#WorkHoursLove là series các câu chuyện thú vị về mọi ngành nghề, thể hiện tinh thần tích cực, tiến bộ của người Việt Nam do The Millennials Life hợp tác sản xuất nội dung với cộng đồng Digikigai
Là một nhà lãnh đạo, mỗi lời bạn nói đều có giá trị giúp xây dựng và củng cố đội ngũ nhân sự của mình. Nói làm sao để nhân viên nhìn thấu những gì bạn thấy, truyền cảm hứng những gì bạn quan tâm và tạo sự đồng thuận với tầm nhìn của tổ chức là một nghệ thuật quan trọng.
Kỹ năng này đã được các CEO và nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới sử dụng. Bởi, sau mỗi một công ty lớn đều có một câu chuyện và người lãnh đạo chính là người kể câu chuyện thương hiệu của họ tốt nhất. Với sự dẫn dắt khéo léo của chị Trang Đinh – Academy Director JobHopin cùng kinh nghiệm 13 năm của chị Thu Bùi (CSO & CEO & AUTHOR ICTS Training & Coaching) trong lĩnh vực đào tạo, truyền cảm hứng và “bí thuật” Storytelling, chắc chắn bạn sẽ “ngộ ra” nhiều điều sau buổi trò chuyện.
Đôi nét về diễn giả:
– Một trong số ít những Huấn Luyện Viên chuyên về Thuyết trình trước công chúng và Kể chuyện được chứng nhận của Liên đoàn Khai vấn quốc tế ICF Việt Nam;
– Tham gia đào tạo cho các doanh nghiệp lớn đầu ngành, huấn luyện riêng cho CEO, lãnh đạo, nhà khởi nghiệp, …;
– Tác giả đầu tiên tại Việt Nam xuất bản sách về chủ đề Storytelling – Lãnh đạo thuyết trình bằng câu chuyện;
– CEO của ICTS Training & Coaching, chuyên cung cấp các gói đào tạo, huấn luyện chuyên sâu, giúp các doanh nghiệp xây dựng đội ngũ lãnh đạo và quản lý với năng lực truyền thông đầy thuyết phục.
Bài viết được The Millennials Life biên tập từ
nội dung podcast Conveying Thought Leadership with Storytelling
Chào chị Thu, chị có thể chia sẻ về cơ duyên nào đã dẫn chị đến với con đường đào tạo và trở thành chuyên gia về storytelling – nghệ thuật kể chuyện hay không?
Mình tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm và đã sớm dấn thân vào lĩnh vực đào tạo ngay khi rời Đại học. Sau 13 năm làm việc, mình nghĩ đến chuyện tách ra, làm freelancer và startup công ty. Đã quen chuyện làm cho doanh nghiệp nên ban đầu mình rất đắn đo, không biết nên làm gì. Mình mong muốn tìm cho bản thân một ngách riêng.
Bản thân mình luôn tâm niệm rằng kỹ năng giao tiếp là một kỹ năng vô cùng thiết yếu, cần thiết không chỉ với nhân viên mà còn cho những người ở cấp bậc lãnh đạo. Sau thời gian “lăn lộn” tìm tòi, mình nhận thấy mọi người đề cao khả năng truyền tải thông điệp, nhưng có một lỗ hổng quan trọng chưa được khai thác là xây dựng nội dung và tạo nên những thông điệp có khả năng tác động cao.
Chính vì vậy, mình chủ động tìm chân kiềng với từ khóa content – bắt vào nó, và “bay” ra bên ngoài để học. Mình nhận ra rằng khi nói đến content, storytelling không những hay mà còn có tính ứng dụng cực kỳ cao. Mình quyết tâm đi sâu học hỏi, đến nay là được khoảng 3 năm. Mình thấy may mắn vì được làm điều mình yêu thích và cũng thích điều mình đang làm luôn.
Để đi vào chi tiết nội dung thảo luận của chủ đề ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nói về khó khăn mà không ít người gặp phải, đó là khi nhân viên không thấm thía được nội dung mà nhà lãnh đạo muốn truyền đạt. Theo chị thì đâu là những lý do thường gặp dẫn đến việc này?
