẽ cạnh tranh với các cỗ máy như thế nào. AI càng tiến sâu vào những lĩnh vực mà loài người tự tin về khả năng sáng tạo và tính cảm xúc, thì chúng ta càng thấy sợ hãi. AI đã có thể chỉ dẫn những chiếc xe về nhà bằng con đường nhanh nhất. Có thể không lâu nữa sẽ xuất hiện những ứng dụng có thể giúp bạn kết nối với các thiết bị gia dụng ở nhà, đặt bếp nấu nước, mở nhạc, bật đèn khi bạn đang trên đường vế, giống như một người ở cùng nhà có thể làm cho bạn. Đó là trí tuệ nhân tạo, nhưng nó làm ta có suy nghĩ tựa như một sự tương tác giữa người với người.
Cũng tương tự như vậy, các thuật toán nắm rõ được quyền năng chi trả và các thói quen sẽ thiết lập nên những kết quả mà bạn tìm kiếm online, chẳng hạn như một đôi giày chạy màu trắng. Nhưng nếu một ngày không xa, vào một buổi sáng khi bạn thức dậy, mặc đồ và chiếc điên thoại phát ra báo động rằng trang phục của bạn trông thật khó coi, thì cảm giác sẽ như thế nào? Bị chính những thiết bị công nghệ bắt nạt?
Kết
“Hầu hết mọi người đã phát triển một thuật toán cho phong cách, dù họ chưa bao giờ nghĩ vậy”, Simon Lock – người sáng lập và là CEO của Ordre cho hay. “Chẳng hạn, khi tôi mặc đồ đen và trắng với phom dáng vừa vặn, tôi luôn chọn giày brogue của Thom Browne. Về cơ bản thì mắt ta đã chụp lại hình ảnh và não bộ báo lại cho người mặc rằng bạn có thích nó hay không dựa trên lịch sử ghi chép và go thẩm mỹ cá nhân. AI là thứ phù hợp hoàn hảo để thực hiện vai trò này cho chúng ta.
Bản thân chuyện ăn mặc khó thể đánh giá là Đúng hay Sai. Thậm chí Moschino còn có một chiếc áo khoác với slogan “Good Taste Does Not Exist” (Không tồn tại thứ gọi là gu thẩm mỹ tốt). Nhưng thực tế là có nhiều người cảm thấy không yên tâm về vẻ ngoài và muốn tìm đến những sản phẩm mặc lên khiến mình tự tin hơn. Một số khách hàng khi được phỏng vấn về việc quyết định mặc một thứ như thế nào thì yếu tố tiên quyết trong nhiều câu trả lời là – “cảm giác đúng”. Vì vậy, không có gì là khó hiểu khi những cỗ máy có khả năng đánh giá được cho ra đời để làm giảm sự lo lắng.
Trước khi lo lắng liệu những con robot có xâm chiếm thế giới và lưu đày con người như những bộ phim giả tưởng thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm với niềm hân hoan rằng, mọi thứ đang được đẩy mạnh phát triển để phục vụ cho mọi mong muốn sâu thẳm nhất của con người, đơn giản như – không cần phải nghĩ về việc mặc gì hôm nay!
Thông tin từ The Guardian[/text_output]