Gần đây, dư luận xã hội không khỏi bàng hoàng và xót xa trước những vụ án mạng thương tâm xuất phát từ mâu thuẫn tình yêu. Những kẻ cuồng yêu nhưng sau đó lại nhẫn tâm tước đoạt đi mạng sống của người mình yêu thương.
Từ chuyện người đàn ông đâm chết người phụ nữ rồi tự sát tại một thương hiệu trà sữa nổi tiếng, sát hại người yêu rồi ôm xác cả đêm của cặp đôi trẻ ở Gò Vấp, giết người yêu rồi cầm dao tự sát ở Hải Phòng năm 2023… Những câu chuyện đau lòng này không chỉ gây chấn động dư luận ngay thời điểm đó mà còn đặt ra những câu hỏi đáng sợ về bản chất của tình yêu, ranh giới mong manh giữa cuồng yêu và sự chiếm hữu.
Tình yêu hay sự nhầm lẫn về cảm giác ám ảnh, chiếm hữu
“Anh/em chỉ có mình…”, “Anh/em không muốn… lại gần người khác giới”, “Báo cho anh/em đi đâu, làm gì, bao giờ thì về”… Tất cả những điều trên ban đầu đều xuất phát từ mong muốn quan tâm và được quan tâm, nhưng ranh giới giữa những điều này rất dễ khiến bạn nhầm lẫn về cảm giác cuồng yêu đầy ám ảnh và có tính chiếm hữu nếu cường độ và mức độ của chúng trở nên quá nhiều, thiếu sự tin tưởng, thiếu cảm giác được tôn trọng.
Cảm giác ám ảnh trong tình yêu thường xuất phát từ một nỗi sợ hãi sâu thẳm bên trong con người. Đây được xem như trạng thái tâm lý mà một người không thể ngừng nghĩ về người mình yêu, đến mức suy nghĩ và hành động của họ bị kiểm soát hoàn toàn bởi tất cả những điều dù là nhỏ nhất trong tình yêu. Ám ảnh có thể được biểu hiện qua nhiều cách khác nhau như từ sự thiếu tự tin, thiếu cảm giác an toàn và sự lệ thuộc cảm xúc quá mức vào người kia.
Cảm xúc này còn được gọi là Rối loạn tình yêu ám ảnh (OLD) là tình trạng bạn bị ám ảnh quá mức bởi một người nào đó mà bạn nghĩ rằng bạn có thể yêu, làm cho bạn cảm thấy cần phải bảo vệ. Hoặc ngược lại bạn đã nhận được những cảm xúc quan tâm từ người kia và nó bổ lấp được phần lớn cảm giác thiếu tình cảm trước đó, thì bạn bắt đầu ở trạng thái mong đợi nhiều hơn, cũng như lo lắng điều này bị mất đi hoặc giảm dần.
Mặc dù không có phân loại y tế hoặc tâm lý riêng biệt nào cho chứng rối loạn ám ảnh tình yêu, nhưng nó thường có thể đi kèm với các loại bệnh sức khỏe tâm thần khác và xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam. Nỗi ám ảnh này ảnh hưởng tới cuộc sống, bạn không thể tập chung vào điều gì khác. Việc điều trị tâm lý có thể giúp giảm các triệu chứng, giúp bạn bình tĩnh lại đồng thời ngăn ngừa các biến chứng khi những cảm xúc của bạn trở nên cực đoan, thái quá.
Trong khi đó Cảm giác chiếm hữu được thể hiện một cách rõ ràng và có chút tiêu cực hơn mặc dù nó dễ bị nhầm lẫn là tình yêu sâu sắc. Sự cuồng yêu, cảm giác chiếm hữu xuất phát từ sự thiếu an toàn, lòng tin và sự tự tin của bản thân. Nó khiến người ta có xu hướng kiểm soát, ghen tuông và độc đoán với người mình yêu,hoặc thậm chí có những hành vi kiểm soát họ như thể họ là vật sở hữu của mình, dẫn đến những hành vi gây tổn thương cho cả hai.
Cuồng yêu hay những suy nghĩ lệch lạc về tình yêu
Cảm giác ám ảnh và chiếm hữu là những trạng thái tâm lý lệch lạc trong tình yêu. Những người cuồng yêu thường có cảm giác muốn kiểm soát hoàn toàn người mình yêu, xem người ấy như là một tài sản cá nhân của bản thân. Đối với họ, việc sát hại người yêu không đồng nghĩa với sự căm ghét. Trong một số trường hợp suy nghĩ lệch lạc, nó thậm chí có thể được coi là một hành động yêu thương. Khi họ cảm thấy rằng nếu không thể có được người đó, thì không ai khác cũng có thể.