Mình nói qua về case study bán hàng bằng câu chuyện của eBay. Ban đầu, họ cho bày bán những món đồ chơi lặt vặt, với giá mỗi món như vậy dao động 2-6 USD. Câu hỏi đặt ra ở đây là có cách nào để bán những món này với giá cao hơn hay không.
Sau đó, eBay quyết định kết nối với các nhà báo để viết ra câu chuyện cho những món đồ đó. Kết quả, có một món đã đạt mức đấu giá kỷ lục nhờ được đặt cạnh một câu chuyện cảm động và một thông điệp có liên quan đến sản phẩm.
Qua case study trên, chúng ta nhận thấy khi thông điệp chạm được đến khách hàng thì hành động mua hàng cũng sẽ được thúc đẩy. Quay lại việc nhân viên không hiểu được nhà lãnh đạo, mấu chốt vấn đề nằm ở 2 việc: thông điệp của mình, và khả năng mà thông điệp chạm được đến đúng điều khán giả quan tâm.
Lãnh đạo cũng là một người bán hàng. Họ không bán sản phẩm như eBay, mà bán ý tưởng, kiến thức, kinh nghiệm, chiến lược cho nhân viên, cho đội ngũ của mình. Thông điệp tạo ra cần chạm được vào cả phần lý trí và cảm xúc – tức cả cái đầu và con tim – của nhân viên, để họ thấy được tạo động lực, được truyền cảm hứng, từ đó hành động theo tầm nhìn và định hướng mà công ty đề ra.
Chị Thu đã từng chia sẻ một bài viết nói về tư duy lãnh đạo, với ý chính là “Có 3 yếu tố chính thể hiện tinh thần của một nhà lãnh đạo tích cực: tầm ảnh hưởng (influence), sự tác động (impact), và truyền cảm hứng (inspiration)”. Vậy chúng ta có thể gia tăng 3 yếu tố này bằng cách nào với storytelling?
Robin Sharma có một thông điệp rất hay, đó là chúng ta vẫn có thể học hỏi để trở thành một nhà lãnh đạo dù không cần một chức danh nào. Nhà lãnh đạo đầu tiên của chúng ta không phải là chính mình đó sao? Mỗi người đều mong muốn mang đến nhiều giá trị hơn cho cuộc sống, làm cho bản thân mình có ý nghĩa và thú vị hơn mỗi ngày.
Có nhiều cách để tạo sự ảnh hưởng, không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cộng đồng bên ngoài nữa. Phổ biến nhất hiện nay là dùng mạng xã hội. Những việc trông đơn giản như viết và đăng tải post lên social media cũng có thể hàm chứa nhiều ý nghĩa, như là mong muốn tạo ảnh hưởng, giúp người khác trở nên tốt hơn.
Về phía lãnh đạo doanh nghiệp, nếu chỉ đơn thuần nói về doanh số, lợi nhuận, tính toán các con số thì sẽ không đủ để truyền cảm hứng hay khơi gợi động lực cho nhân viên. Storytelling là một phương án “chạm” cảm xúc rất tự nhiên. Mình muốn nhắc đến trường hợp của Steve Jobs – bậc thầy về storytelling trong môi trường doanh nghiệp. Chúng ta đều biết ông là một doanh nhân, một người lãnh đạo, đồng thời cũng không thể phủ nhận khả năng giao tiếp vô cùng truyền cảm hứng của ông.
Đỉnh điểm về năng lực thuyết trình kể chuyện này là bài phát biểu ra mắt sản phẩm iPhone năm 2007. Đây là bài nói giúp đưa iPhone vươn tầm, nghiễm nhiên trở thành một sản phẩm công nghệ đỉnh cao. Steve Jobs dùng chính khả năng giao tiếp của mình để truyền cảm hứng cho người khác. Phân tích cấu trúc bài thuyết trình của Steve Jobs thì đó chính là cấu trúc kể chuyện. Ông tập trung nói về câu chuyện và những giá trị thay đổi mà iPhone mang lại cho người dùng.
