Người ta thường nói nghề Developer là một công việc rất nhàm chán. Thật khó có gì vui khi một ai đó phải dính chặt bản thân trên ghế cả ngày, nhìn chằm chằm vào máy tính để gõ ra những dòng ký tự lạnh băng và căng mắt ra tìm những lỗi sai dưới dạng một dấu chấm, dấu phẩy nhỏ xíu.
Thế nhưng nếu nhìn lại cuộc sống, ta sẽ nhận ra phần lớn những thứ được gọi là nghệ thuật, những điều khiến con người rung động đều được tạo ra từ các mảnh ghép đơn điệu, tẻ nhạt nhất. Chúng ta làm nên một thế giới lung linh, tràn ngập cảm xúc chỉ với 12 tháng trong một năm. Những nhà văn chỉ nhờ 26-29 chữ cái, đã vẽ nên vô số các câu chuyện, không gian khác nhau khiến người đọc không thể rời mắt. Chỉ với 7 nốt nhạc, 7 gam màu chính mà những người họa sĩ, nhà soạn nhạc đã để lại những tác phẩm có thể chiến thắng mọi cột mốc thời gian.
Nguyễn Ngọc Thịnh — Chief Technology Officer
Không phải “ngõ hẹp” nào cũng tồi tệ và không phải “lối to” nào cũng tuyệt vời.
Mỗi ngày, anh dành phần lớn thời gian để code. Đơn giản là vì anh thích code. Nhưng anh lập trình theo những cách khác với trước kia và hiệu quả hơn gấp 3 lần. Bởi như mọi nghề nghiệp khác, khi mở rộng góc nhìn, ta sẽ hiểu việc lập trình là bức tranh về toàn bộ doanh nghiệp, cuộc sống chứ không dừng ở vài tính năng đơn thuần nhỏ lẻ.
Ở một công ty công nghệ như Loship, mỗi người là một chú ong trong cả một hệ sinh thái, chúng ta có thể làm việc đơn lẻ nhưng cần gắn bó mật thiết với nhau, vậy nên chỉ những thành viên ở team kỹ thuật làm lập trình là chưa đủ. Với vai trò là một CTO, anh vẫn phải code như thường và anh vui về điều đấy. Anh quan niệm rằng khi bạn bỏ code và tập trung vào những việc khác thì bạn sẽ không thể hiểu được những khía cạnh đang có vấn đề của sản phẩm.
Có thú vị hay không thì mỗi ngày đều là thử thách với anh.
Nguyễn Cường Thịnh – Product Manager
Thời gian đầu khi mới vào Lozi, anh làm ở vị trí Web Developer. Công việc chính của anh lúc đó là xây dựng, bảo trì website và phần dashboard của Lozi. Khi Lozi ra mắt dịch vụ Loship thì anh bắt đầu đảm nhiệm vị trí mới: Product Manager kiêm Project Manager. Trách nhiệm của anh là phát triển, cải tiến và vận hành app Loship một cách tốt nhất nhằm làm hài lòng và đáp ứng nhu cầu người dùng.
Khi là Developer, anh chỉ giao tiếp với những dòng code. Khi là Product Manager, anh phải giao tiếp với con người. Và khi đó, anh bắt đầu quan tâm hơn đến việc diễn tả một ý tưởng, một nhiệm vụ như thế nào để tất cả mọi người đều hiểu. Người Developer có xu hướng nói chuyện kỹ thuật, ngôn ngữ có phần “máy móc”, trong khi người Business thì dùng ngôn ngữ rất thực tế, rất “người”.
Nói vui thì anh giống như thông dịch viên, giúp cho người Business và người Developer có thể giao tiếp với nhau, từ ý tưởng, biến nó thành tính năng của sản phẩm. Đây là một trải nghiệm vô cùng thú vị, giúp anh học hỏi và phát triển rất nhiều về kỹ năng trình bày, kỹ năng làm việc nhóm và thuyết phục người khác.
Có lẽ anh là người bị réo tên nhiều nhất ở team Tech, vì anh được xem như một “cổng thông tin” giải quyết mọi vấn đề liên quan tới Tech và kỹ thuật. Nhưng điều đó làm anh vui. Xét cho cùng, lập trình cũng vẫn chỉ là một ngôn ngữ giao tiếp, và anh thấy công việc mình có ý nghĩa hơn khi có thể góp phần kết nối những ứng dụng trên máy móc với cuộc sống lung linh, đầy màu sắc con người.
Người Developer không chỉ viết code, họ còn phải biết kể về những câu chuyện sẽ xảy ra trong tương lai.
Trịnh Minh Quang, IOS Developer
Anh luôn giữ tư tưởng là kế hoạch đầu ngày sẽ chỉ luôn là kế hoạch mang tính tương đối. “Một sản phẩm nếu không có vấn đề thì sẽ là một sản phẩm chết”, và sản phẩm của mình thì luôn luôn sống, cho nên mọi vấn đề đều có thể xảy ra. Vì thế, ngoài việc code thì một ngày của anh vẫn có thể được xen vào bởi nhiều thứ – đó có thể là những vấn đề mới phát sinh cần được giải quyết ngay từ phía business, hoặc những kế hoạch bị thay đổi trong ngày.