Điều này thường xuất phát từ những tâm lý bất ổn và những quan niệm sai lầm về tình yêu và sự sở hữu. Một số người, khi rơi vào trạng thái ám ảnh và chiếm hữu cực độ, có thể phát triển một quan niệm sai lệch rằng nếu họ không thể có được trọn vẹn người mình yêu, thì chắc chắn rằng sẽ không ai khác có được người ấy.
Điều đó hình thành nên suy nghĩ việc giết người yêu là một cách để giữ lại hình ảnh lý tưởng về tình yêu luôn tồn tại vĩnh cửu trong trái tim họ, khi họ không còn kiểm soát được mọi chuyện. Họ có thể tin rằng bằng cách sát hại người yêu, chính là việc họ đang bảo vệ và giữ gìn mối quan hệ này khỏi sự thay đổi và chia cắt.
Những người mắc phải cảm giác ám ảnh và chiếm hữu thường không nhận ra rằng tình yêu đích thực không bao giờ liên quan đến việc kiểm soát hay làm tổn thương người khác. Thay vào đó, tình yêu là nơi của sự tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau. Những hành động và suy nghĩ sai lệch này đem đến tổn thất to lớn về mặt tinh thần và nỗi đau cho người họ yêu.
Nhận thức sai lầm về tình yêu có thể dẫn đến những hành động không thể tha thứ và làm hủy hoại cả cuộc đời của những người liên quan. Giết chóc trong tình yêu là một biểu hiện cực đoan và lệch lạc của cảm giác cuồng yêu, ám ảnh và chiếm hữu. Cần có những nhận thức lý trí hơn và tâm lý ổn định, chỉ khi đó bạn mới dễ dàng điều chỉnh tình yêu đi theo những hướng tích cực, lành mạnh và bạn cũng cảm nhận được hạnh phúc dễ dàng hơn.
Phải làm sao khi bạn rơi vào một tình yêu méo mó, lệch lạc
Khi bạn quá cuồng yêu bạn đời của mình
- Hãy sử dụng lý trí để nhìn nhận lại cảm xúc của mình
Khi bạn cảm thấy mình đang có chút cuồng yêu bạn đời một cách hơi thái quá, và cảm xúc này thường xuyên chiếm ưu thế, đôi lúc có thể lấn át lý trí của bản thân. Việc nhìn nhận lại những cảm xúc này bằng lý trí là một phần cực kỳ quan trọng. Bạn cần phải tự hỏi liệu rằng cảm xúc của mình có thực sự là tình yêu đích thực hay đang dần trở nên ám ảnh và chiếm hữu.
Nên nhớ tình yêu là sự tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau, trong khi ám ảnh và chiếm hữu thường xuất phát từ nỗi sợ hãi và thiếu tự tin bên trong mình. Cách tốt nhất để kiểm soát là hãy dừng lại và suy nghĩ một cách khách quan về mối quan hệ của bạn, sử dụng lý trí để nhìn nhận lại những cảm xúc của bản thân mình và điều gì là tốt cho người bạn yêu. Có như thế tình yêu của bạn mới phát triển một cách lành mạnh và lâu dài.
- Sự phụ thuộc cảm xúc bản thân vào đối phương
Khi bạn dựa dẫm vào bạn đời để có được hạnh phúc và sự ổn định cảm xúc, cũng là lúc bạn đang đặt gánh nặng lên vai người đó và tự làm chính mình mất đi sự độc lập. Dần lâu những áp lực này có thể dẫn đến sự bất mãn và căng thẳng cho mối quan hệ. Khi nửa kia trong mối quan hệ cảm thấy bị áp lực hoặc bị kiểm soát, cũng là lúc những năng lượng tiêu cực được hình thành cho cả hai người.
Cuộc sống và tình yêu có thể được ví như nắm cát trong tay. Khi bạn nắm càng chặt, cát sẽ trôi đi càng nhanh. Tương tự, khi bạn cố gắng kiểm soát và chiếm hữu người mình yêu một cách quá mức, mối quan hệ sẽ trở nên ngột ngạt và dễ tan vỡ.