Theo một nghiên cứu của Đại học Stanford thì câu chuyện có khả năng ở lại trong trí nhớ của con người cao hơn 22% so với các dữ kiện theo hướng thông tin, số liệu. Chúng ta không “chống đối” câu chuyện. Nó có khả năng khơi gợi cảm xúc rất mạnh mẽ và tạo ra sức ảnh hưởng rất lớn. Xem video nói về câu chuyện ai đó ham thích thể dục, tự nhiên chúng ta cũng sẽ thấy có động lực muốn đi tập, chứ không cần phải nghe những thứ như “tập thể dục tốt cho sức khỏe”, “tập thể dục giúp giảm mỡ máu”, …
Xem một bộ phim, nghe một câu chuyện kể, qua nhiều năm, có thể chúng ta không còn nhớ chính xác nội dung nữa, nhưng thông điệp và ý nghĩa của câu chuyện đó thì vẫn còn lại với chúng ta. Tác động của kể chuyện rất lớn. Do đó, mình tin là với những ai đang muốn truyền cảm hứng, tạo động lực, thì storytelling là một công cụ rất nên được tìm hiểu.
Nhiều người cho rằng: Cảm xúc là chìa khóa để có thể truyền đạt nội dung câu chuyện thành công. Vậy chúng ta cần làm gì để kể được một câu chuyện thật sự có cảm xúc để đi vào lòng người?
Chúng ta kể chuyện hầu như mỗi ngày: hôm nay nói về sếp trên công ty, tuần rồi dùng món đồ nào thấy ưng, tham gia chương trình gì thấy hay. Việc cần làm là làm sao để kể được câu chuyện có ý nghĩa, có tầm ảnh hưởng, và có sức tác động.
Kể chuyện cần đặt cảm xúc, nhưng cảm xúc nhiều quá đôi khi lại thành ra kể lể. Muốn vừa kể được câu chuyện có cảm xúc vừa không kể lể, bạn cứ hình dung mình đang làm một ổ bánh mì ngon miệng, đẹp mắt. Trước tiên, chúng ta cần biết nguyên vật liệu, công thức – tức những thứ căn bản nhất để tạo ra một ổ bánh mì, rồi sau đó mới có thể làm cho nó đẹp hơn, thơm hơn.
Storytelling cũng vậy. Bạn cần phải nắm rõ những “nguyên liệu” tạo thành câu chuyện trước, sắp xếp chúng theo trật tự thích hợp, sau đó mới “rắc” thêm cảm xúc vào.
Cảm xúc của người kể chuyện phần nào sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc và tâm lý của người nghe. Nhân viên thường chia sẻ rằng họ có xu hướng tôn trọng và cảm mến với những người sếp có tư duy và tinh thần tích cực, vì họ cảm thấy được tiếp thêm động lực để làm việc. Vậy bản thân nhà lãnh đạo làm thế nào để luôn giữ được tinh thần tích cực, chị có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm để nuôi dưỡng sự tích cực được không?
Trong sách 7 Thói Quen Hiệu Quả, tác giả Steven Covey có chia sẻ một bí quyết giải quyết vấn đề khá đơn giản: vẽ ra 2 vòng tròn, vòng bên trong là vòng tròn kiểm soát, vòng rộng hơn bên ngoài là vòng không kiểm soát được. Và cái chúng ta cần làm là tập trung vào vòng tròn bên trong.
Lấy ví dụ, khi trời mưa thì chúng ta tất nhiên không thể điều khiển thời tiết rồi, chỉ có thể quản lý chuyện “Tôi sẽ làm gì khi trời mưa?”. Đứng trước bất cứ vấn đề nào, cứ đặt câu hỏi rằng bạn kiểm soát được điều gì rồi tập trung thời gian, năng lượng vào những thứ mình có thể làm để giải quyết vấn đề đó thay vì phàn nàn. Đây là một cách rất hay để nuôi dưỡng năng lượng tích cực.
