#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt
Tuổi thơ chúng ta, hẳn ai cũng đã từng nghe qua cái tên Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. Ra mắt lần đầu vào năm 1941, đến nay đã hơn nửa thế kỷ nhưng tác phẩm văn học thiếu nhi này vẫn là quyển sách yêu thích của nhiều thế hệ độc giả Việt Nam, không kể là trẻ em hay người lớn.
Nhà văn Tô Hoài
Nhà văn Tô Hoài (1920-2014) tên thật là Nguyễn Sen. Ông sinh ra trong một gia đình thợ thủ công tại làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Với sự nghiệp văn chương đồ sộ, tích lũy sau gần 75 năm cầm bút, gồm các tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, tiểu luận, hồi ký, kịch bản phim…., Tô Hoài là một trong số những cây bút cuối cùng của thế hệ nhà văn đã tạo dựng một thời kì hoàng kim cho nền văn học Việt Nam hiện đại.
Nhà văn được nhận xét là “có năng lực quan sát và miêu tả tinh tường, sắc nhạy, vốn hiểu biết đời sống và phong tục các dân tộc khá phong phú, lối văn giàu hình ảnh và biến đổi nhịp điệu nhanh hoạt, những tìm tòi sáng tạo mới mẻ, độc đáo và từ ngữ, phương ngữ…” (Từ điển Văn học, bộ mới, 2004).
Từ ngữ và văn chương của Tô Hoài biến hóa muôn màu nhờ những hành trình đi, trải nghiệm, và viết không ngừng của ông suốt gần một thế kỷ, trong đó không thể không kể đến quãng thời gian tuổi thơ đơn sơ ở làng quê Bắc bộ. Trong Chiều chiều, ông kể vể “cái thuở bé sao mà lâu thế, dài thế”, cùng bọn trẻ trong làng đi bắt châu chấu, đi hun chuột đồng, đi bẫy rắn ráo. Tuổi thơ phong phú giúp cho những tác phẩm của Tô Hoài – đặc biệt là ở mảng truyện đồng thoại loài vật, truyện cho trẻ em – mang một phong cách riêng khó ai “bắt chước” được.
Bằng giọng văn giản dị, hiền lành “cái kiến củ khoai”, nhà văn Tô Hoài dẫn dắt độc giả vào thế giới của “cái ghế cười khanh khách, con mèo thủ thỉ trò chuyện, ông trăng biết nói”. Tuy tất cả đều là chuyện tưởng tượng của trẻ con, nhưng ẩn sâu bên trong lại là những bài học thâm thúy, gợi nhiều suy nghĩ cho bất kì ai.
Dế Mèn phiêu lưu ký
Trong số những sáng tác cho thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu ký – tác phẩm đầu tay của ông – có một vị trí vô cùng đặc biệt. Nhà phê bình Lại Nguyên Ân từng nhận xét “Trước năm 1945, các tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam, tiêu biểu là Dế Mèn phiêu lưu ký, hướng đến tính nhân loại, nhờ đó mà có giá trị lâu dài. Các tác phẩm về sau của ta không được như thế.”
Giá trị lâu dài của Dế Mèn phiêu lưu ký thể hiện qua “vũ trụ” côn trùng sinh động không khác xã hội loài người mà nhà văn đã xây dựng nên. Những tiên sinh Xén Tóc, võ sĩ Bọ Ngựa, rồi đại vương Ếch Cốm… là những hình ảnh biểu trưng cho các loại người trong xã hội mà ai trong chúng ta cũng đã, đang, và sẽ có dịp gặp gỡ.
Tô Hoài viết Dế Mèn phiêu lưu ký từ năm 17-18 tuổi. Tác phẩm ban đầu có tên Con dế mèn, với nội dung là 3 chương đầu của truyện, được NXB Tân Dân phát hành năm 1941. Sự đón nhận nhiệt liệt của độc giả là lý do để nhà văn Tô Hoài viết tiếp 7 chương cuối truyện. Đến năm 1955, ông gộp hai phần với nhau, tạo nên tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký quen thuộc với chúng ta ngày nay.
Bối cảnh tác phẩm chính là vùng Nghĩa Đô ven sông Tô Lịch, nơi Tô Hoài dành cả tuổi thơ với những trò đấu dế, đúc dế. Nhân vật chính là cậu chàng Dế Mèn sinh ra và lớn lên nơi vùng cỏ ấu ven đầm nước. Với bản tính ham chơi, cộng với sự chán nản cuộc sống an nhàn hiện tại, Dế Mèn quyết định một mình đi khám phá thế giới bên ngoài.
Xuất phát điểm là một “kẻ bắt nạt” ích kỷ và ngang ngược, ngòi bút của Tô Hoài đã đưa Dế Mèn đi qua những thử thách, gian nan, gặp nhiều gương mặt mới, và mỗi con vật nhỏ bé đó đều đã để lại cho nhân vật chính những bài học sâu sắc và đáng nhớ, biến Dế Mèn trở thành một người tử tế, tốt bụng, và biết yêu thương hơn.
Nhưng nếu chỉ đơn thuần kể lại những chuyến phiêu lưu của “một đàn côn trùng”, Dế Mèn phiêu lưu ký và nhà văn Tô Hoài đã không đi xa đến vậy. Tính đến nay, tác phẩm này giữ kỷ lục là quyển sách được tái bản nhiều nhất của NXB Kim Đồng, riêng phiên bản truyện chữ đã tái bản lần thứ 87. Ngoài ra, sách đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới, như Nga, Romania, Tiệp, Đức, Pháp, Nhật Bản, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ý,…
Ẩn sau câu chuyện của thế giới loài vật là những bài học sâu sắc và đắt giá cho thế giới loài người. Dế Mèn, Dế Choắt, hay Dế Trũi đều là những hình ảnh mà thông qua đó Tô Hoài gửi gắm những tư tưởng và triết lý nhân sinh của mình.