Anh nghĩ rằng nếu chỉ ngồi code, thì đó sẽ là Coder, không phải Developer. Một người Developer phải biết được rằng mình đang code thứ gì, và chịu trách nhiệm với những thứ mình đang làm chứ không đơn thuần chỉ viết ra dòng code là xong.
Họ phải biết phát triển dòng code đó lên, suy nghĩ về tính dài hạn của project mình đảm nhiệm. Phải luôn giữ trong mình tư tưởng rằng những người viết dòng code chung với mình, trong tương lai họ có scale lên được không, có khả năng mở rộng hay gắn thêm nhiều thứ vào không? Đó là câu chuyện tuy chưa nhìn thấy tại thời điểm này nhưng sẽ luôn có khả năng xảy ra trong tương lai.
Thực tế rằng những Developer giỏi lại không bao giờ dành toàn bộ thời gian ngồi trong văn phòng và dán mắt vào màn hình với những dòng code.
Bọn anh muốn làm ra những ứng dụng đơn giản đến mức không cần hướng dẫn, mọi người mẹ vẫn có thể sử dụng được.
Ninh Văn Luyến, Android Developer
Với anh, lập trình là một “sự lãng mạn trong công việc khô khan”. Android Developer là một nghề rất thú vị. Việc tạo ra sản phẩm cho người khác sử dụng là một cái gì đó vô cùng hấp dẫn. Khi một người sử dụng sản phẩm do chính anh góp phần làm ra để phục vụ cuộc sống và thấy nó hữu ích, anh cảm giác như mình đang giúp đỡ được cho rất nhiều người.
Là một Android Developer, công việc chính của anh là phát triển, duy trì cũng như cập nhật ứng dụng chạy trên nền tảng Android. Bên cạnh đó, anh cũng sẽ cần nghiên cứu, đưa ra những giải pháp, đề xuất tính năng mới phù hợp với nhu cầu của người dùng.
Môi trường tại startup luôn khuyến khích mọi người đóng góp ý tưởng. Điều này không chỉ giúp công ty tạo ra nhiều giải pháp, nó còn giúp mọi người tham gia tích cực hơn và cảm thấy những đóng góp của mình có giá trị hơn. Từ những mảnh ghép nhỏ đấy, anh tìm thấy những viên kẹo bọc đường trong công việc của mình.
Ở Loship, bọn anh thường nói đùa với nhau là: “Hãy làm ra những sản phẩm đơn giản đến mức mẹ bạn có thể dùng mà không cần hướng dẫn.” Đó hẳn là một trong những điều vô cùng lãng mạn, nhất là khi anh để đầu óc lang thang, ngắm nhìn những chú cá cảnh đang bơi trong bể cá để bàn và nghĩ về công việc của mình đã giúp được cho bao nhiêu người có việc làm, có một cuộc sống dễ dàng, thuận tiện hơn.
Năm 2020, bộ phim Hàn Quốc Start-Up đã khắc họa bức tranh vô cùng rõ nét về câu chuyện của các bạn trẻ đang khởi nghiệp trong mảng khoa học, công nghệ. Mỗi phát minh và sự tiến bộ của khoa học, công nghệ đều nói lên ước mơ của con người.
Từ xa xưa, con người đã mong có đôi cánh của loài chim để có thể chinh phục bầu trời, vậy là máy bay ra đời. Chúng ta muốn thoát khỏi sự tối tăm, mù mịt của màn đêm, thế là đèn điện được phát minh. Đến gần đây, internet và điện thoại thông minh đã có những bước phát triển vượt bậc nhằm đáp ứng khao khát kết nối mọi lúc mọi nơi với tất cả mọi người.
Mỗi tiến bộ đó đều gắn liền với vô số định kiến như: “làm khoa học là khô khan”; “làm lập trình là nhàm chán”. Nhưng từ ứng dụng “Đôi mắt” của Dosan, người ta nhìn thấy tình thương, sự chăm sóc dành cho một người bà xa lạ có dấu hiệu suy giảm thị lực.
Qua những chia sẻ về Developer của Loship nói riêng và ngành công nghệ giao hàng nhanh nói chung, ta thấy những người làm nghề đã nuôi mong muốn về một gia đình sau ngày làm việc mệt mỏi vẫn chuẩn bị được một bữa ăn ngon mà không cần tranh cãi xem ai phải đi rửa bát, về những người mẹ nếu muốn tìm đồ ăn đêm khi đói bụng có thể dễ dàng đặt món qua điện thoại mà không cần cặm cụi vào bếp rang cơm, và cũng là về những người đang sống độc thân nếu một ngày bị ốm sẽ không còn phải lo lắng xem liệu ai sẽ mua thuốc cho mình.
Để tạo nên những viễn cảnh dịu dàng và dễ chịu thế, rõ ràng Developer không thể là một nghề nhàm chán.
#WeWarrior là chuỗi bài viết do The Millennials Life và Loship hợp tác sản xuất. Series này là nơi kể về những sợi dây kết nối giữa con người, công nghệ và nụ cười.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
WorkHoursLove: Nguyễn Khoa Mỹ – Trong khó khăn, không có cách này thì có cách khác
WorkHoursLove: Thu Bùi – Thông điệp tạo ra cần chạm đến cả cái đầu và con tim người nghe
WorkHoursLove: Những thách thức về nhân sự trong và sau đại dịch toàn cầu COVID-19
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…