Với những người mang trọng trách lãnh đạo tư tưởng (thought leader), tư tưởng bên trong là nội lực quan trọng giúp họ vượt qua bão bên ngoài. Tư tưởng của họ là thứ dẫn dắt người khác, cũng là thứ dẫn dắt chính họ.
Những nhà lãnh đạo startup là những người có nhiều ý tưởng mang lại giá trị, cuộc sống tốt đẹp cho nhiều người. Chính sứ mệnh đó “lôi” họ đi, thúc đẩy họ, khiến họ lúc nào cũng nhiều năng lượng. Do đó, chúng ta cần dành thời gian suy nghĩ về điều ý nghĩa nhất với bản thân, về sứ mệnh, khát vọng của mình, xem đâu là điều khiến mình giúp mình thức dậy mỗi ngày.
Cách lựa chọn nội dung của câu chuyện và thời điểm để kể chuyện cũng là 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến độ thành công của câu chuyện. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, chị có thể chia sẻ thêm với mọi người về 2 yếu tố: nội dung và thời điểm mà chị quyết định áp dụng storytelling không?
Đây là 2 yếu tố then chốt. Một câu chuyện hay, kể không đúng thời điểm thì cũng không đem lại hiệu quả gì cả. Trước tiên, chúng ta cần có nhân vật. Đây có thể là bất cứ ai, là bạn, là sếp bạn, là công ty, là nhãn hàng, … Nhân vật thông thường sẽ có khát vọng, mục tiêu và có thách thức. Tiếp đó là giải quyết câu hỏi: Họ đã vượt qua thách thức như thế nào để đạt được mục tiêu?
Về nội dung, thì có 2 loại câu chuyện: những câu chuyện truyền động lực (motivating story) với cái kết có hậu, tương lai tươi sáng và những câu chuyện có tính đe dọa (warning story). Người lãnh đạo sẽ cần suy nghĩ xem ngay tại giai đoạn này của tổ chức, họ cần kể câu chuyện nào. Quyết định này phụ thuộc 2 yếu tố nữa: chủ đích của người kể và đối tượng người nghe mình đang hướng đến (khán giả là ai và họ đang ở đâu trong hành trình doanh nghiệp).
Để đánh giá về mức độ thành công của một câu chuyện khi được kể ra, chị thường nhìn trên các tiêu chí nào?
Kể chuyện không có chủ đích thì sẽ thành ra kể lể. Có nhiều cách để đánh giá mức độ thành công của kể chuyện, nhưng mấu chốt quan trọng chỉ có một: đó là đo lường mức độ tác động của câu chuyện lên người nghe, xem suy nghĩ cũng như hành động (thái độ) của khán giả như thế nào sau khi nghe câu chuyện.
Chị Thu có lời khuyên hay tips nào cho các nhà lãnh đạo trẻ khi mới bắt đầu áp dụng storytelling?
Thực tế, storytelling không mới, nhiều người đã và đang làm công việc này rồi. Dù vậy, nhưng chúng ta vẫn cần chú tâm để “mài bén” kỹ năng của mình. Đầu tiên, cần tìm hiểu và khám phá về phương pháp này, bằng cách đọc sách hoặc xem video. Sau đó là xác định đối tượng khán giả cũng như trạng thái của họ để tiến đến áp dụng câu chuyện phù hợp.
Bạn sẽ cần viết ra một danh sách khoảng 10 câu chuyện có thể sử dụng, ví dụ như personal story (câu chuyện chính mình), mission story (về giá trị, mục tiêu của mình), company hoặc brand story (câu chuyện doanh nghiệp, nhãn hàng). Những câu chuyện này sẽ giúp vai trò lãnh đạo của bạn được rõ nét hơn. Học, làm, và điều chỉnh thì dần dần kỹ năng của bạn sẽ được nâng cao.
Cảm ơn chị Thu Bùi vì buổi trò chuyện này!
Xem lại toàn bộ nội dung Fireside Chat: JobHopin Podcast
Tham gia Digikigai và theo dõi thêm các số sau: Cộng đồng Digikigai
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Thảo luận về bài viết