Khi bạn có người yêu quá ám ảnh, chiếm hữu và cuồng yêu một cách méo mó
Khi bạn nhận được tình cảm quá lớn đến từ người bạn đời, điều quan trọng đầu tiên là bạn cần nhận biết liệu rằng tình yêu họ dành cho bạn có phải là sự cuồng yêu, ám ảnh và chiếm hữu hay không. Điều này thể được nhận biết qua những dấu hiệu như người kia luôn muốn kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Đó cũng có thể là sự ghen tuông quá mức hoặc những hành động liên tục yêu cầu xác nhận về tình yêu của bạn,đôi khi là cả hai điều trên.
Khía cạnh khác, bạn cũng nên xem xét xem họ đã có nỗi đau lớn nào trong quá khứ hay không, có thể là từ việc thiếu thốn sự yêu thương hoặc trải qua những cảm xúc tiêu cực khiến họ trở nên luôn bất an và lệ thuộc vào tình yêu của bạn. Cũng có thể là sự ảnh hưởng từ thế hệ trước, những ám ảnh trong quá khứ đeo đuổi dài trong thâm tâm tạo nên con người hiện tại của họ.
Khi ấy, bạn đang là người tỉnh táo trong mối quan hệ, việc bạn cần làm đó là có trách nhiệm chia sẻ với nửa kia một cách nhẹ nhàng và hiệu quả. Xây dựng mối quan hệ cả hai dựa trên sự tin tưởng và nghiêm túc, sẽ phần nào giúp người kia cảm thấy an tâm và bớt đi sự cô đơn.
Nhưng nếu mọi cố gắng của bạn vẫn không đủ và bạn cảm thấy mối quan hệ ngày càng vượt quá tầm kiểm soát. Những lời nói nhẹ nhàng không còn hiệu quả, thì đây là thời điểm bạn nên nhìn nhận một cách tỉnh táo về mối quan hệ này. Hơn hết hãy tìm giải pháp để bảo vệ bản thân để tránh những chuyện quá cự đoan. Việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc các chuyên gia tâm lý là lựa chọn tốt nhất. Hãy cố gắng kết thúc mối quan hệ một cách yên ắng, ít gây cảm giác phẫn nộ, giận dữ khiến đối phương bị lấn át lý trí.
Giao tiếp một cách nhẹ nhàng, thẳng thắn nhưng không gây kích động, giúp người kia hiểu rằng mối quan hệ không thể tiếp tục một cách lành mạnh. Sự an toàn của bạn luôn phải được đặt lên hàng đầu và việc kết thúc mối quan hệ một cách khéo léo sẽ giúp giảm thiểu những hậu quả tiêu cực, giống như cách mà các vụ án cuồng yêu, sát hại người mình yêu trên các bản tin gần đây.
Ngoài tình yêu, bạn còn sinh ra vì rất nhiều điều khác
Trong cuộc sống mỗi người sẽ có riêng cho bản thân mình định nghĩa về tình yêu. Tình yêu đích thực được tạo ra bằng sự cho đi và chia sẻ, đồng cảm và tôn trọng lẫn nhau. Đó là tập hợp những cảm xúc tốt đẹp, gắn kết và đồng điệu giữa hai người. Sự nồng nhiệt và say mê này dễ dàng biến thành cảm giác cuồng yêu, ám ảnh và chiếm hữu tiêu cực hơn và theo cách nào đó nó tổn thương cả bạn, người bạn yêu và những người khác.
Tình yêu là một phần quan trọng của sống, nhưng nó không phải là tất cả. Mỗi người chúng ta sinh ra không chỉ để yêu và được yêu, mà còn để khám phá, học hỏi và thực hiện những ước mơ và hoài bão của riêng mình. Cuộc sống của bạn có giá trị và ý nghĩa hơn rất nhiều so với một mối quan hệ tình cảm hạn chế những cảm xúc, nhưng sự phát triển khác.
Hãy trân trọng bản thân, sống một cuộc đời ý nghĩa và hạnh phúc bên cạnh những người yêu thương bạn. Đừng để những cảm xúc tiêu cực như cuồng yêu, ám ảnh, chiếm hữu méo mó chi phối cuộc sống của bạn.
Xem thêm: Từ chuyện Thạch Trang, liệu mối quan hệ chớp nhoáng với một người xa lạ có an toàn?