Bài học về thái độ sống
Cuộc gặp gỡ của Dế Mèn và Dế Choắt đã giúp ta nhận ra: sống phải biết người biết ta, và không nên đánh giá kẻ khác chỉ dựa vào ngoại hình của họ.
Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy!
Dế Choắt
Dế Mèn và Dế Choắt có ngoại hình cùng tính cách đối lập nhau. Trong khi Mèn là “một anh thanh niên cường tráng cùng với đôi càng mẫm bóng và những cái vuốt ở chân” thì Choắt “bẩm sinh yếu đuối, người gầy gò và trông chẳng khác nào một gã nghiện”.
Cậu chàng Dế Mèn ngày đầu vẫn còn là một gã trai ngạo ngược, kiêu căng, và chính điều đó đã gián tiếp gây ra cái chết của Dế Choắt, biến đây trở thành bước ngoặt cuộc đời Mèn.
Bài học về tình bạn
Sau chuyện xảy ra với Dế Choắt, độc giả có thể thấy sự thay đổi trong tính cách của Mèn. Chú ta biết cách quan tâm, giúp đỡ mọi người (tỉ như lúc giúp chị Nhà Trò xóa bỏ mâu thuẫn với bọn Nhện). Tuy nhiên, phải đến khi gặp gỡ và đồng hành cùng Dế Trũi trên bước đường phiêu lưu, Mèn mới thật sự khôn lớn.
Tôi hiểu rằng không nên chỉ xem vẻ bề ngoài mà coi thường người khác một cách hồ đồ như vậy.
Dế Mèn
Lần ngỡ lạc mất Trũi, Mèn có thêm được bài học lớn về tình bạn. Chú ta thôi ích kỷ và biết quý trọng người bên cạnh mình hơn. Đồng thời Dế Mèn nhận ra rằng, có trải qua những trận “lửa thử vàng gian nan thử sức” thì những người bạn mới có thể thấu hiểu và gắn bó với nhau hơn.
Bài học về sự trưởng thành
Không khó để nhận ra rằng, chuyến phiêu lưu của chú Dế Mèn là ẩn dụ cho quá trình trưởng thành của cậu, đưa nhân vật từ chỗ còn nhiều khuyết điểm đến một cột mốc hoàn thiện hơn.
Nếu Mèn không rời bỏ cuộc sống an toàn (nhưng nhàm chán) vùng đầm nước, có lẽ chú ta vẫn mãi mãi là một con dế choai bướng bỉnh, kiêu ngạo, không quan tâm gì đến người khác. Chính chuyến đi và những điều gặp phải trên đường, khó khăn có, vui mừng có, đã giúp biến chuyển Mèn. Trẻ con đọc vào thì vui, người lớn đọc vào ngẫm nghĩ. Chẳng phải chính chúng ta cũng đã (hoặc đang) trải qua hành trình tương tự?
Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài không hô hào khẩu hiệu, không cứng nhắc giáo điều mà nhẹ nhàng mang đến những bài học cuộc sống nhiều ý nghĩa. Chính vì thế, tác phẩm này vẫn được yêu thích đến ngày nay. Bên cạnh đó, nó còn tạo cảm hứng sáng tạo cho những loại hình nghệ thuật khác.
Năm 2018, Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) đã phối hợp cùng NXB Kim Đồng tổ chức triển lãm Dế Mèn phiêu lưu ký – Chạm tới những thế giới, với nhiều tác phẩm figure (tạo hình nhân vật) được thực hiện tinh xảo, độc đáo, hay các cảnh mô phỏng sự kiện trong truyện dựng bằng pop-up 3D.
Cuối 2018, nhạc kịch Dế Mèn phiêu lưu ký ra đời, kết hợp những chất liệu khác nhau của nhạc pop, rock, âm nhạc dân gian Việt Nam và cả nhạc cổ điển, với hy vọng “đưa Dế Mèn chạm được vào trái tim, tâm hồn của bạn yêu nhạc Việt, tạo tiền đề để nhà hát tiếp tục với những câu chuyện, sáng tạo khác thật gần gũi với người Việt và khác biệt trong mắt khán giả quốc tế” (chia sẻ của Nhạc trưởng Trần Nhật Minh – đồng viết kịch bản nhạc kịch Dế Mèn).
Gần đây nhất, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, NXB Kim Đồng cho ra mắt phiên bản mới của Dế Mèn phiêu lưu ký. Với phần minh họa độc đáo và sáng tạo của nữ họa sĩ Đậu Đũa, các nhân vật trong Dế Mèn lần đầu được khoác trên mình bộ Âu phục lịch lãm, thể hiện cái nhìn toàn cầu theo tinh thần “đi khắp thế giới kết anh em” trong tác phẩm, tạo sự gần gũi với độc giả đương đại.
Kết
Dế Mèn phiêu lưu ký là cuốn sách gối đầu giường của biết bao bạn đọc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không chỉ thiếu nhi – đối tượng chính của tác phẩm – mà ngay cả người lớn cũng có thể tìm thấy cho mình một lý do để đọc lại cuốn sách này mỗi năm, như một cách chiêm nghiệm cuộc sống, đồng thời tìm về miền ký ức tuổi thơ tươi đẹp, nơi người hùng giúp kẻ yếu, nơi cái thiện giành chiến thắng sau cùng.
Thảo luận về bài viết